Kính thưa Ngài Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đức Lương
Kính thưa ông Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội,
Kính thưa các công, bà đại diện các đoàn ngoại giao,
Thưa toàn thể các bạn,
Trước hết, tôi xin gửi tới ông Giám đốc Đào Trọng Thi lời cám ơn và cáo lỗi của Ngài Chủ tịch Thượng ngị viện Pháp Christian Poncelet. Ngài Chủ tịch rất lấy làm tiếc vì không thể tới tham dự buổi lễ kỷ niệm này, nhưng xin hãy tin rằng Ngài Chủ tịch vẫn có mặt tại đây ngày hôm nay, trong suy nghĩ của chúng ta.
Các bạn đều biết sự gắn bó của Ngài Chủ tịch Christian Poncelet với Việt Nam, đất nước mà ông đã đến thăm rất nhiều lần và luôn thể hiện một tình cảm trìu mến lẫn thán phục. Tôi xin được nhắc lại rằng, trong nhiều năm qua, ông đã lãnh đạo nhóm hữu nghị Pháp - Việt của Thượng nghị viện. Với tư cách là Phó chủ tịch của nhóm hữu nghị Pháp - Việt của Thượng nghị viện, ông đã cử tôi làm đại diện thay ông ngày hôm nay để tham gia vào buổi lễ kỷ niệm xúc động này. Tôi rất vinh dự và vui mừng. Ông đã yêu cầu tôi chuyển tới các bạn những tình cảm thân ái và lời chúc cho buổi lễ thành công tốt đẹp.
Có lý do để vui mừng khi chúng ta lặng ngắm, như tôi đã mong muốn làm điều đó ngay khi đặt chân tới Hà Nội, nền kiến trúc của Đại học Quốc gia Hà Nội - Đại học Đông Dương cũ - nằm trên phố Lê Thánh Tông và đặc biệt là giảng đường lớn vừa được trùng tu, một sự trùng tu tôn trọng lịch sử, tôn trọng quá khứ nhưng phù hợp với yêu cầu hiện tại. Vì vậy Thượng nghị viện Pháp vui mừng tham gia vào việc cải tạo, trùng tu toà nhà này và toà nhà này xứng đáng được như vậy bởi nhiều lẽ. Trước hết toà nhà này là kết quả của nền kiến trúc Pháp - Đông Dương, là sự kết hợp những gì tinh hoa nhất của hai nền kiến trúc. Sau đó, toà nhà này là biểu tượng của những gì mà nước Pháp có thể mang lại cho các nước Đông Dương: đó là nền tảng giáo dục đại học và khoa học, mà sau đó người ta có thể nói rằng đó là nền móng đầu tiên của nền giáo dục hiện đại Việt Nam.
Đại học Đông Dương, trường đại học hiện đại đầu tiên của bán đảo Đông Dương, đã được đất nước Việt Nam độc lập tiếp nhận và sau này đã được "quốc gia hóa". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự lễ khai giảng đầu tiên của trường đại học này và Người đã có lý. Phần lớn những bạn đường, những người bạn chiến đầu của Hồ Chủ tịch cũng đã từng ngồi trên ghế nhà trường này. Và chúng ta vui mừng về việc chuyển tiếp này bởi ngôi trường uy tín này đã góp phần tạo nên đất nước Việt Nam ngày hôm nay.
Vì vậy, chắc chắn đây không phải là một thông điệp hoài cổ mà tôi muốn gửi tới các nhà lãnh đạo Việt Nam ngày hôm nay, tại nơi này. Bởi vì nếu Thượng nghị viện Pháp, và thông qua Thượng viện là người dân Pháp mong muốn đóng góp vào công tác khôi phục toà nhà lịch sử của ĐHQGHN, đó không phải là để làm sống lại một giấc mơ thuộc địa, mà để đánh dấu sự mở ra một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ hợp tác đại học với Việt Nam. Và tại đây, tôi vui mừng được chào Bà Alix Turolla Tardieu, cháu nội của ông Victor Tardieu, mà bức tranh tường tuyệt vời của ông đã được phục chế tại giảng đường lớn của trường đại học cũ.
Vì vậy, tôi xin mời các bạn dõi theo con đường đã vạch ra và hướng tầm nhìn của chúng ta tới Việt Nam năm 2006. Bởi vì đặc trưng cho đất nước này, đó là sức trẻ - cũng là kho báu của các bạn; sức sống, tính năng động, ý chí quyết tâm để làm được điều gì đó và làm thật nhanh để bắt kịp nhóm các quốc gia phát triển nhất. Và với những gì mà tôi đã thấy trong chuyến công tác ngắn ngủi này tại Việt Nam đã khẳng định rằng ngày đó không còn xa nữa.
Để đạt được điều đó, ngay từ rất sớm, các bạn đã đưa vào việc đào tạo nhân tài khoa học và đại học. Truyền thống văn hiến và Nho giáo hàng nghìn năm đã định hướng tư tưởng và hành động của các bạn. Từ rất sớm, các bạn đã đặt công tác phổ cập hóa giáo dục tiểu học và trung học lên vị trí ưu tiên hàng đầu của Chính phủ; các bạn đã đạt được mục tiêu hiếm thấy trong khu vực, để có một quốc gia hoàn toàn xoá được nạn mù chữ. Hiện nay, các bạn chỉ còn phải vượt qua một thử thách là phổ cập hóa giáo dục đại học, công tác này đặt ra rất nhiều vấn đề, song tất cả các quốc gia phát triển điều biết rằng đó là một mắt xích không thể thiếu trong một xã hội và nền kinh tế tri thức của thế kỷ XXI.
Để đạt được mục tiêu này, nước Pháp mong muốn đồng hành cùng các bạn và có thể hỗ trợ các bạn triển khai một trường đại học có khả năng đào tạo các nhân tài về khoa học và kỹ thuật mà đất nước đang cần, các cán bộ quản lý biết huy động sức mạnh của đất nước để phục vụ cho phát triển, các cán bộ nghiên cứu có thể cho phép Việt Nam bắt kịp trình độ khoa học kỹ thuật của thế giới hiện đang điều hành cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Là người phụ trách về các vấn đề giáo dục đại học, tôi tin tưởng vào sự cần thiết tuyệt đối và chiến lược của tất cả các nước nhằm phát triển các ngành đại học chất lượng cao trong mạng lưới quan hệ đối tác, nghiên cứu khả năng đảm bảo nâng cao trình độ kiến thức và sự phổ biến kiến thức cần thiết vào phát triển kinh tế, mục tiêu không thể thiết mà chúng ta không được xem nhẹ.
Do đó, dự án thành lập các trung tâm đại học Pháp tại hai Đại học Quốc gia Việt Nam, hai trung tâm đại học hàng đầu của Việt Nam, đối với tôi là một lẽ tự nhiên góp phần vào việc hình thành trung tâm đại học hiện đại này, một trường đại học của thế kỷ XXI đúng như nó sẽ được các chuyên gia giới thiệu tại Diễn đàn Hà Nội tổ chức vào ngày mai.
Như vậy, sự đóng góp của Thượng viện Pháp cho phép phục hồi một di sản quốc gia của Việt Nam mà nước Pháp đã một thời gắn bó, đồng thời đánh dấu tượng trưng cho việc chuyển sang một mối quan hệ bình đẳng, mối quan hệ có thể nói bằng một từ: đối tác. Chúng tôi mong muốn rằng sự có mặt của tôi ngày hôm nay là một minh chứng, góp phần thúc đẩy tính năng động của quan hệ đa dạng bên trong của hệ thống quốc tế của các học giả. Bởi vì chúng ta hiểu rõ rằng ngày nay, việc thiết lập một cách kiên nhẫn và tỉ mỉ hệ thống các mối quan hệ trao đổi về giáo dục và khoa học là rất cần thiết: chính thông qua các mối quan hệ này, các quy luật phát triển bền vững mà cộng đồng quốc tế tìm kiếm cho chính mình được sinh ra.
Vì những lẽ đó, các bạn và chúng tôi, tất cả sẽ phải nỗ lực trong những năm sắp tới.
Và với khả năng của tất cả các đối tác tham gia, cả Việt Nam và Pháp, tôi tin rằng dự án sẽ thành công. Vì vậy, sau những ngày công tác của tôi tại Việt Nam, khi tôi trở về Pháp báo cáo với Ngài Chủ tịch Poncelet về chuyến công tác này, tôi có thể nói với ông rằng: Việt Nam, nhờ vào truyền thống của mình và sẵn sàng chấp nhận mọi thách thức của tương lai, người bạn của nước Pháp, đã khởi hành rất tốt đẹp./.
|