Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Dương Văn Hợp - Viện trưởng Viện VSV&CNSH và bà Rosario Monsalud - Đại diện của ACM đều thống nhất vai trò quan trọng của phân bón sinh học (organic fertilizer and biofertilizer) cho an toàn thực phẩm, an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên một trong những vấn đề trọng yếu của ngành phân bón hiện nay là làm sao kiểm soát và đảm bảo chất lượng phân bón đến tay người tiêu dùng. Đây cũng thực sự là nỗi băn khoăn của đa số nông dân, cũng như của phần lớn doanh nghiệp hoạt động chân chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, hóa chất. Tham dự Hội thảo ngoài 16 cán bộ khoa học về công nghệ sinh học vi sinh vật từ các nước khu vực (Philippin, Indonesia, Thái lan, Lào, Campuchia, Myama) còn có các nhà khoa học về phân bón sinh học hàng đầu của Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp, Viện Nông hóa Thổ nhưỡng và Học viện Khoa học Nông nghiệp (thuộc Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội) tham dự. Trong thời gian Hội thảo, có 12 báo cáo khoa học từ các cán bộ khoa học trong và ngoài nước. Viện VSV&CNSH tham gia giới thiệu một số kỹ thuật vi sinh vật trong nghiên cứu phân bón vi sinh vật như: phương pháp nghiên cứu vi khuẩn cô định nitơ. Đánh giá hoạt chất kích thích sinh trưởng thực vật, vi sinh vật phân giải phốt phát và nấm rễ nội cộng sinh. Hàng loạt các vấn đề liên quan đến sản xuất, quản lý chất lượng phân bón sinh học, tính an toàn, thân thiện môi trường, đánh giá hiệu quả của sản phẩm cũng như các kinh nghiệm thực tế liên quan đã được bàn luận và chia sẻ kinh nghiệm tại buổi hội thảo. Bên lề hội thảo, các chuyên gia đã tới thăm Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Viện Nghiên cứu cây trồng và thăm quan các di tích lịch sử, văn hoá của Thủ đô Hà Nội.
|