Hôm nay, các thế hệ cán bộ và sinh viên cùng các vị khách quý trong nước và quốc tế họp mặt tại đây để kỷ niệm trọng thể 100 năm ngày thành lập ĐHQGHN, một sự kiện trọng đại đánh dấu sự khởi đầu của nền giáo dục đại học hiện đại Việt Nam. Đây cũng là dịp chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử trong một thế kỷ xây dựng và phát triển của một trung tâm đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học hàng đầu Việt nam với những thành tích phong phú rất đáng tự hào, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Thay mặt lãnh đạo ĐHQGHN, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương, các vị khách quí quốc tế, các nhà giáo, nhà khoa học lão thành, cùng đông đảo các thế hệ cán bộ, sinh viên tham dự buổi lễ trọng thể này.
|
Toàn cảnh buổi lễ kỷ niệm |
Kính thưa các vị khách quí
Kính thưa các đồng chí và các bạn
Việt Nam là một đất nước có nền văn hiến lâu đời. Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, trọng học. Nền giáo dục Nho học Việt Nam khởi đầu từ thời Lý đã đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ trí thức, quan lại cho các triều đại phong kiến. Song nền giáo dục này trở nên chật hẹp so với nhu cầu phát triển đất nước vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi thanh thiếu niên Việt Nam cũng như thế hệ trẻ ở hầu hết các nước châu Á, bắt đầu hướng tới nền văn minh phương Tây với nền khoa học tiên tiến, hiện đại. Đại học Đông Dương - đại học đa ngành đa lĩnh vực theo kiểu phương Tây đầu tiên ở Việt Nam và các nước trên bán đảo Đông Dương được thành lập ngày 16 tháng 5 năm 1906 với sứ mạng “...phổ biến ở Đông Dương những kiến thức và phương pháp châu Âu; hướng dẫn tinh thần khoa học, phương pháp học tập và nghiên cứu hiện đại cho những người xuất sắc...” đã mở ra cơ hội cho nhiều thanh niên Việt nam và các nước lân cận tiếp cận các tri thức hiện đại của thế giới. Mặc dù Đại học Đông Dương ra đời trong hoàn cảnh khá đặc biệt với vô vàn khó khăn, không ít thăng trầm, song trong gần 40 năm hoạt động, Đại học Đông Dương đã thực sự trở thành cái nôi đào tạo chuyên gia bậc đại học của nhiều ngành khoa học hiện đại ở Việt Nam như Y khoa, Mỹ thuật, Khoa học, Luật học, Thương mại, Kỹ thuật ... Nhiều nhà khoa học, sư phạm Pháp nổi tiếng như Alexandơ Yesin, Charles Maybon, Charles Massias, ...đã từng giảng dạy tại đây. Chính tại ngôi trường này, nhiều sinh viên đã được tiếp xúc với những trào lưu tiến bộ, hăng say học tập nhằm tiếp thu và làm chủ kiến thức khoa học hiện đại để phụng sự Tổ quốc, dân tộc, tích cực tham gia các phong trào yêu nước, trong đó có những người đã trở thành những nhà khoa học, nhà văn hóa lớn của đất nước như Hồ đắc Di, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Phan Chánh, Vũ Đình Hoè, Hoàng Minh Giám... và những nhà trí thức cách mạng nổi tiếng như Trường Chinh, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái học, Võ Nguyên Giáp, Tôn Quang Phiệt ...
|
Các đại biểu tham dự buổi lễ kỷ niệm |
Chỉ 3 tháng sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Lễ khai giảng đầu tiên của Đại học Quốc gia Việt Nam đã được tổ chức trọng thể dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 15/11/1945 tại Giảng đường lớn ở 19 Lê Thánh Tông Hà Nội. Đại học Quốc gia Việt Nam đã kế thừa truyền thống học thuật của Đại học Đông Dương, được bổ sung những yếu tố dân tộc và cách mạng. Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước nhà như một mốc son đánh dấu sự ra đời của nền giáo dục đại học cách mạng Việt Nam với sứ mệnh đào tạo đội ngũ trí thức mới nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp bách của công cuộc xây dựng và bảo vệ Nhà nước dân chủ nhân dân non trẻ.
|
Các đại biểu tham dự buổi lễ kỷ niệm |
Sau hoà bình lập lại năm 1954, để đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương phát triển hệ thống giáo dục đại học với các trường đại học trong từng lĩnh vực: khoa học cơ bản, kỹ thuật, kinh tế, sư phạm, Y- dược ... . Trường Ngoại ngữ trung ương (sau này là Trường Đại học sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội) cũng được thành lập thời kỳ đó. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được hình thành trên cơ sở các ngành khoa học cơ bản vốn có của Đại học Quốc gia Việt Nam. Từ đây, cũng tại chính tòa nhà cổ kính của Đại học Đông Dương, những người thầy đã từng tham gia xây nền đắp móng cho Đại học Quốc gia Việt Nam kháng chiến như các giáo sư Ngụy Như Kontum, Lê Văn Thiêm, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Nguyễn Hoán, Dương Văn Thời, Nguyễn Văn Chiển... đã cùng các thế hệ học trò xuất sắc của mình tiếp tục tổ chức đào tạo và nghiên cứu khoa học trong suốt nửa thế kỷ qua, đạt được những thành tựu làm nền tảng cho sự phát triển các ngành khoa học tự nhiên và xã hội - nhân văn ở Việt Nam, bổ sung thêm thành tích đào tạo nguồn nhân lực và nhân tài phục vụ sự nghiệp giải phóng miền Nam, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, thống nhất đất nước. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng nghìn cán bộ giảng dạy, sinh viên của trường đã tình nguyện rời bút nghiên, lên đường ra mặt trận tham gia chiến đấu, trong đó hàng trăm người đã anh dũng hy sinh, như các nhà giáo Lê Anh Xuân, Hoàng Kim Giao, Ngô Văn Sở..., các sinh viên Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Định, Đặng Luân, Nguyễn Văn Thạc..., góp phần làm rạng danh truyền thống anh hùng của dân tộc và của nhà trường.
Tiến hành đổi mới hệ thống giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng và Nhà nước chủ trương tập trung xây dựng và phát triển một số trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, ngang tầm các đại học tiên tiến trong khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế, giữ vai trò nòng cốt và đầu tầu đổi mới trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Chính phủ đã ban hành Nghị định 97/CP ngày 10/12/1993 về việc thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội trên cơ sở sắp xếp tổ chức lại một số trường đại học và viện nghiên cứu khoa học ở Hà Nội, trước mắt là 3 trường đại học lớn: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 1 và Đại học Sư phạm ngoại ngữ. ĐHQGHN được Nhà nước giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao, được ưu tiên đầu tư về tài chính và đội ngũ cán bộ để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao và nhân tài cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
Khởi đầu từ sự hợp nhất của ba trường đại học lớn vốn tồn tại riêng biệt và trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, ĐHQGHN đã từng bước hoàn chỉnh theo mô hình cơ quan sự nghiệp đào tạo - khoa học thuộc chính phủ với 4 trưòng đại học và 6 khoa trực thuộc, 2 viện và 10 trung tâm nghiên cứu khoa học thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn. Đội ngũ cán bộ đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng với 2723 cán bộ, công chức, trong đó có 1516 cán bộ giảng dạy với hàng trăm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, tiến sĩ. Tỷ lệ cán bộ giảng dạy có trình độ trên đại học chiếm gần 70%. Số GS, PGS công tác tại ĐHQGHN chiếm 23,56% tổng số GS, PGS của ngành GD-ĐT và chiếm 9,6 % tổng số GS, PGS của cả nước.
Bước đầu khẳng định uy tín về chất lượng đào tạo là thành tựu quan trọng hàng đầu của ĐHQGHN. Cùng với đổi mới chương trình, đảm bảo giáo trình, bài giảng và đổi mới phương pháp dạy – học nhằm tạo bước chuyển biến rõ rệt về chất lượng đào tạo chung, ĐHQGHN tập trung đào tạo tài năng, chất lượng cao và đào tạo liên kết quốc tế nhằm tạo bước đột phá tiếp cận ngay với chuẩn mực quốc tế, khu vực. Mô hình đào tạo tài năng, chất lượng cao đã được thí điểm thành công, nay đã phát triển thành một hệ đào tạo chính thức, được áp dụng đối với các ngành khoa học cơ bản, công nghệ cao và một số ngành kinh tế-xã hội mũi nhọn. Chất lượng đào tạo của hệ tài năng được các trường đại học hàng đầu trên thế giới công nhận. ĐHQGHN đã triển khai nhiều chương trình đào tạo liên kết với một số trường đại học có uy tín nước ngoài đạt chuẩn chất lượng quốc tế, trong đó vai trò và tỉ lệ tham gia của phía Việt Nam ngày càng cao. Đặc biệt, hệ trung học phổ thông chuyên về khoa học tự nhiên và ngoại ngữ nhằm phát hiện, bồi dưõng học sinh năng khiếu và tạo nguồn sinh viên giỏi cho các trường đại học đã gây được tiếng vang lớn trong nước và trên thế giới về thành tích rất cao và ổn định trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và các cuộc thi Olimpic quốc tế hàng năm.
Hoạt động khoa học công nghệ (KH-CN) của ĐHQGHN cũng đạt được những tiến bộ lớn. Quy mô hoạt động KH-CN đã tăng trưởng vượt bậc, kinh phí NCKH đã tăng gần 25 lần sau 10 năm (1995 là 1,7 tỷ, năm 2006 là 41,5 tỷ). Giá trị lý luận và thực tiễn của hoạt động KH-CN không ngừng được nâng cao. Nhiều công trình NCKH của ĐHQGHN được tặng những giải thưởng lớn, trong đó có 13 giải thưởng Hồ Chí Minh, 16 giải thưởng Nhà nước và hàng chục giải thưởng khoa học có uy tín trên thế giới…. ĐHQGHN đã và đang chủ trì và thực hiện nhiều chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu lớn góp phần giải quyết những nhiệm vụ KHCN quan trọng, trong đó nhiều đề tài trực tiếp phục vụ cho công tác qui hoạch lãnh thổ, giảm thiểu rủi ro do thiên tai, phát triển nông thôn và miền núi, phục vụ quản lý kinh tế - xã hội, đề xuất những kiến nghị, giải pháp, luận cứ khoa học giúp cho Đảng, Nhà nước, các cấp lãnh đạo và các cơ quan quản lý hoạch định đường lối, chính sách. ĐHQGHN cũng đã tổ chức hàng trăm hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế trong nhiều lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn, ngoại ngữ, giáo dục, công nghệ, kinh tế, luật..., trong đó nhiều hội thảo có tiếng vang lớn, thu hút hàng trăm nhà khoa học danh tiếng của Việt Nam và thế giới tham gia.
Trong những năm qua, hoạt động hợp tác quốc tế của ĐHQGHN ngày càng trở nên đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của ĐHQGHN trên trường quốc tế. ĐHQGHN hiện nay đã thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác với gần 100 trường đại học, cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học nước ngoài, tích cực tham gia các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên với các đại học có uy tín trên thế giới. Với uy tín cao của một trung tâm hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học của Việt nam, ĐHQGHN là thành viên chính thức của nhiều tổ chức, hiệp hội, mạng lưới giáo dục đại học trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là Hiệp hội đại học Pháp ngữ, mạng lưới các đại học ASEAN, cùng với Đại học Bắc Kinh, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Tokyo tổ chức Hội nghị cấp cao thường niên 4 đại học chủ chốt Đông Á. ĐHQGHN cũng nhiều lần vinh dự được thay mặt các cơ sở giáo dục đại học cả nước đón nhiều vị nguyên thủ, chính khách nổi tiếng thế giới như Tổng thống Inđônesia Sukarno, Tổng thống Ấn độ Rajendre Prasad, Chủ tịch Xôviết tối cao Liên xô Kliment Voroshilop, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Giang Trạch Dân ....
Một thế kỷ đối với lịch sử thế giới hoặc lịch sử của một đất nước chưa phải là dài, nhưng đó lại là một chặng đường đáng kể đối với quá trình xây dựng và phát triển của một trường đại học. Lịch sử phát triển của ĐHQGHN gắn liền với những bước đi của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20, một thời kỳ đầy biến động với nhiêù sự kiện trọng đại đã đi vào lịch sử đất nước. Hôm nay, chúng ta có dịp nhìn nhận lại một cách đầy đủ hơn những chặng đường trong lịch sử hình thành và phát triển suốt một thế kỷ đầy thử thách nhưng rất vẻ vang của một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hiện đại, tiên tiến, lâu đời nhất ở Việt Nam với những thời khắc đáng ghi nhớ, đánh dấu những mốc son chói lọi trong tiến trình phát triển nền giáo dục đại học hiện đại Việt Nam và gắn liền với những bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc. Chúng ta có quyền tự hào về những cống hiến to lớn của Nhà trường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất, thịnh vượng, hùng cường. Chúng ta tự hào về đội ngũ những người thầy, trong đó có nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục danh tiếng, đã nỗ lực phấn đấu bằng cả trí tuệ, mồ hôi và xương máu vì một nền giáo dục đại học Việt Nam tiên tiến hiện đại. Chúng ta tự hào về những sinh viên từ mái trường này, đã tỏa đi khắp mọi miền đất nước phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc và kiến thiết đất nước. Trong số họ, nhiều người đã trở thành những danh nhân của đất nước, những trí thức, chính khách lớn. Có những người trở thành ủy viên Bộ chính trị, ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng, đại biểu quốc hội, hiệu trưởng trường đại học, viện trưởng viện nghiên cứu lớn, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Những thành tích, công lao đóng góp của ĐHQGHN đối với đất nước, đặc biệt là trong nửa thế kỷ vừa qua được ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý của Nhà nước cho các tập thể, cá nhân: 01 Huân chương Hồ Chí Minh, 10 Huân chương Độc lập, hàng trăm Huân chương kháng chiến, Huân chương Lao động các hạng, 04 đơn vị Anh hùng Lao động, hàng trăm Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú cùng nhiều phần thưởng, danh hiệu vinh dự khác.
|
Kính thưa các vị khách quý,
Kính thưa các đồng chí và các bạn,
Đặc biệt hôm nay, toàn thể cán bộ, sinh viên ĐHQGHN vô cùng vinh dự đại diện cho các thế hệ đón nhận Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất mà Đảng và Nhà nước trao tặng. Phần thưởng này trước hết là sự đánh giá và ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những cống hiến to lớn của ĐHQGHN trong suốt một thế kỷ vừa qua đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời thể hiện sự kỳ vọng và trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và xã hội tin tưởng gửi gắm, giao phó cho thầy và trò ĐHQGHN. Phần thưởng này cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục với tư cách là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng phát triển đất nước. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ một lần đến thăm và làm việc với thầy trò ĐHQGHN. Tiếp nối sự quan tâm ân cần đó, nhiều đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã đến làm việc và chỉ đạo ĐHQGHN trong những thời khắc quan trọng như các cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải và rất nhiều các đồng chí lãnh đạo cao cấp khác của Đảng và Nhà nước.
Trong sứ mệnh phấn đấu sớm trở thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu ứng dụng KH-CN đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao ngang tầm các đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao và nhân tài cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, chúng ta tin tưởng vững chắc rằng: với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự ủng hộ tạo điều kiện của các ban, ngành trung ương và các địa phương, với sự đồng tâm, nhất trí và nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ, sinh viên, sự hợp tác của các trường đại học, các cơ quan khoa học trong nước và quốc tế, sự đồng tình, khích lệ của toàn xã hội, ĐHQGHN nhất định sẽ thực hiện thành công sứ mạng nặng nề nhưng vẻ vang của mình.
Trong giờ phút trọng đại này, cho phép tôi được thay mặt Lãnh đạo ĐHQGHN xin bày tỏ lòng tri ân đối với các nhà giáo tiền bối, các thế hệ cán bộ, giảng viên đã và đang đóng góp trí tuệ, công sức, nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi nhằm không ngừng phát huy truyền thống và nâng cao uy tín của ngôi trường mà bao thế hệ thầy và trò đã dày công tạo dựng trong suốt thế kỷ vừa qua.
Xin gửi tới các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị khách quí, các nhà giáo lão thành cùng các thế hệ cán bộ, sinh viên lời cảm ơn chân thành, lời chúc sức khoẻ và hạnh phúc.
Xin chân thành cảm ơn.
|