Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Từ Việt Nam học Xô Viết đến Việt Nam học Nga hôm nay
Đến nay, trên thế giới đã có nhiều nước có một ngành nghiên cứu gọi là “Việt Nam học”. Hàng đầu trong các nước đó phải kể tới là Pháp và Nhật Bản, Mỹ và Úc, Hàn Quốc và Italia…

Giới khoa học xã hội của nước Nga tự nhận là họ đã thực sự quan tâm và hình thành môn Việt Nam học Xô Viết từ đầu những năm 1950 trở lại đây. Dường như họ cũng nhất trí với nhau khi chia quá trình hình thành phát triển môn này ở nước Nga ra 4 giai đoạn:

Đầu thế kỷ XIX đến 1917

Từ 1917 đến 1950, khi Liên Xô – Việt Nam chính thức có quan hệ ngoại giao.

Từ 1950 đến 1991.

Từ 1991 đến nay.

Bản thân tác giả bài viết này “phân kỳ” lịch sử Việt Nam học của Nga có khác các bạn đồng nghiệp Nga một chút. Với chúng tôi, từ sau Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại đến 1991, Việt Nam học Xô Viết như một dòng chảy liên tục và không cần sự phân chia. Vì thế chúng tôi chỉ chia làm 3 thời kỳ và đó là kết cấu bản báo cáo này.

I. Sự xuất hiện ngành “Nghiên cứu Việt Nam” ở nước Nga trước Cách mạng tháng Mười 1917.

Người Nga đã biết đến Việt Nam qua các chuyến đi của các nhà thám hiểm,ngoại giao, nhà quân sự, thương nhân và nhà văn kể từ đầu thế kỷ XIX.

Trong số những chuyến đi đầu tieen ở thập kỷ 40 có chuyến đi của Xêmen và X. Tôikôvích, thập niên 50 là Vennhicốp, thập niên 60 có chuyến đi của nhà văn Nga Xta-nhiucôvích (tới Sài Gòn tháng 2 và 3/1863) được nhiều người biết đến vì qua ngòi bút văn chương đầy nhân ái của ông, lần đầu tiên bạn đọc Nga có thể cảm nhận được cuộc chiến tranh xâm lược mà thực dân Pháp đang tiến hành ở Nam Kỳ, khi chính tác giả, trong khói súng của cuộc chiến tranh xâm lược ấy đang đi dọc kinh Đồng Nai…

Thập niên 80 có chuyến đi của nhà văn Crettốpxki, Vôlan, thập niên 90 là Nhedơvetxki, Ximônốp, Chikhômirốp…

Các cuộc du hành của người Nga chủ yếu bằng tầu thủy (tầu Hải quân Nga hay tầu buôn), nơi đến thường là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, có khi cả Cam Ranh…

Trong các chuyến đi đó độc đáo nhất có lẽ là chuyến đi năm 1892 của vị Hoàng thân Nga – nhà văn Viademxki, hội viên Hội Địa lý Nga, chuyến đi xuyên Việt bằng ngựa. Là người đã bỏ ra 16 năm thực hiện chuyến đi bằng đường bộ qua hầu hết Châu Âu, Châu Phi, Châu Á với khoảng 300.000 Km. Từ 1891, ông đã thực hiện chuyến đi quan trọng bậc nhất qua Trung Quốc, Thái Lan (lúc đó gọi là Xiêm) và các nước Đông Dương với lộ trình gần 46.000 Km bằng ngựa.

Chuyến đi xuyên Việt này từ Lạng Sơn ngày 14/03/1892 qua Hà Nội, Nam Định, Huế, Đà Nẵng… vào cuối tháng 7 năm ấy, đã kết thúc ở Sài Gòn, qua Huế ông có được vua Thành Thái tiếp và tặng quà lưu niệm.

Cũng như nhiều nhà thám hiểm Nga, ông để lại nhiều ghi chép về nước “An Nam xa xôi”, thiên nhiên, con người và phong tục tập quán.

Lưu ý rằng, thập niên 80-90 thế kỷ XIX, dường như người Nga bừng lên sự quan tâm về Đông Dương cũng như các nước Đông Nam Á, khi người Pháp làm chủ nhiều khu vực quan trọng thuộc vùng này và vùng ảnh hưởng của nước Nga ở Trung Quốc cứ bị thu hẹp dần trước sự xâu xé của các nước Phương Tây.

Vì thế, trước khi lên ngôi 3 năm, trong chuyến đi 9 tháng vòng quanh thế giới, vị Hoàng đế cuối cùng của nước Nga, Sa hoàng Nicôlai Đệ nhị (1868-1918) cùng đoàn tùy tùng đông đảo các nhà khoa học, đã không quên ghé thăm Sài Gòn và Cam Ranh (3/1892).

Những chuyến đi kiểu này vẫn tăng thêm khi có cuộc chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905), nhiều tầu chiến của Hải quân Nga đã ghé vào cảng Sài Gòn hay Cam Ranh tránh bão hoặc sửa chữa kỹ thuật, tiêu biểu là sự có mặt của bác sĩ V. Crapsenkô.

Năm 1821, lần đầu tiên ở Matxcơva, trong một tạp chí nghiên cứu sử-địa có bài Bước đầu tìm hiểu về xứ Nam Kỳ.

Năm 1846, ở Matxcơva xuất bản cuốn sách Phong tục ký ức các dân tộc trên hành tinh của A. Xmena và A. Stoicôvích, trong phần “cư dân bán đảo” có kể về An Nam.

Riêng tạp chí Người đưa tin Nga của Matxcơva cũng là nơi xuất hiện nhiều bài, tổng thuật thông tin từ xứ Nam Kỳ, về Sài Gòn… (rải rác trong các số từ 1858-1878). Đáng chú ý trong số đó là bài Tóm tắt lịch sử đế quốc An Nam (số 6-1878) đã bắt đầu đăng về một tác phẩm lịch sử về Việt Nam.

Tạp chí Tư tưởng Nga số 3-1897 công bố bài Thông báo về xứ An Nam với những ý kiến đầu tiên của V. Vênhiucova về dân tộc học người Việt và xã hội nông nghiệp cổ truyền của Việt Nam. Chính tác giả này trước đó cũng có bài tin cập nhật về xứ Bắc Kỳ kể về những khám phá của thương nhân Châu Âu về Thăng Long và Hải Phòng…

Đánh dấu những tác phẩm văn chương có giá trị của nhà văn Nga về Việt Nam là tác phẩm của nhà văn K. Xtanhiukêvích (1843-1903) nói trên. Những trang viết của ông trong tập Vòng quanh thế giới trên tầu Coocxun đã được bạn đọc Việt Nam biết khá lâu, vốn đăng tải đầu tiên vào năm 1864 trong tạp chí sưu tập Hàng Hải (số 2-3) với tên Những người Pháp ở xứ Nam Kỳ. Năm 1867 nhà văn lại cho in cuốn sách Từ một chuyến đi biển lớn dành riêng phần viết về Việt Nam với 3 chương: Ở Nam Kỳ, Người Nam KỳSài Gòn thực sự giá trị như chúng ta đã biết.

Còn một tác giả văn học đáng chú ý khác, gần gũi về mặt thời gian hơn đó là nữ văn sĩ Xô Viết T. Sépkina (1874-1952). Những năm đầu thế kỷ bà đã trở thành người bạn gái của vua Hàm Nghi khi họ làm quen với nhau ở thủ đô Algé của Algérie nơi từ lâu ông vua kháng Pháp này bị lưu đày.

Trong tập bút ký Những bức thư từ phương xa, xuất bản năm 1903 ở Matxcơva, bà đã viết rất hay về Hàm Nghi với tiêu đề “Hoàng tử Lý Tông”, bí danh của Nhà Vua.

Có chi tiết thú vị là, khi được bà mời qua thăm nước Nga, vua Hàm Nghi trả lời: “Tôi như con chim tội nghiệp bị dây da buộc chân rồi” (bà còn ghi nguyên văn lời Hàm Nghi bằng tiếng Pháp). Những trang viết của bà Sépkina không chỉ mô tả chân dung tinh thần của một Ông Vua yêu nước mà còn gợi ra cho người đọc chiều sâu tư tưởng văn hóa Việt Nam (qua sự bộc lộ của chính Hàm Nghi với nhà văn về tôn giáo, tín ngưỡng người Việt, về Khổng Tử, về nghệ thuật…).

Nhà văn đáng chú ý thứ 3 trong danh mục tác giả Nga viết về Việt Nam trước Cách mạng tháng Mười 1917 là Créttốpxki với chuyến đi Nam Kỳ theo lời mời của Bộ trưởng Hải quân Nga, trên một tầu tuần dương đến Sài Gòn. Ông viết liền 3 bài: Từ Xingapo đến Sài Gòn, Sài GònTừ Sài Gòn đến Hồng Kông. Ông còn có tập ghi chép ở Sài Gòn, mô tả khá sinh động cuộc sống, phong tục tập quán của người dân bản xứ Đồng Nai trong buổi đầu chế độ thuộc địa.

Nhưng dầu sao những tác phẩm sử học, dân tộc học và khảo sát văn học Việt Nam vẫn là những thành tựu đầu tiên đáng chú ý của giới Việt Nam học Nga lúc ấy.

Trong số những tác phẩm sử học quan trọng lần đầu tiên phải kể đến cuốn Xứ Bắc Kỳ, xuất bản năm 1895 ở Matxcơva của G. đờ Vôlan, nhà ngoại giao Nga tên tuổi. Là người đi nhiều ở Châu Á, khi viết về Việt Nam, ông đã bộc lộ sự hiểu biết kỹ càng về lịch sử, dân tộc (con người) xã hội xứ Bắc Kỳ, sự so sánh văn minh Việt Nam với Trung Hoa và cả cái nhìn “vị trí chiến lược” của nước ta ở Đông Nam Á. Đặc biệt, ông còn có tập ghi chép du ký kiểu dân tộc học miêu tả thịnh hành ở Châu Âu lúc đó, nhưng khá sắc sảo mối quan hệ Trung – Việt trong lịch sử, về lối sống, tôn giáo, sân khấu, âm nhạc, nghệ thuật ẩm thực… của người Việt.

Ngoài Matxcơva, thành phố Petécbua cũng có nhiều tạp chí, đặc biệt tạp chí Sưu tầm quân sự bắt đầu chú ý đến Việt Nam.

V. Nhedơvetxki liên tiếp trong các số 10/1883, số 7/1884, số 5/1885 đã viết về những sự kiện liên hệ với các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp trong hồi hót của Việt Nam.

Năm 1890, tại Petécbua có cuốn sách Chiến dịch Bắc Kỳ của N. Êmônôva, với sự trình bày chi tiết có phân tích nghệ thuật quân sự của những sự kiện này của quân đội thực dân Pháp.

Từ đầu thế kỷ XX, sự nghiên cứu về Việt Nam ở Nga cũng mở rộng thu hút nhiều nhà khoa học tên tuổi ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Người đầu tiên đi sâu vào nghiên cứu thiên nhiên cây cỏ, sinh vật của Việt Nam là GS V. Chikhômirốp, M, 1895. Trong tạp chí Tự nhiên và địa lý nhà bác học Nga khác là E. Êríchsơn đã khảo sát về sông ngòi, biển và khả năng hải sản nước ta…

Tác phẩm địa lý, địa chất về Việt Nam đầu tiên đáng lưu ý là của A.Laximiarốp. Năm 1901, trong cuốn sách lớn Những người láng giềng phía nam của Trung Quốc, Người Pháp ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, Xiêm Miến Điện, tác giả đã giành phần lớn cuốn sách cho sự mô tả địa lý tự nhiên, có rất nhiều bản đồ, ảnh kèm theo.

Về địa lý, khí hậu Việt Nam có thể kể thêm cuốn V. Calôconnhichcôva (M, 1902)…

Tất nhiên thể loại ghi chép du ký vẫn là thể loại có số tác phẩm đông đảo nhất, một thể loại có thể là đối tượng nghiên cứu cho sử học, dân tộc học, văn học…

Tập niên 90 của thế kỷ XIX, ở Nga tiếp tục có nhiều tập sách, bài viết như thế của những V. Nedơvetxki, N. Écmanốp, V. Ximônốp… họ tiếp tục viết về những điều tai nghe mắt thấy ở Việt Nam và ngày càng tỏ ra hiểu biết hơn về lịch sử, con người, phong tục tập quán cũng như đất nước Việt Nam.

Đáng chú ý là các nhà thám hiểm, khoa học, nhà văn Nga đã hiểu khá rõ lịch sử văn hóa văn minh VIệt Nam từ thế kỷ XVI, thế kỷ quan trọng của sự hình thành không gian quốc gia, cương vực của nước ta, họ tỏ ra biết khá tường tận về Nam Kỳ và Sài Gòn hơn là phía Bắc.

Đầu thế kỷ, chúng ta kể đến tập Hành trình qua 3 biển. Hồi ức của một bác sỹ trong chuyến đi biển hồi chiến tranh Nga – Nhật, 1904-1905 (X. Petécbua, 1910). Sau đó là cuốn Vòng quanh thế giới 1904-1905 của E. Egôrép.

Chuyến đi của Sa hoàng Nicôlai Đệ nhị nói trên cũng để lại bộ sách đồ sộ Cuộc hàng trình về phương Đông 1890-1891 (X. Petécbua, 1895). Lưu ý rằng, trong bộ sách này, ở tập 2, với sự trợ giúp của một số tùy viên, ghi chép của Sa hoàng về Sài Gòn, về Cam Ranh cũng được xuất bản, ngoài tiếng Nga và tiếng Đức, Anh và Pháp.

Thói chuộng lạ (exotique) vốn là đam mê của các tác giả Châu Âu khi viết về phương Đông thời ấy. Chúng ta có thể thấy các tác giả Nga không bị ảnh hưởng năm của thói đam mê này. Tâm hồn phương Đông của “cơ thể có nửa dòng máu phương Đông” (Lênin) dường như đã giúp họ tránh được căn bệnh đó. Vì thế đọc các tác giả Nga ít nhiều đều thấm đượm tình cảm chân thật, dịu dàng và cởi mở…

Nói thêm đôi điều về chuyến đi xuyên Việt độc đáo nói trên của Hoàng thân Nga K. Viademxki ở nước ta năm 1892. Những ghi chép của tác giả đặc biệt này góp thêm hiểu biết của người Nga về Việt Nam với những tranh viết rất tinh tế về cây cỏ, chim muông, khí hậu cho đến lịch sử và dân tộc học, nghệ thuật và ngôn ngữ Việt Nam.

Giai đoạn sơ khởi của Việt Nam học Nga là như vậy. Chưa thể có những tác phẩm chuyên sâu về từng môn học như các tác giả người Pháp cùng thời như C.B. Maybon, A.Faure, C.Gosselin, M.Capstan, M. de la Bisachere, A.Masson… nhưng lại bộc rõ sự kính trọng văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam và tình cảm của cuộc kháng chiến không cân sức với người Việt Nam chống xâm lược…

II. Việt Nam Xô Viết, từ sau Cách mạng tháng Mười Nga 1917 đến 1991.

Có nhiều yếu tố dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ các tác phẩm, tác giả, các lĩnh vực nghiên cứu và hơn thế nữa cả sự hình thành tính cách Việt Nam học Xô Viết, đó là:

- Thứ nhất, bản thân nước Nga Xô Viết sau Cách mạng tháng Mười đã phát huy ảnh hưởng của mình, nhất là với phong trào giải phóng dân tộc, trong đó có Việt Nam.

- Thứ hai, khi thành lập Quốc tế Cộng sản và quá trình tồn tại của nó (1919-1943) với trung tâm của guồng máy vĩ đại Quốc tế Cộng sản là Matxcơva, với cơ quan tuyên truyền phong phú của tổ chức này, trước hết là các tạp chí: Kinh tế thế giới và chính trị thế giới, Phương Đông cách mạng, Tư liệu về những vấn đề dân tộc và thuộc địa, Quốc tế nông dân, Công hội đỏ Quốc tế, đặc biệt là Tạp chí Quốc tế Cộng sản là những miếng đất nuôi dưỡng Việt Nam học Xô Viết.

Các cơ sở đào tạo của Quốc tế Cộng sản như trường Đại học Phương Đông (KYTB), trường Quốc tế Lênin… với số sinh viên Việt Nam ngày càng đông đảo (từ 1932-1938) cũng là nguồn kích thích cho Việt Nam học Xô Viết phát triển.

- Sau 1950, khi có quan hệ hai nhà nước, Liên Xô càng có vị trí ở Việt Nam thì sự phát triển Việt Nam học Xô Viết càng trở nên cần thiết, không chỉ là vấn đề nghiên cứu mà cả vấn đề đào tạo chuyên gia Xô Viết thực sự cho ngành này.

Sự kiện mở đầu cho Việt Nam học Xô Viết lại chính là bài viết quen thuộc của nhà thơ Nga O. Manđétxtam, trên tạp chí Ngọn lửa nhỏ (số 39-1923) về “Nguyễn Ái Quốc, khách của Quốc tế Cộng sản”. Bài viết không chỉ là tài liệu quý để nghiên cứu về Hồ Chí Minh mà còn là cái nhìn mới của người Xô Viết về văn hóa, tôn giáo, cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam…

Thời gian đáng nhớ ấy, chính ở Matxcơva đã xuất hiện nhiều tác phẩm của chính tác giả Việt Nam – những nhà cách mạng chuyên nghiệp hoạt động trong khuôn khổ của Quốc tế Cộng sản:

- Năm 1925, tập sách của Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí Trung Hoa cộng tác, cuốn Trung Quốc và thanh niên Trung Quốc (đã được dịch và đưa vào Hồ Chí Minh toàn tập, xuất bản lần thứ 2, 1996).

- Hà Huy Tập (Sinnhítkin), Trần Văn Giàu (Hồ Nam) cùng năm 1932 có chung tập Nguyên tắc tổ chức Bônsevích.

- Năm 1933, Nguyễn Khánh Toàn (bí danh Minhin) có nhiều bài đăng trên tạp chí Quốc tế Cộng sản như Khởi nghĩa Yên Bái, Các nhóm và các đảng phái chính trị ở Đông Dương, Biểu hiện các sự kiện chính trị quan trọng ở Đông Dương tới năm 1914

Đầu năm 1930 là thời điểm hình thành thực sự Việt Nam học Xô Viết với những tác giả có uy tín như Viện sĩ Gube, Nôvicốp, Vaxilieva, Mkhitarian…

Tác phẩm quan trọng đầu tiên là của B. Đanxinh, cuốn Đông Dương (1931), một cuốn Monographie có giá trị. Trong cuốn sử này, tác giả đặc biệt chú ý giai đoạn bản lề của cách mạng Việt Nam 1929-1930. Đanxinh còn là tác giả nhiều bài nghiên cứu về kinh tế, chính trị của thực dân Pháp trong hai cuộc khai thác của thực dân Pháp ở Đông Dương đăng tải trên Tạp chí Quốc tế Cộng sản.

Do nhu cầu của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít, từ đầu 1940 Liên Xô và Quốc tế Cộng sản rất chú ý khu vực Thái Bình Dương, ý đồ của bọn quân phiệt Nhật. Vì thế, đã xuất hiện cuốn Indonesia và Đông Dương (1942) của nhà sử học, viện sĩ Gube. Trước đó, năm 1940, ông cho in cuốn Lịch sử cận đại các nước thuộc địa và phụ thuộc, có chương Đông Dương.

Riêng bà V. Vaxilieva, Trưởng phòng Đông Dương, Bộ Phương Đông Quốc tế Cộng sản, người gắn bó với các nhà lãnh đạo Việt Nam đăng rải rác trên Tạp chí Quốc tế Cộng sản (1931-1933) và trên tờ Kinh tế thế giới và Chính trị quốc tế (1938-1940).

Để phục vụ giảng dạy cho các lớp đào tạo ở trường Phương Đông, bà có viết hai cuốn sách nghiên cứu về Đông Dương, mà một trong hai cuốn đó đã được xuất bản sau năm 1945 là cuốn Đông Dương (1947). Cùng với sách của Gube, cuốn sách này được coi là một trong những tác phẩm hình thành Việt Nam học Xô Viết thực sự.

Về ngôn ngữ học, việc nghiên cứu tiếng Việt ở Liên Xô được bắt đầu bởi I. Súcki, một chuyên gia tên tuổi về ngôn ngữ Trung Hoa cảu Việt Phương Đông Lêningrát. Năm 1931, chính ông đã thử khảo sát, so sánh với tiếng An Nam (đến lúc đó vẫn dùng danh từ này). Năm đó GS I. Súcki viết hai cuốn liền Về tiếng An NamNgữ pháp tiếng An Nam (1932).

Năm 1936, ông cho xuất bản cuốn Cơ cấu tiếng An Nam do Viện Ngôn ngữ Lêningrát ấn hành.

Sau khi Liên Xô công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1/1950), trong các trường đại học nổi tiếng ở Liên Xô và Viện Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô dấy lên việc học tiếng Việt trong những nhà Việt Nam học Xô Viết trẻ tuổi: I.Seđrốp, A.Xitnhicôva, M. Setxcốp, I. Ôgnhetốp, M. Tcachép, V. Ivanốp, A. Sintôva…

Đài phát thanh Matxcơva mở chương trình phát băng tiếng Việt từ tháng 2/1951 là sự kiện đáng nói, với phát thanh viên người Nga nổi tiếng đầu tiên là P. Alêsin.

Năm 1954, nhà Việt Nam học Xô Viết trẻ tuổi, sau này trở thành nhà nghiên cứu văn học Việt Nam có uy tín bậc nhất là Niculin cũng bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc làm cán bộ của Đại sứ quán Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết mới mở ở Hà Nội. Sau này, cùng với bà Nona Xtankiêvích, Niculin trở thành một trong những nhà ngôn ngữ học Nga quan trọng nghiên cứu tiếng Việt thế kỷ XVII.

Năm 1954, hệ thống đại học của Liên Xô, trước tiên là Đại học Ngoại giao Matxcơva cũng mở ngành Việt Nam học. Một trong những sinh viên đầu tiên sau này thành Đại sứ Nga ở Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Hà Nội là R. Khamiđulin (nhiệm kỳ 1990-1996).

Ở trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, 1956, ra đời ngành này, thuộc Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ Phương Đông (hiện nay gọi là Viện Nghiên cứu các nước Á – Phi).

Sau này, khi Ban Việt Nam ra đời ở Viện Phương Đông (VHLKHLX) ở Matxcơva thì ngành Việt Nam học Xô Viết càng phát triển vững chắc và gặt hái được những thành tựu đáng kể.

Việc nghiên cứu lịch sử vẫn là thế mạnh của Việt Nam học Xô Viết. Nhiều công trình lớn về thông sử Việt Nam từ thế kỷ XVII đến cuối thập kỷ 80 lần lượt ra đời: Lịch sử cận đại Việt Nam (M, 1980), Lịch sử hiện đại Việt Nam (1917-1965) (M, 1970), Lịch sử hiện đại Việt Nam (M, 1984)… đã xuất hiện nhiều chuyên gia về lịch sử Việt Nam về từng giai đoạn hoặc từng lĩnh vực khác nhau.

Trước hết là GS Mkhitarian, cả hai vợ chồng từng làm chuyên gia ở Việt Nam (1959-1961) trở thành chuyên gia hàng đầu lịch sử hiện đại Việt Nam với các tác phẩm: Giai cấp công nhân và phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam (M, 1967), Những cao trào cách mạng ở Đông Dương từ đầu 1930 thế kỷ XX (M, 1975), và nhất là cuốn Cách mạng Việt Nam, những vấn đề lý luận và thực tiễn (M, 1986).

Đ. Điôpích, kể từ sau khi bảo vệ luận án PTS Các nhà nước có ở Việt Nam do chính Viện sĩ Gube hướng dẫn năm 1961 đã dần trở thành chuyên gia tên tuổi về lịch sử cổ trung đại Việt Nam, GS Điôpích không chỉ đào tạo nhiều chuyên gia cho Việt Nam từ đó đến nay mà còn là tác giả nhiều công trình đáng chú ý với phương pháp định lượng về vấn đề ruộng đất, thiết chế xã hội Việt Nam cổ trung đại. Gần đây ông cho xuất bản cuốn Lịch sử Việt Nam (tập 1, từ thời cổ đại đến thế kỷ XVIII, M, 1994), một tác phẩm được chú ý. Tập 2 bộ sách này, xuất bản 1995 do Nôvaccôva và P. Xvettốp viết.

Trong hai thập kỷ 70 và 80, các tác phẩm về lịch sử của Việt Nam học Xô Viết ngày càng nhiều.

Có thể kể tới những tác phẩm như Lịch sử vắn tắt chế độ phong kiến Việt Nam của M. Secxcốp (M, 1967), Quan hệ Việt-Trung thế kỷ XVII-XIX của G. Murasôva (M, 1973), Trung Quốc và Việt Nam của I. Maskina (M, 1978), Hồ Chí Minh của M. Côbelép và P. Aphonhin (1985), Sự ra đời cảu đế chế Nguyễn của A. Riabinhin (M, 1988), Chế độ phong kiến Việt Nam thế kỷ XV của Đ. Maclốp (M, 1989), Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam 1930-1935 của A. Redơnhicốp (M, 1969)…

Về những vấn đề của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương cũng như vấn đề kinh tế xã hội Việt Nam thời thuộc địa được các tác giả sau quan tâm: I.Đêmenchép, năm 1958 với Chính sách của Pháp ở Đông Dương và sự thành lập liên bang Đông Dương 1958-1907 (M, 1975).

Đó là chưa kể đến những tác phẩm của V. Mazưrin, A. Buđanốp, A. Madaép, Đ. Lettiagina về chế độ nhà nước và cấu trúc giai cấp sau cách mạng tháng Tám. Về lịch sử quân sự cũng cần nhắc tới A. Priđưavalo, cuốn Quân đội nhân dân Việt Nam (M, 1974), quan hệ Xô – Việt trong tác phẩm của M. Icxaép. Còn nhiều tên tuổi khác: G. Kađưnốp, O. Nôvacôva, Xvéttốp, E. Chiumeneva…

Về triết học thực ra còn ít công trình. A. Nikitin và V. Burốpvưi là những chuyên gia chính. Từ 1985 các tác giả này đã dịch các tác giả Việt Nam và đã có tập Hợp tuyển những tư tưởng truyền thống Việt Nam (từ thế kỷ X đến XIII). Trên cơ sở công trình đó, họ đã cho ra mắt Triết học Việt Nam cận hiện đại (M, 1990).

Về tôn giáo ở Việt Nam, tác phẩm đầu tiên là của E. Bedina Giáo hội Công giáo ở Đông Nam Á (M, 1966), với những chương sách khá dày dặn. Năm 1978, G. Xtranôvích có chuyên khảo đáng chú ý: Tín ngưỡng dân gian của cư dân Đông Dương (M, 1978).

Thờ cúng tổ tiên đã thành đối tượng nghiên cứu của I.O. Khanhiadeva, Phật giáo Việt Nam trong các công trình của A. Nikhiti và X. Balagốp, Kitô giáo ở Việt Nam trong công trình của O. Nôvacôva. Còn X. Blagốp có công trình nghiên cứu về đạo Cao Đài rất đáng chú ý.

Ngoài “trường phái Matxcơva” còn có “trường phái Lêningrát” về nghiên cứu lịch sử Việt Nam của Việt Nam học Xô Viết.

Nhà khảo cổ quen biết với Việt Nam, chuyên gia ở Việt Nam hội 1960 – 1963, đã có cuốn Thời đại nguyên thủy ở Việt Nam (1966), nhà dân tộc học An. Mukhionôva, năm 1977 có cuốn Những giai đoạn hình thành, phát triển dân tộc Việt (M, 1997).

Năm 1978, Ia. Chétsnốp có cuốn Lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong thập kỷ 80 đầu 90 là những tác phẩm của Létxkinhen, A. Mykhinốp, O. Egôruniốp…

Về Địa lý: Cuốn sách địa lý Việt Nam đầu tiên ở Liên Xô, tên là Việt Nam (M, 1957) của T. Sêgơlava. Năm 1961 là Thiên nhiên Bắc Việt Nam của V. Phơrilan. Địa vật lý Việt Nam có trong công trình của G. Xaxốpco, I. Mankhanốp, L. Anôcốp…

Về kinh tế học:

Sau tác phẩm đầu tiên Nên kinh tế Quốc dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của K. Clôpatốp, 1956 là một loạt tác giả như Karamưsốp (Kinh tế nông nghiệp), Tài chính ngân hàng của V. Ratxtôgiép… trong thập kỷ 60.

Nhiều tác giả Xô Viết lúc đó cũng quan tâm đến kinh tế Miền Nam trước sau năm 1975 như I. Sêdơrốp, V. Khatuxop, E. Gladunốp…

Kinh tế là một lĩnh vực khá mạnh của Việt Nam học Xô Viết. Từ thập kỷ 80, đã có nhiều tác giả nghiên cứu kinh tế chính trị học Việt Nam như các cuốn Những vấn đề của sự phát triển kinh tế Việt Nam (1980), Những vấn đề của thời kỳ CNXH/quá độ ở những nước kinh tế chậm phát triển (1989), Việt Nam trên con đường đổi mới (1990) của N. Macarốp, E. Bagatốp, X. Malưghin…

Công trình nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam đầu tiên ở Liên Xô là cuốn Tiếng Việt của nhóm tác giả: V. Xônxép, Iu. Lêcônxép, T. Mkhitarian, I. Glêbova (1960). Cũng năm đó có thêm một số công trình về từ vựng, ngữ âm tiếng Việt.

Cuốn đầu tiên về ngữ pháp tiếng Việt là cuốn của 2 nhà ngôn ngữ Lêningrát N. Xtankêvích, I. Bứtxtrốp và Nguyễn Tài Cẩn, 1993 có thêm một cuốn ngữ pháp tiếng Việt của V. Panphinốp Hệ thống ngữ pháp tiếng Việt (X. Petecbua, 1993).

Nhiều nhà ngôn ngữ Nga còn nghiên cứu nhiều vấn đề về cú pháp, động từ, tính từ,… cũng như một số ngôn ngữ dân tộc ít người ở Việt Nam, chẳng hạn công trình Ngữ hệ Việt Mường của N. Xacôlốpxka, chữ viết Mường (1987), Khơ mú (1990)…

Từ điển cũng là lĩnh vực được Việt Nam học Xô Viết quan tâm.

Cuốn Từ điển Nga – Việt, 36.000 từ, 1961 của K.Alicalốp, V. Ivanốp, I. Makhanốp. Năm 1992, nhà xuất bản tiếng Nga còn cho in cuốn Từ điển Nga – Việt mới của I. Glêbova và A. Xacôlốp…

Nghiên cứu văn học Việt Nam là một mảng rất mạnh ở Liên Xô.

Đi đầu trong số các nhà nghiên cứu đó là GS. TS Niculin với công trình đầu tiên năm 1961 về Nguyễn Du, năm 1971 ông có tác phẩm Lược đồ văn học Việt Nam và 1977 là Văn học Việt Nam từ trung thế kỷ đến cận đại.

Trong ngành phê bình văn học và lý luận có M. Tcasép (văn học dân gian, hiện đại), I. Đimônin (cổ điển). T. Flimonova (văn học cận hiện đại), A. Xacôlốp (hiện đại), X. Tôporixốp…

Nghiên cứu nghệ thuật học Việt Nam, Việt Nam học Xô Viết cũng có những cây bút của mình, họ là G. Smêlôva, Đ. Điopich, M. Kôkhan…

Các nhà Việt Nam học Xô Viết cũng lưu ý thể loại sách tra cứu. Thí dụ: Thư mục các nước Đông Nam Á (M, 1960), Thư mục các công trình về ngôn ngữ Đông Nam Á (1988), Từ điển địa lý so sánh Việt Nam (M, 1988), Thư mục chú giải về Hồ Chí Minh (M, 1980)…

Việt Nam học Xô Việt như thế là có lịch sử rất lâu dài và đã thu được những thành tựu to lớn, không chỉ có tiếng vang ở Liên Xô, Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Do quan hệ đặc biệt giữa hai nước, đặc biệt từ sau 1950 Việt Nam học Xô Viết đã có sự phát triển vượt bậc. Có thể rút ra những nhận xét sau:

- Việt Nam học Xô Viết có lịch sử khá lâu đời, đã tạo cho nó một hệ thống hoàn chỉnh mọi lĩnh vực: sử học, văn học, ngôn ngữ, chính trị học, kinh tế, địa lý, nghệ thuật học… mà không phải mọi ngành Việt Nam học mọi quốc gia có được.

- Việt Nam học Xô Viết đã có tới 3 thế hệ (1930, 1960 và 1990). Mỗi thế hệ đều có những chuyên gia khá vững vàng, đủ các lĩnh vực, có quan hệ gắn bó trực tiếp, gần gũi với Việt Nam.

- Việt Nam học Xô Viết có những thành tựu khoa học to lớn, góp phần phát triển khoa học (Đông Phương học Nga) mà còn góp phần thắt chặt quan hệ hai nước, hai dân tộc.

III. Việt Nam học Nga từ 1991 đến nay

Việc Liên Xô sụp đổ năm 1991 khiến cho Việt Nam học Xô Viết rẽ ngoặt sang một trang mới. Biến cố này làm cho nó biến đổi ngay từ cái tên gọi.

Đầu tiên là chấn động về tổ chức và lực lượng.

Ở Viện Phương Đông từ 1992 không còn Ban Việt Nam, Phòng Đông Phương thu hẹp hoạt động. Việc đào tạo nghiên cứu sinh, thực tập sinh cho Việt Nam đến 1996 dường như chấm dứt. Nhiều trung tâm nghiên cứu Việt Nam ở Liên Xô (cũ) không còn.

Cho đến 1997, chỉ còn lại:

- Trung tâm Việt Nam học thuộc Viện Á-Phi (ICCA) của trường MGU do GS Điôpích đứng đầu.

- Ở Viện Phương Đông còn một bộ phận chung trong Ban Đông Nam Á.

- Ở khoa Phương Đông của Đại học Tổng hợp X. Petecbua.

- Ở khoa Phương Đông cua Đại học Tổng Hợp Viễn Đông (Vlađivôxtoc).

Mặc dù như vậy nhưng đội ngũ các nhà Việt Nam học Nga còn đó. Tình cảm và hành động nghề nghiệp vẫn hướng về Việt Nam. Còn nhớ, đầu năm 1994, khi dư luận thế giới bị ngộ độc vấn đề tử binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và là cái cớ để B. Clintơn ngoan cố cấm vận Việt Nam, nhà ngôn ngữ trẻ đang chuyển sang nghiên cứu lịch sử cách mạng Việt Nam A. Xacôlốp đã viết bài số phận trớ trêu của tài liệu Nga để vạch trần sự thật của việc “chế tác tài liệu lưu trữ” của những phần tử cơ hội, cùng phía Mỹ để bênh vực sự thật cho Việt Nam.

Trung tâm Việt Nam học của MGU, dù khó khăn, vẫn có 2 cuộc hội thảo quốc tế về truyền thống và hiện tại Việt Nam (đã xuất bản 2 kỷ yếu năm 1995 và 1997, 2 tập).

Ngoài 2 cuốn lịch sử Việt Nam đồ sộ nói trên, Điôpích đang nghiên cứu văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á, D. Matxlốp về lịch sử hiện đại Việt Nam, Xacôlốp về lịch sử tư tưởng cận đại Việt Nam, về Hồ Chí Minh, V. Antônsenkô về Galubốp, nhà Việt Nam học Xô Viết thập kỷ 20-30 trong quan hệ với trường Viễn đông Bác cổ (EFEO). Còn Riabinhin cũng đang miệt mài tiếp tục nghiên cứu lịch sử nhà Nguyễn…

Đặc biệt, công trình nghiên cứu của Xacôlốp Quốc tế Cộng sản và việc đào tạo cán bộ cách mạng Việt Nam được xuất bản và dịch ra tiếng Việt (2002) tạo được sự chú ý rộng rãi. Nhà nghiên cứu trẻ ở Đại học Xanh Petecbua I. Kolatov về tôn giáo và chính trị ở Miền Nam Việt Nam trước năm 1975 cũng được ghi nhận… Rất nhiều hướng nghiên cứu về Việt Nam mở cửa, đổi mới và hội nhập cũng đã có những thành tựu…

Một giai đoạn mới của Việt Nam học Nga đang bắt đầu.

 GS. TS. Đỗ Quang Hưng
Viện Khoa học Xã hội Việt Nam - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   | 360   | 361   | 362   | 363   | 364   | 365   | 366   | 367   | 368   | 369   | 370   | 371   | 372   | 373   | 374   | 375   | 376   | 377   | 378   | 379   | 380   | 381   | 382   | 383   | 384   | 385   | 386   | 387   | 388   | 389   | 390   | 391   | 392   | 393   | 394   | 395   | 396   | 397   | 398   | 399   | 400   | 401   | 402   | 403   | 404   | 405   |