Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Vai trò của ASEAN trong quá trình phát triển hợp tác ASEAN + 3
Ngày 15 tháng 12 năm 1997, tại Cuala Lumpua, Malaixia, lần đầu tiên trong lịch sử 30 năm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, các nhà lãnh đạo ASEAN đã có cuộc họp chung với 3 nhà lãnh đạo đến từ Đông Á là Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ, Thủ tướng Nhật Bản Obuchi và Tổng thống Hàn quốc Kim Dae Yung. Ngay sau cuộc họp trên, họ đã tiến hành các cuộc họp riêng rẽ với từng nhà lãnh đạo của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Kết quả của các cuộc họp trên đã đưa tới sự ra đời của tiến trình Hợp tác ASEAN + 3. Đây là cơ chế hợp tác khu vực đầu tiên được xây dựng ở Đông Á. Sự ra đời của nó là kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi của các nhà lãnh đạo ASEAN vì một Đông Á hoà bình, thịnh vượng và có vị thế cao trong nền chính trị và kinh tế thế giới.

10 năm đã trôi qua, từ sau cuộc họp lịch sử đó. Trong 10 năm qua, Hợp tác ASEAN + 3 đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào việc duy trì hoà bình và thúc đẩy hợp tác giữa các nước Đông Á. Những thành tưụ của Hợp tác ASEAN + 3 sẽ không thể có được, nếu không có những đóng góp to lớn của ASEAN.

Vậy vai trò của ASEAN trong quá trình phát triển của tiến trình đó là gì? Đó là những vấn đề mà bài viết này sẽ đề cập tới.

1. Vai trò của ASEAN trong quá trình phát triển của Hợp tác ASEAN + 3

Ngay từ đầu, ASEAN đã được thừa nhận là lực lượng cầm lái (driving force) của tiến trình Hợp tác ASEAN + 3. Trong vai trò này, ASEAN là người tổ chức, lập chương trình nghị sự của các hội nghị ASEAN + 3 ở các cấp độ khác nhau .

Tuy nhiên, vai trò của ASEAN không chỉ như vậy. Trong 10 năm qua, ASEAN đã tiến hành 3 hoạt động quan trọng đóng góp vào sự phát triển của Hợp tác ASEAN + 3. Đó là thể chế hoá tiến trình này, tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á đầu tiên và xây dựng Cộng đồng ASEAN, coi đó như một gợi ý về mô hình liên kết Đông Á.

1.1. Thể chế hoá Hợp tác ASEAN + 3

Như đã nói ở Chương I, khi mới thành lập tiến trình này, các nước thành viên ASEAN + 3 đều nhất trí rằng đây là một tiến trình phi chính thức, không cần thể chế hoá. Tuy nhiên, sau một số năm phát triển, các nước ASEAN + 3 đã nhận thấy sự cần thiết phải thế hoá nó ở một mức độ nào đó. Bởi vì, hợp tác khu vực trên cơ sở ASEAN + 3 đã được mở rộng ra các lĩnh vực như mạng lưới liên lạc khẩn cấp giữa các bộ trưởng năng lượng, lập ra hệ thống dự trữ gạo Đông Á, chương trình hành động khung để ngăn ngừa và kiểm soát SARS, hệ thống dự trữ dầu để chuẩn bị cho sự thiếu hụt có thể về dầu lửa nảy sinh từ sự bất ổn định ở Trung Đông...

Để quản lý các hoạt động của ASEAN + 3 , rất cần có một bộ phận chuyên trách.

Ý tưởng thành lập một Ban Thư ký của ASEAN + 3 như một thực thể độc lập với Ban thư ký ASEAN ở Giacácta được Malaixia chính thức đưa ra tại Hội nghị AMM ở Brunây tháng 7/ 2002... Nếu đề nghị của Malaixia được cấp nhận và Ban Thư ký ASEAN + 3 được đặt ở Kuala Lumpua, chính phủ Malaixia tuyên bố sẽ tài trợ 10 triệu đô la Mỹ cho Ban thư ký đó hoạt động trong 5 năm đầu.

Ý tưởng này được Hàn quốc nhiệt tình ủng hộ. Nhưng các nước thành viên khác lại có ý kiến khác nhau về vấn đề này. Trong khi Thái Lan gợi ý tăng cường năng lực cho Ban thư ký ASEAN, thì Philippin lại cho rằng một Ban thư ký ASEAN + 3 là cần thiết, nhất là khi FTA ASEAN – Trung Quốc đã được ký. Tuy nhiên, khi cân nhắc tới vấn đề nhân sự và kinh phí hoạt động của Ban Thư ký đó, Philippin lại cho rằng “còn quá sớm để có nó" (1)

Trước tình hình đó, Thứ trưởng Ngoại giao Philippin Lauro Baja gợi ý rằng Uỷ ban thường trực ASEAN cần xem xét 3 sự lựa chọn:

1) Thiết lập một Ban Thư ký ASEAN + 3 riêng do một nước ASEAN chủ trì;

2) Mở rộng Ban thư ký ASEAN để thực hiện vai trò của Ban Thư ký trên

3) Thiết lập một Văn phòng ASEAN + 3 trong Ban thư ký ASEAN (2)

Cả 3 phương án trên trên đều được xem là khả thi, nhưng phương án được Uỷ ban thường trực ASEAN lựa chọn là Phương án 3 với đôi chút điều chỉnh. Thay vì thành lập Văn phòng ASEAN + 3 trong Ban thư ký ASEAN, Uỷ ban thường trực ASEAN quyết định lập Bộ phận ASEAN + 3 trong Ban Thư ký trên. Sở dĩ, ASEAN quyết định lựa chọn phương án trên vì nó giúp duy trì vai trò chèo lái của ASEAN và làm hài lòng Trung Quốc, vốn không mặn mà với ý tưởng này. Bắc Kinh lo ngại rằng Ban Thư ký ASEAN + 3 với nhiệm vụ được xác định là “giải quyết các mối quan hệ thương mại và chính trị với 3 nước Đông Bắc Á” (3)có thể làm tăng vai trò của Nhật Bản trong tiến trình hợp tác khu vực này.

Việc Uỷ ban thường trực ASEAN chọn phương án 3 không làm hài lòng Nhật Bản. Theo Terada Takashi, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu của Nhật về Hợp tác ASEAN + 3, “Các quan chức tài chính Nhật có khuynh hưóng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Ban thư ký ASEAN + 3 vì nó có thể cung cấp các hệ thống giám sát và quản lý tài chính mạnh mẽ mà Đông Á còn thiếu... Ban Thư ký ASEAN không thể thực hiện chức năng này.” (4)Tuy nhiên, trước quyết định của ASEAN, Nhật Bản đã thay đổi quan điểm. Haruhiko Kuroda cố vấn đặc biệt của TT Koizumi và nguyên thứ trưởng tài chính Nhật Bản nói : “Nhật Bản cho rằng ASEAN + 3 có thể cần một ban thư ký để thực hiện sự giám sát. Đây là vấn đề cho sự thảo luận trong tương lai". (5) Các quan chức cao cấp của MOFA và METI cũng cho rằng việc ra quyết định cần để cho ASEAN và Nhật Bản không nên bị lôi cuốn vào bất kỳ cái gì có thể làm giảm tình đoàn kết của ASEAN (6).

Quyết định thành lập Bộ phận ASEAN + 3 trong Ban Thư ký ASEAN được các nhà lãnh đạo Trung Quốc hoan nghênh. Để giúp cho Bộ phận ASEAN + 3 hoạt động, chính phủ Trung Quốc đã tài trợ bộ phận này 200.000 đô la Mỹ.

Như vậy, với quyết định thành lập Bộ phận ASEAN + 3 trong Ban Thư ký ASEAN, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vừa bảo vệ được lợi ích của mình, vừa cân bằng được quan điểm của Trung Quốc với quan điểm của Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời tạo điều kiện phát triển cho Hợp tác ASEAN + 3 .

2.2. Tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á đầu tiên

Ý tưởng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á được Tổng thống Hàn quốc Kim Dae Yung đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Singapo tháng 11 năm 2000. ý tưởng này đã được các nhà lãnh đạo ASEAN + 3 ghi nhận và quyết định nghiên cứu về tính khả thi của việc tổ chức một như vậy. Để có thể ra quyết định về vấn đề trên, các nhà lãnh đạo đã giao cho EASG nhiệm vụ nghiên cứu ảnh hưởng của việc tiến triển Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN + 3 thành Thượng đỉnh Đông Á.

Trong Báo cáo cuối cùng trình cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN + 3 họp ở Pnompênh, nhóm nghiên cứu Đông Á nhấn mạnh rằng việc chuyển ASEAN + 3 Thượng đỉnh Đông Á không nên quá nhanh và tiến trình này cần nhắm vào “nuôi dưỡng một ý thức mạnh mẽ về quyền sở hữu giữa tất cả các nước thành viên trong nỗ lực hướng tới hợp tác Đông Á rộng lớn hơn” (7). Theo EASG, ở giai đoạn hiện nay, “Cách tiếp cận có thể là mở rộng dần việc tổ chức các hội nghị, các nhóm công tác và các mối liên kết hợp tác ở các cấp độ khác nhau, lập ra các giới quan chức chịu trách nhiệm về ASEAN + 3 ở các Bộ thích hợp như mậu dịch, giao thông, vận tải, tài chính và liên kết họ với các đối tác ở các nước thành viên khác. Những sự tương tác trong và liên chính phủ cùng với màng lưới các cơ quan đại diện chính phủ đó có lẽ phải được củng cố và là công cụ trong việc nuôi dưỡng ý thức Đông Á chung giữa các quan chức, đặc biệt là trong các thành viên ASEAN.“ (8) 

Tuy nhiên, một số nước ASEAN + 3, nhất là Malaixia, muốn đẩy nhanh việc chuyển Thượng đỉnh ASEAN + 3 thành Thượng đỉnh Đông Á. Bởi vì Malaixia muốn nhìn thấy ý tưởng Hợp tác Đông Á mà Thủ tướng của họ đề xuất từ 1990 sớm được hiện thực hoá.

Để thực hiện ý tưởng của mình, trong chuyến thăm Trung Quốc và Nhật Bản vào năm 2004, Thủ tướng Malaixia Abdulla Badawi đã thảo luận với các ý tưởng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á đã được thảo luận tại Diễn đàn Nhật Bản – ASEAN họp tháng 4/ 2004 và tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN họp tháng 7/ 2004.

Về vấn đề này, quan điểm của các nước thành viên ASEAN + 3 còn rất khác nhau. Nhìn chung, các nước ASEAN không tán thành đề nghị đổi tên Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN + 3 thành Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Inđônêxia phản đối và cho rằng không cần có thêm một hội nghị cấp cao như vậy, khi đã có hội nghị ASEAN + 3 mỗi năm. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Inđônêxia Marty Natalegawa cho rằng hợp tác trong khuôn khổ ASEAN+ 3 hữu ích hơn một hội nghị Đông Á mang tính hình thức. (9) 

Trước tình hình như vậy, với tư cách nước chủ trì AMM, Ngoại trưởng Lào cho rằng cần thảo luận thêm về EAS .

Mặc dù chưa thuyết phục được ASEAN chấp nhận ý tưởng của mình, Malaixia vẫn nỗ lực tuyên truyền và vận động cho EAS. Trong diễn văn đọc tại điễn đàn Đông Á lần thứ hai họp ở Kuala Lumpua ngày 6/12/2004, Thủ tướng Malaixia Abdullah H.J Ahmad Badawi đã nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy Hợp tác Đông Á. Theo ông, “không có sự lựa chọn nào khác ngoài tiến hành hành động phối hợp chung theo các hình thức khác nhau để bảo vệ và thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực và đảm bảo hoà bình tiếp tục trong khu vực Đông Á. Mậu dịch và các hoạt động liên quan tới mậu dịch đã là lực lượng chèo lái đối với hợp tác khu vực trong quá khứ. Con đường phía trước phải bao gồm xây dựng các khối khác vì hội nhập khu vực.”  (10)

Nhìn lại Hợp tác Đông Á trong những năm qua, Thủ tướng Malaixia khẳng định: “Đông Á với tư cách là một cộng đồng không còn là ý tưởng chủ nghĩa ( idealism )... Xây dựng cộng đồng ở Đông Á trong thực tế đã đạt được những thành tựu đáng chú ý. Chẳng hạn, tiến trình ASEAN + 3, vốn đã bắt đầu ở đây, ở Kuala Lumpua đã trở thành công thức (formula ) để hợp tác trong những lĩnh vực khác nhau.” Do vậy, “Chúng ta phải tin sự đánh giá của chúng ta rằng tiến trình này không chỉ là không tránh khỏi. Trách nhiệm của chúng ta còn là làm cho tiến trình không thể đảo ngược” (11)

Để xây dựng Cộng đồng Đông Á, ông Abdullah H.J Ahmad Badawi cho rằng: “Chúng ta có thể bắt đầu vạch ra con đường tiến lên phía trước của chúng ta bằng cách tìm kiếm để đặt ra một vài hòn đá tảng, có thể nhận thức được một cách rõ ràng trên lộ trình tiến tới Cộng đồng Đông Á. Những hòn đá tảng này có thể phục vụ như là những nhân tố hoạch định (makers) để chỉ ra những tiến bộ mà chúng ta tạo ra .”(12) Theo Thủ tướng Malaixia, những hòn đá tảng đó là :

I. Hội nghị thượng đỉnh Đông Á

II. Hiến chương Cộng đồng Đông Á

III. Mậu dịch tự do Đông Á

IV.Hiệp định hợp tác tiền tệ và tài chính Đông Á

V. Khu vực Đông Á thân hữu và hợp tác

VI. Hệ thống vận tải và giao thông Đông Á

VII.Tuyên bố Đông Á về nhân quyền và nghĩa vụ .

Sau khi vạch ra lộ trình tiến tới EAC, trong phần tiếp theo của bài diễn văn trên, Thủ tướng Badawi đã lần lượt phân tích về từng "hòn đá tảng” trên.

Chẳng hạn, đối với hòn đá tảng thứ nhất tức là Thượng đỉnh Đông Á, Thủ tướng Malaixia cho rằng: “ Thượng đỉnh Đông Á sẽ phải hơn là một sự tượng trưng về chính trị. Nó cần thực hiện và lãnh đạo tiến trình xây dựng Cộng đồng Đông Á. Một hội nghị Thượng đỉnh Đông Á của các nhà lãnh đạo như vậy sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về sự hiện hữu của sự tin tưởng và lòng tin giữa các nước trong khu vực, một cái gì đó mà khu vực chúng ta cần hiện nay và một cái gì đó mà thế giới đang chờ đợi để chứng kiến. Điều đó là vì một Đông Á ổn định và thịnh vượng sẽ là một đóng góp lớn đối với hoà bình, an ninh và thịnh vuợng. “ (13)Quan điểm trên của Malaixia về EAS khác với quan điểm cho rằng ASEAN + 3 là nòng cốt trong quá trình xây dựng EAC mà Trung Quốc và một số nước ASEAN chủ trương.

Sau khi nói rõ quan điểm của Malaixia về EAS, Thủ tướng Badawi cho rằng "hòn đá tảng thứ nhất sẽ được đặt ra tại Malaixia tháng 12/ 2005”.

Những nỗ lực của Malaixia đã mang lại hiệu quả. Việc triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á đã được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8 và Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN + 3 tổ chức ở Viên Chăn tháng 11/ 2004.

Vấn đề mà các nước ASEAN + 3 phải thảo luận là EAS sẽ là tiến trình được lập ra để thay thế ASEAN + 3 hay là một tiến trình khác, song song với thượng đỉnh ASEAN + 3 ? Nếu EAS là tiến trình thay thế thượng đỉnh ASEAN + 3, một số nước ASEAN lo ngại rằng Hiệp hội này sẽ mất vai trò cầm lái trong EAC. Bởi vì, trong EAS, các nước ASEAN sẽ tham gia với tư cách cá thể như trong trường hợp tham gia vào ASEM chứ không phải với tư cách một tổng thể. Khi tham gia như vậy, không một nước ASEAN nào có thể đóng vai trò chèo lái EAS, khi tiến trình này còn có sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản, hai cường quốc lớn trong khu vực. Do vậy, đối với ASEAN, EAS là cần thiết, nhưng không thể là sự thay thế của ASEAN + 3.

Vậy giải pháp nào cho vấn đề này ? Các kết quả thảo luận tại các hội nghị trên đã đi tới nhất trí rằng EAS đầu tiên sẽ được tổ chức tại Malaixia vào dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng 12/2005. Các nhà lãnh đạo ASEAN + 3 ủng hộ đề nghị của Nhật Bản về việc chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN + 3 ở Kyôto để thảo luận về Tài liệu hướng dẫn và thể thức của một EAS.

Tuy nhiên, cùng với việc thoả thuận về EAS, các nhà lãnh đạo ASEAN + 3 cũng nhất trí rằng “việc thiết lập một Cộng đồng Đông Á là một mục tiêu ở tầm dài hạn.” Họ “tái khẳng định vai trò của Tiến trình ASEAN + 3 như là cỗ xe chính để thiết lập Cộng đồng Đông Á. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tái khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò của ASEAN với tư cách là lực lượng chèo lái chính trong Hợp tác Đông Á (12).

Như vậy, với quyết định này, câu hỏi về tương lai của Thượng đỉnh ASEAN + 3 đã được trả lời rõ ràng. EAS sẽ không phải là tiến trình thay thế Thượng đỉnh ASEAN + 3 mà chỉ là một cơ chế nữa của Hợp tác Đông Á. Trong các cơ chế này, ASEAN + 3 là cơ chế quan trọng nhất.

Ngoài những vấn đề trên, tại Hội nghị các nhà lãnh đạo còn thỏa thuận xem xét ý tưởng đưa ra Tuyên bố chung về Hợp tác Đông Á lần thứ hai nhân kỷ niệm 10 năm Hợp tác ASEAN + 3 và kế hoạch công tác để củng cố sự hợp tác trong giai đoạn hiện tại và tương lai.

Để chuẩn bị cho sự ra đời của Tiến trình thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN + 3 ( AMM + 3 ) lần thứ 6 đã họp tại Viên Chăn ngày 27/ 7/ 2005. Các bộ trưởng đã trao đổi thể thức và thành phần tham gia Thượng đỉnh Đông Á. Trong khi phần lớn các nước ASEAN và 2 nước Đông Bắc Á muốn mời Úc, Niu Dilân và Ấn độ tham dự hội nghị, thì Malaixia chỉ muốn thành phần tham gia EAS đầu tiên chỉ bao gồm các thành viên của ASEAN + 3. Về phần mình, Trung Quốc phản đối sự tham gia của Úc. Bắc Kinh lo ngại sự có mặt của Canbera sẽ giúp nâng cao vị thế của Nhật, nước đang tranh giành vai trò lãnh đạo Hợp tác Đông Á với họ. Trước tình hình như vậy, ASEAN đã đề ra bộ tiêu chuẩn về thành viên EAS. Theo đó, nước muốn tham gia EAS đầu tiên phải đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:

I. Nước ứng viên phải là đối tác đối thoại của ASEAN.

II. Phải thừa nhận TAC và ký bản Hiệp ước này.

III. Phải là đối tác kinh tế quan trọng của ASEAN.

Khi đề ra bộ tiêu chuẩn thành viên này, ASEAN không chỉ nhằm tìm ra giải pháp về vấn đề thành viên EAS đầu tiên mà quan trọng hơn là ở chỗ ASEAN đã nhìn thấy đây là cơ hội để nó có thể buộc các nước lớn thừa nhận TAC và trở thành một bên ký kết bản Hiệp ước quan trọng này. Đây chính là mục tiêu mà ASEAN theo đuổi suốt từ 1976 cho tới lúc đó. Hơn nữa, với việc đề ra các tiêu chuẩn trên, ASEAN muốn làm yên lòng Mỹ, vốn đang căng thẳng theo dõi những động thái tiến tới EAS -1. Qua bộ tiêu chuẩn trên ASEAN muốn gửi tới Hoa kỳ một thông điệp kép là Oasinhtơn có thể tham gia vào EAS -1, nếu chấp nhận TAC và việc tham gia của Trung Quốc vào tiến trình này không có nghĩa là ASEAN ngả theo Trung Quốc. Những tham vọng có thể của Trung Quốc đối với EAS -1 sẽ được kiềm chế bởi TAC.

Việc ASEAN đặt ra yêu cầu ký TAC để được tham gia EAS đã gây lúng túng cho các nước muốn tham gia vào tiến trình này. Bởi vì, họ không muốn ký bản Hiệp ước trên. Phát biểu tại Hội nghị nghị thượng đỉnh ASEAN + 3 họp ở Bli năm 2003 Thủ tướng Koizumi nói: “Tôi tin rằng Nhật Bản có thể tăng cường các mối quan hệ của nó với ASEAN trong tương lai mà không cần ký Hiệp ước. Tôi nghĩ chúng tôi có hiểu biết với các nước ASEAN về điểm này “ (13)

Phản ứng trước lời tuyên bố trên của Thủ tướng Nhật, tờ Bưu điện Jakarta, số ra 30/12/2003 cho rằng Nhật Bản “thiếu thành thật đối với các nước láng giềng". (14) Nguyên nhân thật sự khiến Tôkyô né tranh hiệp ước này là TAC, vốn bao gồm cả nguyên tắc không can thiệp, sẽ hạn chế Nhật Bản đề cập tới các vấn đề thúc đẩy quyền con người và dân chủ trong khu vực.

Cũng như Nhật Bản, lúc đầu Úc cũng từ chối việc ký TAC. Đáp lại đề nghị Úc ký TAC, Thủ tướng Úc coi đó “là tàn dư của chiến tranh lạnh và muốn thiết lập quan hệ thực chất với ASEAN.“(15)

Tuy nhiên, trước việc Trung Quốc đã ký TAC từ năm 2003 và khả năng bị loại khỏi EAS-1, Nhật Bản và Úc đã phải ký bản Hiệp ước. Hàn Quốc, Ấn độ, Niu Dilân đều tình nguyện trở thành các bên tham gia bản Hiệp ước này.

Việc tất cả các thành viên tuơng lai của EAS-1 thừa nhận TAC đã mở đường cho việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Đông Á đầu tiên ở Kuala Lumpua tháng 12/ 2005. Hội nghị đã thành lập ra tiến trình EAS.

Với sự ra đời của tiến trình mới này, ASEAN đã tạo được một cấu thành mới cho cấu trúc khu vực của mình. Cấu thành này là một vòng đồng tâm lớn, nằm trong ARF, nhưng lại nằm ngoài ASEAN + 3 và các ASEAN + 1. Cấu trúc khu vực sắp theo lớp đa phương này sẽ tạo ra những kênh mới, thông qua đó, ASEAN thu hút được các nguồn lực bên ngoài để phát triển. Mặt khác, cấu trúc trên lại tạo thêm một mạng lưới dày đặc, bảo vệ ASEAN trước các mối đe doạ từ bên ngoài. Đây chính là ý đồ ASEAN theo đuổi khi sáng lập cấu trúc khu vực riêng của mình.

2.3. Xây dựng Cộng đồng ASEAN, một gợi ý về mô hình liên kết khu vực ở Đông Á

Như chúng ta đã biết mục đích cuối cùng của Hợp tác ASEAN + 3 và Hợp tác Đông Á là xây dựng Cộng đồng Đông Á. Tuy nhiên, trong Báo cáo của mình, EAVG và EASG đều chưa đưa ra được mô hình cụ thể của EAC. Chính điều này đã dẫn tới những thảo luận sôi nổi trong những năm qua về EAC. Trung Quốc cổ vũ cho EAFTA, coi đó như bước đi đầu tiên để tiến tới EAC. Nhật Bản chủ trương xây dựng EACEP. Hàn quốc không tuyên bố ồn ào về vấn đề này, nhưng cũng đưa ra mô hình riêng về hội nhập khu vực. Với tư cách là lực lượng cầm lái Hợp tác ASEAN + 3 và Hợp tác Đông Á, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 9 tổ chức ở Bali đầu tháng 10 năm 2003, các nước thành viên ASEAN tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột: hợp tác chính trị an ninh, hợp tác kinh tế và hợp tác văn hoá xã hội. Các cộng đồng này sẽ “hoà quyện vào nhau và tăng cường lẫn cho nhau vì mục đích đảm bảo hoà bình lâu dài, ổn định và chia sẻ thịnh vượng trong khu vực” (16).

Việc đưa ra mô hình về Cộng đồng ASEAN như trên không chỉ nhằm mục đích đưa liên kết khu vực của ASEAN lên một bình diện mới, cao hơn nhằm giúp Hiệp hội này duy trì được vai trò chủ đạo của mình trong các tiến trình hợp tác khu vực do nó sáng lập mà còn nhằm đưa ra một gợi ý về mô hình Cộng đồng Đông Á tương lai .

Lúc mới được đề xuất, gợi ý trên của ASEAN ít gây được sự chú ý của các đối tác ASEAN + 3. Tuy nhiên, trong mấy tháng gần đây, gợi ý của ASEAN có vẻ như đã có sức hút hơn.

Trong Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN + 3 lần thứ 10 tổ chức ở Cebu tháng Giêng vừa qua, các nhà lãnh đạo ASEAN + 3 đã khẳng định rằng Cộng đồng ASEAN là trung tâm của định hứơng dài hạn về một Cộng đồng Đông Á” (17)

Ngoài các hoạt động lớn trên, với tư cách là một trong 4 đối tác của Hợp tác ASEAN + 3, ASEAN và các nước thành viên của nó đã tham gia tích cực vào mọi hoạt động hợp tác của tiến trình trên.

Cùng với Trung Quốc, ASEAN đang triển khai các hoạt động nhằm xây dựng Khu mậu dịch tự do ASEAN- Trung Quốc. Sau khi ký Hiệp định mậu dịch hàng hoá và Hiệp định giải quyết tranh chấp của Hiệp định khung Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh giữa hai bên ở Pnommpênh tháng 11/ 2002, hai bên đã ký Hiệp định mậu dịch trong dịch vụ tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc lần thứ 10 ở chức ở Cebu đầu tháng Giêng vừa qua.

Tại hội nghị kỷ niệm 15 ngày thiết lập quan hệ ASEAN – Trung Quốc tổ chức ở Nam Ninh ngày 30 tháng 10 năm 2006, các nhà lãnh đạo hai bên đã bày tỏ quyết tâm hoàn thành việc xây dựng ACFTA đúng thời hạn, bất kể rất nhiều khó khăn đang đợi họ ở phía trước.

Trong khuôn khổ ASEAN + 1 với Nhật Bản, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang tiến hành đàm phán để sớm ký kết hiệp định về quan hệ đối tác kinh tế toàn diện ASEAN- Nhật Bản. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Cebu, các nhà lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản đã bày tỏ quyết tâm ký Hiệp định Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Nhật Bản vào tháng Tư năm 2007 này. Để đạt được mục tiêu trên, Vòng đàm phán thứ 6 về AJCEP đã được tiến hành tại đảo Boracay, Philippin trong 2 ngày 26-27/ 2/ 2007 (18). Tại Vòng đàm phán này, hai bên đã thảo luận về các thể thức mậu dịch hàng hoá, văn bản các Hiệp định trong các lĩnh vực đầu tư, mậu dịch hàng hoá và dịch vụ. Do còn một số vấn đề chưa thống nhất ( về nguyên tắc xuất xứ hàng hoá, thể thức tự do hoá mậu dịch...) hai bên nhất trí tiến hành Vòng đàm phán thứ bảy vào tháng Tư năm 2007. Trên cơ sở các kết quả đạt được từ quá trình xây dựng AJCEP, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN- Nhật Bản lần thứ 10 tổ chức ở Cebu tháng Giêng năm nay, hai bên đã thoả thuận tiến hành nghiên cứu ở Kênh hai về Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện Đông Á ( CEPEA ).

Việc đàm phán để xây dựng khu mậu dịch tự do giữa ASEAN với Hàn Quốc cũng đang được đẩy mạnh.

Ngoài việc thúc đẩy phát triển quan hệ với từng nước Đông Bắc Á thông qua các tiến trình, các nhà lãnh đạo ASEAN còn tích cực góp phần thúc đẩy sự phát triển của Hợp tác Cộng 3 cũng như khuyến khích Nhật Bản và Trung Quốc cải thiện quan hệ với nhau vì lợi ích chung của Hợp tác Đông Á. Phát biểu tại Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về “Tương lai của Châu Á” tổ chức ở Tokyo ngày 25/ 5/ 2005, Thủ tướng Xingapo Lý Hiển Long cho rằng “Nhật Bản và Trung Quốc đã chia sẻ một lịch sử đan cài vào nhau lâu dài. Hai nước đã không thể hoà giải và kết thúc câu chuyện về Đại chiến 2, theo cách mà Đức và Pháp đã làm ở châu Âu. Do vậy, một vài sự xích mích là không tránh khỏi, khi cả hai mở rộng ảnh hưởng khu vực và quốc tế. Nhưng sự va chạm không phải là không tránh khỏi vì cả hai chính phủ đều nhìn thấy lợi ích của sự hợp tác và họ cũng không hề muốn xung đột.” Hiểu được mong muốn hợp tác của cả Trung Quốc và Nhật Bản, ông kêu gọi : “... cả hai bên cần điều hoà các tình cảm dân tộc, quản lý sự tranh chấp về lãnh thổ và những xung đột khác đang xảy ra và tìm ra những phương cách khôn ngoan để dần dần gạt bỏ các vấn đề đó và làm việc để hướng tới sự hoà giải". (19)

2. Đánh giá về vai trò của ASEAN trong Hợp tác ASEAN + 3

Những phân tích về vai trò và những đóng góp trên của ASEAN trong quá trình phát triển của Hợp tác ASEAN+ 3, cho thấy Hiệp hội các quốc gia không chỉ là người khởi xướng mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của tiến trình này. Tuy nhiên, trong vai trò cầm lái Hợp tác ASEAN + 3, ASEAN còn có nhiều hạn chế. “Hầu hết các sáng kiến, dự án hợp tác đều do các nước Cộng 3 đề xuất.... Trên thực tế, ASEAN chủ yếu đóng vai trò điều phối các hoạt động hợp tác". (20)

Theo tôi, sở dĩ có tình trạng trên là do hai nguyên nhân chính sau :

Một là, trong Hợp tác ASEAN + 3, ASEAN vẫn còn là một đối tác nhỏ, so với Trung Quốc và Nhật Bản, xét từ cường lực tổng thể. Trong bối cảnh như vậy, ASEAN lại chưa thể hiện diện ở Đông Á như một tổng thể ( entity ) duy nhất mà vẫn chỉ là một Hiệp hội của các quốc gia Đông Nam Á, khác biệt nhau về chế độ chính trị, trình độ phát triển và nghi kỵ lẫn nhau. Khi tham gia vào Hợp tác ASEAN + 3, mỗi thành viên của nó lại theo đuổi những mục tiêu khác nhau. Trong khi Xingapo hy vọng Hợp tác ASEAN + 3 có thể cung cấp cho họ một công cụ nữa để đảm bảo an ninh quốc gia của mình giữa thế giới Mã lai không mấy thân thiện với họ và thúc đẩy liên kết kinh tế với những nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn, thì Inđônêxia , Malaixia , Philíppin, Thái lan xem tiến trình hợp tác này như một sợi dây bảo hiểm trong quan hệ với Trung Quốc, đồng thời giúp họ khai thác các cơ hội từ sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của nước này. Về phần mình, các nước CLMV lại nhìn thấy ở Hợp tác ASEAN + 3 một sự đảm bảo để chung sống hoà bình với Trung Quốc và những nguồn lực to lớn có thể khai thác để sớm thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước ASEAN 6.

Do tham gia vào Hợp tác ASEAN + 3 với các mục tiêu khác nhau, nên lợi ích chung giữa các nước ASEAN trong tiến trình này không lớn.

Trong bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản đang cạnh tranh gay gắt về ảnh hưỏng và quyền lợi ở Đông Nam Á, việc các nước ASEAN theo đuổi các mục tiêu khác nhau trong ASEAN + 3 đã tạo cơ hội cho hai nước trên thực hiện các tham vọng của họ. Bằng cách áp dụng các cách tiếp cận khác nhau đối với liên kết kinh tế khu vực, Trung Quốc và Nhật Bản đã làm cho ASEAN phải phân cực. Một số ủng hộ và sốt sắng với ACFTA, số khác hào hứng với AJCEP. Trong bối cảnh như vậy, ASEAN khó có thể đóng vai trò lãnh đạo thật sự trong tiến trình này.

Hai là, cho tới nay Hợp tác ASEAN + 3 không có nguồn lực chung. Việc đề xuất xây dựng Quỹ Hợp tác ASEAN + 3 mới chỉ được đưa ra tại AMM + 3 tháng 7/ 2006. Các dự án hợp tác đều được triển khai bằng nguồn tài trợ của các quỹ ASEAN + 1. Trong các quỹ này, phần đóng góp của các đối tác Đông Bắc Á chiếm ưu thế.

Ngoài những dự án được thực hiện bằng các quỹ trên, đối tác nào muốn đề xuất sáng kiến, họ sẽ phải tự tìm lo về kinh phí cho dự án. Nguyên tắc này đã bó tay ASEAN, khiến nó không thể đề xuất các dự án lớn để thúc đẩy hợp tác đa phương trong khuôn khổ APT.



(1) Takashi Terada : Thorny Prgress in the Ụnstitutionalization of ASEAN + 3 : Deficient ChinaJapan Leadership and the ASEAN Divide for Regional Governance . Policy and Governance Working papers series No.49. July 2004. P.17

(2): New Straits Times, July 29/2002

(3): Straits Times 28, July 2002

(4): Takashi Terada : Thorny Prgress in the Ụnstitutionalization of ASEAN + 3 : Deficient ChinaJapan Leadership and the ASEAN Divide for Regional Governance . Policy and Governance Working papers series No.49. July 2004. P.17

(5) New Straits times , 6 August 2003

(6) Phỏng vấn cá nhân của Tadashi Terada. Ụbid. P.18

(7) Xem : Final Report . Ụbid.

(8) Xem : Final Report . Ubid.

(9) Tin của AP ngày 27/ 11/ 2004. Tin tham khảo thế giới của TTXVN 29/11/ 2004. Tr.3

(10) Towards an integrated East Asia Community. Keynote Address by YAB Dato’s Seri Abdullah H.J Ahmad Badawi. Prime Minister of Malaysia at the second East Asia Forum. Kuala Lumpur, 6 December 2004.p.1g

(11) Towards an integrated East Asia Community. Keynote Address by YAB Dato’s Seri Abdullah H.J Ahmad Badawi. Prime Minister of Malaysia at the second East Asia Forum. Tài liệu đã dẫn. Tr.2

(12) Tài liệu trên

(13) Tài liệu trên

(14) Chairman’s Statement of the 8th ASEAN + 3 Summit .Vientiane, 29 November 2004

Tài liệu khai thác qua mục ASEAN + 3 trên Website :

(15) Asahi Shimbun, 16/ 12/ 2003. Dẫn theo Terađa Tahashi : Thorny progress.... Tài liệu đã dẫn. Tr 11

(16) Jakarta Post 30/12/ 2003

(17) Tin của AP ngày 27/ 11/ 2004. Tin tham khảo thế giới của TTXVN 29/11/ 2004

(18) Trích ASEAN Concord II. Tài liệu khai thác từ Website :

(19) Chairmam’s Statement of the 10 th ASEAN Plus Three Summit Meeting . Cebu , Philippines 14 January 2007. Tài liệu đã dẫn

(20) Tham gia Vòng đàm phán này , về phía Nhật có đại diện Bộ ngoại giao là ông Jun Yokota, đại sứ về các vấn đề kinh tế đối ngoại; Đại diện Bộ Tài chính là ông Makasaru Sakaguchi, Phó Tổng giám đốc, Văn phòng Hải quan và thuế ; Đại diện Bộ Nông, Lâm , Ngư nghiệp là ông Hidemishu Sasaya , Phó Tổng giám đốc về các vấn đề đối ngoại; Đại diện Bộ Kinh tế, Mậu dịch và Công nghiệp là ông Nobuhito Saki , Phó Tổng Giám đốc, Văn phòng Chính sách mậu dịch )

Về phía ASEAN có ông Ramon Vicente Kabigting , Giám đốc, Văn phòng Quan hệ mậu dịch quốc tế và một số quan chức ASEAN khác.

(21) “ The future of East Asian Cooperation “ . Speech by Prime Minister Lee Hsien Loong at the 11 th internatinoal conference on “ The future of Asia “ , 25 May 2005 , Tokyo, Japan. http:// sec.org

[21] Nhận xét của ông Trần Bình, quan chức Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao trong bài viết “ Vai trò của ASEAN trong Hợp tác ASEAN+ 3". Bài viết trên đựoc trình bày tại Hội thảo: Hợp tác ASEAN + 3 trong bối cảnh Thưọng đỉnh Đông Á” do đề tài cấp bộ : “ Một số vấn đề cơ bản về Hợp tác ASEAN + 3 “ tỏ chức tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ngày 13/10/2006

 PGS.TS. Nguyễn Thu Mỹ
Viện nghiên cứu Đông Nam Á
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   |