GS. Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN đang giới thiệu Phòng Truyền thống với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 12/2013
Thưa Giáo sư, ý tưởng xây dựng Phòng Truyền thống được xuất phát từ đâu?
Bất cứ một đơn vị nào có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài cũng lựa chọn một hình thức nào đó để ghi lại những chặng đường phát triển đã qua như là một chỉnh thể đóng góp vào sự phát triển chung. Truyền thống cũng như những giá trị trong quá khứ chính là một trong những nguồn lực để vững bước vượt qua những khó khăn hướng tới những đỉnh cao hơn trong tương lai. Vì vậy, đây không phải là một việc làm nhất thời mà là ý tưởng của lãnh đạo ĐHQGHN nhiều thời kì mong muốn xây dựng một bảo tàng về ĐHQGHN. ĐHQGHN là một đại học hiện đại có lịch sử lâu đời nhất của Việt Nam và là một trong những đại học theo mô hình mới sớm nhất của châu Á được hình thành từ đầu thế kỉ XX. Cho nên, việc xây dựng bảo tàng để lưu giữ, trưng bày tư liệu, hiện vật liên quan đến sự phát triển của ĐHQGHN giúp cán bộ, học viên, sinh viên nhiều thế hệ hiểu được lịch sử hình thành và phát triển của ĐHQGHN, tự hào về truyền thống vẻ vang của mình, đồng thời bạn bè trong nước và quốc tế hiểu biết đầy đủ, chính xác về bề dày lịch sử cũng như thành tựu đạt được của ĐHQGHN, lịch sử phát triển của giáo dục đại học Việt Nam và có ý nghĩa cho cả ngành giáo dục đại học. Với ý nghĩa đó, trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN, Phòng Truyền thống đã được xây dựng và là nền tảng để từng bước xây dựng bảo tàng ĐHQGHN.
Phòng Truyền thống được sắp xếp theo bố cục, nội dung như thế nào thưa Giáo sư?
Hiện nay, Phòng Truyền thống có diện tích rất nhỏ hẹp, không thể trưng bày được nhiều. Do đó, một trong những yêu cầu đặt ra rất cao đó là những gì được trưng bày đều phải rất tiêu biểu. Phòng Truyền thống được trình bày theo 5 chủ đề. Các chủ đề thể hiện được tính logic chặt chẽ về bố cục, tính độc lập tương đối về nội dung và đảm bảo lột tả được phong cách riêng, đặc trưng qua từng chủ đề; đảm bảo giới thiệu được cho khách có thể xem hết các chủ đề hoặc xem một chủ đề nhưng vẫn có thể hiểu được về ĐHQGHN tùy theo điều kiện thời gian cho phép: Thứ nhất, Quátrình hình thành và phát triển. Với chủ đề này chúng tôi trình bày hình ảnh xúc tích, ngắn gọn, cô đọng. Bắt đầu từ ý tưởng truyền thống hiếu học, trọng học của dân tộc Việt Nam cho đến sự xuất hiện của ĐH Đông Dương, ĐH Quốc gia Việt Nam, rồi trải qua thời kì các trường đại học thành viên cho đến ngày hôm nay là ĐHQGHN. Thứ hai, Những đặc trưng cơ bản của ĐHQGHN. Bằng những minh chứng cụ thể người xem hiểu được ĐHQGHN khác với các trường đại học thông thường, hiểu được vai trò, sứ mệnh của ĐHQGHN là như thế nào? Thứ ba, Những thành tựu nổi bật về phương diện đào tạo, NCKH, hoàn thiện cơ cấu và phát triển đội ngũ,... Thứ tư, Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ghi lại những hình ảnh, hiện vật, liên quan tới sự thăm viếng, làm việc của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Thứ năm, Vị thế quốc tế của ĐHQGHN hướng tới tương lai, trình bày những hình ảnh và gợi ra những sự phát triển cho tương lai của ĐHQGHN.
Nét đặc sắc của mỗi chủ đề này là gì?
Mỗi chủ đề đều có điểm nhấn, nhưng với nhưng với chủ đề thứ nhất để đáp ứng mục tiêu giới thiệu khái quát về lịch sử ĐHQGHN, trước hết khái lược về truyền thống hiếu học, trọng học của dân tộc Việt Nam bằng 3 hình ảnh đặc sắc: Hình ảnh Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Trích bia năm Đại Bảo (Hiền tài là nguyên khí quốc gia…), Hình ảnh một lớp học làng quê. Tiếp đó là hình ảnh về sự ra đời của Đại học Đông Dương – tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội chính là điểm nhấn của phần khái quát về lược sử ĐHQGHN. Sắc lệnh của Toàn quyền Đông Dương về thành lập UI 1906, hình ảnh toà nhà 19 Lê Thánh Tông. Hình ảnh một vài nhân vật tiêu biểu: Võ Nguyên Giáp, Tôn Thất Tùng, Trường Chinh, Alexandre Émile Jean Yersin, Victor Tardieu… Đây là những người nổi tiếng đã từng dạy và học ở Đại học Đông Dương.
Ở giai đoạn đầu cách mạng khi đất nước còn trong giai đoạn khó khăn thù trong giặc ngoài, nhưng chỉ sau Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị khai giảng lại ĐH Đông Dương đổi tên là Trường ĐH Quốc gia Việt Nam. Bác Hồ cũng đã dự buổi khai giảng đầu tiên. Đây là nét nhấn, vị thế vai trò của ĐHQGHN. Trong thời chiến tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đến thăm Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Nhiều sinh viên sau này đã trở thành những nhân vật lỗi lạc về phương diện chính trị, những nhà khoa học xuất sắc và những người nổi tiếng chẳng hạn như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - sinh viên Văn khoa, Uỷ viên Bộ chính trị, Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị - sinh viên khoa Lịch sử, những anh hùng nổi tiếng như Lê Anh Xuân, hay Nguyễn Văn Thạc - nhân vật gắn với cuốn nhật kí Mãi mãi tuổi 20.
Rải trên tất các cấp từ PTTH Chuyên đến ĐH, NCS sau này ĐHQGHN cũng là một đơn vị đào tạo chất lượng cao, trình độ cao. Trong số học sinh chuyên sau này có những người trưởng thành như GS. Ngô Bảo Châu, người đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 2 của châu Á nhận được giải thưởng Fields. Về phương diện KH có 19 công trình được giải thưởng Hồ Chí Minh, 18 công trình giải thưởng cấp Nhà nước. Ngoài ra còn các giải thưởng dành cho cá nhân, tập thể nhà khoa học có uy tín quốc tế như giải thưởng Fukuoka cho GS. Phan Huy Lê, Hành tinh xanh cho GS. Võ quý, giải thưởng Cosmos cho GS. Phan Nguyên Hồng.
Về vị thế quốc tế, ĐHQGHN hợp tác với 200 đại học uy tín trên thế giới, nhiều kí kết của ĐHQGHN được chính phủ quan tâm như, ĐHQGHN đã kí kết với ĐH Lomonoxop dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Medvedev, kí kết với Ấn Độ dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Ấn Độ.
Đặc biệt ĐHQGHN là địa chỉ đến của rất nhiều nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Mĩ Bill Clinton, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường,... và nhiều nguyên thủ quốc gia khác. Bằng TS danh dự của ĐHQGHN đã trao nhiều cho các nhà khoa học được giải thưởng Nobel,... Ngoài ra ĐHQGHN còn là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như AUN, là đại diện duy nhất của Giáo dục Việt Nam tham gia các hiệp hội này và cũng có những đóng góp xứng đáng.
Giáo sư đánh giá như thế nào về chất lượng và số lượng hiện vật được sưu tầm, chúng đã phản ánh hết bề dày truyền thống và giá trị lịch sử của ĐHQGHN?
Số lượng hình ảnh, hiện vật không nhiều nhưng rất “tinh”. Phòng Truyền thống đến nay có khoảng 300 đầu hiện vật. Chẳng hạn như chỉ với 3 hình ảnh - văn miếu, tháp bút và lớp học làng quê cũng đã toát lên được tinh thần, truyền thống hiếu học trọng học của dân tộc Việt Nam trải qua hàng 1000 năm lịch sử,... Còn về chất lượng thì tôi nghĩ rằng sự phản hồi của người xem là thước đo đánh giá đúng nhất. Cho đến nay tôi chưa nhận được ý kiến nào khác, từ những người thăm đầu tiên là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam,... đều có ấn tượng tốt đẹp và đánh giá rất cao Phòng Truyền thống.
Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình xây dựng Phòng Truyền thống?
Trong quá trình xây dựng Phòng Truyền thống chúng tôi cũng đã nhận được sự quan tâm, tin tưởng giao phó của Giám đốc ĐHQGHN; nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của tất cả các đơn vị, các nhà khoa học. Với lòng nhiệt tình của cán bộ ĐHQGHN, đặc biệt là Phòng Thông tin và Quản trị thương hiệu và của các cơ quan ngoài như Công ty Mĩ thuật Trung ương đã ngày đêm cố gắng hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất. Có lẽ vì tinh thần trách nhiệm cao đó mà chúng tôi đã vượt qua được nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, trước hết đây là ý tưởng lớn được triển khai trong thời gian hạn hẹp, trong không gian hạn chế về diện tích, trong nguồn kinh phí không dồi dào mà cán bộ rất bận rộn vì còn thực hiện nhiều nhiệm vụ kỉ niệm 20 năm ngày Chính phủ kí Nghị định về ĐHQGHN. Thứ hai, trình bày nội dung đòi hỏi phải cân nhắc vì lịch sử thì dài mà quá trình tích luỹ về tư liệu không có cho nên phải xây dựng từ đầu. Tư liệu khai thác từ đâu đó là một khó khăn và thách thức lớn. Làm thế nào để có được những bức ảnh của Tổng Bí thư khi còn là sinh viên năm thứ 2 của Đại học Văn Khoa, hay bức ảnh Uỷ viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị quàng khăn rằn ri chuẩn bị ra trận. Để hoàn thành những việc đó là hết sức vất vả. Thứ ba, làm thế nào để từ khâu xây dựng đề cương đến trưng bày ý tưởng phải thật khoa học thuyết phục được người xem. Với kết quả đạt được, đến nay có thể khẳng định bước đầu thành công.
Trong tương lai, ĐHQGHN sẽ tiếp tục phát triển nhà truyền thống như thế nào?
Trong tương lai, ĐHQGHN chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển Phòng Truyền thống trở thành một bảo tàng đại học Việt Nam xứng tầm với tầm vóc và vị thế của ĐHQGHN. Nơi đây sẽ là nơi lưu giữ những tư liệu, hình ảnh liên quan đến sự phát triển của nền giáo dục đại học nước nhà. Các thế hệ cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên ĐHQGHN cũng như các bạn bè quốc tế năm châu nhìn vào đó hiểu được bức tranh của đại học Việt Nam thông qua một đại học hàng đầu đất nước từ khi hình thành đến nay đã có lịch sử hơn 100 năm.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
|