Tới dự có chị gái liệt sĩ Lê Anh Xuân - nhà giáo, đạo diễn, NGUT Ca Lê Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật Sân khấu, Phó Tổng thư kí Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh; GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQGHN.
Phát biểu khai mạc GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng Nhà trường đã xúc động chia sẻ, nhà thơ Lê Anh Xuân đã không nề gian khổ, anh có mặt trên nhiều vùng chiến sự ác liệt, nhưng hằng đêm vẫn thao thức bên những trang thơ. Năm 1968, bài thơ Dáng đứng Việt Nam ra đời đã nhanh chóng lan tỏa, để rồi đi vào kí ức những thế hệ chống Mĩ bấy giờ như một biểu tượng bi tráng của một dân tộc anh hùng cầm súng chống giặc ngoại xâm. Và rồi, thật vô cùng thương tiếc, ngày 24/5/1968, Lê Anh Xuân hi sinh, bài thơ ấy đã trở thành tiếng nói nghệ thuật cuối cùng của một thi sĩ cách mạng.
Tại buổi tọa đàm, thầy trò Trường ĐHKHXH&NV được lắng nghe 6 tham luận của các nhà nghiên cứu, những kỉ niệm, hồi ức về chiến tranh của những người thầy, người bạn đã từng gắn bó trong quá trình giảng dạy, trong cuộc sống đời thường, nơi chiến trường ác liệt với Lê Anh Xuân. Trong không khí hoài niệm đầy trang nghiêm và xúc động đó, thầy trò Trường ĐHKHXH&NV đã chia sẻ, bổ khuyết những thông tin về nhà giáo, nhà thơ trên những phương diện “Cuộc sống lao động, học tập và phẩm chất nhà giáo trẻ Lê Anh Xuân trước lúc lên đường trở về quê hương chiến đấu; Tinh thần chiến đấu, xả thân cống hiến và nhiệt tình sáng tạo của Lê Anh Xuân với tư cách một nhà thơ chiến sĩ; Giá trị tư tưởng và nghệ thuật thơ Lê Anh Xuân trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại. Tại buổi tọa đàm, đạo diễn Ca Lê Hồng cũng đã chia sẻ những kỉ niệm thời thơ ấu của hai chị em cùng những kỷ vật của Lê Anh Xuân mà bà vẫn lưu giữ bấy lâu nay.
|
Nhà thơ Lê Anh Xuân sinh ngày 5/6/1940, tên khai sinh là Ca Lê Hiến, tại Bến Tre, trong một gia đình tri thức yêu nước, là con trai thứ của nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn học Ca Văn Thỉnh. Năm 12 tuổi, Ca Lê Hiến vừa học vừa tập việc trong chiến khu, ở nhà in Trịnh Đình Trọng (thuộc Sở Giáo dục Nam Bộ). Năm 1954, anh tập kết ra Bắc cùng gia đình, học hết phổ thông ở Trường học sinh miền Nam (Hải Phòng) và Trường Nguyễn Trãi (Hà Nội). Năm 1959, được tuyển thẳng vào Khoa Lịch sử Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, Ca Lê Hiến được giữ lại trường làm giảng viên. Cuối năm 1964, Ca lê Hiến “xếp bút nghiên” trở về quê hương chiến đấu tại chiến trường Miền Nam. Ngày 24/5/1968, Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân hi sinh trong chiến dịch Mậu Thân tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, Huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
|
Trong tham luận Thầy giáo Ca Lê Hiến- Lê Anh Xuân và khoa Lịch sử, PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế nhấn mạnh: “Hơn 50 năm qua từ khi Ca Lê Hiến trở thành sinh viên rồi thày giáo khoa lịch sử. Và năm nay khoa Lịch sử cũng tròn 55 tuổi. Mỗi vui buồn của khoa luôn có hình ảnh, tâm linh các liệt sĩ, các thầy cô giáo mọi thế hệ, trong đó có thày Ca Lê Hiến. Cuộc đời sinh viên - thầy giáo - nhà thơ chiến sĩ Lê Anh Xuân là một khối thống nhất, trung thực toàn bích giữa trang sách, luận án cuộc đời. Ca Lê Hiến đã cùng với thế hệ của mình làm nên một dáng đứng Việt Nam, biểu tượng của người tri thức, người thầy giáo không chỉ tạc vào thế kỉ XX- thế kỉ của cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, mà mãi là hình mẫu lí tưởng, lẽ sống của các thế hệ sinh viên - trí thức - nhà giáo Việt Nam dâng hiến tận cùng tình cảm và năng lực cho sự trường tồn, phát triển bền vững của Tổ quốc Việt Nam.
PGS. Nguyễn Văn Hồng có lời bình, Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân là một nhà thơ mà như cách nói của Hoài Thanh, chính vốn kiến thức khoa học lịch sử đã cho thơ anh không chỉ nhìn thấy chiều dọc, chiều ngang của sự vật mà còn nhìn thấy cả chiều sâu của lịch sử. PGS tâm sự: Lần theo những trang nhật kí của Lê Anh Xuân, tôi cảm nhận được một tâm hồn trong sáng của người thanh niên chói ngời lí tưởng, thế hệ một thời chiến tranh chống Mĩ giải phóng thống nhất đất nước: “Phải sống sao cho xứng đáng với bao tấm lòng của người còn sống”, “Trong bom đạn con có thể hi sinh nhưng ba má tin ở con, chẳng may con có bị địch bắt, nếu chẳng may con có bị hi sinh, con sẽ chết như một người chiến sĩ, một người cộng sản”.
Nhà văn, nhà giáo Từ Sơn đã xúc động kể về người bạn đã chia sẻ cùng ông mất mát lớn lao trong cuộc đời đó là khi ông nghe tin mẹ mất, và kỉ niệm về bút danh Lê Anh Xuân,…
Khép lại buổi tọa đàm, lãnh đạo Trường ĐH KHXH & NV đã đề xuất ý tưởng xuất bản nhật ký của nhà thơ Lê Anh Xuân. Đây là dịp để làm dày thêm niềm tự hào của thầy trò về truyền thống vẻ vang Trường ĐHKHXH&NV.
Dáng đứng Việt Nam
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt thấy Anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi, nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công
Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức tường đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân./.
|