Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Nhà khoa học tâm huyết với nghiên cứu liên ngành
Cuối năm 2007, nhà giáo Trương Quang Hải (Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - ĐHQGHN) là một trong 10 cá nhân của ĐHQGHN được công nhận chức danh Giáo sư.

Gần 30 năm gắn bó với khối ngành Khoa học trái đất, GS. Trương Quang Hải đứng vào hàng những nhà địa lý Việt Nam có kiến thức sâu về chuyên môn, hiểu biết rộng về những lĩnh vực khoa học liên quan, có thể tập hợp lực lượng giải quyết nhiều vấn đề khoa học và thực tiễn mang tính liên ngành.

Có duyên với Khoa học trái đất

GS. Trương Quang Hải sinh ngày 5/5/1952 trong một gia đình làm nghề đông y tại huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình. Được gia đình dạy bảo nghiêm khắc, cậu học trò Trương Quang Hải đã sớm hình thành ý chí quyết tâm và lòng ham hiểu biết. Khi tốt nghiệp hệ phổ thông chuyên Toán của tỉnh Ninh Bình (Trường cấp III Lương Văn Tụy), lúc đất nước đang có chiến tranh, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc chàng thanh niên yêu nước Trương Quang Hải đã “gác bút nghiên” vào chiến trường miền Nam chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị.

“Trước khi nhập ngũ, tôi đã thi đỗ vào Khoa Toán của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, nhưng khi trở lại, tôi được Trường phân công vào học chuyên ngành Địa lí tổng hợp tại Khoa Địa lý - Địa chất – làm lớp trưởng, có lẽ do được tín nhiệm vì đã qua quân ngũ. Thời gian đầu, tôi hơi buồn vì phải chuyển sang học Địa lý vì tôi rất yêu thích Toán học. Trong quá trình học tập, được các thầy tận tụy dạy bảo, tôi dần dần gắn bó với thiên nhiên, con người của đất nước nên càng ngày tôi càng yêu ngành học của mình hơn,” GS. Hải nhớ lại.

Vốn là một học sinh chuyên toán (đã từng tham gia đội tuyển của tỉnh Ninh Bình thi học sinh giỏi toán toàn Miền Bắc năm 1970), trong quá trình học tập, và giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học sau này, GS. Hải đã phát huy được nhiều lợi thế về tư duy lôgic trong một ngành học mang tính liên ngành cao là Địa lý học.

Thành quả mà GS. đạt được ngày nay là kết quả của quá trình đào tạo, bồi dưỡng của Hệ thống nhà trường XHCN, của những nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của bản thân, sự cộng tác chặt chẽ của các đồng nghiệp cùng với truyền thống lao động và hiếu học của gia đình: Cha mẹ làm nghề thày thuốc, anh trai GS.TSKH Trương Quang Học - nguyên Trưởng ban Khoa học Công nghệ, ĐH QGHN, anh cả - nguyên Phó trưởng Khoa Động cơ, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, chị gái là cử nhân văn khoa và em trai nguyên là sỹ quan quân đội.

"Thiên nhiên là phòng thí nghiệm rộng lớn"

Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS Trương Quang Hải luôn luôn gắn bó với các họat động thực địa - “thiên nhiên là phòng thí nghiệm rộng lớn nhất” đối với các nhà địa lý, ở hầu hết các vùng miền của đất nước. Vì vậy, những nghiên cứu của ông có cơ sở thực tế vững chắc và phục vụ thiết thực cho sự phát triển của các địa phương cũng như nâng cao chất lượng đào tạo trong hoạt động giảng dạy.

GS. Trương Quang Hải có quan hệ hợp tác, trao đổi khoa học với nhiều trường đại học và viện nghiên cứu của các nước trên thế giới (Đại học Vassar và Đại học George Masson - Hoa Kỳ, Đại học Osaka, Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Bắc Kinh). Đặc biệt, trong Chương trình trao đổi học giả quốc tế Fulbright tại Hoa Kỳ (1998 - 1999), ông đã có dịp làm việc với các nhà khoa học hàng đầu thế giới về các lĩnh vực chuyên môn có liên quan, tìm hiểu kỹ lưỡng công tác tổ chức và quản lý hệ thống đại học tiến tiến vào bậc nhất thế giới. Những kinh nghiệm và kiến thức thu được của ông đã rất bổ ích trong thực tế phát triển giáo dục hiện nay.

GS. Trương Quang Hải khẳng định mối quan hệ chặt chẽ hai chiều giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học: “Nhà khoa học có nhiệm vụ nâng cao trình độ khoa học cũng như góp phần nâng cao trình độ dân trí. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo đại học, giảng viên phải tích cực tham gia nghiên cứu, không nghiên cứu tốt không thể dạy tốt được. Một nhà giáo có uy tín phải là một nhà khoa học có trình độ cao”.

Quan điểm của ông được minh chứng qua chính những thành quả mà ông đã phấn đấu để đạt được trong hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo vừa qua. Cho tới nay, GS. Trương Quang Hải đã chủ trì, tham gia thực hiện 46 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 11 đề tài cấp nhà nước, 13 đề tài hợp tác quốc tế, 22 đề tài cấp bộ và tương đương. Các kết quả nghiên cứu được công bố trong 48 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc gia và quốc tế, trong nhiều báo cáo tại các hội nghị khoa học trong và ngoài nước, góp phần biên soạn 14 cuốn sách chuyên khảo và sách giáo khoa về địa lý học và khoa học môi trường.

Với tác phong cần mẫn và nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học, GS Hải sau khi nhận học vị TS năm 1991 và học hàm PGS năm 1996, đã tập trung vào hướng chuyên môn chủ đạo là nghiên cứu cơ sở khoa học địa lý cho việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường, thể hiện qua các nội dung chính: nghiên cứu đặc điểm và quy luật phân hoá cảnh quan; phân tích hiệu quả kinh tế của việc sử dụng tài nguyên, đánh giá ảnh hưởng môi trường của các hoạt động phát triển; tổ chức lãnh thổ và xây dựng mô hình kinh tế sinh thái.

GS. Trương Quang Hải là một trong những người đi tiên phong trong thực hiện phân vùng cảnh quan trên cơ sở phân loại cảnh quan. Từ đó, ông đã tiến hành phân tích và đánh giá cảnh quan như là cơ sở khoa học cho sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường bất kỳ một lãnh thổ nào. Ông dành nhiều công sức nghiên cứu các cảnh quan bảo tồn - những khu vực nhạy cảm, dễ bị suy thoái, cần xác lập cở sở khoa học cho việc hoạch định các khu bảo vệ nghiêm ngặt, khu phục hồi sinh thái, phát triển bền vững vùng đệm. Bên cạnh đó, ông rất chú trọng đến việc nghiên cứu các đặc điểm và sự phân hoá lãnh thổ của các hợp phần tự nhiên như đất, nước, rừng, những dạng tài nguyên và hợp phần môi trường có ảnh hưởng mạnh đến sự tồn tại và phát triển của con người, nhất là ở khu vực nông thôn, hải đảo và miền núi. Ông đã cùng các đồng nghiệp vượt qua các khu vực tiềm ẩm nguy cơ bom mìn, hai lần chinh phục đỉnh Voi Mẹp, Quảng Trị cao 1739m để nghiên cứu các đai cao khí hậu, thổ nhưỡng, thảm thực vật và các kiểu đai cao cảnh quan, làm phong phú thêm tài liệu về đai cao địa lý ở nước ta, gợi mở tiềm năng du lịch sinh thái độc đáo cho khu vực Quảng Trị.

Trong những năm qua, GS cùng với một số đồng nghiệp đi đầu trong việc tập hợp lực lượng xây dựng một nhóm nghiên cứu mạnh về Địa lý tài nguyên và môi trường ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, và từ đó vận dụng để giải quyết những vấn đề mang tính liên ngành thể hiện qua nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, kinh tế môi trường, nghiên cứu địa lý phục vụ bảo vệ thiên nhiên.

Nghiên cứu về đánh giá tác động môi trường mới bắt đầu ở nước ta từ những năm 90 của thế kỷ XX. GS. đã tham gia thực hiện các báo cáo quy mô lớn đầu tiên ở nước ta về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án công nghiệp, nông nghiệp, các dự án nghiên cứu mẫu về đánh giá tác động môi trường do các tổ chức quốc tế tài trợ. Trên cơ sở tham khảo và kế thừa hàng loạt các công trình lý luận về đánh giá tác động môi trường của nhiều tổ chức quốc tế (UNEP, WB, ADB, United Nations, European Commission) và các quốc gia, kết hợp phân tích thực tiễn công tác đánh giá tác động môi trường của Việt Nam, tiếp nối sự nghiệp của GS. Lê Thạc Cán và GS. Phạm Ngọc Đăng, ông đã góp phần phát triển phương pháp luận đánh giá tác động môi trường, đề xuất một số kiến nghị có giá trị cho việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đánh giá tác động môi trường ở nước ta, từng bước hội nhập với xu thế khu vực và thế giới.

Song song với những đề tài nghiên cứu trên, GS. Trương Quang Hải đã có những đóng góp về nghiên cứu lý luận và ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực kinh tế tài nguyên thiên nhiên và môi trường thể hiện qua các kết quả phân tích chi phí lợi ích các dự án phát triển, kinh tế học phát triển bền vững, xác định giá trị hàng hoá và dịch vụ phi thị trường. Ông là một trong những người đầu tiên ở nước ta đánh giá các dự án có tính không chỉ lợi ích kinh tế mà tính toán cả những ảnh hưởng của dự án đến tài nguyên và môi trường. Ông sử dụng các phương pháp kinh tế môi trường lượng hoá giá trị phi thị trường của hàng hoá và dịch vụ môi trường như tính toán lợi ích thuỷ sản, nông nghiệp, ngăn ngừa lũ của các công trình thuỷ điện và những thiệt hại kinh tế qua chi phí cơ hội đối với tài nguyên đất, rừng, đề xuất cách tính giá trị kinh tế của các lâm sản ngoài gỗ.

Một trong những đóng góp quan trọng của GS. Trương Quang Hải là kết quả nghiên cứu về tổ chức lãnh thổ phát triển kinh tế, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Những công trình tổ chức không gian trước đây chỉ tập trung xác lập hướng chiến lược phát triển kinh tế vùng ở tầm vĩ mô. Trong các sơ đồ này thiếu hẳn các nguồn lực và nhân tố tự nhiên. Nhận thức được điều này, ông đã cùng GS. Nguyễn Cao Huần, PGS. Đặng Văn Bào và các đồng nghiệp tiến hành nhiều nghiên cứu điển hình về tổ chức không gian phát triển kinh tế, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường quy mô tỉnh huyện, về tổ chức lãnh thổ phát triển du lịch sinh thái và du lịch mạo hiểm.

Kinh tế sinh thái học là lĩnh vực khoa học đã được cố GS.TSKH.AHLĐ Nguyễn Văn Trương đặt nền móng xây dựng cơ sở lý luận và nghiên cứu ứng dụng ở nước ta. Tiếp cận kinh tế sinh thái là cách tiếp cận khoa học của thời đại, kết hợp giữa duy trì tăng trưởng kinh tế với đảm bảo cân bằng sinh thái. GS Trương Quang Hải đã góp phần phát triển lý luận kinh tế sinh thái học qua nghiên cứu cấu trúc, chức năng kinh tế sinh thái, các nguyên tắc xây dựng mô hình kinh tế sinh thái, đề xuất chỉ tiêu đánh giá các phân hệ tự nhiên, xã hội và sản xuất, xác định nội dung, vai trò của các mối liên hệ nội tại trong hệ thống, liên hệ thống và giữa các hệ kinh tế sinh thái có thứ bậc khác nhau. Các nguyên tắc và cơ sở xây dựng mô hình kinh tế sinh thái đã được áp dụng thành công ở nhiều vùng trong cả nước, góp phần thiết thực đối với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo và nâng cao mức sống người dân.

Từ năm 2004, GS. Trương Quang Hải đã chuyển sang công tác tại Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN với cương vị là Phó Viện trưởng. Trên cương vị này, ông có điều kiện thuận lợi để phát triển những nghiên cứu liên ngành về Việt Nam học theo hướng nghiên cứu khu vực học và khoa học phát triển; một mặt, tham gia giải quyết những vấn đề chiến lược về phát triển bền vững hiện nay của đất nước, mặt khác góp phần xây dựng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển trở thành viện hàng đầu, thành “thánh địa” nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam học trên thế giới.

Bên cạnh hoạt động chuyên môn, GS. Trương Quang Hải còn tham gia công tác quản lý bộ môn, khoa, các hội chuyên môn và hội đồng khoa học các cấp. Hiện nay, ông kiêm nhiệm Chủ nhiệm Bộ môn Sinh thái và Cảnh quan môi trường, thành viên Hội đồng Khoa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, thành viên Hội đồng Liên ngành Khu vực học và Quốc tế học (ĐHQG Hà Nội), uỷ viên BCH Hội Địa lý Việt Nam, thành viên Hội đồng Nghiên cứu cơ bản về các Khoa học Trái đất, tham gia ban biên tập một số tạp chí khoa học chuyên ngành. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ này, ngoài sự đam mê, trách nhiệm, ông không những đã phải làm việc liên tục với cường độ cao mà còn phải sắp xếp thời gian trong một kế hoạch rất chi tiết sát sao.

"Thổi niềm đam mê cho các thế hệ sinh viên"

“Tôi tâm huyết với sự nghiệp giáo dục mấy chục năm nay, như con ong kiếm mật, con tằm nhả tơ đóng góp cho sự nghiệp chung. Các thầy đi trước đã truyền đạt cho mình, giờ mình có trách nhiệm dìu dắt các thế hệ sau. Tôi luôn hỗ trợ sinh viên tăng cường tự học và tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Tôi rất trăn trở trước tình hình giảng dạy ở các trường đại học trong nước hiện nay. Ở nước ngoài, các trường đại học có điều kiện giảng dạy và học tập thuận lợi, thầy giảng tốt, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy đồng bộ, hệ thống giáo trình đầy đủ. Sinh viên có ý thức tự học rất cao, ngoài đến lớp, thư viện và phòng thí nghiệm là nơi họ thường xuyên làm việc. Sinh viên sớm được tiếp cận những tạp chí hàng đầu thế giới. Mỗi tuần, sinh viên thường chỉ lên lớp 16 - 20 tiết, thời gian còn lại dành cho tự học, làm bài tập, viết tiểu luận… Hiện nay, để nâng cao hiệu quả đào tạo, bên cạnh các yếu tố về trình độ của giáo viên, cơ sở vật chất, cần tăng cường tính chủ động trong học tập của sinh viên”, GS. Hải trao đổi.

GS. Trương Quang Hải coi nghiên cứu thực địa là điều kiện thuận lợi để truyền đam mê khoa học cho sinh viên: "Tôi luôn quan tâm kết hợp giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Các kết quả nghiên cứu của tôi và các đồng nghiệp luôn được cập nhật vào giáo trình, bài giảng, làm phong phú thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn của địa lý nhiệt đới. Nghiên cứu khoa học và phục vụ thực tế vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện nâng cao chất lượng đào tạo". Ông tham gia xây dựng và hoàn thiện khung chương trình đào tạo ngành Địa lý và ngành Môi trường, tham gia đào tạo đại học và sau đại học, giảng dạy các khoá đào tạo về môi trường và phát triển bền vững cho nhiều dự án cấp quốc gia và quốc tế, biên soạn giáo trình, sách chuyên khảo và sách tham khảo.

GS. Trương Quang Hải cho biết những tố chất cần thiết của người theo học ngành Khoa học Trái đất: “Yêu ngành nghề, yêu thiên nhiên và con người Việt Nam. Sinh viên phải được trang bị đầy đủ các kiến thức cơ sở và chuyên ngành, kiến thức khu vực và phương pháp nghiên cứu. Đặc biệt, sinh viên phải được trang bị vốn ngoại ngữ tốt, cập nhật thông tin, kế thừa thành tựu khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế. Đã theo nghiệp làm khoa học thì cần phải có tác phong cần mẫn và nghiêm túc trong nghiên cứu. Ngành Khoa học Trái đất có những đặc thù riêng vì phải nghiên cứu và khảo sát thực địa, phải có kỹ năng phân tích và tổng hợp, tiếp cận theo hướng liên ngành và đa ngành, kết hợp sử dụng các phương pháp truyền thống và hiện đại, sử dụng các công nghệ mới như viễn thám và hệ thông tin địa lý.”

GS. Trương Quang Hải là người rất chú trọng đến việc xây dựng nhóm nghiên cứu và bồi dưỡng cán bộ trẻ. Ông luôn tạo điều kiện cho cán bộ trẻ tham gia đề tài, hướng dẫn các sinh viên làm việc theo nhóm và đưa cán bộ trẻ cùng sinh viên đi thực tế tại các vùng, miền của đất nước. Một trong những điều tâm huyết của ông: “Người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức và phương pháp nghiên cứu mà còn phải thổi niềm đam mê khoa học cho các thế hệ sinh viên”.

 Lưu Thị Vân - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   | 360   | 361   | 362   | 363   | 364   | 365   | 366   | 367   | 368   | 369   | 370   | 371   | 372   | 373   | 374   | 375   | 376   | 377   | 378   | 379   | 380   | 381   | 382   | 383   | 384   | 385   | 386   | 387   | 388   | 389   | 390   | 391   | 392   | 393   | 394   | 395   | 396   | 397   | 398   | 399   | 400   | 401   | 402   | 403   | 404   | 405   | 406   | 407   | 408   | 409   | 410   | 411   | 412   | 413   | 414   | 415   | 416   | 417   | 418   | 419   | 420   | 421   | 422   | 423   | 424   | 425   | 426   | 427   | 428   | 429   | 430   | 431   | 432   | 433   | 434   | 435   | 436   | 437   | 438   | 439   | 440   | 441   | 442   | 443   | 444   | 445   | 446   | 447   | 448   | 449   | 450   | 451   | 452   | 453   | 454   | 455   | 456   | 457   | 458   | 459   | 460   | 461   | 462   | 463   | 464   | 465   | 466   | 467   | 468   | 469   | 470   | 471   | 472   | 473   | 474   |