Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Hữu Đức - Phó giám đốc ĐHQGHN và đại diện Văn phòng ĐHQGHN, Văn phòng Chương trình Tây Bắc và các Ban chức năng của ĐHQGHN.
Tại buổi làm việc, đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Chủ nhiệm Chương trình đã giới thiệu với GS. Nguyễn Văn Hiệu về Chương trình Tây Bắc, một chương trình khoa học và công nghệ, khác với chương trình mục tiêu hay chương trình điều tra cơ bản, Chương trình Tây Bắc sẽ tập trung vào các nhóm nội dung lớn nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản và nóng bỏng nhất đang đặt ra trong thực tiễn, nhằm giải phóng các tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, phát huy cao độ các nguồn lực, tạo nên xung lực mạnh mẽ trong quá trình phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Đây là chương trình KH&CN có tính liên ngành, liên lĩnh vực, tính hướng đích và ứng dụng cao do vậy Chương trình rất cần sự quan tâm, góp sức của các nhà khoa học trong cả nước, Hiện tại, Chương trình đã tiếp nhận được hàng trăm đề xuất nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc mọi lĩnh vực từ khoa học tự nhiên, công nghệ đến khoa học xã hội, giáo dục.
Trên cương vị Chủ nhiệm Chương trình, đ/c Phùng Xuân Nhạ mong muốn được tiếp tục tiếp nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học đặc biệt là các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch và phát triển vĩ mô như GS.VS Nguyễn Văn Hiệu cho Ban chủ nhiệm Chương trình để Chương trình thực hiện hiệu quả, đúng mục tiêu đề ra và trúng với thực tiễn của Tây Bắc.
Phát biểu tại buổi làm việc, GS. Nguyễn Văn Hiệu chúc mừng ĐHQGHN đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng giao chủ trì và phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc triển khai Chương trình KHCN trọng điểm này. Giáo sư cũng hết sức đồng tình với những đề xuất và quan điểm tiếp cận về việc quản lý khoa học của Chủ nhiệm Chương trình.
Giáo sư đã trình bày một số kinh nghiệm về quản lý, triển khai các đề tài khoa học trong thời kỳ Giáo sư là Chủ nhiệm Chương trình Đồng bằng sông Cửu Long - một chương trình phát triển kinh tế lớn của Đảng và Nhà nước cách đây 30 năm (1983), chương trình Đồng bằng sông Cửu Long đã được triển khai cùng với sự tham gia tích cực của các nhà khoa học đã mang lại nguồn lợi vô cùng lớn cho đồng bào trong khu vực. Chương trình đã làm thay đổi một cách toàn diện và hiệu quả, biến một vùng đồng bằng rộng lớn hoang hóa thành một khu vực cư dân trù phú sống dựa vào nguồn lợi của chính khu vực.
Giáo sư đặc biệt nhấn mạnh vai trò của cơ quan quản lý, trong đó Chủ nhiệm Chương trình phải là Nhà thiết kế, Tổng công trình sư với cái nhìn bao quát, thực hiện công việc có trọng điểm, trọng tâm, các nhiệm vụ khoa học phải cụ thể, có tính ứng dụng cao, tạo ra các “máy cái”, những “điểm nhấn” làm tiền đề, tạo đà cho các chương trình, kế hoạch phát triển tiếp theo.
Dựa trên các thông tin về Chương trình Tây Bắc do ĐHQGHN là cơ quan chủ trì cung cấp, Giáo sư mong muốn mang những kiến thức tích lũy được trước đây trong thực tiễn hoạt động nghiên cứu và chỉ đạo trên cương vị quản lý của mình tình nguyện tham gia chương trình. Giáo sư cũng đề xuất với Chủ nhiệm Chương trình một số nhiệm vụ mang tính chiến lược nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho Chương trình.
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu bày tỏ sự tin tưởng sâu sắc về thành công của Chương trình vì ĐHQGHN là một trung tâm đào tạo đại học và nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của cả nước sẽ giải được các bài toán khó có tính liên ngành như Chương trình Tây Bắc.
|