Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Trường ĐHKHXH&NV - Anh hùng trong lao động và sáng tạo
Ngày 26/8/2005, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 955/2005/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho 9 tập thể và cá nhân, trong đó có Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN. Đây là những tập thể đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 1995 đến năm 2004, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

Tin vui làm xốn xang bao thế hệ thầy và trò Nhà trường. Phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng cho Nhà trường càng mang nhiều ý nghĩa hơn trong thời điểm Nhà trường đang tích cực chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường Đại học Văn khoa - tiền thân của Trường ĐHKHXH&NV.

Ngày 10/10/1945, chỉ một tháng tám ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 45/SL thành lập Ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội với mục đích “đào tạo giáo sư bậc trung học” và nâng cao nền khoa học nhân văn Việt Nam “cho xứng với một nước độc lập và theo kịp bước các nước tiên tiến trên hoàn cầu”. Ngày 15/11/1945, Đại học Văn khoa cùng các trường ĐH Y - Dược - Nha khoa, Cao đẳng Công chính và một số trường cao đẳng khác thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam đã khai giảng năm học đầu tiên dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa tại Lê Thánh Tông. Chủ tịch Hồ chí Minh đã đến chủ tọa lễ khai giảng.

Kế thừa và phát huy truyền thống của Trường Đại học Văn khoa - một trung tâm đào tạo đại học đầu tiên và lớn nhất trong cả nước có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản trình độ cao phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tinh thần tự lực tự cường cao độ, các thế hệ cán bộ và sinh viên trong Nhà trường đã chủ động sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt trọng 10 năm gần đây, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Trường ĐHKHXH&NV đã có những cố gắng vượt bậc về mọi mặt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Là một thành viên của ĐHQGHN, Trường ĐHKHXH&NV là cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao về ngành khoa học xã hội - nhân văn của cả nước nhằm cung cấp đội ngũ cán bộ có trình độ đại học và trên đại học đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công tác tại các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Hiện nay, Trường ĐHKHXH&NV có 466 cán bộ, trong đó có 348 giảng viên gồm 152 giảng viên chính. Đội ngũ giảng viên của Trường bao gồm những người có trình độ cao và nhiều người được nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và nhà giáo ưu tú. Hiện Nhà trường có 10 giảng viên cao cấp, 10 giáo sư, 36 phó giáo sư, 3 tiến sĩ khoa học, 118 tiến sĩ, 137 thạc sĩ, 152 giảng viên chính, 4 nhà giáo nhân dân và 10 nhà giáo ưu tú. Với một lực lượng cán bộ đông đảo và trình độ cao, trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, đặc biệt là những chính sách về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, Nhà trường luôn bám sát mục tiêu đào tạo chất lượng cao về khoa học xã hội - nhân văn phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhà trường đã mở rộng quy mô đào tạo, mở thêm nhiều ngành mới, vừa coi trọng đào tạo cơ bản, vừa đào tạo những ngành nghề xã hội có nhu cầu.

60 năm qua, cùng với sự biến thiên của thời cuộc, cơ cấu ngành nghề đào tạo của Trường đã có những thay đổi lớn. Từ bốn ban: Triết học, Việt học, Hán học, Sử - Địa rồi hai khoa: Ngữ văn và Lịch sử của các đơn vị tiền thân, đến nay, Trường ĐHKHXH&NV đang đào tạo 16 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 25 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ của 16 ngành đào tạo đại học. Trường hiện có 13 khoa đào tạo, 2 bộ môn trực thuộc, 7 trung tâm nghiên cứu, 8 phòng/ban và 1 bảo tàng.

Trong 50 năm qua, kể từ thời Trường ĐH Tổng hợp đến nay, Nhà trường đã đào tạo cho đất nước tổng số hơn 36.000 cử nhân các hệ trong đó có 245 cử nhân người nước ngoài; 1.013 thạc sĩ trong đó có 14 thạc sĩ là người nước ngoài; 375 tiến sĩ trong đó có 8 tiến sĩ là người nước ngoài. Số cán bộ này đã và đang làm việc trên nhiều lĩnh vực, ở mọi miền Tổ quốc, nhiều người giữ trọng trách cao trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ở Trung ương và địa phương, ở các trường đại học và viện nghiên cứu. Chỉ tính trong vòng 30 năm qua, Nhà trường đã đào tạo tiếng Việt cho hơn 5.000 sinh viên nước ngoài trong đó có 8 đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Hà Nội; 6 người là phó thủ tướng, bộ trưởng và 110 cán bộ cao cấp trong Chính phủ Lào và campuchia. cử 200 lượt giáo viên sang làm tình nguyện dạy tiếng Việt cho các trường đại học của nước bạn Campuchia.

Hiện nay, bên cạnh công tác đào tạo hệ cử nhân khoa học, Nhà trường còn được ĐHQGHN giao nhiệm vụ đào tạo hệ cử nhân sư phạm, đặc biệt là cử nhân chất lượng cao về các ngành: Văn học, Ngôn ngữ học, Lịch sử, Triết học và Khoa học quản lý.

Góp phần thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo và mở rộng quy mô đào tạo, Nhà trường đã da dạng hoá loại hình đào tạo và triển khai đào tạo một số ngành học mới đáp ứng nhu cầu của xã hội: Báo chí, Du lịch học, Đông phương học, Quốc tế học, Tâm lý học, Xã hội học, Khoa học quản lý, Khoa học Chính trị,… đồng thời, đặc biệt chú trọng đến công tác biên soạn bài giảng và giáo trình. Nhà trường đã hoàn thành việc biên soạn và xuất bản mới 305 giáo trình, sách chuyên luận hệ đại học và sau đại học. Hiện tại, gần 100 giáo trình những môn học mới đang trong giai đoạn nghiệm thu để chuẩn bị xuất bản. Nhà trường đang tích cực đổi mới phương pháp đào tạo, chú trọng sử dụng các phương tiện hiện đại để giảng dạy và quản lý.

Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, Nhà trường đã khẳng định vị thế và vai trò của mình ở trong nước và quốc tế. Trong 10 năm trở lại đây, cán bộ của Trường đã chủ trì nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước, 346 đề tài cấp ĐHQGHN, 271 đề tài cấp trường và xuất bản hàng ngàn cuốn sách, chuyên luận và báo cáo khoa học. Thời gian qua, Nhà trường đã tích cực tổ chức 18 hội thảo khoa học quốc tế và 23 hội thảo khoa học liên trường gây tiếng vang trong giới khoa học trong và ngoài nước. Trong đó, hội thảo quốc tế “Điện Biên Phủ - 50 năm nhìn lại” được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao. Hội thảo này đã góp phần khẳng định vai trò chủ thể tạo chiến thắng vĩ đại của nhân dân ta trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị trong Trường còn tích cực tham gia hợp tác và giúp đỡ các tỉnh xây dựng bộ địa chí, lịch sử địa phương: Địa chí Nam Định, Lạng Sơn, quảng Ninh, Bình Định, Hải Phòng và nhiều huyện, xã trong cả nước. Các nhà khoa học của Trường cũng đã phối hợp với nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước thực hiện gần 100 cuộc khai quật khảo cổ và tham gia 20 dự án điều tra, khảo sát khảo cổ học ở các tỉnh, nhất là miền Trung góp phần làm rõ thêm nội dung các nền văn hoá khu vực của nước nhà và làm phong phú bản đồ khảo cổ học trên phạm vi toàn quốc. Các nhà khoa học của Trường cũng đã tổ chức hàng chục cuộc điền dã dân tộc học từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến Tây Nguyên...

Công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng được Nhà trường rất đặc biệt coi trọng và gắn chặt với công tác đào tạo, tạo nên một một không khí thi đua sôi nổi trong sinh viên, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Hội nghị khoa học sinh viên được Nhà trường tổ chức định kỳ hàng năm. Mỗi năm, có hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên được công bố. Cho đến nay, đã có khoảng 50 sinh viên của Trường được nhận các giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục & Đào tạo và của ĐHQGHN.

Cùng với những nỗ lực tạo nên những thành quả đáng khích lệ trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, hoạt động hợp tác quốc tế cũng được Nhà trường quan tâm sâu sắc. Cho đến nay, Trường đã ký kết văn bản hợp tác với 49 trường đại học, các tổ chức quốc tế và các viện nghiên cứu của nhiều nước trên thế giới. Nhà trường đã tổ chức liên kết đào tạo bậc cử nhân với một số trường đại học của Mỹ, Trung Quốc. Đã có 300 đoàn với trên 1.000 lượt các học giả và sinh viên của các trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới đến trao đổi khoa học và giảng dạy tại trường. Thông qua những hoạt động quan hệ quốc tế, Nhà trường đã từng bước quốc tế hoá trình độ đào tạo của mình, đồng thời góp phần quảng bá cho các bạn bè quốc tế hiểu rõ thêm về đất nước và con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trường ĐHKHXH&NV còn đặc biệt chú trọng việc hợp tác với các đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cả nước. Sự hợp tác giữa Nhà trường với các đơn vị khác đã tạo cơ hội để các nhà khoa học của Trường cũng như của các cơ quan, tổ chức phát huy tối đa tri thức và khả năng sáng tạo để cùng triển khai các công trình nghiên cứu, đề tài khoa học và cùng triển khai các nội dung đào tạo, phục vụ cho đất nước.

Nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bồi dưỡng nhận thức chính trị cho cán bộ thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và các lớp đào tạo ngắn hạn. Trong thập kỷ vừa qua, Nhà trường đã có 13 cán bộ được công nhận chức danh giáo sư và 40 cán bộ được công nhận chức danh phó giáo sư, 10 giảng viên được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, 32 giảng viên được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, 64 cán bộ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và 120 cán bộ bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Đã có hơn 600 lượt cán bộ và sinh viên được Nhà trường cử đi học tập, nghiên cứu và giảng dạy ở nước ngoài.

Các mặt hoạt động khác của Nhà trường thời gian qua cũng đã đạt được những thành tích đáng tự hào. Đảng bộ Nhà trường 10 liền được công nhận danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Công tác phát triển Đảng luôn được coi trọng và đã có những kết quả đáng ghi nhận. Thời gian qua, Nhà trường đã kết nạp được 142 đảng viên mới trong đó có 61 sinh viên. Công đoàn Nhà trường đạt danh hiệu Công đoàn xuất sắc 10 năm liền. Đoàn Thanh niên CS HCM và Hội Sinh viên Nhà trường luôn đi đầu trong phong trào Đoàn TN - Hội SV của ĐHQGHN cũng như của Thành phố Hà Nội và đã nhận được nhiều Bằng khen của Trung ương Đoàn, Thành Đoàn Hà Nội và Đoàn TN ĐHQGHN. Hội Cựu chiến binh của Trường tuy mới được thành lập song cũng đã tạo nên những dấu ấn riêng trong phong trào hoạt động. Vừa qua, Hội cũng đã vinh dự được nhận Bằng khen của Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội.

Trong thập kỷ qua, dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ II (tháng 12/1996) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước, Đảng uỷ, Ban giám hiệu Trường ĐHKHXH&NV đã tích cực, chủ động, sáng tạo, nhanh chóng chỉ đạo xây dựng và thực hiện 5 chương trình hành động xây dựng Nhà trường từ năm 1997 đến 2003. Qua 6 năm thực hiện chương trình hành động, Nhà trường đã có những bước phát triển mới về mọi mặt: cơ cấu tổ chức, quy hoạch cán bộ, về tổ chức quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, về xây dựng cơ sở vật chấ, lề lối làm việc và về hợp tác quốc tế.

Để chủ động và tích cực hơn trong việc tìm kiếm những giải pháp đưa Nhà trường tiếp tục phát triển theo chiều sâu trong giai đoạn mới với những yêu cầu cao hơn về chất lượng đào tạo theo hướng xây dựng đại học nghiên cứu, với sự đóng góp trí lực của toàn thể cán bộ và sinh viên trong trường, năm học 2002 - 2003, Trường ĐHKHXH&NV đã tiếp tục xây dựng 6 chương trình hướng tới mục tiêu chuẩn hoá, hiện đại hoá các hoạt động của Nhà trường giai đoạn 2003 - 2010, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Nhà trường. Phương châm chỉ đạo thực hiện 6 chương trình là khẩn trương đưa mọi hoạt động của Nhà trường từng bước đạt trình độ chuẩn của những trường đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Với những thành tích đáng khích lệ ở trên, trong thời gian qua, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN đã vinh dự được nhận nhiều huân chương và bằng khen của Đảng, Nhà nước, ĐHQGHN, các bộ, ban, ngành, các địa phương và các tổ chức trong và ngoài nước,… Đại học Tổng hợp Hà Nội - tiền thân của Trường ĐHKHXH&NV đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba năm 1961, 1981; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1977; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1986.

Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó, kể từ khi được tổ chức lại năm 1995, Trường ĐHKHXH&NV cũng đã lập thêm nhiều thành tích. Ghi nhận những đóng góp của tập thể thầy và trò Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN trong thập kỷ vừa qua, Đảng và Nhà nước đã tặng nhiều phần thưởng cao quý cho Nhà trường, gắn thêm vào bảng vàng truyền thống của trường nhiều Huân chương và danh hiệu cao quý. Năm 2000, Nhà trường vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất; năm 2001, vinh dự được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Năm 2005, Nhà trường vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Các danh hiệu cao quý của Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN được phong tặng khẳng định những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên của Nhà trường đã nỗ lực vượt qua mọi gian khổ, khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Chúng ta tin tưởng rằng, các thế hệ thầy và trò của Nhà trường sẽ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng đó, phấn đấu trở thành một cơ sở đào tạo đại học và sau đại học mạnh của cả nước, một trung tâm khoa học đa ngành có uy tín trong trường quốc tế và khu vực, xứng đáng là đơn vị anh hùng trong lao động và sáng tạo,…

 Trần Hồng Vũ - Ảnh: Bùi Tuấn
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :