Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
ASEAN từ một quan sát địa - ngôn ngữ học
Báo cáo này của chúng tôi sẽ tập trung nhận xét các điểm sau đây:

1. Địa - ngôn ngữ học (Geolinguistics) vốn có nguồn gốc châu Âu đã góp phần minh định bản đồ phương ngữ của nước Đức hồi thế kỷ 19, rồi nó được khoa ngữ học hiện đại tiếp thụ, nhất là về phương pháp, giúp ta nhìn nhận sự tập hợp và phân bố ngôn ngữ khu vực từ cái nhìn của địa lý học. Mà địa lý thì bao giờ cũng gắn với kinh tế, dân cư và xã hội. Bởi vậy, với cái nhìn Địa ngôn ngữ học ta sẽ nhìn rõ hơn các đặc thù của một không gian chính trị - xã hội nào đó đang hiện hữu và phát triển. ASEAN là một trường hợp như vậy.

2. Người Trung Hoa có câu: :” Thế lớn trong thiên hạ bao giờ cũng vậy: Cứ lâu lâu, tan rồi lai hợp, hợp rồi lại tan” ( La Quán Trung, câu mở đầu “Tam quốc Diễn nghĩa). ASEAN vào tuổi bốn mươi đang vào lúc hợp và tiếp tục tăng cường mở rộng các hoạt động hợp tác và hội nhập. Một cái nhìn hồi quan cho ta thấy thoạt kỳ thuỷ đây là một liên minh chính trị mang màu sắc quân sự thể hiện caí không khí đối đầu của thời chiến tranh lạnh và cuộc chiến tranh ở Việt nam. Cái tên “ Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á” (ASEAN, 1967) đã cho thấy mối quan hệ liên minh không có nhiều tiêu chí về địa lý, kinh tế và văn hoá. Thế mà nay chính nó đang hướng tới cái đó và muốn tiến lên bằng cái đó.

3. ASEAN, xét về địa lý là một nhóm nước gồm có đất liền, bán đảo và đa đảo, lập thành một cái lòng chảo giữa Ân Độ và Trung Hoa, lại nằm chính giữa con đường hàng hải Tây-Đông, nối Ấn Độ Dương và Thái Bình dương. Rõ ràng rất thuận tiện cho việc giao thương và có ý nghĩa quan trọng về Địa kinh tế và Địa chính trị. Tuy nhiên về cư dân và văn hoá thì khu vực này lại không phải là một hợp thể. Tính đa dạng, nhiều chiều, thậm chí khu biệt về văn hoá giữa các quốc gia có làm phân tán khả nănghướng tới một nhất thể kiểu châu Âu, Tây Á, Caribê hay Nam Mỹ.

4. Có ba vấn đề lớn liên quan đến Địa ngôn ngữ học tại khu vực này . Thứ nhất là bản đồ ngôn ngữ khu vực phân bố khá đa dạng, khu biệt và phi tập trung. Thứ hai là tiếp xúc ngôn ngữ với bên ngoài cũng rất khác nhau, đa dạng và nhiều chiều. Điều đó đã có ảnh hưởng quyết định tới các chính sách ngôn ngữ truyền thống của mỗi Quốc gia, và nhìn rộng ra toàn khu vực, sẽ có ảnh hưởng tới chính sách ngôn ngữ của ASEAN thời hội nhập. Có lẽ sự phân tán ngôn ngữ là một trở ngại cần vượt qua trên con đường hướng tới tính cộng đồng của các nước trong hiệp hội.

5. Có lẽ trên thế giới ít có khu vực nào hẹp bằng Đông Nam Á mà lại có mật độ ngôn ngữ dày đặc và đa dạng như ở đây. ASEAN chia thành hai nhóm nước: đất liền và đa đảo/bán đảo. Các nước trên đất liền nằm giữa hai tiểu lục địa Ân Độ và Trung Hoa có những đặc điểm ngôn ngữ rất khu biệt. Mặc dù một số ngôn ngữ có mối liên hệ nguồn gốc Nam Á (như tiếng Việt) nhưng xét về loại hình đa số chúng là những ngôn ngữ đơn lập và có thanh điệu (Việt, Lào, Thái, Miến…), trong khi đó các ngôn ngữ đa đảo/bán đảo (Melayu, Tâgalog, từ Sumatra đến Philipin có cấu trúc hình thái pha chắp dính. Vòng quanh cái lòng chảo ASEAN còn có hàng trăm ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong khu vực bị chi phối bởi những ngữ tộc khác nhau: Hán Tạng, Mèo Dao, Môn Khơme trên đất liền và các ngôn ngữ Malay - Polinessia ở ngoài biển. Chúng có thể có những tiếp xúc, di chuyển nhưng cơ bản là vẫn khư trú theo khu vực địa lý. Ngôn ngữ, văn hoá và tôn giáo gắn quyện với nhau theo những tuyến đồng ngữ quốc tế (International Isoglos) khu biệt cương vị của các khu cư dân. Trong quá khứ, do sức sản xuất phát triển thấp và chậm, khả năng trao đổi kinh tế trong khu vực này rất thấp và hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng của mỗi quốc gia. Đến khi chủ nghĩa kinh tế tư bản xuất hiện thì các tiếp xúc và trao đổi với bên ngoài lại là chính, khối luợng hàng hoá và các giao dịch trong nội khu vực là rất hạn chế. Trước năm 1945 hầu như cả khu vực rơi vào quỹ đạo của chủ nghĩa thực dân (Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Mỹ) các giao dịch thuơng mại và văn hoá của các Quốc gia thuộc địa chủ yếu hướng tới các nước chính quốc, vì vậy các trao đổi có tính khu vực lại càng hạn chế. Cái cảnh “ gần nhà xa ngõ” giữa các quốc gia Đông Nam Á là thực tế trong suốt một thời gian dài.

6. Tiếp xúc ngôn ngữ là một phổ niệm của địa ngôn ngữ. Cảnh huống tiếp xúc ngôn ngữ ở khu vực địa lý ASEAN cũng không giống như châu Âu, Tây Á hay Caribê. Có hai vấn đề lớn là ngôn ngữ và văn tự trong tiếp xúc. Trên phương diện ngôn ngữ, do tính đa dạng về loại hình ( cấu trúc ngôn ngữ), cộng với những cơ hội và rủi ro trong lịch sử, bản đồ tiếp xúc các ngôn ngữ ở đây cũng có hai nét: tiếp xúc nội khu vực và tiếp xúc với bên ngoài. Tiếp xúc ngôn ngữ với bên ngoài, trong quá trình lịch sử, chịu ảnh hưởng của di dân , thương mại và tôn giáo. Hai tuyến chính của các tiếp xúc vẫn thuộc về Ấn Độ và Trung Hoa. Tiếng Hán trong phạm vi khu vực đã có tiếp xúc với tiếng Nhật, Hàn và đi về phía nam tiếp xúc với Việt đã hai ngàn năm, sau đó tiến xuống phía nam gặp các ngôn ngữ Nam Á ở Malay và Singapore. Tuy nhiên cách thức tiếp xúc rất khác nhau: tiếng Việt đã hình thành cách đọc Hán Việt rất đặc sắc và không lặp lại ở các quốc gia phía Nam. Malay, Singapore và một phần đa đảo có các cộng đồng dân cư nói tiếng Hấn như một thành tố ngôn ngữ Quốc gia, dầu vậy tiếp xúc Hán với ngôn ngữ bản địa không lớn, không tạo ra sự khuếch tán đáng kể và cũng không tạo ra một sản phẩm đáng kể nào trên phương diện cấu trúc và cả chức năng. Việt Nam không có cộng đồng ngôn ngữ cư dân Hán kiểu như vậy. Khu vực Chợ Lớn ở TP Hồ Chí Minh có khá đông người Hoa sinh sống nhưng tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ chính trong mọi giao dịch và các hoạt động xã hội. Các ngôn ngữ từ tiểu lục địa Ấn Độ xuống Đông Nam Á đã có những tiếp xúc liên loại hình và có những liên thông nhất định. Rõ ràng là các tiếp xúc này diễn ra với đa đảo từ Sumatra đến đông Timor của Inđonesia và liên đảo/bán đảo của Malaysia là tiếp xúc mở và các tiếp xúc trong cấu trúc ngôn ngữ ( từ vựng và hình thái học) là rõ hơn so với các tiếp xúc Hán &Thái. Từ thế kỷ 17, khi nền kinh tế tư bản phương tây phát triển thì khu vực Đông Nam Á bắt đầu có thêm tiếp xúc ngôn ngữ mới. Giao thương và truyền giáo cơ đốc đã mang ngôn ngữ châu Âu đến những bờ bến lạ. Các ngôn ngữ Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan đã lần lượt tiếp cận các ngôn ngữ bản địa. Nhưng ngay sau đó các tiếp xúc này bị phân chia theo khu vực thuộc địa : đông Dương với tiếng Pháp, Miến §iện và Malay với tiếng Anh, Inđô với tiếng Hà Lan, Philipin lúc đầu là Tây Ban Nha sau đó là tiếng Anh (sau khi trở thành thuộc địa Mỹ,1898). Sự tiếp xúc này thổi một luồng gió khác vào các ngôn ngữ bản địa , nhưng sự chia cắt thuộc địa đã dẫn đến việc tăng cường trạng thái :” gần nhà xa ngõ “ giữa các quốc gia cho đến tận thời điểm hiện nay.

7. Trong khi đó nếu nói về tiếp xúc ngôn ngữ trong nội khu vực thì bức tranh ngôn ngữ cũng khá phân tán: Năm quốc gia nằm trên lục địa ( ba nước Đông Dương, Thái Lan và Mianma, ngoài đường biên giới lãnh thổ, có một bản đồ ngôn ngữ bị phủ rộng bởi các ngôn ngữ Thái, Việt và Môn-Khơme và các tiếp xúc ngôn ngữ là rõ rệt. Các ngôn ngữ có nguồn gốc Nam Á hiện diện ở một vài khu vực (chẳng hạn như ở Tây Nguyên, Việt Nam) chỉ khư trú địa lý tại một địa bàn cụ thể còn thì rất ít tạo ra các tiếp xúc với tiếng Việt. Trong khi đó, tại khu vực đa đảo, tiếp xúc nội bộ lớn nhất lại diễn ra với tiếng Meleyu. Vốn là ngôn ngữ của mộ bộ phận cư dân Malay và Inđô. Các tiếp xúc của ngôn ngữ này dưới ảnh hưởng của việc quảng bá hồi giáo đã có những kết quả trông thấy là việc mở rộng địa bàn sử dụng ngôn ngữ Maleyu trong các quốc gia Malaysia, Inđônesia, Bruney, Singapore như một không gian riêng, khu biệt với nhóm nước lục địa. Là một ngôn ngữ đông người nói thuộc biển §ông nhưng tiếng Tâgalog ở Philipin tuy có sự tiếp xúc với đất liền và hải đảo ở phía tây ( với ngôn ngữ Maleyu), nhưng nó còn hướng ra phía đông tiếp xúc với các ngôn ngữ có cội nguồn ở Tây Thái Dương Sự khác nhau về văn tự trong lịch sử giữa các quốc gia cung tất yếu dẫn đến các khu biệt về văn hoá (thuộc quần đảo Niu Ghinê và đa đảo khu vực).

8. Tiếp xúc ngôn ngữ trên địa hạt văn tự ( chữ viết) cũng là một nét đặc thù của khu vực này. Hai dòng văn tự Ấn và Hán cũng khởi nguồn cho các tiếp xúc văn hoá và tôn giáo trong khu vực. Chứ viết có nguồn gốc Ấn Độ cổ (Xanscrit) được dùng để truyền bá kinh Phật về phía đông đến Tây Tạng và Trung Quốc, về phía Nam đến các quốc gia Banglades (ngày nay) , Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia. Sự tiếp xúc này, mà ngày nay nhiều quốc gia vẫn dùng chữ viết gốc Phạn, đã mang theo một khuếch tán khá lớn từ ảnh hưởng các ngôn ngữ gốc Ấn với nhóm Tày - Thái và Môn-Khơme, nhất là trên phương diện từ vựng, nhân danh và địa danh. Khác với chữ Phạn, chữ Hán đi xuống phía Nam bằng một kênh khác là con đường khoa cử, và quảng bá giáo lý của Nho giáo. Nơi tiếp xúc văn tự Hán mạnh nhất là Việt Nam, trước khi xuất hiện văn tự âm vị học (chữ Quốc Ngữ), người Việt đã căn cứ vào lối đặt chứ khối vuông của tiếng Hán để chế tác ra chữ Nôm, cũng còn có một vài văn tự khác của các dân tộc thiểu số Việt Nam được làm theo cách tương tự. Sự khác biệt trong văn tự đã củng cố thêm những nét khu biệt văn hoá giưa các cộng đồng cư dân trong khu vực. Chữ Roman ngày càng có ưu thế trong khu vực giúp tăng cường một phần việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chung cho các giao dịch của ASEAN.

9. Bây giờ xét đến chính sách ngôn ngữ. Nói đến chính sách là nói đến sự hoạch định quốc gia các chủ trương về ngôn ngữ xuất phát từ thực tế và mong muốn của mỗi nước. Bản đồ ngôn ngữ ASEAN khá phức tạp. Phần lớn các trong hiệp hội là quốc gia đa ngữ (Việt Nam, Lào, Thái Lan, Malaysia,…). Tuy mỗi quốc gia có một ngôn ngữ đa số nổi lên nhưng nó không che lấp những mảng màu của các ngôn ngữ khác và sự chênh lệch về mức độ phát triển và khả năng sử dụng trong đời sống xã hội tồn tại như một tất yếu. Việc hoạch định các chính sách ngôn ngữ quốc gia lệ thuộc vào nhiều tính toán khác nhau, trong đó thường phải kể đến, chẳng hạn, số dân bản ngữ đa số, thực tế của sự phân bố ngôn ngữ theo dân cư, quá trình di dân trong lịch sử và hiện tại, truyền thống văn tự, các tiếp xúc ngôn ngữ, ý thức của người bản ngữ, truyền thống ngôn ngữ trong thi pháp nghệ thuật, …

10. Chính sách ngôn ngữ cụ thể, liên quan đến địa ngôn ngữ học, của các quốc gia trong hiệp hội ASEAN khá uyển chuyển. Trên khu vực lục địa, ba nước §ông Dương và Thái Lan, Mianma, mỗi nước có một ngôn ngữ của dân tộc đa số được chọn làm ngôn ngữ quốc gia ( Việt hơn 80%, Lào 70%, Thái gần 90%, Miến 70%, Khơme hơn 80%), và trong nội bộ mỗi ngôn ngữ quốc gia chính sách ấy cũng đuợc thể hiện khác nhau: Nhà nước Việt nam coi tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia đồng thời chủ trương phát triển và bảo lưu giá trị của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Lào cũng có một chính sách về bình đẳng các ngôn ngữ dân tộc, trong khi Thái Lan không công khai những quy định như thế. Tại quốc gia này dường như người ta khuyến khích việc hội nhập các ngôn ngữ thiểu số với ngôn ngữ quốc gia là tiếng Thái, trừ các ngôn ngữ Hoa và Mãlai. Tình hình ở các nước đảo/bán đảo lại có nét khác với lục địa. Tại ba quốc đảo Malaysia, Inđônêxia và Bruney tiếng Maleyu nổi lên như một ngôn ngữ chính thức nhưng chưa đại diện hoàn toàn cho ngôn ngữ cư dân. Tiếng Maleyu có nguồn gốc Nam Á thuộc ngữ lệ Malay-Polynesia. Lúc ban đầu nó là ngôn ngữ của cộng đồng Melayu (Prôtô-Malay) khoảng 60% dân số quốc gia này và một phần bản địa Inđônesia và lân cận (nếu mở rộng, có thể nhắc đến cả một vài ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt nam như tiếng Chăm, Ê đê, Giarai,…), sau đó tiếng Melayu được bổ sung từ ngữ qua các tiếp xúc đông – tây, nó mở rộng phạm vi sử dung và trở thành một ngôn ngữ được đa số người nói ở cả Inđonêxia (gần 90% của khoảng 200 triệu dân). Từ thực tế đố, ba quốc đảo đã thống nhất tăng cường ngôn ngữ Melayu, phối hợp chỉ đạo bằng một Hội đồng ngôn ngữ liên quốc gia. Cũng nên nói thêm là, tại các quốc đảo này bên cạnh tiếng Melayu còn có hàng trăm ngôn ngữ thiểu số bản địa khác ở quần đảo. Tuy nhiên, khác với lục địa, tại các nước này tiếng Hoa, tiếng Ân cũng được dùng rộng rãi cùng với tiếng Anh, và trên thực tế, trong đời sống xã hội người ta được quyền sử dụng ngôn ngữ tuỳ theo ý muốn trong các giao tiếp và giao dịch.

11. Trường hợp Philipin và Singapore lại có những nét đặc thù: Singapore là một quốc đảo đô thị, cư dân đa dạng. Người Hoa ở đây có tới gần 80% nhưng ngôn ngữ Melayu lại được coi là ngôn ngữ quốc gia cho dù cư dân gốc Malay chỉ có khoảng 15%. Trong thực tế thì bên cạnh tiếng Hoa và tiếng Melayu thì tiếng Anh có cương vị hết sức quan trọng vì nó là nền tảng của ngôn ngữ hành chính quốc gia. Sự mềm dẻo trong chính sách ngôn ngữ là một trong những động lực phát trển văn hoá và khoa học công nghệ của đất nước này. Philipin lại là một trường hợp khác: Là một quốc gia có hơn tám mươi triệu dân nhưng lại là quốc đảo tách biệt trên tây Thái Bình Dương, Philipin có sự phân bố cư dân không đồng đều: người Bisai 35%, người Tagal 25%, người Illoca 12%,… nhưng trong đó tiếng Tagalog lại nổi lên như một ngôn ngữ được biết đến nhiều vì cư dân Tagalog tuy chỉ có 25% nhưng họ lại sống trong các miền đất phát triển về kinh tế và văn hoá ở trung và nam đảo Luzon. Philipin trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha khá sớm, đến năm 1898 lai trở thành thuộc địa của Mỹ cho nên việc dùng tiếng Tây Ban nha và tiếng Anh bên cạnh tiếng Tagalog bản địa đã trở thành phổ biến và tự nhiên. Nước Cộng hoà đầu tiên đã từng coi tiếng Tagalog là ngôn ngữ chính thức nhưng các ngôn ngữ Tây Ban Nha và Anh vẫn có cương vị rất rõ rệt.Tiếng Tagalog tuy được gọi là ngôn ngữ Filipino(1959) nhưng trong thực tế tình hình ngôn ngữ trên quốc đảo này rất phức tạp và có nhiều vấn đề đặt ra trong quá khứ và cả trong tương lai.

Xem như vậy thì thấy các quốc gia ASEAN xưa nay bận tâm với chính sách ngôn ngữ quốc gia nội địa hơn là nhìn ra viễn cảnh của cả khu vực. Cho nên, xét về Địa ngôn ngữ thì việc tìm kiếm một ngôn ngữ chung cho ASEAN trong tương lai từ nội bộ khu vực là rất khó khăn và chưa hiện thực. Sự phân ly và đa dạng ngôn ngữ ở đây chưa cho phép nghĩ đến nhất thể hoá các giao dịch ngôn ngữ bằng một ngôn ngữ bản địa nào đó của Hiệp hội. Việc lựa chọn tiếng Anh như một ngôn ngữ chung để giao tiếp trong ASEAN là một sự lựa chọn hợp lý và thực tế mà các quốc gia trong Hiệp hội chấp nhận hiện tại.

Ngay cả trường hợp tiếng Anh cũng phải bàn tiếp để có chính sách sử dụng có hiệu quả hơn trong toàn ASEAN.

Tiếng Anh xuất hiện ở Đông Nam Á như một hệ quả lịch sử. Hai tiểu lục địa Ấn Độ và Trung Hoa, vốn có nhiều giao lưu với ASEAN, đều có tiếp xúc nhiều với tiếng Anh. Hiện tại Ấn độ và hai nền kinh tế lớn thuộc Trung Quốc là Đài Loan và Hồng Kông đều sử dụng tiếng Anh rộng rãi. Trong khu vực ASEAN, thì Singapore, Malaysia, Philippin Mianma, là những quốc gia đã có truyền thống dùng tiếng Anh hơn một trăm năm. Thái Lan và Inđônexia đã sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ chính nhất. Duy trường hợp ba nước Đông Dương thì có khác. Vốn là thuộc địa của Pháp hơn 80 năm, tiếng Pháp trong một thời gian dài đã có địa vị lớn ở các quốc gia này. Sau khi giành được độc lập, Đông Dương vẫn tiếp tục duy trì các quan hệ với khối nói tiếng Pháp (Francophone) và nay đều là thành viên của khối này. Tuy nhiên, trong thực tế, địa vị của tiếng Pháp đã suy giảm rất nhiều và thay vào đó là sự lên ngôi của tiếng Anh như một ngoại ngữ hàng đầu. Đến nay, ở Việt Nam, xuất hiện và gia tăng từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Hai nước Lào và Campuchia cũng có khuynh hướng tương tự. Điều đó rất thuận lợi cho việc hội nhập với ASEAN hiện nay và trong tương lai. Tuy nhiên vẫn có một khoảng cách khá xa trong việc sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ chính yếu. Thực ra, trong quá trình phát triển của thực tê mới thấy rằng chính sách ngôn ngữ của Việt Nam chưa hoàn thiện. Cho đến nay, Hiến pháp Việt Nam chưa ghi rõ tiếng gì là ngôn ngữ Quốc gia, bởi vậy luật hoá việc sử dụng tiếng Việt còn có nhiều khó khăn. Trong chính sách ngoại ngữ cũng vậy. Việt Nam chưa có chính sách quốc gia rõ ràng về ngoại ngữ. Theo một quy định từ mấy chục năm trước của Uỷ Ban Khoa học Nhà nước và Bộ Giáo dục (và Đại học) thì các ngoại ngữ chính của Việt nam là các ngôn ngữ Nga, Trung, Pháp, Anh, Đức xuất phát từ thực tế lúc đó. Thời cuộc nay đã thay đổi, thực tế cũng đã thay đổi nhiều nhưng quy định đó vẫn được duy trì và thực thi cho gặp nhiều hạn chế. Riêng việc mở cửa tiếng Anh như một ngoại ngữ chính còn mang nhiều tính chất tự phát chứ chưa xuất phát từ chính sách.

Từ các quan sát ba bình diện nói trên báo cáo này muốn nhấn mạnh vào mấy nhận xét sau đây trong cái nhìn Địa ngôn ngữ học liên quan đến ASEAN:

Thứ nhất: Đối với các ngôn ngữ bản địa

a - Cần tôn trọng thực tế ngôn ngữ đa dạng và sự phân cách giữa các ngôn ngữ thuộc các quốc gia ASEAN.

b - Khó có khả năng thu hẹp các khoảng cách ngôn ngữ giữa các quốc gia trong một thời gian không xa.

c - Các quốc gia cần tiếp tục các chính sách ngôn ngữ thực tế, hiện hữu phù hợp với những đặc điểm của từng nước.

d - Không nên đặt ra vấn đề tìm kiếm một ngôn ngữ thứ hai dùng chung cho ASEAN sau tiếng Anh, ở thời điểm hiện nay.

e - Trong mỗi quốc gia nên tôn trọng chính sách đa ngữ và sự lựa chọn ngôn ngữ quốc gia cũng như các ngôn ngữ phổ biến phù hợp với bản địa.

Thứ hai: Đối với ngôn ngữ sử dụng chung cho hiệp hội

a - Chấp nhận tiếng Anh như hiện nay là một giải pháp tốt nhất.

b - Cần ưu tiên việc dùng tiếng Anh trong hành chính, ngoại giao, thương mại và koa học – công nghệ trong giao dịch nội khối và đối ngoai

c- Tuỳ theo tốc độ hội nhập, các lĩnh vực khác sẽ nâng dần khả năng trao đổi bằng tiếng Anh trong khi vẫn giữ gìn năng lực và bản sắc các ngôn ngữ bản địa.

d - Riêng ba nước Đông Dương, do điều kiện lịch sử cụ thể, cần tăng tốc trong việc đào tạo và quảng bá tiếng Anh để một thời gian không xa đạt được mặt bằng sử dụng trong khu vực, đồng thời sớm có chính sách quốc gia trong việc sử dụng tiếng nước ngoài trong các hoạt động xã hội và dân sự.

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ASEAN hôm nay và trong tương lai là mở rộng sự hội nhập về kinh tế và văn hoá. Cho đến nay sứ mạng này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của các nước trong khu vực. Kinh tế trao đổi trong nội khối còn giới hạn. Các trao đổi văn hoá còn đang đi những bước thăm dò. Một trong những hạn chế của điều này có sự phần của ngôn ngữ. Tính đa dạng và phân ly của các quan hệ ngôn ngữ trong toàn khối, tính đa ngữ trong nội bộ mỗi quốc gia đã tạo ra những ngăn cách trong giao tiếp và các trao đổi. Chính sách ngôn ngữ của mỗi quốc gia đều hướng nội để giải quyết các vấn đề thông tin của mình, chưa đặt ra vấn đề quảng bá và tiếp xúc. Trong khi đó, chính sách ngoại ngữ của các quốc gia trong hiệp hội lại không đồng đều và cũng chưa hướng tới một quan điểm chung. Tiếng Anh, với những áp lực từ trong quá khứ và các thách đố hiện tại, đang tạo ra những áp lực đôí với việc bảo vệ bản sắc văn hoá của từng quốc gia và dân tộc, đặt ngôn ngữ dân tộc, bản địa vào thế bất lợi nếu không tìm được những giải pháp hài hoà.

Tài liệu tham khảo

1- Cảnh huống và Chính sách ngôn ngữ ở các Quốc gia đa dân tộc, NXB KHXH,1997,Hà Nội.

2- Các dân tộc ở Đông Nam Á, NXB Văn hoá Dân tộc,1997, Hà Nội.

3- Mấy vấn đề Ngôn ngữ học và Văn học, NXB KHXH, 1997, Hà Nội.

4- Quảng cáo và ngôn ngữ Quảng cáo, NXB KHXH,2004, TP Hồ Chí Minh.

5- Robert Lado, Ngôn ngữ học qua các nền văn hoá, NXB §HQG HN, 2003, Hà Nội.

6- Robins, Lược sử Ngôn ngữ học, NXB §HQG, 2003, Hà Nội.

7- Rozdextvenxki, Các bài giảng Ngôn ngữ học đại cương, NXB Giáo dục, 1997, Hà Nội.

Ịuen. Ren Chao, Laguage and Symbolic Systems, Cambridge Ựniversity Presse, 1970, London.

 GS. Đinh Văn Đức
Trường ĐHKHXH&NV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   |