Hội thảo là diễn đàn trao đổi về vấn đề việc làm của người học, bao gồm cả sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh tốt nghiệp ĐHQGHN, những thuận lợi và khó khăn trong thực tiễn tìm việc làm và các vấn đề đặt ra cần giải quyết để nâng cao khả năng có việc làm của người học tốt nghiệp ĐHQGHN.
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền, Giám đốc Trường đào tạo Cán bộ BIDV Cấn Văn Lực, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Dự báo và Phát triển nguồn nhân lực Lê Thị Thu Thủy, các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các cơ quan nhà nước, viện, trường, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cựu sinh viên và sinh viên ĐHQGHN.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn khẳng định, vấn đề việc làm của người học sau tốt nghiệp là vấn đề trọng tâm của các trường ĐH, các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, các trường ĐH có những quan điểm khác nhau về lĩnh vực này. Phó Giám đốc cho biết, ĐHQGHN có tỉ lệ cao sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, thực tế đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để người học sau khi tốt nghiệp có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo? Trong nhiều năm qua, ĐHQGHN đã nghiên cứu và đã triển khai nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này, đồng thời giao cho Trung tâm Dự báo và Phát triển nguồn nhân lực triển khai đề án “Nâng cao khả năng có việc làm của sinh viên ĐHQGHN giai đoạn 2014 - 2020”, nhằm đánh giá thực trạng việc làm của sinh viên ĐHQGHN và đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng có việc làm của sinh viên ĐHQGHN, đảm bảo quyền lợi của người học; từ đó có định hướng chiến lược đào tạo phù hợp, góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu của ĐHQGHN.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã giới thiệu tổng quan các nghiên cứu của đề án. Kết quả cho thấy sinh viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng đánh giá tích cực về chương trình đào tạo cũng như các điều kiện ĐHQGHN cung cấp để tạo tiền đề cho người học tiếp cận việc làm theo đúng ngành nghề được đào tạo sau khi tốt nghiệp. Cụ thể:
- Chương trình đào tạo được điều chỉnh và cập nhật theo nhu cầu của thị trường lao động;
- Mời các nhà tuyển dụng tham gia góp ý xây dựng chương trình đào tạo.
- Sinh viên ĐHQGHN được tham gia các khóa học kỹ năng mềm đáp ứng yêu cầu xã hội khi tìm việc;
- ĐHQGHN cập nhật và cung cấp kịp thời các thông tin về nhu cầu sử dụng lao động cho sinh viên.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền đánh giá cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp ĐHQGHN vào làm việc tại Bộ Tư pháp. Thứ trưởng cho biết, hàng năm, chỉ tiêu tuyển dụng của Bộ Tư pháp có hơn 90% dành cho ngạch chuyên viên pháp lý, tức là những người tốt nghiệp chuyên ngành Luật được tuyển dụng vào công tác tại Bộ. Năm 2014, trong số 131 thí sinh đăng ký và đủ điều kiện tuyển dụng có 27 thí sinh là cựu sinh viên Khoa Luật, ĐHQGHN (chiếm 20,6%), đặc biệt thí sinh Nguyễn Anh Thư là thủ khoa Luật, ĐHQGHN khóa QH-2010-L được đặc cách tuyển dụng không qua thi tuyển.
Thứ trưởng đánh giá, trong quá trình công tác tại các đơn vị của Bộ và ngành Tư pháp, nhìn chung, các sinh viên tốt nghiệp ĐHQGHN đều thể hiện được phẩm chất đạo đức tốt, phát huy tốt kiến thức chuyên môn được giao, nhiều trường hợp được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Với tư cách là đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – đối tác của ĐHQGHN, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV Cấn Văn Lực đã chia sẻ kinh nghiệm ứng tuyển vào các định chế tài chính tại Việt Nam. Theo ông Cấn Văn Lực, bên cạnh các kiến thức chuyên môn, sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên ĐHQGHN nói riêng cần trang bị cho mình kỹ năng mềm, kinh nghiệm làm việc và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng…
Bên cạnh đó, các chuyên gia, các nhà khoa học tham dự hội thảo đã trao đổi, thảo luận kinh nghiệm, giải pháp của quốc tế về các giải pháp đối với việc làm của sinh viên khi tốt nghiệp và nêu ra các quan điểm, định hướng để nâng cao khả năng có việc làm của sinh viên tốt nghiệp ĐHQGHN.
Kết luận Hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, ĐHQGHN luôn chú trọng, quan tâm đến vấn đề nâng cao khả năng có việc làm của người học tốt nghiệp ĐHQGHN. Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, để người học có việc làm tốt nhất, phù hợp với chuyên ngành đào tạo thì cần những giải pháp tổng hợp, trong đó nâng cao chất lượng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội là yếu tố cốt lõi.
Trong thời gian qua, ĐHQGHN đã thực hiện xây dựng, tiến hành kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo, đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo chuẩn đầu ra. Phó Giám đốc yêu cầu, trong thời gian tới, các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN cần tiếp tục khảo sát mức độ đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, mức độ tương thích giữa đào tạo và nhu cầu xã hội.
Phó Giám đốc đề nghị, năm 2015, các đơn vị đào tạo trong toàn ĐHQGHN cần phối hợp với Trung tâm Dự báo và Phát triển nguồn nhân lực, Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục có kế hoạch cụ thể cho việc điều tra tổng thể các chương trình đào tạo để kịp thời cập nhật, bổ sung, điều chỉnh các nội dung cần phải tăng cường trong hoạt động đào tạo.
Tin liên quan trên báo chí:
|