Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Một số nội dung chủ yếu về thời kỳ quá độ, về giai cấp và chuyên chính vô sản trong một số tác phẩm của V.I.Lênin sau cách mạng tháng mười Nga
Cách mạng Xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga thành công đã làm xuất hiện một thời đại lịch sử mới – thời đại của cuộc tổng khủng hoảng của hệ thống tư bản chủ nghĩa (TBCN), là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản (CNTB) lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên phạm vi toàn thế giới, là thời đại hình thành một thế giới mới nảy sinh từ chính trong cuộc đấu tranh chống thế giới cũ, của CNXH chống lại CNTB, là thời đại mà sự phát triển diễn ra vô cùng nhanh chóng, thâm nhập và thay thế lẫn nhau những mặt, những yếu tố, những quá trình khác nhau, thời đại như V.I Lênin đã chỉ rõ là sự đan xen giữa cái cũ và cái mới, giữa cái đang dần mất đi và cái đang dần phát sinh.

V.I Lênin đã từng vạch rõ, nội dung cơ bản của thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH, cũng chính là nội dung cơ bản của thời đại ngày nay là cuộc đấu tranh giai cấp để giải quyết vấn đề “ai thắng ai giữa XHCN và TBCN”. Đó cũng là thời kỳ cải tạo cách mạng từ xã hội TBCN thành xã hội XHCN, xây dựng cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng xã hội XHCN… Tất cả những vấn đề đó đòi hỏi về cả phương diện lý luận và thực tiễn, là phải phát triển hơn nữa phép biện chứng mác xít – linh hồn và hạt nhân của chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung và triết học Mác – Lênin nói riêng.

Sự nghiệp xây dựng CNXH chỉ có thể thành công nếu trước hết phải phân tích một cách khoa học, sâu sắc bản chất của thời đại mới và tính quy luật của nó. Sự cần thiết một mặt, phải vạch ra những tính quy luật mới được nảy sinh từ hiện thực khách quan, từ những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử mới và mặt khác, phải cụ thể hoá và làm phong phú thêm những tính quy luật chung bằng một nội dung mới. Do đó, những nguyên lý, những phạm trù, những quy luật của phép biện chứng duy vật, trong bản chất và thực chất của nó, không tồn tại tự nó, không vận động, không phát triển mà đòi hỏi và cần phải được bổ sung, lý giải, khái quát hoá thêm từ hiện thực lịch sử khách quan vốn hết sức sinh động, phức tạp của thời đại. Đặc biệt là phải luận chứng tính quy luật của thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH, quy luật đấu tranh giải cấp giữa giai cấp vô sản (GCVS) và giai cấp tư sản (GCTS) trên bình diện dân tộc và quốc tế, không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng… với những nội dung và hình thức mới.

Cũng cần lưu ý một tình hình là, sau cách mạng tháng Mười, kẻ thù của chủ nghĩa Mác dưới mọi màu sắc cùng các thế lực phản động khác vẫn điên cuồng chống lại chủ nghĩa Mác nói chung và phép biện chứng mác xít nói riêng, chống lại nhà nước Xô viết và Đảng Bôn-sê-vích. Ở Liên Xô, những trào lưu triết học tư sản phản động vẫn tiếp tục giảng dạy triết học và tuyên truyền những quan điểm duy tâm – tôn giáo. Các trào lưu triết học duy tâm xuất bản nhiều ấn phẩm nhằm những mục đích trên… Một số tạp chí còn đăng tải nhiều bài viết của những người theo chủ nghĩa duy tâm. Nếu như bọn Men-sê-vích và những kẻ thù khác của cách mạng tháng Mười khẳng định rằng cuộc cách mạng XHCN ở nước Nga nổ ra quá sớm, không phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, vì nước Nga là một nước lạc hậu so với các nước TBCN tiên tiến, thì những “lý luận gia” của GCTS Nga lại đưa ra một luận điểm rằng, dù rằng cách mạng XHCN đã thắng lợi, song nước Nga vẫn cần phải quay trở lại con đường phát triển TBCN, v.v.

Tất cả tình hình trên, về phương diện lý luận, cần phải bảo vệ và phát triển hơn nữa chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và vận dụng nó một cách linh hoạt và sáng tạo vào công cuộc cải tạo và xây dựng CNXH; cần phải tổng kết về phương diện lý luận và thực tiễn công cuộc cách mạng ấy nhằm bảo vệ chủ nghĩa Mác, mà trước hết là vận dụng phép biện chứng duy vật trong việc phân tích tính quy luật của thời kỳ quá độ, vấn đề giai cấp và chuyên chính vô sản.

1. Thời kỳ quá độ, như V.I Lênin đã vạch rõ trong tác phẩm Kinh tế và chính trị trong thời đại chuyên chính vô sản là, “Về lý luận, không thể nghi ngờ được rằng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, có một thời kỳ quá độ nhất định. Thời kỳ đó không thể không bao gồm những đặc điểm hoặc đặc trưng của cả hai kết cấu kinh tế xã hội ấy. Thời kỳ quá độ ấy không thể nào lại không phải là một thời kỳ đấu tranh giữa chủ nghĩa tư bản đang giãy chết và chủ nghĩa cộng sản đang phát sinh, hay nói một cách khác, giữa chủ nghĩa tư bản đã bị đánh bại nhưng chưa bị tiêu diệt hẳn, và chủ nghĩa cộng sản đã phát sinh nhưng vẫn còn rất non yếu” (1). Cuộc đấu tranh này chính là nội dung chủ yếu của thời kỳ quá độ, đồng thời cũng là quy luật cơ bản của thời kỳ quá độ – mà mục đích của nó là thủ tiêu quan hệ TBCN và xây dựng cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng XHCN trên cơ sở lực lượng sản xuất phát triển. Đây là quy luật có tính phổ biến, nhưng nó biểu hiện với những hình thức hết sức đa dạng do những điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau quy định.

Trong bài báo Về cuộc cách mạng của chúng ta và một số tác phẩm khác, vận dụng phép biện chứng duy vật, V.I Lênin đã chỉ ra sự khác nhau cơ bản, khác nhau về bản chất giữa cách mạng XHCN và cách mạng tư sản. Theo V.I Lênin, vì quan hệ sản xuất, cơ sở hạ tầng của xã hội XHCN không thể hình thành trong lòng phương thức sản xuất TBCN, mà nó chỉ có thể được xây dựng và phát triển trong suốt thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH, trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản và những tàn tích – tàn dư của xã hội cũ.

Cùng với sự phân tích tính quy luật và nội dung của thời kỳ quá độ, V.I Lênin đã nghiên cứu và phân tích những mâu thuẫn cùng những hình thức biểu hiện của chúng tồn tại trong thời kỳ quá độ, để trên cơ sở đó mà phát triển và làm phong phú hơn nữa lý luận mâu thuẫn – hạt nhân của phép biện chứng duy vật.

V.I Lênin đã chỉ ra rằng, mâu thuẫn cơ bản của thời đại ngày nay - cũng là mâu thuẫn cơ bản trong thời kỳ quá độ là mâu thuẫn giữa hệ thống TBCN và hệ thống XHCN. Mâu thuẫn đó là mâu thuẫn cơ bản vì nó phản ánh bản chất của thời đại, vì mâu thuẫn đó quyết định sự phát triển, sự chín muồi, sự gay gắt của tất cả những mâu thuẫn còn lại tồn tại trong thời kỳ quá độ. Như trong tác phẩm Sáng kiến vĩ đại, V.I Lênin đã chỉ rõ: “Dưới chủ nghĩa tư bản, giai cấp vô sản đấu tranh để giải phóng mình về phương diện kinh tế và chính trị, sau thắng lợi của cách mạng XHCN thì họ đấu tranh để giữ chính quyền đã giành được, đập tan sự kháng cự của giai cấp tư sản, bảo đảm thắng lợi của CNXH. Đó là nhiệm vụ đặc biệt của đấu tranh giai cấp mà trước kia giai cấp vô sản đã không đề ra và không thể đề ra được” (2).

Do đó, điều có ý nghĩa quan trọng về mặt phương pháp luận là không chỉ giới hạn vào việc mô tả những mâu thuẫn hiện đang tồn tại trong sự đan xen và tác động lẫn nhau giữa chúng, mà điều quan trọng hơn là ở chỗ, từ hệ những mâu thuẫn ấy phải vạch ra được mâu thuẫn cơ bản, mâu thuẫn chủ yếu đóng vai trò quyết định sự phát triển, biến đổi của những mâu thuẫn còn lại.

Trên cơ sở đó, V.I Lênin đã chỉ ra hai loại mâu thuẫn trong thời kỳ quá độ khác nhau về nguyên tắc: Bên cạnh mâu thuẫn cơ bản có tính chất đối kháng là mâu thuẫn không đối kháng. Và theo V.I Lênin, trong thời kỳ quá độ, mâu thuẫn đối kháng sẽ dần mất đi, còn mâu thuẫn không đối kháng sẽ tồn tại trong CNXH. Ông nói: “Sự đối kháng và mâu thuẫn hoàn toàn không như nhau. Cái đầu sẽ mất đi, cái thứ hai sẽ tồn tại dưới CNXH”.

Từ sự phân tích đó, V.I Lênin đưa ra phương pháp để giải quyết hai loại mâu thuẫn trên. Đối với loại mâu thuẫn đối kháng, như trong tác phẩm Bàn về cuộc đấu tranh trong Đảng xã hội chủ nghĩa Ý và trong nhiều tác phẩm khác, V.I Lênin đã chỉ rõ là phải xoá bỏ CNTB cùng những tàn tích của nó và thiết lập những cơ sở của chế độ cộng sản(3). Đặc biệt đối với loại mâu thuẫn không đối kháng, V.I Lênin đã dành nhiều tác phẩm của mình để đưa ra và luận chứng cho việc giải quyết loại mâu thuẫn này. Như trong tác phẩm Về công đoàn, về tình hình trước mắt và về những sai lầm của đồng chí Tơ-rốt-xki, ông cho rằng, phải thống nhất, phải sử dụng, phải kết hợp các mặt đối lập. Và theo ông, đây là vấn đề có tính tất yếu trong việc giải quyết mâu thuẫn không đối kháng, tức là phải kết hợp lợi ích cá nhân người lao động với lợi ích của toàn xã hội (4).

Phát triển hơn nữa học thuyết của Mác về thời kỳ quá độ và CNXH từ những kinh nghiệm xây dựng CNXH ở nước Nga Xô viết, trong một số tác phẩm, đặc biệt là tác phẩm Bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản, V.I Lênin đã nhấn mạnh tính chất phổ biến của những quy luật của sự phát triển trong thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH. Người nói: “Ngày nay, chúng ta đã có trước mắt một kinh nghiệm quốc tế rất phong phú chứng thực hiển nhiên rằng một số đặc điểm cơ bản của cách mạng của ta không phải chỉ có ý nghĩa địa phương, ý nghĩa đặc biệt – dân tộc, ý nghĩa riêng cho nước Nga mà có ý nghĩa quốc tế” (5).

Đồng thời, phát triển hơn nữa phép biện chứng mác xít về mối liên hệ giữa cái chung với cái riêng và cái đặc thù, V.I Lênin cho rằng, những đặc điểm phát triển lịch sử ở các nước riêng biệt cũng được phản ánh trong các đặc điểm của quá trình tiến lên CNXH. Trong Diễn văn về vấn đề Ý ngày 28 tháng 6 năm 1921 tại Đại hội III Quốc tế Cộng sản, V.I Lênin viết: “Cách mạng ở Ý sẽ diễn ra khác ở Nga. Nó sẽ bắt đầu một cách khác” (6) và trong bài viết Chào mừng công nhân Hung-ga-ri, V.I Lênin cũng chỉ ra tính chất độc đáo của bước chuyển lên chuyên chính vô sản ở các nước và nhấn mạnh sự cần thiết rằng, giai cấp vô sản ở mỗi nước phải áp dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào điều kiện lịch sử cụ thể của nước mình mà không nên sao chép một cách giản đơn thực tiễn của chính quyền Xô viết ở Nga, vì nếu bắt chước một cách mù quáng sách lược của Nga sẽ là một sai lầm.

Mặc dù vậy, theo V.I Lênin, đặc điểm lịch sử và dân tộc là một hình thức cụ thể của quy luật chung của cách mạng XHCN và nó không loại bỏ tính tất yếu của cách mạng XHCN. Và vì vậy, nếu coi thường những đặc điểm này sẽ làm nảy sinh những mâu thuẫn và khó khăn bên trong của công cuộc xây dựng CNXH. Về vấn đề này, trong Báo cáo tại Đại hội II toàn Nga các tổ chức cộng sản của các dân tộc phương Đông ngày 22-11-1919, V.I Lênin đã nói: “trong khi dựa vào lý luận và thực tiễn chung của chủ nghĩa cộng sản, các đồng chí vừa phải thích ứng với những điều kiện đặc biệt mà các nước châu Âu không có, vừa phải học cách vận dụng được lý luận và thực tiễn ấy vào nơi mà quần chúng chủ yếu là nông dân, nơi mà nhiệm vụ cần phải giải quyết không phải là đấu tranh chống tư bản, mà là đấu tranh chống những tàn tích thời trung cổ” (7). Nhấn mạnh thêm điều này, V.I Lênin đã từng cảnh báo những người cộng sản rằng, nếu lãng quên và từ bỏ các tính quy luật chung của sự phát triển ở những nước quá độ lên CNXH và thổi phồng đặc điểm dân tộc ở các nước riêng biệt cũng có nghĩa là từ bỏ chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Theo V.I Lênin, CCVS là quy luật phổ biến đối với những nước đi lên CNXH, nhưng những hình thức của CCVS lại hết sức khác nhau, tuỳ thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi nước. Ông viết: “Tất cả các dân tộc sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội - đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng tất cả đi lên sẽ hoàn toàn không giống nhau. Mỗi dân tộc sẽ tạo nên sự độc đáo trong hình thức dân chủ nào đó, trong một hình thức chuyên chính vô sản nào đó, trong nhịp độ cải tạo xã hội chủ nghĩa nào đó các mặt khác nhau của đời sống xã hội”.

Khi đề cập tới những vấn đề trên, vận dụng sáng tạo phép biện chứng mác-xít , V.I Lênin đã lập luận về khả năng các nước lạc hậu có thể quá độ lên CNXH không qua giai đoạn phát triển TBCN và những điều kiện đảm bảo cho khả năng đó trở thành hiện thực.

Ngoài ra, bằng việc phân tích một cách khoa học biện chứng của thời đại, trong tác phẩm Cách mạng vô sản và tên phản bội Cau-xki, V.I Lênin đã đưa ra khả năng cùng tồn tại hoà bình giữa các nước có chế độ chính trị – xã hội khác nhau, về thi đua kinh tế giữa CNTB và CNXH. Mặc dù vậy, V.I Lênin vẫn đặc biệt nhấn mạnh tính tất yếu và phổ biến của cách mạng XHCN. Theo ông, khả năng cùng tồn tại hoà bình là xuất phát từ sự phát triển không đều giữa các nước. Hơn nữa, ông luôn lưu ý rằng, sự cùng tồn tại hoà bình cũng là một hình thức đấu tranh giai cấp, một hình thức của mâu thuẫn đối kháng giữa CNTB và CNXH (8)

2. Ngoài vấn đề về thời kỳ quá độ lên CNXH thì những vấn đề về giai cấp, CCVS và nhà nước là những vấn đề chủ yếu và trung tâm trong toàn bộ di sản của V.I Lênin sau cách mạng tháng Mười. Bởi vì, đó là những nội dung cơ bản nhất của cuộc cách mạng XHCN. V.I Lênin đã phát triển học thuyết mác-xít về những vấn đề này trên cơ sở tổng kết cuộc cách mạng tháng Mười vĩ đại, từ thực tiễn của công cuộc xây dựng xã hội Xô viết, từ sự phân tích cơ cấu giai cấp trong xã hội mới, từ sự phân tích bản chất và nội dung của thời đại mới… Cũng thông qua đó, V.I Lênin đã phát triển, làm phong phú và cụ thể hoá hơn nữa phép biện chứng duy vật.

Trước hết, về vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp. Quán triệt nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển của phép biện chứng duy vật, V.I Lênin đã khẳng định rằng, trong thời đại CCVS tức là thời kỳ quá độ, các giai cấp vẫn còn tồn tại nhưng bộ mặt, địa vị của mỗi giai cấp cũng như mối quan hệ giữa các giai cấp ấy đã thay đổi so với trước khi giai cấp vô sản giành được chính quyền. Do vậy mà, đấu tranh giai cấp chưa chấm dứt trong thời kỳ CCVS mà nó chỉ diễn ra với những hình thức, nội dung khác mà thôi. Trên cơ sở phân tích biện chứng của xã hội hiện đại, phân tích cơ cấu giai cấp và mối quan hệ giữa các giai cấp trong thời kỳ quá độ, trong các tác phẩm Bàn về chuyên chính vô sản Kinh tế và chính trị trong thời đại chuyên chính vô sản cùng nhiều tác phẩm khác, V.I Lênin đã chỉ ra năm hình thức đấu tranh giai cấp: 1. Trấn áp sự kháng cự của giai cấp bóc lột; 2. Nội chiến; 3. “Trung lập hoá” giai cấp tiểu tư sản, đặc biệt là nông dân, thiết lập khối liên minh công nông với điều kiện đảm bảo vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản; 4. “Sử dụng” giai cấp tư sản, lôi cuốn các chuyên gia tư sản vào công cuộc xây dựng xã hội mới; 5. Giáo dục tinh thần kỷ luật mới (9).

Năm hình thức đấu tranh giai cấp đó, theo V.I Lênin, cũng là sự triển khai việc giải quyết mâu thuẫn đối kháng và không đối kháng tồn tại trong thời kỳ quá độ, cũng đồng thời là sự thực hiện hai chức năng của nhà nước CCVS và hai nhiệm vụ của CCVS. Trong tác phẩm Sáng kiến vĩ đại, V.I Lênin đã làm phong phú thêm khái niệm giai cấp bằng định nghĩa giai cấp. Khi đưa ra định nghĩa này, V.I Lênin đã gắn giai cấp – những tập đoàn người vào các quan hệ nhất định. Và chính sự khác nhau giữa các giai cấp là sự khác nhau trong cùng một loại quan hệ, địa vị (trong hệ thống sản xuất, trong chế độ kinh tế; trong quan hệ đối với tư liệu sản xuất; trong việc tổ chức và quản lý lao động; trong việc phân phối sản phẩm) (10).

Từ đó, V.I Lênin luận chứng một cách khoa học việc thủ tiêu giai cấp bằng cách là thủ tiêu quan hệ sản xuất đối kháng – và đó cũng chính là mục đích của CCVS, của CNXH. Như trong tác phẩm Kinh tế và chính trị trong thời đại chuyên chính vô sản, ông nói: “Chủ nghĩa xã hội là sự xoá bỏ giai cấp. Chuyên chính vô sản đã làm tất cả những điều có thể làm được để thực hiện công cuộc xoá bỏ ấy (11). Và V.I Lênin cho rằng, việc thủ tiêu các quan hệ sản xuất đối kháng, tức thủ tiêu giai cấp, nguồn gốc nảy sinh giai cấp và sự phân chia xã hội thành các giai cấp là cả một thời gian rất dài, không thể thực hiện ngay một lúc được. Đồng thời V.I Lênin cũng chỉ rõ, việc thủ tiêu các tàn tích tư sản và địa chủ là một công cuộc lâu dài, khó khăn và phức tạp. Chúng ta không thể dùng bạo lực mà là lôi cuốn, giáo dục, là ở chỗ cải tạo nền kinh tế nông dân cá thể, manh mún thành nền kinh tế XHCN.

Thứ hai, vấn đề chuyên chính vô sản. Về vấn đề này, V.I Lênin tập trung vào việc luận chứng về tính tất yếu, nhiệm vụ của CCVS trong thời kỳ quá độ.

Từ sự phân tích cơ cấu giai cấp và mối quan hệ giữa các giai cấp trong thời kỳ quá độ, trong tác phẩm Kinh tế và chính trị trong thời đại chuyên chính vô sản. V.I Lênin cho rằng, những hình thái cơ bản của kinh tế trong thời kỳ quá độ là XHCN, sản xuất hàng hoá nhỏ và TBCN và tương ứng với ba hình thức kinh tế cơ bản đó là ba giai cấp: giai cấp vô sản, giai cấp tiểu tư sản (nhất là nông dân) và giai cấp tư sản (12). Các hình thái kinh tế và các giai cấp này, theo V.I Lênin là tồn tại khách quan trong thời kỳ quá độ. Đó cũng là một trong những đặc điểm chung nhất, phổ biến nhất của thời kỳ quá độ xét về cả phương diện kinh tế, giai cấp, xã hội. Có nghĩa là, theo V.I Lênin, thời kỳ quá độ là một xã hội mà các yếu tố TBCN và XHCN cùng tồn tại, mâu thuẫn và đấu tranh với nhau.

Thông qua việc phân tích cơ cấu kinh tế và giai cấp – xã hội trong thời kỳ quá độ, từ việc phân tích bản chất của giai cấp tư sản và nhiệm vụ, mục đích của giai cấp vô sản, V.I Lênin đã luận chứng tính tất yếu của CCVS trong thời kỳ quá độ. Trong tác phẩm Bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản, Sáng kiến vĩ đại Kinh tế và chính trị trong thời đại chuyên chính vô sản, V.I Lênin cho rằng, đối với giai cấp vô sản thì việc giành chính quyền là chưa đủ, mà điều chủ yếu nhất là giữ chính quyền, đập tan mọi sự phản kháng của các thế lực phản động và xây dựng thành công xã hội mới. Bởi vì, như V.I Lênin chỉ rõ, giai cấp tư sản tuy bị đánh đổ nhưng chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, chúng vẫn còn lực lượng, còn sức mạnh – sức mạnh của tư bản quốc tế, ở những mối liên hệ quốc tế của giai cấp tư sản, ở những thói quen, những tập tục lạc hậu, ở nền sản xuất nhỏ – mà nền sản xuất này theo V.I Lênin là “từng ngày, từng giờ, luôn luôn đẻ ra chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản một cách tự phát và trên quy mô rộng lớn” (13). Chính vì thế mà giai cấp vô sản không thể thắng được giai cấp tư sản nếu không tiến hành một cuộc đấu tranh kiên cường, kiên định, có kỷ luật, với tinh thần kiên quyết nhất và với sự thống nhất nhất ý chí cao nhất. Và để thực hiện được nhiệm vụ này, theo V.I Lênin, phải thiết lập chuyên chính vô sản.

Từ việc luận chứng tính tất yếu của CCVS, V.I Lênin đã đi tới việc luận chứng về chức năng và nhiệm vụ của CCVS trong thời kỳ quá độ. Theo đó, chức năng và nhiệm vụ của CCVS bao gồm:

Một là: Trấn áp bằng bạo lực sự phản kháng của giai cấp bóc lột, bọn tư bản, bọn địa chủ và các thế lực phản động khác. Theo V.I Lênin, đối với nhiệm vụ này thì phải mau lẹ, không thương xót và hết sức quyết liệt để đập tan sự phản kháng của chúng. Và theo ông, “Kẻ nào không hiểu được điều đó thì không phải là người cách mạng; phải đuổi cổ kẻ đó ra khỏi địa vị lãnh tụ hay cố vấn của giai cấp vô sản (14). Song cũng theo V.I Lênin, thực chất của CCVS, nhiệm vụ chủ yếu của CCVS không chỉ là bạo lực và mức độ bạo lực, và việc giai cấp vô sản dùng bạo lực là hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ phản kháng của giai cấp tư sản, mà chủ yếu:

Hai là: Thiết lập CNXH, là xoá bỏ sự phân chia xã hội thành các giai cấp, xoá bỏ mọi nguồn gốc và cơ sở nảy sinh sự phân chia xã hội thành giai cấp, là xoá bỏ vĩnh viễn tình trạng người bóc lột người, là biến mọi thành viên trong xã hội trở thành người lao động. Nhiệm vụ này, mục đích này theo V.I Lênin, không thể thực hiện ngay tức khắc được, mà cần phải có một thời gian quá độ lâu dài, vì cải tổ nền sản xuất là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp.

Trong hai nhiệm vụ đó, sở dĩ V.I Lênin cho rằng, nhiệm vụ thứ hai là căn bản nhất, chủ yếu nhất của CCVS là vì, như trong tác phẩm Sáng kiến vĩ đại, V.I Lênin đã chỉ rõ, CNXH chỉ có thể thắng CNTB, CCVS chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ của nó khi nó tạo ra được, tổ chức ra được một nền sản xuất có năng suất lao động cao hơn nhiều CNTB. Ông nói “Xét đến cùng, thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ xã hội mới. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra một năng suất lao động chưa từng thấy dưới chế độ nông nô. Chủ nghĩa tư bản có thể bị đánh bại hẳn, và sẽ bị đánh bại hẳn, vì chủ nghĩa xã hội đã tạo ra một năng suất lao động mới, cao hơn nhiều(15).

Ngoài ra, trong khi luận chứng về nhiệm vụ của CCVS, V.I Lênin đã xác định nhiệm vụ bậc nhất của CCVS trong lĩnh vực kinh tế là ở chỗ, trước hết cần phải thủ tiêu chế độ tư hữu, tức là phải xã hội hoá theo phương thức XHCN các tư liệu sản xuất. Ông nói: “Triệt để tiếp tục và hoàn thành việc tước đoạt giai cấp tư sản …; biến các tư liệu sản xuất và tư liệu lưu thông… thành sở hữu công cộng của tất cả những người lao động” (16). Nhiệm vụ này theo V.I Lênin là để nhằm phát triển lực lượng sản xuất, vì phát triển lực lượng sản xuất là điều kiện quan trọng quyết định sự thắng lợi của CNXH, là chìa khoá để xây dựng thành công CNXH, để chuyển CNXH lên CNCS.

Xuất phát và luôn quán triệt những nguyên tắc của phép biện chứng duy vật, trong khi phát triển hơn nữa học thuyết mác-xít về CCVS, V.I Lênin còn phân biệt thái độ và nhiệm vụ của CCVS đối với giai cấp tư sản và giai cấp tiểu tư sản. Đó cũng chính là hai mặt khác nhau, hai biểu hiện khác nhau của CCVS.

Một là, đối với giai cấp tư sản, phải trấn áp sự phản kháng của chúng bằng bạo lực, là thủ tiêu chế độ tư hữu – nền tảng của giai cấp đó, là tịch thu, quốc hữu hoá tài sản và tư liệu sản xuất của chúng, là xoá bỏ chúng với tư cách là giai cấp bóc lột.

Hai là, đối với giai cấp tiểu tư sản, đặc biệt là nông dân thì theo V.I Lênin là phải giáo dục, thuyết phục họ, cải tạo, thu hút họ tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng một xã hội mới. Đối với họ, giai cấp vô sản “không thể tống cổ họ đi được, không thể trấn áp họ, mà phải ăn ở thuận hoà với họ, chúng ta có thể (và phải) cải tạo họ, giáo dục lại họ, nhưng chỉ bằng một công tác tổ chức rất lâu dài, từ từ và thận trọng” (17).

Trong nhiều tác phẩm sau Cách mạng tháng Mười, từ sự phân tích một cách biện chứng vị trí, vai trò, xu hướng phát triển và bản chất của giai cấp tiểu tư sản, V.I Lênin đã xác định những căn cứ chủ yếu trong việc đề ra thái độ của giai cấp vô sản đối với giai cấp ấy. Cụ thể là, ông đã xuất phát từ việc phân tích tính chất hai mặt của người sản xuất nhỏ, tính chất dao động, nửa vời của họ mà từ đó xác định nhiệm vụ của giai cấp vô sản đối với họ. Như trong tác phẩm Bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản và ở trong nhiều tác phẩm khác, V.I Lênin cho rằng, giai cấp nông dân là giai cấp đứng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản và dao động giữa hai giai cấp này. Nó vừa mang đặc tính của giai cấp vô sản vừa mang đặc tính của giai cấp tư sản, vừa là người lao động vừa là người tư hữu, vừa là người cần lao vừa là con buôn, đầu cơ. Do vậy, nhiệm vụ của giai cấp vô sản là phải phân phân biệt, tách biệt, phân rõ ranh giới giữa hai đặc tính đó, phải lôi cuốn họ ra khỏi giai cấp tư sản. Nhiệm vụ của giai cấp vô sản là lãnh đạo họ, là đấu tranh giành ảnh hưởng đối với họ, là dẫn dắt, giáo dục, lôi cuốn, thuyết phục họ… Theo V.I Lênin, đó là một trong hai nhiệm vụ cơ bản (hai hình thái mới) của đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ và ông chỉ rõ thêm: đó “(cũng = đấu tranh, nhưng là một loại đấu tranh đặc biệt, là sự khắc phục một sự phản kháng nào đó, thật ra hoàn toàn khác hẳn và là sự khắc phục thuộc một loại hoàn toàn khác hẳn) đến tất cả những người lao động, trừ giai cấp vô sản” (18).

Theo V.I Lênin, đối với giai cấp tiểu tư sản, giai cấp vô sản không thể dùng bạo lực được mà chỉ có thể và cần phải giáo dục, lôi cuốn, thuyết phục họ đi theo mình bằng cách nêu gương, bằng cách tạo ra nền sản xuất, nền kinh tế có sức mạnh và ưu thế hơn hẳn nền sản xuất TBCN – tức là tạo ra nền đại công nghiệp có khả năng trang bị và cải tạo toàn bộ nền kinh tế quốc dân, trong đó có kinh tế nông nghiệp. Ông còn chỉ rõ thêm rằng, không thể dùng bạo lực, dùng sức mạnh hành chính để cưỡng bức nông dân mà phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tự nguyện của nông dân. Bởi vì như trong báo cáo tại Đại hội VIII Đảng cộng sản (b) Nga, ngày 18-23 tháng 3 năm 1919, V.I Lênin đã chỉ rõ: “Ở đây mà dùng bạo lực thì có nghĩa là làm nguy hại đến toàn bộ sự nghiệp” cũng như “Ngay bản thân tư tưởng muốn dùng bạo lực đối với những quan hệ kinh tế của trung nông cũng là ngu xuẩn không gì bằng” và “không bao giờ được dùng mệnh lệnh!”, không bao giờ “dùng sức mạnh để bắt nông dân phải theo(19), mà phải giáo dục lâu dài họ, phải ăn ở thuận hoà với họ, phải dạy nông dân cách tiến sang một chế độ tốt hơn. Và cũng vì rằng, giai cấp vô sản chỉ có thể giữ vững được chính quyền và xây dựng thành công CNXH trong điều kiện được giai cấp nông dân ủng hộ.

Cuối cùng, trong lý luận về đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản, xuất phát từ việc phân tích cụ thể đối với từng tình hình cụ thể – một nguyên tắc của phép biện chứng duy vật, V.I Lênin đã chỉ rõ thực chất của chuyên chính vô sản là đấu tranh giai cấp. Đó là “một cuộc đấu tranh kiên trì, đổ máu và không đổ máu, bạo lực và hoà bình, bằng quân sự và bằng kinh tế, bằng giáo dục và bằng hành chính, chống những thế lực và những tập tục của xã hội cũ” (20).

Như vậy, quán triệt và phát triển hơn nữa phép biện chứng mác-xít vào việc phân tích thực tiễn nước Nga sau Cách mạng tháng Mười, V.I Lênin đã phát triển hơn nữa học thuyết mác-xít về nhiều vấn đề. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi chỉ có thể đề cập đến một số nội dung mà theo chúng tôi là chủ yếu và cơ bản nhất trong di sản tư tưởng của V.I Lênin sau cách mạng tháng Mười.



(1): V.I Lênin: Toàn tập, tập 39, NXB Tiến bộ, M, 1977, tr.309-310.

(2): V.I Lênin: Toàn tập, tập 39, Sđd, tr.XIII.

(3) V.I Lênin: Toàn tập, tập 41, NXB Tiến Bộ, M, 1977, tr.504.

(4)V.I Lênin: Toàn tập, tập 42, NXB Tiến Bộ, M, 1979, tr.259.

(5) V.I Lênin: Toàn tập, tập 41, Sđd, tr.3.

(6) V.I Lênin: Toàn tập, tập 44, NXB Tiến Bộ, M, 1979, tr.23.

(7) V.I Lênin: Toàn tập, tập 39, Sđd, tr.372.

(8) V.I Lênin: Toàn tập, tập 37, NXB Tiến Bộ, M, 1977, tr.300, 301.

(9) V.I Lênin: Toàn tập, tập 39, Sđd, tr.XIII-XIV.

(10) V.I Lênin: Toàn tập, tập 39, Sđd, tr.17-18.

(11)V.I Lênin: Toàn tập, tập 39, Sđd, tr.318

(12)V.I Lênin: Toàn tập, tập 39, Sđd, tr.310, 311.

(13) V.I Lênin: Toàn tập, tập 41, Sđd, tr.7.

(14) V.I Lênin: Toàn tập, tập 38, Sđd, tr.463.

(15) V.I Lênin: Toàn tập, tập 39, Sđd, tr.25.

(16) V.I Lênin: Dự thảo cương lĩnh của Đảng cộng sản (b) Nga. Trong: V.I Lênin: Toàn tập, tập 38, Sđd, tr.119.

(17) V.I Lênin: Toàn tập, tập 41, Sđd, tr.33.

(18) V.I Lênin: Toàn tập, tập 39, Sđd, tr.514.

(19) V.I Lênin: Toàn tập, tập 38, Sđd, tr.243, 244.

(20) V.I Lênin: Toàn tập, tập 41, Sđd, tr.34.

 TS. Nguyễn Thanh Bình - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   | 360   | 361   | 362   | 363   | 364   | 365   | 366   | 367   | 368   | 369   | 370   | 371   | 372   | 373   | 374   | 375   | 376   | 377   | 378   | 379   | 380   | 381   | 382   | 383   | 384   | 385   | 386   | 387   | 388   | 389   | 390   | 391   | 392   | 393   | 394   | 395   | 396   | 397   | 398   | 399   | 400   | 401   | 402   | 403   | 404   | 405   | 406   |