Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Từ Đại học Đông Dương đến Đại học Quốc gia Hà Nội - Sự kế thừa và phát triển của một mô hình đại học hiện đại
Ngày 15/5/2006 vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Đây là một sự kiện trọng đại đánh dấu mốc khởi đầu của quá trình một thế kỷ xây dựng và phát triển của ĐHQGHN, đồng thời cũng là sự khởi đầu của nền giáo dục đại học hiện đại Việt Nam. Trong bài viết này, tôi xin cung cấp tư liệu về một số mốc lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của trung tâm đào tạo đại học vào loại hàng đầu của Việt Nam này.

1. Đại học Đông Dương – mốc khởi đầu nền giáo dục đại học Việt Nam hiện đại

Ngày 16 -5-1906 Toàn quyền Paul Beau ký Nghị định số 1514a thành lập Đại học Đông Dương. Điều 1 của Nghị định này ghi rõ: "Nay thành lập ở Đông Dương, với tên gọi Trường Đại học (Université) một tập hợp các khoá đào tạo bậc đại học cho các sinh viên xứ thuộc địa và các nước láng giềng."(1) Cũng trong Nghị định này, sứ mệnh của Đại học Đông Dương được ghi rõ: "Cơ sở đào tạo này có nhiệm vụ phổ biến ở Viễn Đông, chủ yếu là thông qua tiếng Pháp, những kiến thức và phương pháp châu Âu." (Điều 1). Đây là một văn bản pháp lý quan trọng đánh dấu sự ra đời của trường đại học theo mô hình giáo dục đại học hiện đại đầu tiên trên đất Việt Nam.

Điều cần nói ngay ở đây là quyết định thành lập Đại học Đông Dương không phải là một sự kiện ngẫu nhiên, mà trước tiên là do yêu cầu của chính bản thân thực dân Pháp, nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác và bóc lột kinh tế thuộc địa, phục vụ quyền lợi tối cao của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Mặt khác cũng khách quan đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng đổi mới cách học của nhân dân Việt Nam lúc đó. Ngay từ giữa thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, dưới ảnh hưởng của cuộc Duy tân ở Nhật Bản thời Minh Trị (1868) và của cuộc vận động cải cách ở Trung Quốc (1898), một số trí thức yêu nước đã đề xuất các giải pháp canh tân cách học, kêu gọi rời bỏ lối học từ chương của nhà trường Nho học, đề cao thực học theo mô hình phương Tây. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự xuất hiện các phong trào Đông Du, Nghĩa thụcDuy tân hồi đầu thế kỷ 20. Trước tình hình đó, chính quyền Pháp ở Đông Dương thấy cần phải cải cách học chế để cầm chân thanh niên Việt Nam để họ khỏi đi ra nước ngoài, đồng thời cũng cổ động thế lực nước Pháp ở Viễn Đông, quét dần ảnh hưởng Trung Hoa trong giới Nho sĩ Việt Nam mà chúng rất nghi ngại và đang ra sức lôi kéo.

GS. Đinh Xuân Lâm

Trước khi Đại học Đông Dương ra đời, người Pháp đã cho xây dựng một số cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và nghiên cứu khoa học như Trường Dạy nghề Hà Nội (Ecole professionelle de Hanoi, 1898), Trường Công chính (Ecole des Travaux Publique), Trường Y khoa Đông Dương (Ecole de Médecine de l"Indochine, 1902) vv...

Năm 1902, Paul Beau được cử làm Toàn quyền Đông Dương và sau một thời gian chuẩn bị đã quyết định tiến hành cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất. Để xúc tiến việc thành lập Đại học Đông Dương, ngày 8.3.1906 Toàn quyền Paul Beau ký Nghị định thành lập Hội đồng phát triển giáo dục bản xứ Đông Dương, do Henri Gourdon làm Chủ tịch (Conseil de Perfectionnement de l’Enseignement Indigène en Indo-Chine). Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng này là: “nghiên cứu những điều kiện để thành lập và hoạt động của một trường đại học gồm các môn giảng dạy ở bậc đại học dành cho người bản xứ và người châu Á."(2). Trong phiên họp thứ nhất của Hội đồng ngày 11. 4. 1906 Paul Beau đã phát biểu:"... có thể khẳng định rằng chúng ta đang có tại chỗ, ở Sài Gòn và Hà Nội, tất cả những yếu tố cần thiết để thành lập ở Đông Dương một hoặc vài trung tâm giảng dạy bậc đại học bản xứ có khả năng cạnh tranh với tất cả những ai có thể thành lập ở chỗ khác những trung tâm như thế ...".(3) Những động thái trên đây cho thấy những bước chuẩn bị khá bài bản của chính quyền thuộc địa cho chương trình cải cách giáo dục nói chung và cho sự thành lập Đại học Đông Dương nói riêng.

Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 5/1906, Chủ tịch Hội đồng đã trình toàn quyền Paul Beau một bản báo cáo về dự án thành lập trường đại học, trong đó tôn chỉ và sứ mệnh của nhà trường đã được xác định rõ: "Trường đại học sẽ là một trung tâm giảng dạy giáo dục bậc đại học, đỉnh cao học vấn ở Đông Dương. Đại học Đông Dương, trong khi đáp ứng các nhu cầu kinh tế và hành chính của thuộc địa trong các ban kỹ thuật, sẽ cố gắng hướng dẫn tinh thần khoa học và phương pháp học tập và nghiên cứu hiện đại cho những người xuất sắc và những người châu Á ở các nước láng giềng. Trường đại học sẽ cố gắng tạo nên ở Đông Dương một trung tâm văn hoá Âu châu, như vậy sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy sự phát triển tri thức của những người dân được chúng ta bảo hộ...".(4)

Phòng thí nghiệm của ĐH Đông Dương những năm 1930 của thế kỷ XX. Ảnh chụp lại của ThS Nguyễn Anh Thu tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại Cộng hòa Pháp.

Theo đề nghị của Hội đồng, ngày 16. 5. 1906 Toàn quyền Paul Beau đã ký Nghị định về việc thành lập Đại học Đông Dương đặt trực tiếp dưới quyền của Toàn quyền Đông Dương và do một Hội đồng Quản trị (Conseil d’Administration) điều hành. Hội đồng này do Tổng Giám đốc Nha Học chính đứng đầu. Về cơ cấu tổ chức, theo Điều 7 của Nghị định nói trên thì Đại học Đông Dương gồm có 5 trường thành viên đều gọi chung là trường cao đẳng (ecole supộrieure),(5) là: Trường Luật và Hành chính (Ecole supộrieure de Droit et Administration), Trường Khoa học (Ecole supộrieure des Sciences), Trường Y khoa (Ecole supộrieure de Mộdecine), Trường Xây dựng dân dụng (Ecole supộrieure du Génie Civil) và Trường Văn khoa (Ecole supộrieure des Lettres). Trong 5 trường nói trên thì Trường Khoa học và Trường Văn khoa là các trường thành lập mới hoàn toàn, còn ba trường kia thực chất là các trường đã được thành lập từ trước, nay được sáp nhập vào Đại học Đông Dương. Các trường thành viên này không tồn tại biệt lập với nhau, mà được Hội đồng Quản trị thống nhất điều hành cả về mặt hành chính và chuyên môn. Để đảm bảo tính liên thông và phối hợp giữa các trường thành viên, Điều 5 của Nghị định ghi rõ: “mỗi sinh viên được ghi tên vào một trường, nhưng sẽ có một số môn học chung (cours communs) cho hai hoặc nhiều trường”. Ngoài ra, Đại học Đông Dương cũng có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu đã và sẽ được thành lập ở Đông Dương (Điều 3). Ngày 10/11/1907 lễ khánh thành Đại học Đông Dương đã được tổ chức long trọng tại Hà Nội, và ngay sau đó năm học đầu tiên được khai giảng với tổng số 193 sinh viên, trong đó có 94 sinh viên mới được tuyển chọn, 37 sinh viên năm thứ nhất của Trường Y khoa. Trong năm học đầu tiên chính quyền Pháp đã đầu tư cho Đại học Đông Dương trên 15.000 đồng bạc Đông Dương (piastres) để mua sắm trang thiết bị, lập thư viện, trả lương cho bộ máy quản lý và các giáo viên.

Như vậy là Đại học Đông Dương không chỉ được quyết định thành lập bằng các văn bản pháp lý mà thực sự đã được từng bước hoàn thiện về nguyên tắc, cơ cấu tổ chức, quản lý và đã thực sự đi vào hoạt động. Mô hình trường đại học hiện đại đa ngành, đa lĩnh vực đã được xác lập trên thực tế.

Tuy nhiên, hoạt động của Đại học Đông Dương gặp không ít khó khăn, trước hết là áp lực từ các thế lực thực dân bảo thủ. Trong gần 10 năm tiếp theo chỉ có một số trường thành viên tiếp tục đào tạo. Đến cuối năm 1917, Toàn quyền Albert Sarraut đã quyết định cải cách giáo dục lần thứ hai bằng việc ban hành bộ “Học chính tổng quy” (Rốglement gộnộral de l’Instruction publique), chia nền giáo dục ở Việt Nam làm 3 cấp, đồng thời khẳng định lại cơ cấu và nguyên tắc hoạt động của Đại học Đông Dương trên một tầm cao mới. Bên cạnh các trường thành viên cũ từng bước được nâng cao chất lượng đào tạo, một loạt các trường thành viên mới được thành lập. Cho đến trước Thế chiến thứ II, Đại học Đông Dương có tất cả 14 trường thành viên, trong đó Trường Y khoa và Trường Luật được tương đương trường đại học bên Pháp và sinh viên tốt nghiệp được nhận Bằng tốt nghiệp Quốc gia (Diplôme d’Etat), ngang với văn bằng của các trường đại học ở Pháp.

Như vậy là cho đến trước Cách mạng tháng Tám, Đại học Đông Dương đã là một đại học có uy tín ở Viễn Đông, có quy mô đào tạo đạt tới hơn 1000 sinh viên/năm. Một số ngành đạt chất lượng quốc tế.

2. Đại học Quốc gia Việt Nam tiếp nối truyền thống học thuật trên tầm cao mới

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ "giặc dốt" là một trong ba thứ kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc ta lúc đó. Tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 29/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị “ thông cáo rằng Chính phủ sắp mở cửa lại Trường Đại học”. Sau đó Hội đồng Chính phủ đã quyết nghị: “Đến ngày 15-11-1945, Trường Đại học sẽ mở cửa.(6) Điều cần nhấn mạnh ở đây là Hồ Chủ tịch và Hội đồng chính phủ VNDCCH quyết định "mở cửa lại Trường Đại học" chứ không phải là thành lập một trường đại học mới nào đó. "Trường Đại học" được nói tới ở đây chính là Đại học Đông Dương, vì trước đó chưa có bất cứ một thiết chế giáo dục nào khác có danh xưng là "Trường Đại học" trên toàn cõi Việt Nam.

Hồ Chủ Tịch với cán bộ sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ảnh: TL

Trong các phiên họp tiếp theo, Hội đồng Chính phủ tiếp tục bàn bạc kỹ, chuẩn bị các điều kiện để năm học đầu tiên có thể bắt đầu. Ngày 10/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 44/SL thành lập Hội đồng Cố vấn học chính do Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục Vũ Đình Hoè làm Chủ tịch. Trong khuôn khổ của Bộ Quốc gia giáo dục, Đại học vụ cũng được thành lập, do ông Nguyễn Văn Huyên làm Giám đốc, trực tiếp chuẩn bị các điều kiện tổ chức hoạt động của Trường Đại học. Cũng trong ngày hôm đó, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 45/SL thành lập Ban Đại học Văn khoa nằm trong Trường Đại học, do ông Đặng Thai Mai làm Giám đốc. Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 15/11/1945, Trường Đại học đã long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học đầu tiên dưới chế độ mới tại Giảng đường lớn của Toà nhà chính của Đại học Đông Dương cũ, tại số 19 Lê Thánh Tông. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ toạ buổi lễ, có một số quan khách quốc tế đến dự.

Cũng từ buổi lễ khai giảng này Trường Đại học này chính thức mang tên là Trường Đại học Quốc gia Việt Nam. Trong năm học đầu tiên nhà trường có 5 ban là: Y khoa, Khoa học, Văn khoa, Chính trị xã hội và Mỹ thuật. Đây là những ngành học được mở lại theo quyết nghị của phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 4.10.1945. Như vậy Trường Đại học Quốc gia Việt Nam vẫn kế thừa mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực của Đại học Đông Dương.

Tại buổi lễ khai giảng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao bằng tốt nghiệp của chế độ mới cho những sinh viên cũ của ĐHĐD vừa hoàn thành chương trình đào tạo trước đó bị tạm thời gián đoạn bởi cuộc đảo chính Nhật- Pháp (9.3.1945). Đây là một bằng chứng hiển nhiên nữa cho thấy ngay từ ngày đầu tiên Trường Đại học Quốc gia Việt Nam đã được nhìn nhận, xây dựng trên cơ sở kế thừa, tiếp nối liên tục Đại học Đông Dương. Đồng thời đây cũng là một quyết định có tầm văn hoá cao của chính quyền cách mạng do Hồ Chí Minh đứng đầu.

Tuy nhiên Trường Đại học Quốc gia Việt Nam không chỉ kế thừa giản đơn mô hình và cơ cấu tổ chức của Đại học Đông Dương. Bản chất của chế độ mới đã mang lại cho nó sứ mệnh mới, mục đích đào tạo mới, và do đó, nội dung chương trình đào tạo ở một số ban, nhất là các ban Văn khoa, Chính trị Xã hội và Mỹ thuật đã được thay đổi triệt để. Tham gia giảng dạy ở tất cả các ban là các giáo sư người Việt Nam, bên cạnh đó còn có cả các nhà văn hoá, nhà hoạt động chính trị – xã hội, trong đó có cả Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp ...

Theo báo cáo của Bộ trưởng Vũ Đình Hoè tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 21.11.1945, năm học đầu tiên tất cả các ban đại học có 1.149 sinh viên đăng ký chính thức và 270 sinh viên dự thính, riêng ban Văn khoa có 253 sinh viên và ban Chính trị xã hội có 529 sinh viên.(7)

Sau đó, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tuy điều kiện chiến tranh không cho phép ta tổ chức đào tạo tập trung, quy củ, nhưng tại Việt Bắc và vùng tự do Thanh – Nghệ Tĩnh một số cơ sở đào tạo đại học đã sớm được tổ chức lại để kịp thời phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Đến cuối năm 1951, với việc thành lập Khu học xá Trung ương trên đất Trung Quốc thì ba trung tâm giáo dục đại học của chế độ mới đã hình thành và hoạt động khá hiệu quả, vừa phục vụ đắc lực yêu cầu cấp thời của cuộc kháng chiến thần thánh, vừa tích cực chuẩn bị cơ sở cho nền giáo dục đại học Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc. Tham gia giảng dạy tại các trung tâm đại học này, bên cạnh một số trí thức được đào tạo ở nước ngoài, phần đông giáo viên đều là cựu giáo viên hoặc sinh viên của Đại học Đông Dương và Trường Đại học Quốc gia Việt Nam.

3. Đại học Quốc gia Hà Nội kế thừa truyền thống, hướng tới tương lai

Sau Hiệp định Genève (7.1954) hoà bình lập lại, miền Bắc nước ta được giải phóng, bắt đầu công cuộc xây dựng CNXH, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Trên cơ sở các trung tâm đại học mới chuyển về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, một số trường đại học được mở cửa để đón nhận số sinh viên từ vùng tự do vào và một số sinh viên ở lại của vùng mới được giải phóng, như Trường Đại học Sư phạm Văn khoa, Trường Đại học Sư phạm Tự nhiên và Trường Đại học Y Dược. Ngày 4/6/1956 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2183/PC thành lập 5 trường đại học và 15 trường trung học chuyên nghiệp, trong đó có Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cho đến cuối thế kỷ 20, hơn 100 trường đại học được thành lập tại cả nước. Đây là thời kỳ trên thế giới cũng như ở Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhiều trường đại học mới được thành lập, chủ yếu là các trường đại học chuyên ngành. Bên cạnh đó, hệ thống các trường đại học tổng hợp ra đời và phát triển với nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực khoa học cơ bản.

Lễ kỷ niệm 60 năm nền giáo dục đại học Cách mạng Việt Nam (15/11/2005) tại ĐHQGHN. Trong ảnh là GS. Vũ Đình Hòe nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1945. Ảnh: Bùi Tuấn

Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là đơn vị kế thừa trực tiếp Trường Đại học Quốc gia Việt Nam. Ngoài cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức và truyền thống học thuật, nhiều nhà giáo, nhà khoa học đầu tiên, những người đã xây nền đắp móng, tạo dựng truyền thống học thuật vẻ vang của Trường ĐHTH HN đã được đào tạo và trưởng thành từ Đại học Đông Dương và Đại học Quốc gia Việt Nam, hay được đào tạo ở nước ngoài về. Có thể kể ra một số tên tuổi tiêu biểu nhất trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như Nguỵ Như Kontum, Lê Văn Thiêm, Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo... Trải qua gần 4 thập kỷ phát triển, Trường ĐHTH HN đã có những đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là trường đại học khoa học cơ bản hàng đầu của cả nước.

Đến cuối thế kỷ 20, nhân loại đang tiến vào kỷ nguyên cách mạng khoa học công nghệ và kinh tế tri thức. Trong bối cảnh đó, năm 1993 Chính phủ quyết định thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) nhằm tạo tiền đề cho những chuyển biến tích cực mang tính đột phá, đáp ứng nhu cầu của công cuộc phát triển đất nước trong tình hình mới. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà ĐHQGHN lại được xây dựng dựa trên cơ sở sáp nhập một số trường đại học lớn ở Hà Nội, mà nòng cốt là Trường ĐHTH HN. Đây chính là sự tiếp tục khẳng định mô hình đại học hiện đại đa ngành, đa lĩnh vực trên cơ sở tiếp nối truyền thống học thuật được khởi đầu từ ĐHĐD và phát huy truyền thống đó trên một tầm cao mới.

Niềm vui nhận bằng tốt nghiệp của sinh viên ĐHQGHN. Ảnh: Bùi Tuấn

Nhìn lại hành trình lịch sử 100 năm từ ĐHĐD đến ĐHQGHN có thể thấy tính kế thừaliên tục phát triển là đặc điểm xuyên suốt, nổi bật, không chỉ được thể hiện rõ trong sự khẳng định một mô hình, sự tiếp nối truyền thống học thuật, mà còn chính là thái độ tôn trọng lịch sử, ở tầm cao văn hoá đậm chất trí tuệ, nhân văn được khởi đầu với quyết định “mở cửa lại” Trường Đại học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhận diện và đánh giá đúng lịch sử chính là cơ sở để một trung tâm đại học như ĐHQGHN vững bước tới tương lai.

Hà Nội, tháng 5 năm 2006


(1) Centre des Archives d’Outre-Mer à Aix-en Provence (CAOM), fonds du Gouvernement général de l’Indochine - GGI, hồ sơ: 48.042.

(2) Direction de l’Instruction Publique – C. Mus, Directeur de l’Ecole supérieure de Pédagogie de l’Université Indochinoise: “La Premiốre Université Indochinoise”, Hanoi, Imprimerie G. Taupin & Cie, 1927, tr. 2.

(3)La Première Université Indochinoise”, Sđd, tr. 2.

(4) Journal officiel de l’Indochine francaise (JOIF) , 11-6-1906, tr. 807.

(5) Trong tiếng Pháp lúc đó ecole supérieure cũng có thể hiểu là trường đại học, như trường Cao đẳng Sư phạm ở Paris (Ecole Normale Supérieure) là một trường đại học danh tiếng của nước Pháp.

(6) Biên bản họp Hội đồng Chính phủ, ngày 22.9.1945. Tài liệu sưu tầm tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

(7) Biên bản Hội đồng Chính phủ họp ngày 21 - 11 - 1945, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Hà Nội.

Bài liên quan: Có phải Đại học Quốc gia Hà Nội đã được thành thành lập từ cách đây 100 năm?

 GS. NGND. Đinh Xuân Lâm - Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :