PGS.TS Lê Quân
|
Trao đổi với Bản tin ĐHQGHN, PGS.TS Lê Quân, Trưởng ban TCCB nhấn mạnh:
Luật Giáo dục đại học đã khẳng định vai trò và địa vị pháp lý cao của ĐHQG trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Luật Giáo dục đại học quy định ĐHQGHN là đại học định hướng nghiên cứu, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển. ĐHQG có quyền tự chủ đại học cao phù hợp với thông lệ quốc tế, ĐHQG được tự chủ về tổ chức bộ máy, về biên chế, có cơ chế tài chính đặc thù và tự chủ trong ban hành chiến lược và kế hoạch phát triển.
Sau 20 năm hoạt động, ĐHQGHN cơ bản đã xây dựng được mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực hiện đại. Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống về khoa học cơ bản và ngoại ngữ, các lĩnh vực khoa học mới như công nghệ, kinh tế, luật, giáo dục, y dược đã được phát huy. một số đơn vị trực thuộc có chức năng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức đã được thành lập, góp phần từng bước hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, theo định hướng đại học nghiên cứu. Và mới đây, ngày 21/7/2014, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 1186/QĐ-TTg về việc thành lập Trường đại học Việt - Nhật thuộc ĐHQGHN. đây là mô hình đại học dựa trên nền tảng khoa học cơ bản và công nghệ cao, liên thông, liên kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục đại học của ĐHQGHN và đối tác là các trường đại học Nhật Bản.
Theo ông, Đề án sắp xếp, điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức của ĐHQGHN thời gian qua nhằm những mục tiêu gì?
đề án nhằm thực hiện quy hoạch về cơ cấu tổ chức của ĐHQGHN theo định hướng đại học nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực đến năm 2015, tầm nhìn 2020. Qua đó củng cố và phát triển ĐHQGHN thành một thực thể hữu cơ có quy mô hợp lý, đảm bảo liên thông, liên kết, hợp tác toàn diện, phát huy và tăng cường thế mạnh của các đơn vị thành viên và đơn vị trực thuộc; gia tăng giá trị và yếu tố cạnh tranh của ĐHQGHN.
Đề án hướng đến 5 mục tiêu cụ thể bao gồm: 1, Tập trung các nguồn lực phát triển các đơn vị thành viên đủ sức cạnh tranh với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới. 2, đảm bảo các điều kiện để các đơn vị trực thuộc thu hút được các nguồn lực, phát triển nhanh và mạnh, góp phần gia tăng được trọng số các hoạt động nghiên cứu và dịch vụ của ĐHQGHN. 3, Giảm thiểu, từng bước xóa bỏ sự chồng chéo, trùng lặp về chức năng và nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động của các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN. 4, Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển cho các đơn vị sau tái cơ cấu theo hướng đầu tư có trọng điểm và chú trọng phát triển bền vững. 5, Xác định mô hình hợp tác giữa đơn vị trực thuộc và đơn vị thành viên; cơ chế phối thuộc giữa đơn vị NCKH và trường thành viên, phát huy hiệu quả liên thông, liên kết, nâng cao vị thế trong nước và quốc tế của các trường thành viên và của ĐHQGHN.
Ông có thể nói rõ hơn về các giai đoạn triển khai Đề án?
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo quyết liệt Tổ công tác xây dựng đề án trình các cấp có thẩm quyền thông qua và triển khai. đề án có tên đầy đủ là điều chỉnh, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức được đưa vào nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2013 – 2015, đề án được chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn 1 hoàn thành trước tháng 12/2014 tái cấu trúc trên diện rộng với việc giải thể, chia tách, sáp nhập, điều chỉnh chức năng nhiệm vụ của các đơn vị có quy mô nhỏ, nhân lực mỏng và thiếu các điều kiện và nguồn lực để phát triển bền vững, có chức năng và nhiệm vụ chồng chéo. Số đơn vị trực thuộc ĐHQGHN được điều chỉnh từ 43 xuống còn 29 đầu mối (theo kế hoạch).
Giai đoạn 2 tập trung tái cơ cấu các đơn vị thành viên (viện, trường) và thành lập mới, nâng cấp 01 trường đại học và 03 viện nghiên cứu khoa học thành viên. Giai đoạn 2 hoàn thành trước tháng 8/2015.
Vậy việc điều chỉnh, sắp xếp lại và phát triển tổ chức trong ĐHQGHN được thực hiện dựa trên những nguyên tắc nào, thưa Trưởng ban TCCB?
Việc tái cơ cấu cần thực hiện đúng theo các nguyên tắc: 1, phải đúng pháp luật, trong đó đảm bảo loại hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các đơn vị theo quy định; 2, cơ cấu và quy mô hợp lý, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị trong ĐHQGHN; 3, đảm bảo để ĐHQGHN là thực thể hữu cơ, thống nhất trong đa dạng; 4, đảm bảo sự chỉ đạo thông suốt và trực tiếp của ĐHQGHN đối với một số nhiệm vụ cần thiết do ĐHQGHN trực tiếp điều hành, liên quan đến nhiều đơn vị; 5, sắp xếp lại đồng thời áp dụng cơ chế đặc biệt đối với một số đơn vị trực thuộc đơn vị thành viên, đảm bảo phát huy thế mạnh và tính đặc thù của đơn vị; 6, mọi công việc phải được thực hiện theo lộ trình, đảm bảo tính khả thi, ổn định và hiệu quả.
Các đơn vị trong ĐHQGHN được phân chia thành 04 nhóm đơn vị với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng bao gồm:
- Các trường đại học thành viên, các viện nghiên cứu khoa học thành viên do Thủ tướng chính phủ thành lập;
- Các khoa trực thuộc ĐHQGHN được xây dựng và đầu tư để phát triển thành các trường đại học thành viên.
- Các trung tâm nghiên cứu được xây dựng và đầu tư để phát triển thành các viện nghiên cứu thành viên.
- Các đơn vị dịch vụ, phục vụ và hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu khoa học.
- Các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN không đáp ứng yêu cầu phát triển, không có khả năng phát triển thành đơn vị thành viên, có chức năng nhiệm vụ chồng chéo thuộc diện tái cơ cấu.
Ông có thể cho biết các kết quả ban đầu đã đạt được của Đề án?
Đề án nhận được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo ĐHQGHN. Giám đốc ĐHQGHN là Trưởng ban chỉ đạo của đề án. đặc biệt, đề án nhận được sự đồng thuận cao của các đơn vị, cán bộ liên quan. Tính đến nay, ĐHQGHN đã cơ bản thực hiện xong đề án giai đoạn 1. Số đơn vị trực thuộc của ĐHQGHN đến ngày 30/07/2014 giảm từ 43 xuống còn 31 đơn vị (tính cả 2 đơn vị mới thành lập là Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục và Trường đại học Việt Nhật). các đơn vị sau khi điều chỉnh tổ chức và hoạt động đã được ĐHQGHN tạo điều kiện hỗ trợ về cơ chế, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị… để phát huy thế mạnh và tính đặc thù. các đề án đang được tích cực triển khai gồm: Viện Nghiên cứu Liên ngành, liên lĩnh vực, Viện Nghiên cứu tài nguyên môi trường, Viện Nghiên cứu Trần Nhân Tông, đề án xã hội hóa phát triển Bệnh viện ĐHQGHN, Thành lập và phát triển doanh nghiệp KH&cN (VNU Holdings).
Bên cạnh hoàn thiện cơ cấu tổ chức, Giám đốc ĐHQGHN chỉ đạo các ban và đơn vị rà soát và hoàn thiện về thể chế, cơ chế và chính sách phù hợp với tinh thần mới của Luật Giáo dục đại học, Nghị định và Quy chế mới về ĐHQG. Trong quý 3/2014, ĐHQGHN sẽ ban hành đồng bộ các văn bản quản lý điều hành. Trên cơ sở đó, các đơn vị sẽ ban hành lại văn bản quản lý điều hành của đơn vị trong quý IV/2014.
Ông có thể cho biết về lộ trình cũng như nhiệm vụ trọng tâm của Giai đoạn 2 ?
Trong giai đoạn 2, Giám đốc ĐHQGHN đã chỉ đạo thực hiện đề án ở hai cấp độ:
Cấp ĐHQGHN: tiếp tục hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách quản lý điều hành của ĐHQGHN; thành lập và tăng cường năng lực các viện nghiên cứu thành viên; triển khai đề án Trường đại học Việt Nhật.
Cấp đơn vị: trong năm học 2014/2015, các đơn vị thành viên tiến hành rà soát, đánh giá và sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc (trực thuộc trường, viện thành viên) nghiên cứu thí điểm chuyển đổi một số bộ môn thành phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh để gắn kết đào tạo với NCKH. Trong năm học tới, mỗi đơn vị thành viên sẽ thí điểm thành lập ít nhất 01 viện trực thuộc để nâng cao tính tự chủ của đơn vị trong NCKH và chuyển giao công nghệ.
Song song với giai đoạn 2 là việc thực hiện đề án "Phát triển đội ngũ nhà khoa học và quản lý trình độ cao". Việc tái cơ cấu và thực hiện đề án "Phát triển đội ngũ nhà khoa học và quản lý trình độ cao" là tiền đề quan trọng để ĐHQGHN tạo dựng môi trường làm việc theo thông lệ đại học nghiên cứu.
Ông có thể nói rõ hơn về việc chuyển đổi các đơn vị chuyên môn?
Việc chuyển đổi các đơn vị chuyên môn đáp ứng theo yêu cầu của đại học nghiên cứu là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cần được thí điểm, tổng kết và đánh giá trước khi triển khai trên diện rộng. Việc chuyển đổi này cần xuất phát từ nhu cầu của đơn vị và gắn với đặc thù của từng đơn vị. ĐHQGHN đóng vai trò chỉ đạo định hướng, hỗ trợ triển khai, hỗ trợ cơ chế và nguồn lực cho quá trình chuyển đổi.
Chuyển đổi đơn vị chuyên môn cũng có nhiều cấp độ. chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động cấp độ trường và chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động cấp độ khoa.
Ở cấp độ khoa, tại các trường khối tự nhiên và công nghệ, nhu cầu chuyển đổi một số bộ môn thành phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu mạnh là rất lớn. Trên thực tế, nhiều bộ môn tồn tại chỉ mang tính hành chính. Việc chuyển đổi này cho phép gắn giảng viên, học viên và nghiên cứu sinh với các trang thiết bị và các nhóm nghiên cứu mạnh.
Ở cấp độ trường, tái cấu trúc cho phép tăng cường tính tự chủ của đơn vị theo tinh thần của Nghị định 115/NĐ-CP. Ví dụ, thay vì mô hình tổ chức theo Khoa truyền thống nhấn mạnh chức năng đào tạo, viện trực thuộc có con dấu, tài khoản riêng, có quyền tự chủ theo Quy chế tổ chức và hoạt động do Hiệu trưởng ban hành. chuyển đổi sang mô hình viện trực thuộc đòi hỏi bên cạnh chức năng đào tạo như hiện nay, viện cần chú trọng chức năng nhiệm vụ KH&CN gắn với đào tạo tiến sĩ. So với khoa, bên cạnh các chỉ tiêu được giao về đào tạo và phát triển đội ngũ, viện trực thuộc chịu trách nhiệm về các chỉ số khai thác các đề tài, nhiệm vụ KH&CN, công bố quốc tế, chuyển giao công nghệ, doanh thu KH&CN, thu nhập bình quân của CBNV…
Quá trình chuyển đổi cần được đảm bảo về chất, và chỉ tiến hành xem xét và chuyển đổi đơn vị đủ điều kiện và có nhu cầu được chuyển đổi. Không triển khai tái cấu trúc mang tính hành chính, hình thức. để tránh hiện tượng “bình mới rượu cũ”, các điều kiện đảm bảo chất lượng và năng lực đội ngũ lãnh đạo, quản lý đóng vai trò tiên quyết trong thành công của đơn vị sau chuyển đổi.
Như ông vừa đề cập, thì yếu tố quyết định thành công việc thực hiện tái cơ cấu ĐHQGHN giai đoạn 2 chính là đội ngũ nhà khoa học?
Phát triển tổ chức phải đi liền với phát triển đội ngũ. Tái cơ cấu các đơn vị sẽ thành công nếu lấy mục tiêu tạo dựng môi trường đại học nghiên cứu phục vụ nhà khoa học. Quá trình tái cơ cấu phải dân chủ, lấy nhà khoa học là trọng tâm và chính nhà khoa học phải tham gia vào tái cơ cấu thông qua chủ động xây dựng các đề án chuyển đổi, thành lập có nhóm nghiên cứu mạnh làm tiền đề phát triển thành đơn vị nghiên cứu, tăng cường liên kết với các đơn vị khác trong ĐHQGHN. Để đổi mới thành công, ĐHQGHN xác định vai trò quan trọng của đội ngũ GS, PGS đầu ngành. các nhà khoa học gắn kết với nhau theo các nhóm nghiên cứu. các tổ chức KH&CN, chuyên môn được cấu trúc (thành lập, chia tách, sáp nhập và giải thể) để đáp ứng nhu cầu phát triển của các nhóm nghiên cứu mạnh.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu cần đi liền với triển khai nâng cao nền tảng tri thức và chất lượng đội ngũ nhà khoa học và nhà quản lý. đề án phát triển đội ngũ nhà khoa học và quản lý trình độ cao đến 2020 và dự án Trường Đại học Việt - Nhật sẽ tạo nhiều điều kiện và chính sách đãi ngộ để các nhà khoa học có cơ hội được cống hiến và đóng góp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
|