Tham gia hội thảo có một số nhà giáo dục lão thành đã đóng góp nhiều công sức vào sự nghiệp xây dựng nền đại học Việt Nam, nhiều nhà sử học với những nguồn tài liệu lưu trữ qua các thời cùng một số giáo sư, nhà khoa học đã từng nhiều năm gắn bó với trường. Các ý kiến được trình bày và trao đổi nghiêm túc trên tinh thần khoa học chủ yếu xoay quanh mốc thời gian mở đầu cho sự kế thừa đó.
Hầu như không có vấn đề băn khoăn về đoạn nối giữa Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN) (1956) với ĐHQGHN (1993) vì đó là sự tiếp tục trên yêu cầu cao hơn của công tác đào tạo đại học để thành lập một Đại học đa ngành, đa lĩnh vực có chất lượng cao theo xu thế chung của thế giới.
|
GS. Vũ Dương Ninh |
Ngược trở lại thời gian về năm 1906, có ý kiến phân vân là việc thành lập ĐHDD do chính quyền thuộc địa quyết định nhằm phục vụ cho chính sách cai trị thực dân. Cũng có ý kiến cho rằng hoạt động của ĐHĐD chỉ là “hữu danh vô thực”. Các tài liệu lưu trữ đã cho thấy nội dung giảng dạy, phân nhiệm giảng viên, xây dựng giảng đường và khu Đông Dương học xá là những việc làm thực chất và có hiệu quả nhất định (1). Tất nhiên, ở một xứ sở thuộc địa và lại trong giai đoạn đầu xây dựng thì quy mô tổ chức và chất lượng đào tạo không thể như ở chính quốc được. Song nhìn toàn diện thì nên thấy rằng việc thành lập ĐHĐD dẫu sao cũng đánh dấu sự kiện lần đầu tiên du nhập vào nước ta một hệ thống giáo dục đại học theo kiểu phương Tây, một mô hình hiện đại. Bao giờ cũng vậy, giáo dục, văn hoá và khoa học thường được sử dụng cho một mục đích nhất định của giai cấp thống trị, của chính quyền đương thời. Cho nên không nên quên ý đồ của chính quyền Pháp trong công việc này. Song nội dung cốt lõi của giáo dục, văn hoá và du lịch trước sau vẫn là tài sản trí tuệ của nhân loại không thể phủ nhận. Do vậy, trên cơ sở ban đầu còn rất nhỏ bé và tản mạn của ĐHĐD, sau ngày Độc lập, các trường đại học Việt Nam với nội dung dân tộc và cách mạng đã xây dựng nên một hệ thống đại học như ngày nay. Hơn nữa, từ hệ thống đào tạo ĐHĐD đã xuất hiện nhiều nhà yêu nước, nhiều nhà khoa học, nghệ thuật có đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng và giáo dục sau này. Đương nhiên đây là hệ quả nằm ngoài tầm với của chủ nghĩa thực dân.
|
Một giờ học môn Vật lý tại Đại học Đông Dương những năm 1930 của thế kỷ XX. Ảnh Tư liệu do TS. Đào Thị Diến - Trung tâm lưu trữ Quốc gia I cung cấp |
Có ý kiến nhấn mạnh ngày 15/11/1945 với sự kiện quan trọng là Lễ khai giảng đầu tiên của Đại học dưới chế độ Dân chủ Cộng hoà, Đại học của nhà nước độc lập. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đã tới dự, Trong những bài phát biểu tại lễ khai giảng, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên gọi là Đại học Quốc gia Việt Nam (ĐHQGVN). Với ý nghĩa trọng đại của sự kiện đó, hiện nay ĐHQGHN đã quyết định lấy ngày 15/11 hàng năm làm Ngày truyền thống của nhà trường. Trong mấy năm qua, Ngày truyền thống 15/11 thường kết hợp với Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 được tổ chức trọng thể để nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc dạy và học đã tạo nên một không khí sôi nổi trong nhà trường.
Nhưng lưu ý rằng Quyết nghị của Hội đồng chính phủ là “Đến ngày 15/11/1945, Trường Đại học sẽ mở cửa” (2) và Nghị định của Bộ trưởng bộ Quốc gia giáo dục ghi rõ “Bát đầu từ ngày 15 tháng 11 năm 1945 sẽ khai giảng tại Hà Nội những trường Đại học và Cao đẳng kể tên dưới đây…” (3). Như vậy, ngày 15/11/1945 là ngày “mở cửa”, ngày “khai giảng” các trường Đại học và Cao đẳng vốn có ở Hà Nội, do thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai phải đóng cửa. Điều trên mặc nhiên coi các trường đại học và cao đẳng năm 1945 là sự tiếp nối hệ thống Đại học Đông Dương.
|
Khu học xá Đông Dương ngày mới xây dựng xong |
Cũng trong thời gian này, ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sẵc lệnh “thiết lập Ban Đại học Văn khoa” và kèm theo đó là nghị định do Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục Vũ Đình Hoè ký về hoạt động của Đại học Văn khoa. Như vậy, nếu trong ĐHĐD đã có Cao đẳng Luật và Pháp chính, Cao đẳng Văn chương thì đến nay việc thiết lập Ban Đại học Văn khoa đã xác định ngành khoa học xã hội nhân văn là một thành phần quan trọng trong cơ cấu của ĐHĐD và sau đó là ĐHQGVN.
Cuộc kháng chiến bùng nổ, sinh viên lên đường chiến đấu, các trường đại học không thể hoạt động được. Vài năm sau, do nhu cầu của công cuộc kháng chiến, giáo dục cũng là một mặt trận nên một số trường lớp Đại học được mở từ khu IV đến Việt Bắc và Khu học xá Nam Ninh. Trở về Thủ đô giải phóng, nhiều trường đại học lần lượt được thành lập, đặc biệt là 5 trường lớn: Y Dược, Sư phạm, Tổng hợp, Bách Khoa, Nông Lâm. Trường ĐHTHHN đã thu hút nhiều giáo sư, giảng viên của các cơ sở đào tạo từ các trường khoa học cơ bản (về tự nhiên và xã hội) vùng kháng chiến, thêm một số trí thức từ nước ngoài về. Như vậy, ĐHTHHN vẫn tiếp tục theo hướng của một đại học khoa học cơ bản mà về đội ngũ và cơ sở vật chất được tiếp thụ từ các cơ sở đào tạo trước đó. Và đến 1993, sự thành lập ĐHQGHN là một sự chuyển biến về chất cả bề rộng lẫn bề sâu.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa buổi khai giảng Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 15/11/1945 tại giảng đường ĐH Đông Dương |
Nhắc lại quá trình đó để thấy một sự phát triển khá liền mạch trong 100 năm qua từ ĐHĐD đến ĐHQGHN. Đương nhiên, do sự thay đổi chế độ từ thuộc địa đến độc lập, sự thay đổi hoàn cảnh từ kháng chiến đến hoà bình nên không thể có một sự chuyển tiếp bài bản từ đại học này sang đại học khác, không tránh khỏi có một vài năm bị ngát quãng như trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến. Đó là tình trạng chung của một đất nước đầy biến động.
Khi thành lập ĐHQGHN với tĩnh chất của một đại học khoa học cơ bản, đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm nhiều trường và khoa thành viên thì chính là bước đi đúng theo mô hình của một Université có tính phổ cập trên thế giới, để hội nhập vào nền giáo dục quốc tế. Nhìn lại lịch sử giáo dục Việt Nam thì sự thành lập ĐHĐD năm 1906 nên được coi như bước đi đầu tiên của mô hình đại học đó. Và như vậy tính kế thừa là hợp lẽ.
|
Trên công trường xây dựng ĐHQGHN (Dự án bước I) tại 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội | |
|
Hoàn thiện xây dựng nhà điều hành ĐHQGHN tại 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội | |
Chú thích
(1) Tham khảo Đào Thị Diến: Sự ra đời của Đại học Đông Dương qua tài liệu lưu trữ. Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội, số 180 (2/2006), tr.42-45
(2) và (3): Việt Nam dân quốc công báo, số 4 ngày 20/10/1945, tr. 45-46
|