Tham dự hội nghị có GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó giám đốc ĐHQGHN, đại diện lãnh đạo Ban Khoa học Công nghệ, Ban Đào tạo, Ban Kế hoạch - Tài chính ĐHQGHN cùng đông đảo lãnh đạo, cán bộ, công chức Khoa Kinh tế.
Hội nghị đã nghe PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Phó chủ nhiệm Khoa Kinh tế trình bày báo cáo tổng kết hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2001-2005 và bản phương hướng hoạt động giai đoạn 2006-2010.
Trong giai đoạn 2001-2005, hoạt động khoa học công nghệ của Khoa Kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực: số lượng các đề tài NCKH tăng nhanh; hoạt động KHCN đa dạng, phong phú cả về nội dung và hình thức. Tính đến nay, Khoa đã và đang thực hiện 75 đề tài NCKH, trong đó có: 1 đề tài trọng điểm, 1 đề tài nghiên cứu cơ bản, 3 đề tài đặc biệt, 29 đề tài cấp ĐHQG (do Khoa quản lý) và 23 đề tài cấp Khoa. Giai đoạn 2001-2005, Khoa Kinh tế đã nghiệm thu được 26 đề tài NCKH, trong đó có 2 đề tài đặc biệt cấp ĐHQG, 1 đề tài nghiên cứu cơ bản, 11 đề tài cấp ĐHQGHN do Khoa quản lý và 12 đề tài cấp Khoa. Kinh phí dành cho KHCN tăng từ 160 triệu đồng năm 2001 lên 360 triệu đồng năm 2005. Tính từ năm 2001 đến năm 2005, kinh phí dành cho KHCN của Khoa là 1.090 triệu đồng. Phong trào NCKH của sinh viên trong Khoa phát triển mạnh. Trong 5 năm qua, theo thống kê chưa đầy đủ, cán bộ giảng viên của Khoa đã có 120 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành; sinh viên các lớp, các khoá của Khoa Kinh tế đã tham gia thực hiện 460 đề tài NCKH, đạt 2 giải nhì, 2 giải ba, 1 giải khuyến khích NCKH cấp ĐHQGHN và 1 giải ba VIFOTEC. Khoa đã xuất bản được 15 giáo trình và tài liệu tham khảo, 4 sách chuyên khảo, 2 kỷ yếu NCKH sinh viên, 1 kỷ yếu hội thảo khoa học, 1 danh mục các công trình NCKH của cán bộ. Công tác quản lý hoạt động KHCN đã dần đi vào nề nếp và có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, hoạt động khoa học công nghệ của Khoa Kinh tế vẫn còn một số tồn tại như: chất lượng một số công trình NCKH chưa cao, các đề tài nghiên cứu còn tản mạn, thiếu tính hệ thống; sự gắn kết giữa NCKH với đào tạo sau đại học, giáo viên với sinh viên, giữa giáo viên của các bộ môn trong Khoa và giữa Khoa với các tổ chức bên ngoài còn hạn chế; công tác kiểm tra, đánh giá thực hiện đề tài chưa nghiêm, thiếu đồng bộ…
Các đại biểu đã thảo luận và đóng góp ý kiến cho bản dự thảo phương hướng hoạt động giai đoạn 2006-2010 của Khoa. Các ý kiến tập chung vào những nội dung chính như: Nâng cao chất lượng các công trình NCKH của Khoa; Gắn kết công tác đào tạo, NCKH của Khoa với các doanh nghiệp; Liên kết NCKH giữa Khoa với các tổ chức (viện nghiên cứu, cơ quan, đơn vị…) ngoài Khoa; Gắn kết NCKH của giáo viên với NCKH của sinh viên; Đổi mới công tác quản lý nhằm đẩy mạnh hoạt động NCKH của Khoa Kinh tế…
GS. Vũ Minh Giang đã phát biểu đánh giá hoạt động khoa học công nghệ của Khoa Kinh tế trong thời gian qua và gợi ý các biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ Khoa phát triển nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra cho giai đoạn 2006-2010.
Để khắc phục những vấn đề còn tồn tại trên và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Ban chủ nhiệm Khoa Kinh tế đã phân tích rõ các nguyên nhân và đề ra mục tiêu chủ yếu của giai đoạn 2006-2010 như sau:
- Nâng cao chất lượng giảng dạy cho giáo viên cũng như khả năng nhận thức và nghiên cứu của sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, nhằm góp phần đưa Khoa trở thành một trung tâm đào tạo đại học và sau đại học về kinh tế hàng đầu của cả nước, tiến tới đạt chuẩn khu vực và thế giới.
- Nâng cao năng lực nghiên cứu của giáo viên trong Khoa để thực hiện các đề tài nghiên cứu nhằm có được những đóng góp tích cực về tư vấn chính sách cho các doanh nghiệp, Chính phủ, giải quyết những vấn đề mà thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đất nước đặt ra.
- Xây dựng và củng cố mạng lưới NCKH của Khoa với các viện, các trường đại học trong và ngoài nước nhằm tạo dựng uy tín và hình ảnh của Khoa đối với các tổ chức, cơ quan trong nước và quốc tế.
|