Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
ASEAN tuổi 40: Những thành tựu nổi bật
Ngày 8 /8 năm nay ASEAN – Hiệp hội các nước Đông Nam Á bước sang tuổi 40 (1967 – 2007), cái tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” theo quan niệm của người Trung Quốc xưa. 40 năm qua ASEAN đã trải qua nhiều bước thăng trầm nhưng do những nổ lực phấn đấu của chính phủ và nhân dân 10 nước Đông Nam Á, đến nay ASEAN trở thành một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, phát triển năng động phồn thịnh, cùng chia sẻ những giá trị tinh thần, bản sắc văn hóa thống nhất trong đa dạng.

Nhân dịp này, chúng ta cùng nhau nhìn lại những chặng đường phát triển đã qua của ASEAN, rút ra những kinh nghiệm để cùng hướng đến tương lai “Tầm nhìn 2020” và xa hơn nữa. Tôi muốn điểm lại những thành tựu ASEAN đã đạt được trên các lĩnh vực.

I. Về chính trị, an ninh.

ASEAN ra đời ngày 8/8/1967 trong bối cảnh quốc tế chiến tranh lạnh căng thẳng, hai hệ thống tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa do hai siêu cường Mỹ và Liên Xô đứng đầu đang chạy đua vũ trang tranh giành ảnh hưởng; khu vực Đông Nam Á cũng trở thành vũ đài đấu tranh giữa hai hệ thống chính trị thế giới, trong đó Việt Nam bị biến thành tiền đồn của cả hai phe. Chiến tranh Việt Nam leo thang đến cực điểm, trở thành cuộc chiến tranh cục bộ, chiến tranh nóng qui mô lớn nhất kể từ sau Đại chiến thứ II, trước sau lôi cuốn 10 nước vào vòng chiến (Mỹ, VNDCCH, VNCH, Australia, New Zealand, Cambodia, Laos, Thailand, Philippines, Hàn Quốc). Với thế giới là chiến tranh lạnh, với hơn một nửa Đông Nam Á khi đó là chiến tranh nóng bỏng.

Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng 5 nước Thailand, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore đã họp và công bố Tuyên bố Bangkok, thành lập Hiệp hội các nước ĐNA (ASEAN). Trong Tuyên bố Bangkok xác định rõ: “Nhận thức được sự tồn tại của các mối quan tâm lẫn nhau và các vấn đề chung giữa các nước ĐNA và tin tưởng vào sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa các mối quan hệ đoàn kết sẵn có trong khu vực; mong muốn xây dựng một nền tảng vững chắc cho hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực ở ĐNA; các nước ĐNA có trách nhiệm chính trong việc tăng cường ổn định kinh tế và xã hội của khu vực và bảo đảm sự phát triển của đất nước một cách hòa bình và tiến bộ, quyết tâm bảo đảm sự ổn định và an ninh không có sự can thiệp từ bên ngoài dưới bất kỳ hính thức hoặc biểu hiện nào…”. Tuyên bố cũng nêu tôn chỉ, mục đích của hiệp hội gồm 7 điểm, đến 40 năm sau vẫn còn nguyên giá trị. Hiệp hội mở rộng cho tất cả các quốc gia ở khu vực ĐNA tán thành tôn chỉ, nguyên tắc và mục đích nói trên. Từ lời tuyên bố này đến khi hiện thực hóa nó phải mất hơn 30 năm (30/4/1999), một chặng đường khá dài.

ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực ĐNA, đại diện cho ý chí tập thể của các nước ĐNA gắn bó với nhau bằng tình hữu nghị và hợp tác thông qua các nỗ lực chung, cùng hy sinh để đảm bảo cho nhân dân mình và các thế hệ mai sau được hưởng hòa bình, tự do và phồn vinh. Sự thành lập ASEAN có ý nghĩa trọng đại, thể hiện ý chí chính trị, tầm nhìn sáng suốt của các nhà lãnh đạo (các ngoại trưởng) ASEAN. Phải đặt ĐNA trong bối cảnh quốc tế và khu vực như nói trên mới thấy hết ý nghĩa của nó. Từ nhận thức đến hành động để hiện thực hóa nó còn phải tốn nhiều công sức và thời gian, tính bằng cả một thế hệ.

Hơn 4 năm sau Tuyên bố Bangkok tháng 11/1971 tại Kuala Lumpur (Malaysia), Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao 5 nước ASEAN đã ra Tuyên bố khu vực và Hòa bình, Tự do, Trung lập (ZOPFAN). Cần nhấn mạnh rằng 4/5 nhân vật đã soạn thảo và ký Tuyên bố Bangkok 1967 cũng là những nhân vật chủ chốt soạn thảo và ký Tuyên bố ZOPFAN – Kuala Lumpur 1971: đó là các vị Adam Malik, Bộ trưởng ngoại giao Indonesia, Tun Abdul Razak, năm 1967 là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Phát triển quốc gia Malaysia, S.Ratjaratnam, Bộ trưởng ngoại giao Singapore, TS Thanat Khoman, năm 1967 là Bộ trưởng ngoại giao, năm 1971 là Đặc phái viên Hội đồng Hành pháp quốc gia Thái Lan. Tuyên bố khẳng định “quyết tâm sử dụng những cố gắng cần thiết bước đầu để đảm bảo việc công nhận và tôn trọng ĐNA là một khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập, không có sự can thiệp dưới bất kỳ hình thức và phương cách nào của các nước ngoài khu vực. Các nước ĐNA cần phối hợp nỗ lực nhằm mở rộng các lĩnh vực hợp tác để góp phần tăng cường sức mạnh, tình đoàn kết, mối quan hệ gắn bó hơn nữa”...

Trong hoàn cảnh chiến tranh lạnh tranh giành quyền lực rất phức tạp, Tuyên bố ZOPFAN là biểu hiện nhạy cảm sáng suốt về chính trị của các nước ASEAN. Quan điểm này sau 20 năm, khi chiến tranh lạnh chấm dứt, ĐNA đã trở thành khu vực Hòa bình, Tự do, Trung lập và không vũ khí hạt nhân.

Qua quá trình hợp tác đã hình thành chủ nghĩa khu vực ASEAN, các dân tộc ĐNA càng đoàn kết gắn bó, tin cậy lẫn nhau, tạo nên bản sắc riêng của ASEAN, trở thành hạt nhân cho Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) đã vận hành từ 1994 đến nay, góp phần củng cố, tăng cường an ninh cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương và bảo vệ hòa bình thế giới.

ASEAN đã từng bước xây dựng một tổ chức, cơ chế hợp tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Giai đoạn đầu (8/1967 – 2/1976) tổ chức ASEAN còn lỏng lẻo, cồng kềnh, chủ yếu loay hoay giải quyết những tranh chấp, bất đồng, xung đột quyền lợi. Giai đoạn từ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN I (2/1976) đến hết chiến tranh lạnh (năm 1991) ASEAN củng cố tổ chức, có trụ sở ở Jakarta (Indonesia), cố kết với nhau chặt chẽ hơn qua Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (Hiệp ước Bali) và Hiệp định về Ban thư ký ASEAN (1976 và 1985), Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (1976), Tầm nhìn 2020 (1997), Tuyên bố Bali II (2003) xây dựng ASEAN thành một cộng đồng về chính trị – an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội, tiến tới xây dựng Hiến chương ASEAN.

Chiến tranh lạnh chấm dứt đã tạo thời cơ thuận lợi cho các nước ĐNA xóa bỏ rào cản ngăn cách giả tạo thành hai nhóm nước theo hai khuynh hướng phát triển khác nhau – nhóm ASEAN – 6 theo con đường kinh tế tự do tư bản chủ nghĩa và nhóm 4 nước bán đảo Trung Ấn (CLMV) theo mô hình kinh tế kế hoạch tập trung định hướng xã hội chủ nghĩa. Năm 1995 Việt Nam gia nhập ASEAN, tạo ra bước ngoặt cho tổ chức này. Năm 1997 Lào, Myanmar và năm 1999 Campuchia gia nhập, ASEAN mới thực sự trở thành Hiệp hội mang tính toàn khu vực. Một nửa sự thật chưa phải là sự thật, một nửa trái táo chưa phải là trái táo! Vị thế của ASEAN – 10 được nâng cao trên trường quốc tế.

ASEAN tuân thủ những nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình nhưng trong nguyên tắc ứng xử có sự mềm dẻo, uyển chuyển, nguyên tắc đồng thuận / nhất trí (Consensus) vẫn được vận dụng trong suốt 40 năm qua. Nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ của nhau vẫn được tôn trọng. Vì vậy từ 1997 đến nay trong các nguyên tắc ứng xử của ASEAN được bổ sung nguyên tắc 6 – x. Vì vậy trên con đường phát triển ASEAN cần phải vượt qua những khó khăn cản trở để xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết thống nhất vững mạnh.

II. Về kinh tế.

Các nước ĐNA thời kỳ cận đại từng bị chủ nghĩa thực dân xâm lược thống trị hàng trăm năm, nền kinh tế mang nặng những hậu quả nặng nề của chế độ thuộc địa, nửa thuộc địa, phong kiến nên sau khi giành độc lập nền kinh tế các nước đều nghèo nàn lạc hậu, cơ cấu kinh tế què quặt mất cân đối, chủ yếu là nông nghiệp độc canh, công nghiệp nhỏ bé, chủ yếu là khai thác nguyên nhiên liệu. Đến giữa thập niên 1960 khi ASEAN ra đời, xuất phát điểm về kinh tế còn thấp.

Ngay từ khi mới thành lập, ASEAN đã đặt trọng tâm vào vấn đề hợp tác kinh tế, thể hiện ở nội dung các chương trình, các lĩnh vực hợp tác và cơ cấu tổ chức: 8/11 Ủy ban thường vụ thời kỳ 1967 – 1976 thuộc lĩnh vực kinh tế - tài chính thương mại – dịch vụ - giao thông vận tải – du lịch v.v… Nhưng như trên đã nói xuất phát điểm của các nước ASEAN – 5/6 thấp, cơ cấu kinh tế của mỗi nước (trừ Singapore) rất giống nhau, nước nào cũng khát vốn / tư bản và kỹ thuật, cần thị trường xuất nhập khẩu nên khả năng hợp tác nội khối để bù đắp những thiếu hụt cho nhau rất hạn chế.

Nhưng sau những khó khăn ban đầu, các nước ASEAN đã tìm ra mô hình phát triển kinh tế phù hợp cho mỗi nước, hợp tác với nhau để xây dựng chiến lược, chương trình phát triển kinh tế cho cả tổ chức ASEAN. Cơ chế đối tác với các nước phát triển và các tổ chức, thể chế kinh tế quốc tế (EEC – nay là EU, UNDP, GATT – nay là WTO, WB, IMF, ADB …) là những bước đi sáng tạo, hiệu quả của ASEAN, vừa tranh thủ được các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho mục tiêu phát triển của ASEAN.

Sau gần ba thập niên, đến giữa thập niên 1990 các nước ASEAN – 6 đã đạt nhiều thành tựu kinh tế ngoạn mục, Singapore đã hóa rồng, gia nhập các nước công nghiệp phát triển, về thu nhập GDP / người Singapore và Brunei là nước có thu nhập cao, Malaysia và Thái Lan nước có thu nhập trung bình khá, Indonesia và Philippines có thu nhập trung bình.

Sau chiến tranh lạnh, sau Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN IV (1/1992) ở Singapore với quyết định thành lập AFTA, hợp tác kinh tế mới đi vào thực chất.

Từ năm 1995 đến 1999 ASEAN mở cửa kết nạp Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia thì cả 4 nước đều nghèo, GDP/người chỉ khoảng 200 – 300 USD/năm. Về khoảng cách phát triển trong ASEAN – 10 phân tầng rất lớn. Ngay lúc đó ĐNA lại đối diện với cuộc khủng hoảng tiền tệ - kinh tế tài chính lớn nhất từ 30 năm qua, làm chao đảo nền kinh tế nhiều nước. Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến cả lĩnh vực chính trị. Thêm vào đó những vấn đề sắc tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế như một bệnh dịch cũng lây lan đến một số nước ĐNA. Người ta phê phán mô hình phát triển ở các nước ASEAN thiếu bền vững, “nền kinh tế bong bóng” v.v… Nhưng ASEAN đã khá bình tĩnh đối phó với khủng hoảng, dựa vào các tổ chức tài chính quốc tế (WB, IMF, ADB v.v…) và sự nỗ lực của bản thân các nước ASEAN nên khủng hoảng đã sớm qua đi, nền kinh tế các nước ASEAN đã sớm phục hổi, lấy lại đà phát triển. Chương trình hành động Hà Nội (12/1998) đề ra những mục tiêu phát triển bền vững và rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các nước thành viên ASEAN thể hiện sự trưởng thành của ASEAN. Khủng hoảng như lời cảnh báo, cảnh tỉnh các nhà hoạch định chính sách, giới lãnh đạo và quản lý kinh tế ở các nước ASEAN, để lại cho tổ chức này những bài học kinh nghiệm bổ ích cho thời kỳ phát triển mới đầu thế kỷ XXI, hướng đến những mục tiêu của “Tầm nhìn 2020”, hướng đến xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, lúc đầu vào năm 2020, nay rút ngắn lại đến năm 2015.

Nhìn lại chặng đường 40 năm các nước ASEAN có quyền tự hào về những thành tựu phát triển vượt bậc so với bất kỳ thời kỳ nào trước đây trong lịch sử. Các nước ASEAN – 6 đã có hai nước bé hạt tiêu (Singapore, Brunei) giàu, 4 nước trung bình. Còn 4 nước thành viên mới nghèo. Hy vọng đến 2015 – 2017 các nước này sẽ thoát nghèo, đạt mức phát triển trung bình, tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

III. Về văn hóa – xã hội.

Về văn hóa, ngày nay ở các nước ASEAN và trên thế giới người ta thường nói đến nền văn hóa ĐNA giàu bản sắc nhưng “thống nhất trong đa dạng”. Đó là thành tựu 40 năm qua của mỗi nước trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy nền văn hóa dân tộc của mình. Các quốc gia ĐNA đều đa tộc người. Mỗi tộc người có di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Mỗi tộc người có khi cư trú ở nhiều quốc gia. Vì vậy nhìn tổng thể trong tiến trình lịch sử tộc người ở ĐNA diễn ra sự giao lưu, tiếp xúc ngôn ngữ, văn hóa, tạo ra một bức tranh khảm văn hóa đa chiều đa sắc hết sức phong phú. Tiến trình giao lưu, hợp tác văn hóa giữa các nước ASEAN trên nhiều cấp độ khác nhau làm cho nhân dân ĐNA càng hiểu biết, cảm thông lẫn nhau. Ở tầm cao là những Festival, những giải thưởng văn hóa nghệ thuật ASEAN để tôn vinh những giá trị văn hóa ĐNA và giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Nền giáo dục ở các nước ASEAN trong 40 năm qua có những bước tiến vượt bậc. Sau khi giành độc lập, các nước ĐNA là vùng đất nghèo nàn lạc hậu, từ 70 đến 90% dân số mù chữ. Nhưng đến nay nền giáo dục ở các nước ĐNA đều phát triển rộng khắp, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục phổ thông; hệ thống giáo dục đại học và chuyên nghiệp hình thành và phát triển. ASEAN còn xây dựng mạng lưới các trường đại học, liên kết hợp tác phát triển giữa các trường đại học hàng đầu trong khu vực với các trường tiên tiến hàng đầu trên thế giới.

Nền khoa học kỹ thuật ở các nước ASEAN tuy còn non trẻ nhưng đã hình thành hệ thống các viện nghiên cứu về khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, kỹ thuật công nghệ, nông học, y học v.v…

Về mặt xã hội trong 40 năm qua các nước ASEAN có nhiều nỗ lực giải quyết những vấn đề xã hội như nghèo đói thất nghiệp, các bệnh xã hội, khắc phục bất bình đẳng về giai cấp, sắc tộc, tôn giáo, giới tính để đem lại quyền lợi kinh tế, văn hóa cho các tầng lớp nhân dân. Vài chục năm trước nói đến ĐNA nhiều người nhắc đến “tam giác vàng” như một điểm đen về sản xuất, buôn bán ma túy gắn với những băng nhóm xã hội đen khét tiếng nhiều tệ nạn xã hội rùng rợn, nhưng các nước ASEAN đã hợp tác trong các chương trình phòng chống ma túy, về cơ bản đã xóa được điểm đen đó.

Trong quá trình phát triển ở hầu hết các nước ASEAN đều phát sinh những vấn đề môi trường sinh thái nhân văn. Các nước ASEAN đã đề ra nhiều chương trình hợp tác trên lĩnh vực này, bước đầu đã tìm được tiếng nói chung và nhiều chương trình hợp tác đã gặt hái được kết quả ban đầu.

Mục tiêu của ASEAN đề ra đến năm 2020 sẽ xây dựng một cộng đồng về văn hóa – xã hội như một trong ba trụ cột, bảo đảm cho tiến trình hợp tác ASEAN phát triển bền vững, đồng đều, cảm thông và đùm bọc lẫn nhau. Đó cũng là một nét độc đáo giàu tính nhân văn của ASEAN.

KẾT LUẬN

40 năm là một chặng đường dài. Với một đời người tuổi 40 là tuổi “nhi bất hoặc”, gần nửa cuộc đời. Nhưng so với lịch sử dân tộc, lịch sử của khu vực ĐNA thì 40 năm mới chỉ là những bước đi ban đầu còn khiêm tốn. Tôi vốn là người lạc quan nên trong bài viết ngắn này tôi chỉ xin điểm qua những thành tựu nổi bật của ASEAN trên ba lĩnh vực chính trị an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội. 40 năm ASEAN trải qua nhiều bước thăng trầm, có lúc do tác động tiêu cực của trật tự hai cực Yalta trong chiến tranh lạnh, có lúc do tác động của tam giác Mỹ – Xô – Trung ĐNA trở thành đấu trường đẫm máu, nơi tranh giành ảnh hưởng của các thế lực siêu cường, đại cường ĐNA bị phân cực, có khi đối đầu nhau. Nhưng vượt lên tất cả ASEAN đã trở thành khu vực Hòa bình – Tự do – Trung lập, không vũ khí hạt nhân, các dân tộc ĐNA đoàn kết, gắn bó với nhau vì vận mệnh chung, vượt qua đói nghèo, tiến tới phồn vinh, thịnh vượng. So với các cường quốc, các nước phát triển, với EU thì ASEAN còn phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều, rất nhiều nữa. Nhưng so với các nước đang phát triển, các tổ chức hợp tác khu vực ở Á – Phi – Mỹ Latinh thì ASEAN có quyền tự hào là tổ chức hợp tác khu vực thuộc các nước đang phát triển thành công nhất, đoàn kết thống nhất (nhiều khi là “dĩ hòa vi quý”) và phát triển năng động nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ASEAN: Hôm nay và ngày mai. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế tổ chức tại Hà Nội ngày 17 – 18/8/1997.

2. ASEAN Economic Community. ASEAN Secretariat. Jakarta. 4/2003.

3. Declaration of ASEAN Concord. 24 Feb. 1976.

4. Declaration of ASEAN Concord II (Bali II). 9 Oct. 2003.

5. Khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á: Nghiên nhân và bài học. NXB CTQGHN. 1998.

6. Lim Chong Yah – Đông Nam Á – Chặng đường dài phía trước (dịch). NXB Thế giới. H.2002.

7. Nguyễn Duy Qúy. Tiến tới một ASEAN hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. NXB KHXH. H.2001.

8. Nguyễn Thu Mỹ (CB). ASEAN hôm nay và triển vọng phát triển trong thế kỷ XXI. NXB CTQG. H.1998.

9. Nguyễn Văn Lịch. Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) – Quá trình phát triển và hoạt động. TPHCM 1995.

10. Phạm Đức Thành (CB). Đặc điểm con đường phát triển kinh tế - xã hội của các nước ASEAN. NXB KHXH. H.2001.

11. Phạm Đức Thành (CB). Kinh tế các nước Đông Nam Á – Thực trạng và triển vọng. NXB KHXH. H.2002.

12. Trần Khánh (CB). Liên kết ASEAN trong bối cảnh toàn cầu hóa. NXB KHXH. H.2002.

13. Vũ Dương Ninh (CB). Việt Nam – ASEAN. Quan hệ song phương và đa phương. NXB KHXH. H.2005.

 PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch
Trường ĐHKHX&NV, ĐHQGTPHCM - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   |