Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Mối quan hệ Việt Nam - Liên Xô thông qua tài liệu lưu trữ tại Kho Lưu trữ Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Ngày 30-1-1950 Chính phủ Liên Xô quyết định kiến lập mối quan hệ bang giao giữa Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô-viết và Việt Nam dân chủ cộng hoà đã mở ra mối quan hệ chiến lược giữa Nhà nước Việt Nam và Nhà nước Liên Xô.

Kho Lưu trữ Trung ương Đảng đang lưu trữ một khối lượng tài liệu rất có giá trị về quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô, quan hệ giữa hai nhà nước và nhân dân hai dân tộc Việt Nam – Liên Xô. Những tài liệu này cơ bản được xử lý nghiệp vụ, phân loại, chỉnh lý khoa học, lập mục lục tra cứu, hiện đang bảo quản tại các phông tài liệu của Ban Chấp hành Trung ương, phông Ban Đối ngoại Trung ương, phông Ban cán sự đảng Ngoài nước, các sưu tập tổ chức cách mạng trước năm 1945, phông Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Duy Trinh, Phạm Văn Đồng…

Theo thống kê các phông đã được lập hồ sơ, chỉnh lý hoàn chỉnh, hiện Kho Lưu trữ Trung ương Đảng bảo quản khoảng 200 hồ sơ với 1000 tài liệu, tương đương 10.300 trang tài liệu, một số băng ghi âm, ghi hình về quan hệ Việt Nam – Liên Xô.

Đây là nguồn tài liệu cung cấp cho chúng ta những thông tin tin cậy về mối quan hệ hữu nghị giữa hai đảng, sự giúp đỡ quý báu về vật chất cũng như tinh thần mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đã dành cho Việt Nam trong nhiều giai đoạn của lịch sử, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975). Đồng thời, nó cũng phản ảnh sự đoàn kết gắn bó, đồng chí của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với Đảng, Nhà nước Liên Xô.

Chúng tôi khái quát một số điểm cơ bản, nổi bật trong quan hệ Việt Nam – Liên Xô thông qua một số phông tài liệu cơ bản lưu trữ tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng như sau :

1- Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam hoàn thành sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Ngược lại, Việt Nam cũng luôn luôn sát cánh cùng Liên Xô đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc và tay sai của chúng hòng cô lập, tiêu diệt chủ nghĩa xã hội. Quan hệ giữa Việt Nam – Liên Xô ban đầu có mức độ, dần dần về sau được phát triển toàn diện trên các lĩnh vực.

Những tài liệu có giá trị của phông Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta tập trung vào thể loại như biên bản ghi lại các cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Đảng ta với lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô, bên cạnh đó còn có các bản tuyên bố, thư, điện trao đổi giữa hai Đảng. Những tài liệu này thể hiện một cách sâu sắc, chính thức và trung thực các vấn đề chính yếu và quan trọng nhất về mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô, giữa Nhà nước Việt Nam và Nhà nước Liên Xô. Đó là bằng chứng sinh động về tình đoàn kết hữu nghị, keo sơn đã được các đồng chí lãnh đạo các thời kỳ của hai đảng gây dựng và vun đắp.

Bài diễn văn của đồng chí A.N.Cô-xư-ghin tại buổi mittinh chào mừng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 7-2-1965 của nhân dân Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh : “Nhân dân Liên Xô hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của những người anh em Việt Nam(1). Bản Tuyên bố chung Việt Nam – Liên Xô sau chuyến thăm này của đồng chí A.N.Cô-xư-ghin ngày 10-2-1965 khẳng định : “Chính phủ Liên Xô sẽ không thể thờ ơ đối với việc bảo đảm nền an ninh của nước xã hội chủ nghĩa anh em và sẽ có sự giúp đỡ và ủng hộ cần thiết cho nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Hai Chính phủ đã đi tới một sự thoả thuận thích đáng về những biện pháp sẽ được tiến hành nhằm củng cố khả năng quốc phòng của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà” (2)

Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Liên Xô từ 10-4-1965 đến 17-7-1965 của đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, hai bên đã ra Tuyên bố chung khẳng định : “Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chính phủ Liên Xô kiên quyết lên án những hành động ăn cướp của đế quốc Mỹ ở khu vực Đông Dương, lên án sự can thiệp vũ trang của chúng chống lại nhân dân miền Nam Việt Nam yêu chuộng tự do và những hành động trắng trợn và tấn công ăn cướp của chúng đối với nước Việt Nam dân chủ cộng hoà” (3).

Bản Tuyên bố chung còn thể hiện rõ tinh thần đoàn kết với Việt Nam:“Khi có yêu cầu của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Liên Xô sẽ đồng ý để cho những người công dân Liên Xô sang Việt Nam, những công dân này với tinh thần quốc tế vô sản đã bày tỏ nguyện vọng được chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, cho việc giữ gìn những thành quả xã hội chủ nghĩa của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà” (4).

Sau cuộc đi thăm Việt Nam của đồng chí Sê-lê-pin, Uỷ viên Chủ tịch đoàn, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô sang thăm Việt Nam tháng 1-1966, bản thông cáo của hai bên có đoạn : “Hai bên rất hài lòng về sự phát triển có kết quả những mỗi quan hệ hữu nghị giữa Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết và Việt Nam dân chủ cộng hòa” (5).

Cùng với phông Ban Chấp hành Trung ương, tài liệu phông Ban Đối ngoại Trung ương cho chúng ta biết về những giúp đỡ của Liên Xô trên các mặt ngoại giao, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Cụ thể :

Trên mặt trận ngoại giao, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 30-1-1950 của Liên Xô để sau đó là hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đã làm cho Việt Nam không còn bị cô lập trên trường quốc tế. Từ đây, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ sau này của Việt Nam nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ rộng rãi, to lớn của quốc tế, đặc biệt các nước xã hội chủ nghĩa.

Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ về vấn đề lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết, Chính phủ Liên Xô đã có nhiều ủng hộ Việt Nam. Điều đó thể hiện ở chỗ, với tư cách là một trong hai chủ tịch của Hội nghị Giơnevơ năm 1954, Liên Xô luôn luôn phối hợp với Việt Nam đấu tranh vạch trần âm mưu phá hoại hoà bình của đế quốc Mỹ và Diệm, ủng hộ hoà bình ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trong các cuộc Hội nghị của những tổ chức quốc tế mà đại diện của miền Nam Việt Nam tham gia, Liên Xô thường lên án chính quyền miền Nam, nêu cao vai trò của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (6). Về phía Việt Nam, chúng ta đã phối hợp với Liên Xô ở mọi mặt quần chúng, báo chí, Chính phủ một cách nhanh chóng và kịp thời. Thể hiện trong những dịp Chủ tịch Khơ-rut-xốp đi thăm Mỹ, dịp Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo, thử thành công tên lửa… Việt Nam đã có nhiều bức điện, thư chúc mừng, hoan nghênh, ủng hộ lập trường của Liên Xô và biểu lộ sự đoàn kết nhất trí giữa hai bên. Đó là các tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 6-11-1956 ủng hộ bản tuyên bố của Chính phủ Liên Xô và những nguyên tắc phát triển và tăng cường tình hữu nghị và sự hợp tác giữa Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa; Tuyên bố ngày 17-12-1957 về thông điệp của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô gửi Mỹ, Anh, Pháp, Tây Đức… về khoá họp của Hội đồng khối Bắc Đại Tây Dương; Tuyên bố ngày 2-4-1958 về việc thử vũ khí khinh khí và nguyên tử của Liên Xô..v.v…

Về kinh tế, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ sâu rộng và to lớn về viện trợ, hợp tác thương mại, nông nghiệp, công nghiệp. Tính riêng tổng kim ngạch ta xuất sang Liên Xô năm 1960 tăng 29 lần so với năm 1955, ta nhập năm 1960 tăng 32 lần so với năm 1955. Trong nông nghiệp, Liên Xô đã giúp Việt Nam áp dụng kỹ thuật tiên tiến như thụ phấn cho ngô, làm tăng năng suất từ 20-30%. Bên cạnh đó Liên Xô còn viện trợ hàng vạn tấn phân hoá học các loại; giúp ta trang bị cho các nông trường nhiều máy móc (máy xới đát, máy gieo, máy gặt đập, máy cắt cỏ, máy phát điện…). Tương tự, trong lĩnh vực công nghiệp, kiến thiết cơ bản, giao thông bưu điện, khí tượng thuỷ văn… Liên Xô cũng đã có nhiều giúp đỡ cho Việt Nam.

Về văn hoá, hai nước đã có trao đổi về các biện pháp hợp tác văn hoá. Những năm đầu sau Hiệp định Giơnevơ, trao đổi văn hoá giữa hai nước mới chỉ dừng lại ở những nội dung đơn giản, về sau nó trở nên toàn diện hơn, đề cập đến tất cả mọi ngành như văn học nghệ thuật, điện ảnh, báo chí, phát thanh, y tế, thể dục, thể thao… Về số lượng, những hoạt động văn hoá giữa hai bên cũng phát triển, từ trao đổi sách báo, tổ chức triển lãm đến trao đổi các đoàn văn công, nghệ thuật, báo chí, điện ảnh. Chỉ tính từ 1955-1960 đã có 48 đoàn ra, 49 đoàn vào (7)… Bên cạnh đó, Liên Xô còn gửi sang Việt Nam nhiều chuyên gia trên tinh thần quốc tế vô sản cao cả sang giúp Việt Nam xây dựng và kiến thiết đất nước cả trong kháng chiến và sau thống nhất đất nước năm 1975.

Tài liệu phông đồng chí Nguyễn Duy Trinh, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho chúng ta biết rõ hơn về quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam hiện lên với tính chất thước đo giá trị của quan hệ quốc tế giữa Liên Xô với các nước. Trong quan hệ Xô - Mỹ, thông qua cuộc tiếp xúc giữa Sứ quán ta và bạn ngày 21-7-1971, Liên Xô nhấn mạnh : “Chừng nào Mỹ chưa chấm dứt chiến tranh bẩn thỉu chống nhân dân Việt Nam thì chừng đó quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ không thể tốt được” (8) … Thái độ này của Liên Xô được khẳng định nhiều lần, “Liên Xô trước sau như một, kiên quyết ủng hộ nhân dân Việt Nam chống bọn xâm lược Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn” (9).

Trong cuộc gặp ngày 12-9-1972 giữa đồng chí Sa-pốp-nhi-cốp, Phó ban thứ nhất Ban liên lạc Trung ương (Liên Xô) với đại diện Đại sứ quán Việt Nam đã nói “Liên Xô sẽ tích cực giúp đỡ Việt Nam xúc tiến giải quyết hoà bình vấn đề Việt Nam trên cơ sở những đòi hỏi chính đáng của nhân dân Việt Nam càng sớm càng tốt. Nếu Việt Nam phải chiến đấu, Liên Xô tiếp tục ủng hộ” (10).

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Liên Xô cũng nhiều lần khẳng định về việc đánh giá cao và hài lòng về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, hai đảng và vệ sự đánh giá cao của phía Việt Nam về đường lối và sự ủng hộ của Liên Xô trong vấn đề Việt Nam : “Đảng và Chính phủ Liên Xô luôn luôn coi việc giúp đỡ Việt Nam chống xâm lược là một nghĩa vụ. Liên Xô có nghĩa vụ với nhiều nước nhưng bao giờ cũng đặt nghĩa vụ đối với Việt Nam lên hàng đầu” (11).

Ngày 14-6-1973 trong buổi tiếp đại sứ các nước xã hội chủ nghĩa đồng chí Tổng Bí thư Brêgiơnép đã nói : “Hoà bình đã lập lại ở Việt Nam. Các đồng chí Việt Nam có nhiều việc phải làm. Chúng ta phải giúp Việt Nam” (12).

Trước đó, ngày 3-4-1973 trong buổi tiếp đại sứ ta tại Matxcơva, đồng chí Podgorny, đại diện Đảng Cộng sản Liên Xô tiếp tục khẳng định lại lập trường giúp đỡ Việt Nam của Liên Xô sau khi Hiệp định Pari được ký kết : Liên Xô sẽ giành mọi sự giúp đỡ cần thiết để hàn gắn vết thương chiến tranh của Việt Nam, giúp Việt Nam có đủ lực lượng đối phó trong trường hợp bất trắc vì Mỹ xảo quyệt (13).

Trong cuộc tiếp xúc với đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Brê-giơ-nép khẳng định : “Chúng tôi muốn nói một lần nữa rằng, nhân dân chúng tôi đánh giá rất cao cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam” (14). Đó là sự đánh giá khách quan và có ý nghĩa khích lệ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Cũng trong cuộc hội đàm này, đồng chí Brêgiơnép đã khái quát về tình cảm của Liên Xô đối với Việt Nam: “Mỗi một bản tuyên bố và mỗi một bài diễn văn của các đồng chí lãnh đạo chúng tôi đều nói đến vấn đề Việt Nam, đều nói rằng chúng tôi ủng hộ không những về chính trị, tinh thần, mà còn giúp thực tế cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù […] tất cả mọi nơi trong Liên Xô đều có mittinh phản đối xâm lược của đế quốc Mỹ, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Không những thế, chúng tôi còn vận động nhân dân tình nguyện giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc” (15).

Báo cáo về tình hình quan hệ Việt Nam và Liên Xô của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng ta đã khẳng định sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam, ngược lại Việt Nam cũng đã sát cánh cùng Liên Xô trong các vấn đề quốc tế. Điều này thể hiện ngay trong các hoạt động ngoại giao sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, như chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 7-1955 sang thăm Liên Xô… và các chuyến thăm Việt Nam của đồng chí Mi-côi-ăng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô sang thăm Việt Nam (đầu năm 1956), chuyến thăm của đồng chí Vorosilop, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô (tháng 5-1957). Ngoài ra, trong tháng 10-1956, Quốc hội Việt Nam đã cử đoàn đại biểu do Chủ tịch Tôn Đức Thắng dẫn đầu sang thăm Liên Xô theo lời mời của Hội đồng Xô viết tối cao Liên Xô và tháng 10-1957 Hội đồng Xô viết tối cao Liên Xô đã cử đoàn đại biểu do đồng chí Aristov dẫn đầu sang thăm Việt Nam.

Đồng thời với các hoạt động ngoại giao giữa hai đảng, hai nhà nước, đó là việc tuyên truyền giới thiệu Việt Nam ở Liên Xô và giới thiệu Liên Xô ở Việt Nam. Hoạt động này đã làm cho hai đảng, hai nhà nước và nhân dân hai dân tộc hiểu biết về nhau hơn. Điều này có tác dụng quan trọng trong việc củng cố tình hữu nghị đầy đủ và toàn diện (16).

Ngày 30-12-1964 Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh Liên Xô kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam chống cuộc can thiệp vũ trang của chủ nghĩa đế quốc Mỹ và chế độ phản dân ở Sài Gòn và Liên Xô không thể và sẽ không làm ngơ trước âm mưu của các giới đế quốc nhằm mở rộng chiến tranh xâm lược ở Đông Dương và mở rộng những hoạt động chiến tranh sang lãnh thổ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Ngày 9-2-1965, Chính phủ Liên Xô tuyên bố Liên Xô buộc sẽ phải có những biện pháp mới cùng với các nước đồng minh và bạn bè của mình nhằm bảo vệ nền an ninh và tăng cường khả năng phòng thủ của nước Việt Nam và không ai nên nghi ngờ rằng Liên Xô sẽ không làm việc đó, rằng nhân dân Liên Xô sẽ không làm trọn nghĩa vụ quốc tế của mình đối với nước xã hội chủ nghĩa anh em đó.

Đồng thời với những ủng hộ trên trường quốc tế, Liên Xô thiết thực ủng hộ cuộc kháng chiến của chúng ta trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá giáo dục… Trong đó, phải kể đến các khoản viện trợ to lớn mà Liên Xô dành cho Việt Nam như : lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phương tiện vận tải, thiết bị toàn bộ, sắt thép và kim loại màu, phân hoá học, vũ khí, đạn dược và các khí tài, vật liệu khác cần thiết cho việc củng cố quốc phòng và phát triển kinh tế; nhiều hiệp định về phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh được cả hai bên đề cập một cách thích đáng trong chương trình nghị sự trong các cuộc gặp gỡ, trao đổi.

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực quốc phòng, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam các loại vũ khí hạng nặng như xe tăng, pháo lớn mặt đất, phòng không, tên lửa, ô tô… Đồng thời, hai nước đã cùng nghiên cứu nhiều loại vũ khí tối tân của Mỹ do Việt Nam thu được trên chiến trường. Qua đó đã đưa ra các biện pháp khống chế vũ khí tối tân của Mỹ trên chiến trường Việt Nam nói riêng và các chiến trường khác trên thế giới.

2- Bên cạnh những quan hệ trên, trong nhiều văn kiện khác tại phông Ban Chấp hành Trung ương, phông đồng chí Lê Duẩn, phông Văn phòng Trung ương, cho thấy Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo, bồi dưỡng số lượng lớn cán bộ nòng cốt của cách mạng Việt Nam, từ các kỹ sư đến cán bộ trung cấp, cao cấp trong nhiều giai đoạn lịch sử, ngay từ khi chưa ra đời Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Từ những năm 1920-1930 đã có 59 người Việt Nam học ở Liên Xô (35 người học tại trường Đại học Phương Đông), trong đó nhiều đồng chí sau này trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng ta như : Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Thị Minh Khai… sau này có các đồng chí Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nguyễn Văn An… cũng đều học tập tại Liên Xô (17).

Trong số những cán bộ đó, đặc biệt phải kể đến là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Trong hành trình tìm đường cứu nước, nhất là sau khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến Liên Xô, đất nước của Lênin, cái nôi của Cách mạng Tháng Mười để tìm hiểu về cuộc cách mạng vĩ đại của những người Xô-viết đã giành được. Bởi đó là hình bóng của một nhà nước công nông mà Người hằng ấp ủ.

Tài liệu lưu trữ Phông Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta biết về quá trình học tập, hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô từ 1923 đến cuối 1938 như sau (18):

- Từ 1923-1924 : Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân lên đất nước Xô-viết vào tháng 7-1923, ngay sau đó Người đến gặp Uỷ ban của Quốc tế Cộng sản báo cáo và xin ý kiến về cách mạng Đông Dương; tham dự Đại hội Quốc tế Nông dân và được bầu vào Ban chấp hành, là thành viên trong đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản (7-8/1924) và có bài phát biểu quan trọng tại Đại hội.

- Từ cuối 1934 đến cuối 1938 :

+ Tháng 9-1934 tham gia học tập tại trường Quốc tế Lênin, năm 1935 chuyển sang học trường Đại học Phương Đông, đã tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản cùng các đồng chí Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Nọn và Nguyễn Thị Minh Khai.

+ Năm 1936 là nghiên cứu sinh của Viện nghiên cứu khoa học về dân tộc và thuộc địa, được phân công làm công tác giáo viên ở Tiểu ban Đông Dương của Viện.

+ Năm 1937-1938 : tiếp tục làm nghiên cứu sinh, phụ giảng tiếng Việt và các vấn đề Đông Dương cho học sinh người Việt Nam.

+ Tháng 9-1938 Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về công tác trong Đảng Cộng sản Đông Dương theo quyết định của Quốc tế Cộng sản (tại Quyết định số 60 của Ban tổ chức Viện nghiên cứu khoa học về dân tộc và thuộc địa).

Qua quãng thời gian dài học tập và công tác ở Liên Xô đã giúp Nguyễn Ái Quốc lĩnh hội chủ nghĩa Mác – Lênin và qua đó vận dụng vào thực tế cuộc đấu tranh anh hùng của dân tộc Việt Nam sau này.

Trong nhiều văn bản ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô, Liên Xô khẳng định giúp đào tạo chuyên gia Việt Nam tại các trường kỹ thuật trung và cao cấp ở Liên Xô và giúp tổ chức việc đào tạo chuyên gia ở các trường Việt Nam. Hàng chục nghìn cán bộ, học sinh, sinh viên các thế hệ của Việt Nam đã được bồi dưỡng, đào tạo trên đất nước Liên Xô anh em. Kể từ sau năm 1945 đây là nguồn cán bộ quý giá của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là số cán bộ được bổ sung sau này đã đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Nhiều tài liệu có giá trị trên hiện được lưu trữ tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng, là nguồn sử liệu quan trọng góp phần nghiên cứu về mối quan hệ chiến lược giữa Việt Nam - Liên Xô trước đây và quan hệ Việt Nam – Cộng hoà Liên bang Nga hiện nay.

Cuối cùng, xin được nhắc lại lời của đồng chí Phạm Văn Đồng trong hội đàm với đồng chí Brê-giơ-nép ngày 13-10-1965 : “Sự giúp đỡ của các đồng chí đối với chúng tôi, sự giúp đỡ chân thành, to lớn và hiệu quả của Liên Xô đối với chúng tôi trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước. Điều này chúng tôi nói với các đồng chí và nói với tất cả mọi người” (19).



(1): Phông Ban Chấp hành Trung ương, mục lục số 3, hồ sơ số 1621, trang 108.

(2): Phông Ban Chấp hành Trung ương, mục lục số 3, hồ sơ số 1621, trang 117.

(3): Tuyên bố chung Việt Nam – Liên Xô ngày 17-4-1965, Phông Ban Chấp hành Trung ương, mục lục số 3, hồ sơ số 1622, trang 178.

(4): Tuyên bố chung Việt Nam – Liên Xô ngày 17-4-1965, Phông Ban Chấp hành Trung ương, mục lục số 3, hồ sơ số 1622, trang 180.

(5) Thông cáo về cuộc đi thăm nước Việt Nam dân chủ cộng hoà của đoàn đại biểu Liên Xô, Phông Ban Chấp hành Trung ương, mục lục số 3, hồ sơ số 1624, trang 116.

(6): Xem phông Ban Đối ngoại Trung ương, hồ sơ 533, mục lục số 1, trang 16.

(7): Phông Ban Đối ngoại Trung ương, hồ sơ 533, mục lục số 1.

(8) (9) Phông đồng chí Nguyễn Duy Trinh, mục lục số 1, hồ sơ số 126.

(10) (11) (12) (13) Phông đồng chí Nguyễn Duy Trinh, mục lục số 1, hồ sơ số 126.

(14) Biên bản hội đàm giữa đồng chí Brêgiơnép và đồng chí Phạm Văn Đồng ngày 13-10-1965, tài liệu đang chỉnh lý thuộc Phông Lê Duẩn, nhóm tài liệu đối ngoại.

(15): Biên bải liệu đang chỉnh lý thuộc Phông Lê Duẩn, nhóm tài liệu đối ngoại.

(16): Phông Ban Đối ngoại Trung ương, hồ sơ 533, mục lục số 1, trang 14.

(17): Tài liệu đang chỉnh lý tại phông Văn phòng Trung ương, nhóm tài liệu về đối ngoại.

(18): Tài liệu phông Chủ tịch Hồ Chí Minh, phông Văn phòng Trung ương.

(19) Biên bản hội đàm ngày 13-10-1965 giữa đồng chí Phạm Văn Đồng với đồng chí Brêgiơnép, tài liệu đang chỉnh lý thuộc Phông Lê Duẩn, nhóm tài liệu đối ngoại.

 Nguyễn Văn Lanh
Cục trưởng Cục Lưu trữ, VP TW Đảng - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   | 360   | 361   | 362   | 363   | 364   | 365   | 366   | 367   | 368   | 369   | 370   | 371   | 372   | 373   | 374   | 375   | 376   | 377   | 378   | 379   | 380   | 381   | 382   | 383   | 384   | 385   | 386   | 387   | 388   | 389   | 390   | 391   | 392   | 393   | 394   | 395   | 396   | 397   | 398   | 399   | 400   | 401   | 402   | 403   | 404   | 405   |