Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Vai trò của trường đại học nghiên cứu trong việc xây dựng xã hội học tập, góp phần giải quyết vấn đề lão hóa (aging) của xã hội trong kỷ nguyên văn minh trí tuệ và kinh tế tri thức
(Phát biểu của GS.TS. Mai Trọng Nhuận - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội tại Diễn đàn Giám đốc 4 đại học chủ chốt Châu Á - BESETOHA lần thứ 11)

Kính thưa các quí vị đại biểu,

Tôi không phải là chuyên gia về lão hóa, bài phát biểu này là tập hợp những ý kiến của các chuyên gia của Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này. Vấn đề lão hóa của xã hội đã trở thành một thách thức lớn trên con đường phát triển của các dân tộc, gay gắt nhất là ở các nước phát triển với tháp dân số hình kim tự tháp ngược (dạng tháp Suy thoái). Đối với nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vấn đề này dường như chưa được quan tâm đầy đủ. Nguyên nhân chủ yếu là do dân số còn trẻ (dạng tháp Phát triển), người ta chỉ mới dừng lại ở cách tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn của xã hội học dân cư (demographic sociology) với những hệ luận cũ, và do đó chưa nhận ra đầy đủ những chiều cạnh khác nhau của vấn đề trong kỷ nguyên của nền văn minh trí tuệ, của kinh tế tri thức và toàn cầu hóa hiện nay.

Tại diễn đàn này, tác giả xin được góp một số ý kiến nhỏ về cách tiếp cận, trên cơ sở đó, thử phân tích một số kinh nghiệm của Việt Nam, đồng thời nêu ra một số đề xuất về nhiệm vụ của các trường đại học nghiên cứu trong việc góp phần giải quyết vấn đề lão hoá, trong đó có xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Thứ nhất, về cách tiếp cận đối với vấn đề lão hóa của xã hội hiện đại, trong đó, trường hợp cụ thể là xã hội Việt Nam.

Lão hoá là vấn đề có tính tích hợp về tâm lí, xã hội, kinh tế. Khi nói về một xã hội lão hóa, trước hết người ta vẫn phải chấp nhận cách tiếp cận của xã hội học dân cư, tức là phải thừa nhận tình hình là số người cao tuổi trong dân cư của các dân tộc ngày càng gia tăng. Đây là một xu hướng phát triển phổ biến, mang tính tất yếu của tất cả các cộng đồng dân cư trong thời đại ngày nay. Xu hướng này hiện nay đang trở nên phổ biến và kết quả là đã đưa lại những cấu trúc dân số trái ngược nhau với mô hình tháp dân số già tại các nước phát triển, trong đó có Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ… và mô hình tháp dân số trẻ phổ biến ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Sự phát triển của dân số Việt Nam cũng tuân theo quy luật chung của sự phát triển dân số thế giới, và trong vòng 4 thập kỷ tới, tháp dân số Việt Nam sẽ dịch chuyển từ một mô hình tháp dân số trẻ điển hình sang một mô hình của tháp dân số già. Như vậy, vấn đề lão hóa của xã hội đã không còn chỉ là thách thức của các nước phát triển mà là của chính Việt Nam trong một tương lai không xa.

Đoàn đại biểu ĐHQGHN tại Diễn đàn BESETOHA XI

Chỉ nhìn dưới góc độ xã hội học dân cư (demographic socilology) thì xu hướng lão hóa của xã hội Việt Nam cũng đang và sẽ đặt ra những bài toán hóc búa cho chiến lược phát triển bền vững nói chung và cho chiến lược đào tạo nguồn nhân lực nói riêng.

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là xu hướng lão này diễn ra rất nhanh, trong khi nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ không tương thích. Do vậy, những nguồn lực vật chất và cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ không đủ sức để đảm bảo duy trì phúc lợi xã hội và các dịch vụ công phục vụ cho cuộc sống của bộ phận người cao tuổi ngày càng lớn hơn trong kết cấu dân cư Việt Nam. Thêm vào đó, do tác động của nền kinh tế đang chuyển nhanh sang cơ chế thị trường mà khoảng cách giàu – nghèo giữa nhóm 20% dân cư giàu nhất và nhóm 20% dân cư nghèo nhất đang ngày một gia tăng. Năm 1993 độ chênh lệch về mức chi tiêu của hai nhóm dân cư này ở Việt Nam vào khoảng 5 lần, năm 2004 là khoảng 6,3 lần và hiện nay là khoảng 8,4 lần, thuộc loại cao nhất thế giới, và được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng trong một vài thập kỷ tới (1). Hơn thế nữa, việc đứt gãy thế hệ trong giới khoa học – công nghệ, việc sử dụng ở mức hợp lý nguồn nhân lực có nhiều kinh nghiệm và kiến thức nhưng phải đến tuổi về hưu hoặc hết tuổi làm quản lý, sự khác biệt giữa các thế hệ về nhiều phương diện trong gia đình và những thách thức đối với truyền thống “kính già, nhường trẻ” ngày càng lớn.

Thực tế này cho thấy việc đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ phận người già trong các nhóm dân cư có thu nhập thấp, nhất là cư dân nông thôn, miền núi, vùng dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và do chính quá trình lão hoá vv… ngày càng trở nên khó khăn hơn. Đây chính là những thách thức lớn, phức tạp đối với chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam hiện nay và trong tương lai gần.

Như vậy, rõ ràng là một trong những ưu tiên hàng đầu của các trường đại học, trong đó có ĐHQGHN, là phải ưu tiên tiến hành những nghiên cứu liên ngành, góp phần đưa lại những luận cứ khoa học và đề xuất những giải pháp thực tiễn nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến lão hoá nói trên trong chiến lược phát triển quốc gia, trước hết là chiến lược phát triển dân số, đào tạo nguồn nhân lực và giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và đảm bảo công bằng xã hội.

Đứng trước yêu cầu đó, ĐHQGHN thực sự mong muốn nhận được sự phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm từ các trường đại học trên thế giới, trước hết là các trường đại học trong hệ thống BESETOHA của chúng ta.

Thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh rằng một thực tế khác của quá trình lão hóa xã hội không phải tiếp cận từ góc độ xã hội học dân cư như ở trên, mà là tiếp cận từ góc độ nghiên cứu về nguồn lực trí tuệ trong phát triển nguồn nhân lực hiện nay.

Chúng ta đều ý thức được đầy đủ rằng nhân loại ngày nay đang bước vào kỷ nguyên của nền văn minh trí tuệ, của nền kinh tế tri thức. Một trong những đặc trưng nổi bật nhất của nền văn minh trí tuệ chính là tốc độ gia tăng nhanh chóng của sự đổi mới tri thức khoa học và sự rút ngắn vô cùng nhanh của vòng đời các công nghệ, nhất là các công nghệ mũi nhọn, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu vv… Điều này có nghĩa là hiểu biết của chúng ta, những khám phá khoa học, sáng tạo công nghệ và cả kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo vv… đều đang nhanh chóng bị lạc hậu, già cỗi và lão hóa với tốc độ ngày càng cao.

Đây chính là thách thức lớn nhất đối với các trường đại học và viện nghiên cứu trong kỷ nguyên văn minh trí tuệ. Để thực sự trở thành đầu tàu có sứ mệnh lôi kéo và dẫn đường cho toàn bộ cộng đồng dân tộc trong kỷ nguyên này, bắt buộc trường đại học và viện nghiên cứu phải không ngừng trẻ hóa, không ngừng tự đổi mới trong triết lý đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Thách thức này đặt ra không chỉ cho lãnh đạo các trường đại học và viện nghiên cứu mà là đặt ra hằng ngày, hằng giờ với mỗi giảng viên và sinh viên, cũng như các nhà nghiên cứu. Hai câu hỏi lớn cần phải giải đáp để trường đại học và viện nghiên cứu có thể thoát khỏi nguy cơ lão hóa là: dạy và học gì? Và dạy và học như thế nào?

Trong những năm qua ĐHQGHN đã và đang nỗ lực tìm lời đáp cho những câu hỏi trên. Rõ ràng là ngày nay mô hình đại học dạy học (teaching university) dựa trên triết lý đào tạo tức là truyền thụ hay trang bị tri thức đã không còn phù hợp nữa. Người ta không còn có thể chỉ chủ yếu tập trung vào trang bị một khối lượng tri thức nào đó cho người học, bởi khối kiến thức đã tích lũy ngày càng trở nên vô cùng lớn và lại bị trở lên lạc hậu rất nhanh. Vì vậy, triết lý đào tạo mới phải là hướng tới trang bị phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu, hướng tới việc giúp cho người học hình thành nhu cầu, năng lực và kỹ năng tự học, tự nghiên cứu suốt đời, tự cập nhật tri thức và tự sáng tạo ra tri thức và đổi mới công nghệ. Đây chính là triết lý đào tạo mới của các trường đại học trên thế giới – triết lý đào tạo sáng tạo (creative training phylosophy).

Mô hình trường đại học nghiên cứu (research university) ra đời chính là dựa trên cơ sở của triết lý này. Từ năm 2005 ĐHQGHN đã xác định định hướng và lộ trình phát triển của mình theo mô hình đại học nghiên cứu, nhằm thay đổi căn bản tỷ lệ giữa giảng dạy / nghiên cứu / dịch vụ từ công thức 7/2/1 trước đây sang 4/4/2 vào đầu thập kỷ thứ nhất và đạt tỷ lệ 3/5/2 vào khoảng đầu thập thứ hai của thế kỷ XXI.

Chúng tôi cho rằng đây là một định hướng đúng, nhưng để hiện thực hóa được chiến lược này không những ĐHQGHN cần phải đổi mới nhanh chóng và toàn diện mô hình tổ chức và hoạt động của mình mà còn phải có những giải pháp cụ thể để thực sự tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu và phục vụ xã hội theo nguyên tắc đào tạo thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Theo định hướng này, ĐQGHN đang tập trung nỗ lực chuyển từ hệ thống đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh và các COE vừa có chức năng tổ chức nghiên cứu KHCN đỉnh cao, vừa tham gia đào tạo các bậc đại học và sau đại học thông qua việc thu hút ngày càng đông hơn số sinh viên vào các hoạt động nghiên cứu.

Tuy những công việc mà chúng tôi đang tiến hành mới chỉ đạt được những kết quả tích cực ban đầu, nhưng chúng tôi tin rằng chỉ có đi theo con đường đó chúng ta mới có thể giúp cho người học (và người dạy) hình thành năng lực tự đào tạo suốt đời, góp phần khắc phục nguy cơ lão hóa tri thức và kỹ năng trong kỷ nguyên của nền văn minh trí tuệ. Bên cạnh đó, việc mở ra các chương trình đào tạo liên ngành mới, theo ngành kép vv… cũng đưa lại cho người học nhiều cơ hội lựa chọn linh hoạt hơn lộ trình và nội dung đào tạo của mình, thích ứng nhanh với yêu cầu đa dạng và luôn biến đổi của xã hội.

Thứ ba, tôi xin đề cập đến vấn đề giáo dục thường xuyên và việc xây dựng xã hội học tập với cơ hội tự đào tạo nghề nghiệp suốt đời trên một bình diện rộng hơn của Việt Nam, tiếp cận từ góc độ đào tạo nguồn nhân lực.

Theo kết quả của một nghiên cứu gần đây thì chỉ có 89,3% số trẻ em trong độ tuổi đến trường theo học ở bậc giáo dục tiểu học, 78,2 số học sinh tốt nghiệp tiểu học theo học tại bậc học trung học cơ sở, 53,9% số học sinh tốt nghiệp THCS theo học ở bậc trung học phổ thông và khoảng 15% đến 20% số học sinh tốt nghiệp THPT có cơ hội theo học ở các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp (2). Như vậy, có tới 10,3 trẻ em không được học tại bậc tiểu học, 21,2 số trẻ em tốt nghiệp tiểu học không thể tiếp tục theo học ở bậc THCS, 46,1% số học sinh tốt nghiệp THCS không tiếp tục theo học ở bậc TPHT và ít nhất có tới 80% số học sinh tốt nghiệp giáo dục phổ thông không có cơ hội được giáo dục nghề nghiệp để bổ sung cho nguồn nhân lực được đào tạo của Việt Nam.

Đây là một tình hình rất đáng lo ngại, bởi người ta buộc phải đặt ra câu hỏi rằng trên 50% số học sinh (khoảng từ 4-5 triệu người mỗi năm) không được theo học từ bậc THPT trở lên thì các em sẽ đi đâu? Làm gì? Với trình độ học vấn từ THCS trở xuống, rõ ràng là số người này không thể tự học, tự đào tạo để theo kịp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế tri thức, mà ngược lại sẽ ngày càng bị tụt hậu và nguy cơ tái mù chữ ngày càng lớn, nhất là khi họ buộc phải gia nhập vào thị trường lao động quá sớm. Dưới góc độ phát triển nguồn lực trí tuệ và nguồn nhân lực hiện nay thì đây là số người đã “lão hóa” ngày trong độ tuổi vị thành niên, ngay khi còn chưa kịp lớn!

Cần phải khẳng định rằng từ lâu vấn đề này đã được chính phủ và toàn xã hội Việt Nam nhận thức được và tìm cách khắc phục. Các chiến dịch xóa mù chữ đã được phát động ngay từ năm 1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Trong những năm chiến tranh kéo dài và khốc liệt nhất, chính phủ Việt Nam vẫn nỗ lực để đảm bảo cơ hội học tập cho một bộ phận lớn dân cư, kể cả người lớn và trẻ em. Kết quả là cho đến nay, Việt Nam vẫn được ghi nhận là một trong những nước đang phát triển có tỉ lệ dân số biết chữ cao nhất (khoảng 88% đến 90,3%).(3)

Bước sang thời kỳ Đổi mới, những chuyển biến tích cực và nhanh chóng của nền kinh tế đã đưa Việt Nam một mặt đã tạo ra những điều kiện vật chất thuận lợi hơn cho sự nghiệp giáo dục, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với chất lượng đào tạo của nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, trong vòng hai thập kỷ qua, giáo dục – đào tạo đã được chính phủ Việt Nam coi là “quốc sách hàng đầu”, nhiều giải pháp thực tiễn đã được triển khai để mang lại nhiều hơn các cơ hội học tập cả trong và ngoài nhà trường cho các tầng lớp, các nhóm dân cư. Hệ thống giáo dục đã phát triển nhanh chóng về quy mô ở tất cả các bậc từ mẫu giáo đến sau đại học, bên cạnh hệ thống trường công lập đã xuất hiện hệ thống trường tư thục, dân lập; bên cạnh các hệ đào tạo chính quy đã xuất hiện các bậc đào tạo từ xa, tại chức, không chính quy với nhiều loại hình khác nhau. Đặc biệt, hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên được mở ra và phát triển trên phạm vi toàn quốc với 55 trung tâm cấp tỉnh, 494 trung tâm cấp huyện, 581 trung tâm tin học và ngoại ngữ, 71 trường chuyên nghiệp và dạy nghề, 94 trường bổ túc văn hóa và 514 trung tâm giáo dục cộng đồng và giáo dục từ xa của 10 trường đại học trong cả nước, hằng năm thu hút hàng triệu lượt người đến học.

Bên cạnh những chính sách tích cực từ phía chính phủ, những nỗ lực và đóng góp của cộng đồng và của toàn xã hội đối với việc phát triển của giáo dục cũng rất đáng được ghi nhận. Ở khắp các địa phương đều hình thành những tổ chức khuyến học, kể cả hội khuyến học của từng dòng họ, từng thôn, làng. Các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cũng tham gia ngày càng tích cực hơn vào các hoạt động khuyến học thông qua các hoạt động tài trợ hoặc các hình thức liên kết đào tạo.

Tóm lại, có thể thấy rằng một xã hội học tập đã xuất hiện và bước đầu phát triển ở Việt Nam, và theo cách tiếp cận từ góc độ phát triển nguồn nhân lực thì đây là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần chống lại quá trình lão hóa xã hội trong nền kinh tế tri thức và trong kỷ nguyên văn minh trí tuệ.

Tuy vậy, cũng cần phải chỉ ra những bất cập không nhỏ của quá trình phát triển nói trên. Thứ nhất, số người được thu hút vào các hoạt động giáo dục thường xuyên chủ yếu vẫn là những người trẻ tuổi, trong độ tuổi đi học hoặc đi làm. Số người già (trên 55 tuổi) rất ít tham gia vào các hoạt động học tập, đào tạo, trừ việc học thể dục dưỡng sinh hoặc chăm sóc sinh vật cảnh. Thứ hai, điều đáng nói hơn là nội dung và chất lượng đào tạo của các hoạt động giáo dục thường xuyên. Phần lớn các trung tâm giáo dục thường xuyên đều mới chỉ chú trọng đến việc trang bị tri thức giáo dục phổ thông và bổ trợ một số kỹ năng đơn giản như ngoại ngữ và sử dụng máy tính. Các chương trình bổ sung kỹ năng phức hợp như kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp hoặc quản lý nhân lực còn rất ít. Đặc biệt, nội dung và phương pháp đào tạo tại các cơ sở giáo dục thường xuyên này khó liên thông với các cơ sở đào tạo chính quy ở tất cả các bậc học. Kết quả là hoạt động giáo dục thường xuyên còn chưa thực sự hướng tới và tạo cơ sở để người học có thể tự học, tự đào tạo suốt đời.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, song có một nguyên nhân liên quan đến vai trò và trách nhiệm của các đại học nghiên cứu. Đó chính là việc còn thiếu những nghiên cứu cơ bản nhằm thay đổi triết để triết lý giáo dục, nội dung và phương pháp giáo dục thường xuyên, làm cho hoạt động này có thể kết nối, liên thông với chương trình giáo dục trong nhà trường ở tất cả các bậc đào tạo, phù hợp với các lứa tuổi khác nhau.

Từ những điều đã trình bày ở trên, có thể nêu ra một số kết luận ban đầu về vai trò của các đại học nghiên cứu đối với việc hình thành xã hội giáo dục, chống nguy cơ lão hóa xã hội hiện nay.

a) Cần phải nghiên cứu để chỉ ra đầy đủ các chiều cạnh và xu hướng lão hóa xã hội trong bối cảnh của nền văn minh trí tuệ và yêu cầu phát triển của nền kinh tế tri thức. Các nghiên cứu này cần phải được đặt trên triết lý mới về tình trạng lão hóa xã hội, phải mang tính liên ngành và có tính dự báo khoa học cao, thực sự trở thành cơ sở và luận cứ khoa học cho chiến lược phát triển bền vững của các quốc gia.

b) Bản thân các đại học nghiên cứu cần đổi mới mô hình và chiến lược phát triển để chính nó không bị lạc hậu, bị lão hóa trước xu thế phát triển và đổi mới tri thức và công nghệ ngày một gia tăng.

c) Các đại học nghiên cứu hàng đầu cần phải tham gia tích cực hơn vào hoạt động giáo dục thường xuyên của xã hội, nhằm góp phần xây dựng xã hội học tập theo cách riêng của mình thông qua việc cung cấp dịch vụ đào tạo, và quan trọng hơn, là cung cấp mô hình, phương pháp và cơ sở tri thức khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục thường xuyên.

Điều tôi muốn nhấn mạnh nữa là sự hợp tác, phối hợp nghiên cứu về tình trạng và xu hướng lão hóa của các đại học trong hệ thống BESETOHA là rất quan trọng. Những kinh nghiệm của các nước phát triển, trước hết là của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong chiến lược phát triển dân số, đào tạo nguồn nhân lực, trong việc xây dựng xã hội học tập nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong kỷ nguyên văn minh trí tuệ sẽ có giá trị tham khảo cao đối với Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực trong chiến lược phát triển bền vững của mình và vì sự thịnh vượng chung của khu vực và nhân loại.



  1. Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu do PGS. TS. Lê Ngọc Hùng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện năm 2006. Tham khảo thêm số liệu do UNDP công bố tại: http://www.undp.org.vn/undp/about-viet-nam/viet-nam-at-a-glance/?&languageId=1

 VNU"s Media - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   | 360   | 361   | 362   | 363   | 364   | 365   | 366   | 367   | 368   | 369   | 370   | 371   | 372   | 373   | 374   | 375   | 376   | 377   | 378   | 379   | 380   | 381   | 382   | 383   | 384   | 385   | 386   | 387   | 388   | 389   | 390   | 391   | 392   | 393   | 394   | 395   | 396   | 397   | 398   | 399   | 400   | 401   | 402   | 403   | 404   | 405   | 406   | 407   | 408   | 409   | 410   | 411   | 412   | 413   | 414   | 415   | 416   | 417   | 418   | 419   | 420   | 421   | 422   | 423   | 424   | 425   | 426   | 427   | 428   | 429   | 430   | 431   | 432   | 433   | 434   | 435   | 436   | 437   | 438   | 439   | 440   | 441   | 442   | 443   | 444   | 445   | 446   | 447   | 448   | 449   | 450   | 451   | 452   | 453   | 454   | 455   | 456   | 457   | 458   | 459   | 460   | 461   | 462   | 463   | 464   | 465   | 466   | 467   | 468   | 469   | 470   | 471   | 472   | 473   | 474   | 475   | 476   | 477   | 478   | 479   | 480   | 481   | 482   | 483   | 484   | 485   | 486   | 487   | 488   | 489   | 490   | 491   | 492   | 493   | 494   | 495   | 496   | 497   | 498   | 499   | 500   | 501   | 502   | 503   | 504   | 505   | 506   | 507   | 508   | 509   | 510   | 511   | 512   | 513   | 514   | 515   | 516   | 517   | 518   | 519   | 520   | 521   | 522   | 523   | 524   | 525   | 526   | 527   | 528   | 529   | 530   | 531   | 532   | 533   | 534   | 535   | 536   | 537   | 538   | 539   | 540   | 541   | 542   | 543   | 544   | 545   | 546   | 547   | 548   | 549   | 550   | 551   | 552   | 553   | 554   | 555   | 556   | 557   | 558   | 559   | 560   | 561   | 562   | 563   | 564   | 565   | 566   | 567   | 568   | 569   | 570   | 571   | 572   | 573   | 574   | 575   | 576   | 577   | 578   | 579   | 580   | 581   | 582   | 583   | 584   | 585   | 586   | 587   | 588   | 589   | 590   | 591   | 592   | 593   | 594   | 595   | 596   | 597   | 598   | 599   | 600   | 601   | 602   | 603   | 604   | 605   | 606   | 607   | 608   | 609   | 610   | 611   | 612   | 613   | 614   | 615   | 616   | 617   | 618   | 619   | 620   | 621   | 622   | 623   | 624   | 625   | 626   | 627   | 628   | 629   | 630   | 631   | 632   | 633   | 634   | 635   | 636   | 637   | 638   | 639   | 640   | 641   | 642   | 643   | 644   | 645   | 646   | 647   | 648   | 649   | 650   | 651   | 652   | 653   | 654   | 655   | 656   | 657   | 658   |