Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Vai trò nữ trí thức trong việc duy trì bản sắc văn hoá dân tộc truyền thống.
Trong tiến trình lịch sử, phụ nữ Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng và tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. “Nói đến bản sắc dân tộc là nói đến bản sắc văn hoá dân tộc, tức là những đặc trưng tiêu biểu, riêng có, không thể trộn lẫn của một nền văn hoá, của một dân tộc với dân tộc khác, biểu hiện sức sống, sức sáng tạo, sức phát triển của dân tộc” (Ban TT –VH Trung ương, 1998, tr.43).

Trải qua lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, do bảo vệ được bản sắc văn hoá của mình nên dân tộc ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tồn tại và phát triển. Bản sắc văn hóa Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững được vun đắp nên qua lịch sử đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, tính giản dị khiêm tốn trong lối sống, sự tinh tế trong ứng xử, trọng nghĩa tình đạo lý. Bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc chính là phát huy những giá trị tinh thần truyền thống đó. Bản sắc văn hóa Việt Nam còn được phản ánh trong các phương thức biểu hiện độc đáo như ngôn ngữ của dân tộc, tâm lý, phong tục, tập quán và những hình thức nghệ thuật truyền thống.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, trải qua các thời đại, ở lĩnh vực nào, người phụ nữ cũng có những đóng góp đáng kể cho sự tồn tại, phát triển và tiến bộ của dân tộc, vì thế họ đã chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong tâm thức của mọi người dân Việt Nam. Trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nữ trí thức Việt Nam giữ vai trò quan trọng và tích cực.

1. Nữ trí thức với việc duy trì bản sắc văn hoá dân tộc

Vai trò nữ trí thức trong truyền thống văn hoá gia đình

Người mẹ Việt Nam có vai trò quan trọng và quyết định đối với sự phát triển, sự trưởng thành của con cả về thể chất lẫn tinh thần cũng như về nhân cách. Nghĩa mẹ thường được đặt cao hơn: “Cha sinh không tày mẹ dưỡng”, “Phúc đức tại mẫu”, “Đức hiền tại mẹ”...

Chẳng hạn như với làn điệu hát ru, bằng những lời ru ngọt ngào, đầm ấm, thiết tha là một hình thức giáo dục rất độc đáo, không những giúp cho quá trình hình thành nhân cách của con người mà còn truyền thụ những bài học, những kinh nghiệm được đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử. Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng “chính các bà mẹ Việt Nam thời Bắc thuộc đã góp phần giữ gìn và phát triển tiếng nói của dân tộc: Từ trong lời ru của mẹ, tiếng hát nơi ruộng lúa, nương dâu, cho đến lời nói hàng ngày, đều biểu hiện cuộc sống và tâm hồn người Việt” (Trần Quốc Vượng, 2000, tr. 27). Hay như nhận xét của GS. Lê Thị Nhâm Tuyết khi nói về vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc “Phụ nữ Việt Nam là người bảo vệ và phát triển văn hoá dân tộc bao gồm tất cả các dạng của nền văn hoá – văn hoá tinh thần, văn hoá xã hội và gia đình” (Lê Thị Nhâm Tuyết, 2001)

Nhiều người cho rằng, muốn xây dựng nên một thế hệ biết sống có văn hóa không thể thiếu đi vai trò của người phụ nữ. Bởi một lẽ giản đơn là văn hoá ứng xử phải đi từ gia đình ra xã hội. Mà trong gia đình, người mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho con cái. Người mẹ tốt là người phải giáo dục cách ứng xử tốt cho con, từ cách ăn mặc, đối nhân xử thế, phải biết yêu thương, quan tâm tới nhau và phải sống có trách nhiệm. Trách nhiệm với gia đình, với người thân, bạn bè và rộng hơn là trở thành một công dân tốt, sống có ích cho xã hội. Nhưng để thuyết phục được con cái nghe mình, trước tiên, chính người phụ nữ ấy phải gương mẫu, gương mẫu trong văn hoá, giao tiếp, ứng xử, dạy dỗ con cái từ nhỏ. Trong vai trò làm mẹ người nữ trí thức - với phông kiến thức văn hoá, khoa học, phương pháp giáo dục sư phạm - sẽ có nhiều ưu thế hơn trong việc nuôi dạy con và duy trì truyền thống văn hoá gia đình, gìn giữ nếp nhà, gia phong.

Một người mẹ có tri thức, nghề nghiệp, việc làm tử tế, lối sống lành mạnh, ứng xử có văn hóa thì bao giờ cũng là hình mẫu tốt đẹp cho con cái noi theo. Ngược lại, những người mẹ thiếu hiểu biết, hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ thiếu văn hoá, sẽ tạo ra những đứa con nhiều khiếm khuyết. Đúng như ý kiến của một nữ trí thức “Theo tôi, cũng là nàng dâu, cũng là một người vợ, người mẹ trong gia đình nhưng người có trí tuệ, có văn hoá bao giờ cũng làm việc có năng suất, hiệu quả hơn” (Trung tá Trương Thị Thanh Mai - Nguyên Trưởng Ban Công tác nữ Công An thành phố Đà Nẵng)

Nói đến văn hóa gia đình là nói đến quan hệ đạo lý, tình cảm, các chuẩn mực, khuôn phép trong sinh hoạt, ứng xử, nuôi dạy con cái, tập quán thờ phụng tổ tiên v.v... Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của gia đình Việt Nam không ngừng được cải thiện. Hầu hết các gia đình đã có các đồ dùng thông dụng và tiện nghi, hiện đại. Mức sống cao hơn khiến ứng xử của các thành viên cũng "thông thoáng" hơn. Nhiều thói quen, lễ nghĩa xưa kia chỉ có ở "nhà giàu" như tặng quà sinh nhật, đi picnic, ăn tiệm... thì nay đã trở nên khá phổ biến trong nhiều gia đình, nhất là các gia đình đô thị.

NGƯỜI ĐẠI BIỂU SAY MÊ VỚI SỰ NGHIỆP VĂN HÓA

Chị Trần Thị Tâm Đan từng theo học Đại học chuyên ngành hóa ở Liên Xô, sau khi tốt nghiệp loại giỏi chị được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh. Năm 1970 bảo vệ xong luận án tiến sỹ, chị về nước, công tác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sáu năm sau - 1976, chị được bầu làm Phó Chủ nhiệm khoa hóa, làm Bí thư Đảng ủy khoa rồi làm Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Bí thư Đảng ủy Nhà trường... Đã từng là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đại biểu Quốc hội 5 khóa liền (VII, VIII, IX, X, XI) và là Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng từ Quốc hội khóa IX... Đó là những chức vụ không hề nhẹ nhàng, đặc biệt đối với người phụ nữ.

Chị Đặng Thị Thanh Hương - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng đã có lần phát biểu về chị Tâm Đan: "Là một phụ nữ thông minh với cương vị là Phó Giáo sư, Tiến sỹ, có trí tuệ và tâm huyết, chị là người rất am tường trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Phần lớn những ý kiến của chị rất xác đáng, đúng với chính sách đường lối của Đảng, đúng với thực tiễn cuộc sống đang đặt ra." (www.na.gov.vn)


Có thể nói rằng, việc bảo tồn và phát triển văn hoá con người trong gia đình, chính là người phụ nữ đảm đương, đặc biệt là nữ trí thức là tầng lớp xã hội làm tốt vai trò này hơn tất cả. Trong quá trình duy trì và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, phụ nữ nói chung và nữ trí thức nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng gia đình Việt nam, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hoá, dân tộc. Là những người mẹ có học vấn, nữ trí thức không chỉ nuôi dạy con biết làm điều hay, lẽ phải, điều gì nên làm và được làm, và những điều không nên làm hoặc không được làm mà còn có phương pháp sư phạm – khoa học trong giáo dục con cái, đem lại cho thế hệ tương lai những giá trị văn hoá truyền thống đích thực.

Giáo dục - đào tạo với chức năng truyền tải giá trị văn hoá truyền thống và vai trò nữ trí thức

Nói đến lĩnh vực giáo dục – đào tạo, thì mọi người đều có thể hình dung được vai trò quan trọng to lớn của nữ trí thức, bởi lẽ nữ cán bộ làm việc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo chiếm tỷ lệ áp đảo nam giới. Trong thành tựu chung của phụ nữ nước nhà có sự đóng góp tích cực và quan trọng của đội ngũ nữ trí thức ngành giáo dục và đào tạo. Đến nay, trong tổng số 1.044.035 nhà giáo trực tiếp đứng lớp, có gần 74% là nữ; nữ đảng viên chiếm 60% tổng số đảng viên toàn ngành. Là lực lượng nòng cốt triển khai thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, gương mẫu đi đầu trong các cuộc vận động lớn, các phong trào thi đua của ngành giáo dục nước nhà. Theo Ts. Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo “Đội ngũ nữ nhà giáo nước ta có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm, luôn hết lòng vì học sinh thân yêu, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều nữ nhà giáo đã nỗ lực phấn đấu tốt, trở thành những giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp, những nhà khoa học đầu ngành, đạt thành tích cao trong nghiên cứu khoa học, trong các cuộc thi tài năng, các giải thưởng lớn giành cho phụ nữ. Đã có 11 nữ nhà giáo vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” và 1.011 nữ nhà giáo được phong tặng danh hiệu“Nhà giáo ưu tú”.

Nữ cán bộ lãnh đạo quản lý ngành đã có 1 thứ trưởng, 2 vụ trưởng, nhiều phó vụ trưởng, giám đốc, phó giám đốc các Sở GD-ĐT. Khối phổ thông, nữ phó hiệu trưởng, hiệu trưởng chiếm khoảng 45% số cán bô quản lý. Khối các trường ĐH, CĐ, TCCN nhiều chị đảm nhận chức phụ phó hiệu trưởng, hiệu trưởng, trưởng phó phòng khoa ban, chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn giáo dục các cấp.

Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức năng xã hội, nữ nhà giáo và lao động toàn ngành còn thực hiện tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Hàng năm, đã có 87,6% chị em đạt danh hiệu “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” các cấp và có 95,6% gia đình nữ giáo viên đạt danh hiệu gia đình nhà giáo văn hoá. Chị em trong ngành luôn vun đắp xây dựng gia đình hạnh phúc, quan tâm nuôi dạy các con chăm ngoan học giỏi.

Đội ngũ nữ trí thức đã góp phần xứng đáng thực hiện quá trình đổi mới công tác giáo dục, y tế, văn hoá, các chính sách xã hội, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tiến tới xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, sánh vai với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới

MỘT NGƯỜI TẬN TỤY VỚI NGHỀ DẠY HỌC

Sinh năm 1948 tại Hải Dương, bà Phạm Thị Ngâm theo học khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp năm 1969, theo tiếng gọi của phong trào “ba sẵn sàng”, bà về công tác tại Trường Thái Phiên, Hải Phòng rồi sau đó là Trường phổ thông công nghiệp Hải Phòng (1982-1984).

Những năm dạy học ở đây, bà đã được các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh và cử tri tín nhiệm bỏ phiếu làm Đại biểu Quốc hội Khóa V, Quốc hội Khóa VI. Đấy là cả một niềm vui lớn cũng như bất ngờ của một cô giáo dạy văn. Ý thức được sự tín nhiệm của cử tri, là một người dạy học nên mỗi khi phát biểu thảo luận tại Quốc hội, bà Ngâm đều đưa ra những vấn đề rất sát với ngành giáo dục mà bây giờ vẫn còn nguyên tính thời sự như cần phải đảm bảo quyền lợi của người thầy giáo, Nhà nước cần tạo điều kiện cho giáo viên sống bằng nghề của mình chứ không phải sau giờ giảng là bỏ tất cả để thái rau kiếm sống; chỉ nên duy trì bồi dưỡng học sinh giỏi, kèm cặp học sinh yếu chứ không để học thêm, dạy thêm quá nhiều; người giáo viên phải khơi gợi sự sáng tạo của học sinh chứ không nên làm những bài tập mẫu… Những vấn đề bà Ngâm đưa ra đều là những vấn đề sâu sát với đời sống nhân dân, được nhân dân quan tâm. Chính vì thế mà ở Quốc hội Kh â VII, một lần nữa, bà Ngâm tiếp tục trúng cử đại biểu Quốc hội. Ở Quốc hội lần này, bà còn tham gia vào Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Bà Ngâm bảo, ba kỳ Quốc hội chính là những năm tháng mà bà không bao giờ quên, vì những phiên họp ấy đã đem đến cho bà rất nhiều kiến thức. Tham gia một khóa Quốc hội thấy mình như vừa học xong một khóa của Trường Đại học Luật.( www.na.gov.vn)

Vai trò của nữ trí thức trong hoạt động văn hoá nghệ thuật

Từ xưa, đã có những nữ trí thức nổi tiếng trong lĩnh vực văn hoá - nghệ thuật. Trong 8 vị tổ của hát chèo Việt Nam thì có hai vị là nữ. Bà Phạm Thị Trân (thế kỷ X) từng được coi là Thanh tiên sư của sân khấu chèo. Đào Hoa (thế kỷ XV), nghệ sĩ chèo, đứng hàng thứ 8 trong tám vị tổ phường chèo, được tôn làm tổ sư về hát múa, làm trò. (Lê Thị Nhâm Tuyết, 2005, tr. 82)

Thế kỷ XVIII có bà Đoàn Thị Điểm với tài thơ văn nổi tiếng, cả Hán lẫn Nôm, đã mở trường dạy học cho đông đảo nho sinh. Có thi sĩ tài hoa Ngọc Hân, tác giả Ai tư vãn. Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX có Hồ Xuân Hương được coi là “bà chúa thơ Nôm”, người dùng tài thơ văn tranh đấu chống lại lễ giáo và đạo đức phong kiến, đấu tranh cho quyền sống và hạnh phúc của phụ nữ. Bà Nguyễn Thị Hinh (bà Huyện Thanh Quan), giữ chức Cung trung học sĩ thời Minh Mạng, với giọng văn “hoài cổ” nói lên lòng chán ngán và lòng thất vọng trước thực tế xã hội triều Nguyễn phản động. Bà Sương Nguyệt Anh (1864-1921, con gái thứ năm nhà thơ yêu nước lớn Nguyễn Đình Chiểu) là nữ chủ bút đầu tiên của báo chí Việt Nam, là người sáng lập tờ báo phụ nữ đầu tiên - tờ “Nữ giới chung” (tháng 2–1918).Trong số những nữ văn nghệ sĩ trước thế kỷ XX, có ba người được đưa vào danh sách những phụ nữ Việt Nam huyền thoại để cùng 185 quốc gia trên thế giới tuyển chọn “Những hình tượng phụ nữ nổi tiếng nhất của nhân loại từ thời tiền sử đến nay”. Đó là Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Phạm Thị Trân (Lê Thị Nhâm Tuyết, 2005, tr. 83)

Nối tiếp và phát huy truyền thống của lớp văn nghệ sĩ đi trước, nhiều nữ trí thức ngày nay trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật đã sáng tác rất nhiều những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, nổi tiếng cả ở trong và ngoài nước.

Tháng 3-1992, nữ hoạ sĩ Văn Dương Thành được mời tham gia cùng với 82 nữ hoạ sĩ của 26 nước trong cuộc triển lãm tranh: “Các nữ hoạ sĩ quốc tế” tại Trung tâm văn hoá Bangkok, Thái Lan. Ngoài ra chị còn có một phòng tranh riêng trưng bày tại khách sạn ChiengMai. Bình luận của tờ The Nation (Dân tộc) đã viết: “Mặc dù sống trong thời kỳ chiến tranh khủng khiếp và là nhân chứng của sự hung bạo trong cuộc chiến tranh, nữ hoạ sĩ Văn Dương Thành có lẽ là một trong những người giỏi nhất trên thế giới về sự nắm bắt hoà bình. Thành vẽ về sự êm ả của làng quê Việt Nam. Tranh của chị diễn tả sự mềm mại và quyến rũ của cuộc sống hết sức bình thường: các em bé câu cá, người phụ nữ tắm dưới ánh trăng. Thành đã phối hợp mỹ thuật truyền thống Việt Nam và mỹ thuật phương Tây. Sự lạc quan, dịu dàng và đầy nữ tính toả sáng trong nghệ thuật của Thành”.

Hoạt động trong lĩnh vực văn hoá- nghệ thuật, nữ trí thức không chỉ sáng tạo những tác phẩm đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống, mà còn giúp cho nhiều tầng lớp dân cư cảm nhận được cái hay, cái đẹp của kho tàng văn hoá, nghệ thuật truyền thống có sức cảm hoá, thức tỉnh cả những người lầm đường, lạc lối. Góp phần vào công việc này, phải kể đến nghệ sĩ Châu Loan. Giọng hát các làn điệu dân ca Huế của Châu Loan trên đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành quen thuộc và thân thiết hàng ngày với nhân dân cả hai miền Nam - Bắc từ gần ba mươi năm, kể từ khi chị xuất hiện lần đầu tiên trên làn sóng điện. Giọng hò mái nhì, mái đẩy của Châu Loan đã đi vào tiềm thức người nghe. Người nghe ở khắp mọi miền đất nước đều biết đến âm nhạc Huế, những bài ca Huế cảm nhận vẻ đẹp của nó qua Châu Loan. Trong những buổi phát thanh địch vận của đài tiếng nói Việt Nam, tiếng hát của Châu Loan là một trong những tiếng hát có sức lay động và thuyết phục, đi vào lòng người. Trong những năm 60, khi nghe Châu Loan hát – theo tài liệu của Tỉnh uỷ Trị Thiên Huế, một số đáng kể lính nguỵ đã quay súng trở về với nhân dân. Nhiều lính nguỵ đã rơi nước mắt trước bài ca “Bến Hải quê anh” với làn điệu Nam bình của Châu Loan. Âm điệu buồn trữ tình, gợi thương nhớ của nó đã kêu gọi, thức tỉnh, thấm sâu vào lòng người.

Với những đóng góp có giá trị văn học nghệ thuật cao, giàu bản sắc văn hoá, các chị - cùng với các đồng nghiệp nam, đã được nhận giải thưởng cao quý - giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước (năm 1996 và 2000). Ví dụ:

Giải thưởng Hồ Chí Minh: Nguyễn Thị Kim (điêu khắc). Nói đến bà Nguyễn Thị Kim là nói đến nữ nghệ sĩ điều khắc với tác phẩm phong phú, đa dạng về đề tài, đặc biệt về phụ nữ. Tác phẩm của Nguyễn Thị Kim giàu có về tình cảm, bên trong một phong cách thể hiện chắc chắn về kỹ thuật nghề nghiệp vẫn tràn đầy vẻ dịu dàng nữ tính. Bà đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương vì sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật. Năm 2000, bà là nữ nghệ sĩ duy nhất được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm của mình.

Giải thưởng Nhà nước: Âm nhạc: Nguyễn Thị Nhung; Múa: Nguyễn Thị Hiển, Tô Nguyệt Nga, Phùng Thị Nhạn, Chu Thuý Quỳnh; Mỹ thuật: Lê Thị Kim Bạch, Vũ Giáng Hương, Trần Thanh Ngọc; Văn học: Anh Thơ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Thị Ngọc Tú.

Rõ ràng nữ trí thức Việt Nam đã góp phần cống hiến lớn lao trong việc sáng tạo một nền văn hoá dân tộc, đã đóng góp vào đó những đại biểu xuất sắc. Họ cũng là một lực lượng sáng tác quan trọng của nền văn nghệ dân gian. Từ lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng, phụ nữ còn là những nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn những điệu múa dân tộc uyển chuyển, mềm mại, hát các làn điệu dân ca trong sáng, bình dị, thiết tha và tham gia xây dựng nền nghệ thuật sân khấu cổ truyền tài hoa, hiếm có.

CHU THÚY QUỲNH – ĐẠI BIỂU CỦA NGHỆ SỸ VIỆT NAM

Đã có rất nhiều người nói về những thành công trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật rực rỡ của Nghệ sỹ nhân dân Chu Thúy Quỳnh. Bởi các tác phẩm biên đạo múa ấy đã đứng lại với thời gian và trong lòng khán giả. Với cương vị Giám đốc Nhà hát ca múa Trung ương. Ngoài công tác quản lý Nhà hát, chị lại càng bộn bề hơn với rất nhiều chương trình nghệ thuật khổng lồ trong vai trò tổng đạo diễn với quy mô hoành tráng phục vụ các sự kiện chính trị trọng đại như các Đại hội Đảng, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác, các lễ hội như “990 năm Thăng Long – Hà Nội”, “SEA games 22” và những chương trình giao lưu văn hóa quốc tế khác….

Trong cuộc đời của người nghệ sỹ nhân dân này, ngoài công việc chuyên môn như Chủ tịch Hội nghệ sỹ múa 3 khóa liên tục mà chị đảm nhiệm hiện nay, còn một loạt các trọng trách, công việc xã hội khác như Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, Ủy viên Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam… Coi trọng và phát huy tính dân tộc không phải là chơi “đồ cổ”. Vấn đề là phải xây dựng cái hiện đại trên cơ sở truyền thống dân tộc như thế nào? Còn một chút nỗi lo của chị là trong nền kinh tế thị trường hiện nay làm sao chúng ta hướng công chúng thẩm thấu các giá trị nghệ thuật tốt hơn. Chị Quỳnh bộc bạch: “Tôi từ ngành nghệ thuật múa mà ra, và cũng chính nghệ thuật múa đã tạo ra tôi. Chúng ta đã bước sang thế kỷ XXI, tôi mong muốn được cùng đồng nghiệp xây dựng một nền nghệ thuật múa Việt Nam dân tộc và hiện đại, một trường phái nghệ thuật múa phương Đông ở Việt Nam”. (www.na.gov.vn)

1.3. Nữ trí thức với những sản phẩm văn hoá vật chất

Các sản phẩm văn hoá vật chất của dân tộc được sáng tạo ra để đáp ứng các nhu cầu cuộc sống như ăn, mặc, ở, học hành, đi lại,.v.v.. của mình. Văn hoá biểu thị trình độ phát triển, sức sáng tạo của một cá nhân, cộng đồng như một “mã di truyền” xã hội, một ký ức tập thể được sàng lọc, thử thách, tái hiện với trình độ hoàn thiện ngày càng cao hơn theo thời gian, tạo nên tính liền mạch bên trong văn hoá dân tộc và đọng lại thành di sản văn hoá. Di sản văn hoá thể hiện hệ thống các giá trị văn hoá của dân tộc. Những công việc thường ngày mà người phụ nữ đảm nhiệm như nấu ăn, dệt vải, thêu thùa, may vá... tưởng như rất đơn giản, nhưng lại góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa vật chất của dân tộc. Trong nền văn hóa vật chất, việc ăn mặc của phụ nữ bao giờ cũng là nhân tố phản ánh trung thực, đậm nét tính chất dân tộc. Phụ nữ Việt Nam từ xưa, là những người tự dệt ra vải lụa, tạo ra màu sắc, tự cắt may theo kiểu cách của mình, người phụ nữ đã thể hiện tâm hồn, tình cảm, nhận thức về tự nhiên và xã hội trên các sản phẩm mà họ làm ra. Từ chiếc khăn đội đầu đến màu áo yếm, cách ăn mặc, kiểu trang phục của người phụ nữ đã tạo nên những tình cảm đẹp, có ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội

Chiếc khăn Piêu từ bao đời nay đã tôn vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Thái. Cùng với bộ trang phục dân tộc, thiếu nữ Thái đội khăn Piêu là để phô diễn sự tinh thục trong thêu thùa của mình. Từ hàng trăm năm nay, chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam đã được coi là "quốc hồn quốc tuý" của dân tộc và được coi như một biểu tượng Việt Nam. Vẻ đẹp mềm mại, dịu dàng và kín đáo của chiếc áo dài Việt Nam được thể hiện bằng cổ cao, bờ vai tròn trịa mềm mại với hai tà áo thướt tha. Chiếc áo dài Việt Nam cũng đầy nữ tính, gợi cảm.

Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực của một số hoạ sĩ, nhà tạo mẫu là nữ trí thức đã đem lại một vẻ đẹp mới cho tà áo dài Việt Nam. Vẫn giữ nguyên kiểu dáng, cấu trúc của chiếc áo dài cổ điển, họ đưa thêm nhiều chất liệu mới và thổi vào đó vẻ đẹp mới, hiện đại được chắt lọc từ văn hoá truyền thống Việt Nam như thêu, vẽ những hoạ tiết trang trí, điểm xuyết những hoa văn từ các trang phục của các dân tộc Việt Nam, hoạ tiết từ trống đồng Ngọc Lũ, phục hồi chiếc áo dài 300 năm, phục hồi nghệ thuật thêu truyền thống trên áo dài... đã tạo nên một ấn tượng đẹp cho áo dài Việt Nam. Trong số những nhà tạo mẫu, có những gương mặt nữ trí thức nổi tiếng trong làng thời trang không chỉ ở trong nước. Có thể kể ra như:

Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh: Minh Hạnh đã dành hết thời gian trong sự nghiệp thời trang của mình để tôn vinh chiếc áo dài Việt Nam và không mệt mỏi để mang nó đi giới thiệu với nhiều nền văn hóa trên thế giới. Vẻ đẹp truyền thống và bí ẩn của chiếc áo dài Việt Nam - theo chị là “một ngôn ngữ không cần phiên dịch”. Với chiếc áo dài cách điệu từ những chiếc áo dài dân tộc, Minh Hạnh đang thổi những đường nét nghệ thuật rất nữ tính vào áo dài và còn quảng bá với thế giới về một mẫu trang phục rất đặc trưng của phụ nữ Việt, có thể phổ biến cho phụ nữ trên toàn thế giới sử dụng được. Ví dụ, ở Nhật Bản, hầu hết người dân bản xứ đều rất yêu thích chiếc áo dài – trang phục truyền thống của người Việt Nam. Tà áo dài thướt tha của người phụ nữ Việt Nam được người Nhật mặc vào những dịp lễ hội giao lưu quốc tế, hay các bạn sinh viên Nhật thích mặc trong dịp lễ tốt nghiệp đại học hoặc tiệc cưới của bạn bè v.v...; hầu như mọi du khách Nhật đến Việt Nam đều ấn tượng bởi màu áo trắng của nữ sinh Việt Nam.

Nhà tạo mẫu La Hằng: Từ những tà áo dài truyền thống, La Hằng đã biết làm phù hợp với vóc dáng của phụ nữ hiện đại. Nhất là việc phát huy những họa tiết trên áo, có thể qua thêu, qua vẽ và được cải tiến từng ngày đã khiến cho thương hiệu La Hằng đến giờ vẫn đang là sự lựa chọn số một của những phụ nữ Thủ đô

Minh Hạnh - người hồi sinh cho áo dài Việt Nam

Bài viết của một tác giải người Mỹ - Ông Joan Collins về Minh Hạnh, người phụ nữ tiên phong trong lĩnh vực thời trang của Việt Nam đã được đăng trên tạp chí People (Mỹ) trong số ra đặc biệt (kỷ niệm 20 năm đất nước Việt Nam sau ngày giải phóng (1975-2000)

Năm 2000, Minh Hạnh trở thành nhà thiết kế áo dài hàng đầu của Việt Nam, người đã có công thổi vào trang phục dân tộc một sinh khí mới và đưa chúng lên sàn diễn thời trang. Trong suốt thời gian dài sau năm 1975, hoạt động thời trang Việt Nam không có điều kiện phát triển, một số người thì cho đó là lố bịch, lai căng, một số khác lại đánh giá quá thấp tiềm năng phát triển của ngành này ở Việt Nam, đặc biệt là là tiềm năng của những chiếc áo dài: “Bây giờ thì mọi người có thể thấy áo dài giúp cho người phụ nữ thanh lịch và giản dị như thế nào”. Minh Hạnh nói “Mà lại rất gợi cảm nữa chứ”

1.4. Nữ trí thức với quảng bá văn hoá

Người Việt Nam dù ở nơi đâu trên thế giới vẫn mang trong mình bản sắc văn hóa Việt Nam, là đại diện cho văn hóa Việt Nam, đồng thời là nhân tố quảng bá hình ảnh và văn hóa Việt Nam, trực tiếp và thường xuyên tác động đến quan niệm, nhận thức và tình cảm của người nước ngoài đối với Việt Nam. Bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam với những nét độc đáo về nghệ thuật, ẩm thực, thời trang, thuần phong mỹ tục và lối sống đã tạo nên một nét riêng của người Việt Nam ở nước ngoài, phân biệt với các dân tộc Châu Á khác. Điều này khiến chúng ta tự hào và tự tin vào sức sống của dân tộc, không sợ bị hòa tan trong khi hòa nhập với xã hội sở tại.

Với mong muốn làm một điều gì đó cho quê hương, xứ sở từ nhiều năm nay chị Lê Thị Bích Hường vẫn thường xuyên giúp đỡ Đại sứ quán Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại và truyền bá văn hóa Việt Nam tại Italia và Brasil, gần đây nhất là giới thiệu về cuộc chiến tranh ở Việt Nam và vai trò của phụ nữ Việt Nam trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Nhờ những hoạt động không mệt mỏi của chị, các bạn Brasil cũng được thấy một Việt Nam trữ tình với những làn điệu dân ca, điệu múa, áng thơ, với các thiếu nữ duyên dáng trong bộ áo dài dân tộc thấp thoáng sau vành nón trắng, với các cô thôn nữ yếm thắm kín đáo mà không kém phần say đắm...

Với những sản phẩm thời trang áo dài giàu bản sắc văn hoá truyền thống, nhà tạo mẫu Minh Hạnh không chỉ chinh phục các kinh đô thời trang nổi tiếng thế giới như ở Pháp, Italia mà chị còn được vinh dự nhận danh hiệu Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương do Bộ trưởng Văn hóa Thông tin Pháp trao tặng. Minh Hạnh là nhà thiết kế đầu tiên nhận danh hiệu này, trở thành cầu nối Pháp - Việt trong lĩnh vực thời trang.

NHÀ NỮ NGOẠI GIAO ĐẦU TIÊN

Bà Nguyễn Thị Bình, tên thật Nguyễn Châu Sa, sinh ra trong một gia đình yêu nước ở Quảng Nam. Năm 1945, học hết tú tài phần I, bà đã bắt đầu các hoạt động yêu nước: cứu tế nạn đói, tham gia cướp chính quyền tại Sài Gòn, chuyển vũ khí ra chiến khu. Năm 1968 bà được cử làm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam.

Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, bà Nguyễn Thị Bình trở về, tiếp tục công việc Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tiếp sau đó, là 11 năm làm Bộ trưởng Bộ giáo dục (từ 1976 - 1987).

Khi bà trở về trọng trách ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng (1987) và khi bà giữ trọng trách lớn hơn, Phó Chủ tịch nước năm 1992. Bà là đại biểu Quốc hội Khóa VI, VII, VIII, IX, X. Cho dù ở bất kỳ cương vị nào cũng luôn là một gương mặt xuất sắc, gây ấn tượng, một nhà hoạt động chính trị - xã hội lớn. (www.na.gov.vn)

2. Nữ trí thức trước những thách thức trong việc duy trì bản sắc văn hoá truyền thống.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, thách thức văn hoá cũng là một trong những thách thức rất đáng kể. Bất chấp việc có người tán thành, có người phản đối hay thậm chí phủ nhận toàn cầu hoá văn hoá, thì toàn cầu hoá vẫn đang tác động mạnh đến văn hoá. Những sản phẩm văn hoá Mỹ, như phim ảnh, nhạc, thức uống, các món ăn nhanh của Mỹ hoặc y phục thời trang, nước hoa và mỹ phẩm Pháp, phim ảnh Hàn Quốc, Trung Quốc,… đã trở thành món ăn tinh thần và vật chất của nhiều người thuộc các châu lục khác nhau, nhất là của lớp trẻ ở Việt Nam. Cùng với toàn cầu hoá kinh tế là xu hướng thúc đẩy toàn cầu hoá về ngôn ngữ, về văn hoá, về lối sống và quan niệm giá trị của các cường quốc. Trong toàn cầu hoá, văn hoá dân tộc, văn hoá truyền thống có nguy cơ bị xói mòn. Ở tầm vĩ mô, có thể nói thách thức lớn nhất đối với văn hóa chủ yếu diễn ra trên lĩnh vực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khi đất nước thực hiện chính sách mở cửa, thách thức từ những yếu tố tiêu cực của quá trình hội nhập đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là rất lớn. Kinh tế thị trường với chủ nghĩa thực dụng sẽ khiến lý tưởng cao đẹp chúng ta theo đuổi bấy lâu dễ bị phai nhạt ngay trong cả một số đảng viên, trí thức. Lối sống, nếp sống nặng về vật chất, đồng tiền, tâm lý hưởng thụ tiêu dùng có cơ hội tán phát lan truyền, điều này cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều một bộ phận nữ trí thức.

Ở cấp độ vi mô, bàn về văn hoá ứng xử, người ta có thể dẫn ra không ít ví dụ về những biểu hiện thiếu văn hoá, phi văn hoá trong giới trẻ nói chung, nữ trí thức trẻ nói riêng. Ngay trên đất Hà Nội “ngàn năm văn hiến” vốn được mệnh danh “thanh lịch” nhưng qua các lễ hội hoa anh đào, lễ hội hoa Hà Nội gần đây, người ta thấy lo ngại về sự xuống cấp của một bộ phận không nhỏ trong những người trẻ với những hành vi, ngôn ngữ thiếu văn hoá. Ví dụ:

Tại lễ hội hoa anh đào ở Hà Nội gần đây “một cô gái nghiêng hẳn người qua dây chắn hàng rào để vai chạm vào cành hoa anh đào, rồi thét lên lanh lảnh khi anh bạn trai lúng túng với chiếc máy ảnh "chụp đi, đứng đần ra thế, nó đuổi cho bây giờ". Một bé gái chừng 10 tuổi kéo áo cô gái và nói: "Chị ơi, không được sờ vào hoa kia mà". Ngay lập tức cô gái quát: "Kệ tao, việc gì đến mày". Cô bé sững sờ, mắt đã ngân ngấn nước trong sự im lặng, bình thản của những người xung quanh. Cô bạn người Hà Lan đã nói bằng tiếng Việt dù chưa sõi lắm:"Xin cảm ơn lời nhắc nhở của em gái", những người xung quanh lại nhìn cô gái ngoại quốc bằng con mắt ngạc nhiên. Cô gái bị em gái nhắc nhở còn bĩu môi: “Lịch sự rởm” (Lao Động số 82 Ngày 15/04/2009).

Bên cạnh hành vi ứng xử thiếu văn hoá, còn có một bộ phận thanh niên nói chung và nữ thanh niên nói riêng, kể cả nữ sinh viên có những biểu hiện ăn mặc lố lăng, phản cảm không phù hợp với phẩm chất người phụ nữ Việt Nam và văn hoá dân tộc. Về thời trang, có không ít các nhà tạo mẫu đang chạy theo sự "cách tân" một cách quá đà, đang đi tìm sự độc đáo, cái lạ hơn là sáng tạo nên đã biến chiếc áo dài Việt Nam đôi khi bị lai căng. Có nhà tạo mẫu quan niệm áo dài là một chiếc áo đầm có mặc quần vào áo tay phồng hoặc sát nách, có bộ áo dài lại mang dáng dấp của trang phục người Hoa, có người còn thiết kế áo dài với cổ áo sơ mi... Sự chạy đua quá đà cũng dẫn đến tình trạng khủng hoảng. Trong một cuộc thi người đẹp gần đây, người xem không khỏi nhức mắt khi thấy phần lớn các thí sinh mặc các bộ áo vẽ quá rườm rà, với nhiều hoa văn rối loạn và thực sự cảm thấy nhẹ nhõm khi một thí sinh xuất hiện với một tà áo trắng đơn sơ, giản dị. Nhà thiết kế Minh Hạnh nhận xét “Hà Nội có sự sâu sắc trong cách suy nghĩ nhưng thiếu thông tin chính xác về thời trang. Nhiều bạn trẻ quá vội vã yêu thích phong cách hời hợt qua phim ảnh Trung Quốc và bây giờ là Hàn Quốc với tóc nhuộm hoe hoặc vàng... Còn các bạn trẻ Sài Gòn lao như điên vào cái gọi là mốt thế hệ mới để chứng tỏ là dân chơi... Hai miền có vẻ khác nhau nhưng thực chất rất giống nhau trong việc các bạn trẻ thiếu thận trọng khi tìm hiểu về mốt”.

Do vậy, thách thức khó khăn nhất với nữ trí thức trong việc duy trì, bảo vệ những giá trị văn hoá truyền thống là làm thế nào phát huy được những giá trị văn hoá tốt đẹp, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, phòng ngừa, hạn chế những ảnh hưởng của sự lai căng văn hoá, đấu tranh với những biểu hiện sai lệch trong văn hoá, tư tưởng.

3. Kết luận

Ngày nay, trong thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, khi chúng ta mở cửa để hội nhập với thế giới, thì việc khẳng định “cái tôi”, khẳng định bản sắc riêng của Việt Nam là vấn đề quan trọng. Do vậy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ của toàn xã hội, của toàn dân trong đó có sự đóng góp tích cực của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, nhất là nữ trí thức.

Nữ trí thức Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy tinh hoa của nền văn hoá dân tộc. Cố Tổng bí thư chí Lê Duẩn nhận định rất sâu sắc “Phụ nữ có tính dân tộc hơn ai hết” và “những cái gì đẹp đẽ, tinh anh nhất (của dân tộc) đều nằm trong các bà mẹ”. Cũng có thể nói rằng, nữ trí thức là tầng lớp tinh hoa của phụ nữ Việt Nam, và họ là những hạt nhân nòng cốt trong việc duy trì, sang tạo và phát triển nền văn hoá truyền thống với những giá trị đậm đà bản sắc dân tộc.

Việc chú trọng bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống và làm phong phú hơn các giá trị mới trong là một vấn đề có ý nghĩa lâu dài. Cần “Làm tốt công tác tư tưởng để toàn xã hội hiểu đúng và đề cao vai trò của trí thức; để đội ngũ trí thức nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với đất nước, dân tộc, đoàn kết phấn đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt trọng trách trong thời kỳ mới” và “Phát huy tài năng và trọng dụng những trí thức có phẩm chất tốt, có năng lực quản lý là đảng viên và không phải là đảng viên trong các cơ quan nhà nước và tổ chức sự nghiệp”. Cần quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện để nữ trí thức có những sáng tạo mới trên nền truyền thống để luôn luôn có cái mới gắn với nhịp sống văn hóa của thời đại, từ hiện đại làm vững bền hơn truyền thống, làm cho văn hoá truyền thống thêm sức sống mới, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Tài liệu tham khảo

1. Ban tư tưởng – văn hoá Trung ương: Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, NXB Chính trị quốc gia, 1998

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH TW khoá X về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

3. Lê Duẩn (1960): Phải đứng trên quan điểm giai cấp mà nhận xét vấn đề phụ nữ, NXB Phụ nữ, Hà Nội

4. Lê Thị Nhâm Tuyết (chủ biên, 2005): Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trên thềm thế kỷ XXI; Nxb Th ế giới, Hà nội.

5. Lê Thị Nhâm Tuyết (2001): Đặc thù giới ở Việt Nam và bản sắc văn hoá dân tộc; Kỷ yếu Hội thảo Việt Nam học lần thứ nhất. Nxb Thế giới, Hà nội

6. Lao Động số 82 Ngày 15/04/2009

7. Một số trang Web: Vietnamnet, Tiền Phong, Tuổi trẻ, www.na.gov.vn

 

Một số tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Quỹ phát triển Liên hợp quốc dành cho phụ nữ (UNIFEM), UNESCO phối hợp với Pháp cùng tổ chức một dự án có quy mô toàn cầu và đồ sộ bậc nhất về phụ nữ. Đó là dự án tuyển chọn những hình tượng phụ nữ nổi tiếng nhất của nhân loại từ thời tiền sử đến nay. Chương trình được tiến hành trên 185 quốc gia. Việt Nam đã đưa ra danh sách 23 phụ nữ Việt Nam huyền thoại (xếp theo thứ tự ưu tiên đóng góp của từng người) để gửi lên Hội đồng tuyển chọn quốc tế.

 ThS. Nguyễn Kim Thuý - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   | 360   | 361   | 362   | 363   | 364   | 365   | 366   | 367   | 368   | 369   | 370   | 371   | 372   | 373   | 374   | 375   | 376   | 377   | 378   | 379   | 380   | 381   | 382   | 383   | 384   | 385   | 386   | 387   | 388   | 389   | 390   | 391   | 392   | 393   | 394   | 395   | 396   | 397   | 398   | 399   | 400   | 401   | 402   | 403   | 404   | 405   | 406   | 407   | 408   | 409   | 410   | 411   | 412   | 413   | 414   | 415   | 416   | 417   | 418   | 419   | 420   | 421   | 422   | 423   | 424   | 425   | 426   | 427   | 428   | 429   | 430   | 431   | 432   | 433   | 434   | 435   | 436   | 437   | 438   | 439   | 440   | 441   | 442   | 443   | 444   | 445   | 446   | 447   | 448   | 449   | 450   | 451   | 452   | 453   | 454   | 455   | 456   | 457   | 458   | 459   | 460   | 461   | 462   | 463   | 464   | 465   | 466   | 467   | 468   | 469   | 470   | 471   | 472   | 473   | 474   | 475   | 476   | 477   | 478   | 479   | 480   | 481   | 482   | 483   | 484   | 485   | 486   | 487   | 488   | 489   | 490   | 491   | 492   | 493   | 494   | 495   | 496   | 497   | 498   | 499   | 500   | 501   | 502   | 503   | 504   | 505   | 506   | 507   | 508   | 509   | 510   | 511   | 512   | 513   | 514   | 515   | 516   | 517   | 518   | 519   | 520   | 521   | 522   | 523   | 524   | 525   | 526   | 527   | 528   | 529   | 530   | 531   | 532   | 533   | 534   | 535   | 536   | 537   | 538   | 539   | 540   | 541   | 542   | 543   | 544   | 545   | 546   | 547   | 548   | 549   | 550   | 551   | 552   | 553   | 554   | 555   | 556   | 557   | 558   | 559   | 560   | 561   | 562   | 563   | 564   | 565   | 566   | 567   | 568   | 569   | 570   | 571   | 572   | 573   | 574   | 575   | 576   | 577   | 578   | 579   | 580   | 581   | 582   | 583   | 584   | 585   | 586   | 587   | 588   | 589   | 590   | 591   | 592   | 593   | 594   | 595   | 596   | 597   | 598   | 599   | 600   | 601   | 602   | 603   | 604   | 605   | 606   | 607   | 608   | 609   | 610   | 611   | 612   | 613   | 614   | 615   | 616   | 617   | 618   | 619   | 620   | 621   | 622   | 623   | 624   | 625   | 626   | 627   | 628   | 629   | 630   | 631   | 632   | 633   | 634   | 635   | 636   | 637   | 638   | 639   | 640   | 641   | 642   | 643   | 644   | 645   | 646   | 647   | 648   | 649   | 650   | 651   | 652   | 653   | 654   | 655   | 656   | 657   | 658   | 659   | 660   | 661   | 662   | 663   | 664   | 665   | 666   | 667   | 668   | 669   | 670   | 671   | 672   |