Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài đáp ứng chờ đợi của những người giảng dạy và học tập tiếng Việt
Ngày 01/9/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 17/2015/TT-BGDĐT về việc ban hành Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài. Văn bản này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/10/2015.
Sinh viên nước ngoài trong buổi kiểm tra thử trình độ theo phương thức mới tại Trường ĐHKHXH&NV
Ảnh: Hương Giang
Thông tư đã mở ra những điều kiện mới cho việc dạy - học - đánh giá năng lực tiếng Việt (với tư cách là ngôn ngữ thứ hai). Nhân dịp này, chúng tôi đã có dịp trao đổi với GS.TS Vũ Đức Nghiệu, một thành viên trong nhóm chuyên gia Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN trực tiếp tham gia xây dựng “Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài” trong văn bản nêu trên.
- Thưa ông, tiếng Việt với tư cách ngoại ngữ cho người nước ngoài đã được giảng dạy từ lâu trong các cơ sở giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 17/2015/TT-BGDĐT thì lần đầu tiên hệ thống giáo dục Việt Nam có Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài. Trong vai trò một người nghiên cứu, giảng dạy về ngôn ngữ học, Việt ngữ học và tiếng Việt, cảm nghĩ của Giáo sư về việc ban hành Thông tư này như thế nào?
Đúng như chị nói, việc giảng dạy tiếng Việt với tư cách là một ngoại ngữ, đã có từ lâu trong các cơ sở giáo dục, đào tạo trong và ngoài nước, nhưng một bộ khung chung được quy định một cách hiển ngôn, chính thức về mặt nhà nước, để đánh giá năng lực tiếng Việt đạt được của học viên, thì bây giờ chúng ta mới làm.
Điều này, từ lâu, những người dạy tiếng Việt - ngôn ngữ thứ hai - đã mong muốn.
Bây giờ, Bộ giáo dục và Đào tạo, cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về giáo dục của ta ban hành thông tư và khung năng lực này thì tôi và chắc các đồng nghiệp khác cũng vậy, thấy mừng, vì trong công việc của mình có thêm một công cụ chung để soi chiếu, đo đạc, đánh giá các việc hữu quan.
Thông tư 17/2015/TT-BGDĐT sẽ góp phần làm cho việc tổ chức, quản lý, trong giảng dạy và kiểm tra đánh giá tiếng Việt - ngôn ngữ thứ hai, dần trở nên chuyên nghiệp và quy chuẩn hơn hơn.
- Ông có thể cho biết: đội ngũ các nhà khoa học đã có những đóng góp cụ thể như thế nào đối với quá trình xây dựng Thông tư số 17/2015/TT-BGDĐT?
GS.TS Vũ Đức Nghiệu - Ảnh: Thành Long
Tôi không đánh giá “đóng góp” hiểu theo nghĩa là công lao, vai trò; mà chỉ muốn nói là: khi được Bộ yêu cầu, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã cử nhóm chúng tôi trực tiếp tham gia với một số cán bộ hữu trách ở Bộ giáo dục và Đào tạo để xây dựng Khung năng lực này. Nhờ vốn liếng tích lũy lâu nay, chúng tôi nhanh chóng tập trung tối đa thời gian để cùng bàn thảo, nghiên cứu và xây dựng, rồi tham khảo rất nhiều ý kiến thảo luận luận hữu quan, rồi chỉnh sửa rất nhiều lần, để có được văn bản như Bộ đã công bố.
- Ông có thể cho biết Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài sẽ tác động cụ thể ra sao đối với công tác dạy - học - đánh giá của các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước?
Thực tế thì khung năng lực có thể được hiểu như là cái “chuẩn đầu ra” được xây dưng trên cơ sở một quan niệm chung, một chuẩn chung.
Dựa vào đó, có nhiều việc mà công tác dạy và học tiếng, nhất là việc giảng dạy và kiểm tra - đánh giá, phải làm; ví dụ, phải xây dựng hoặc rà soát, hiệu chỉnh chương trình giảng dạy, tổ chức học liệu, tổ chức và quản lý giảng dạy, phương pháp giảng dạy… để cùng theo cái thước đo chung đó.
Làm như vậy thì chúng ta sẽ đi tới cái chuẩn đo chung và “thông nhau” được kết quả, sản phẩm đầu ra (ý tôi muốn nói là năng lực tiếng Việt và đánh giá năng lực tiếng Việt có được của học viên) giữa các cơ sở đào tạo.
Trước đây, việc kiểm tra đánh giá cũng vẫn có chuẩn của nó chứ không phải là không có. Nhưng đấy là “những” chuẩn chưa đồng bộ, tính thống nhất chưa cao giữa các cơ sở đào tạo, vì chưa có một bộ khung đo được quy định chung.
Bên cạnh đó, khi xây dựng khung năng lực tiếng Việt, chúng tôi tham khảo khung tham chiếu châu Âu (CEF - TheCommon European Framework of Reference for Languages) để thiết kế sao cho cấu trúc hình thức và cấu trúc nội dung của khung năng lực tiếng Việt tương thích với cấu trúc của khung tham chiếu đó, nhằm bảo đảm thuận tiện cho so sánh, đánh giá.
- Được biết, trong năm 2014, Giáo sư là người chủ trì đề tài khoa học cấp ĐHQGHN “Xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá trình độ tiếng Việt của học viên quốc tế”. Có điều gì chung giữa Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài do Bộ ban hành với Bộ tiêu chuẩn của ĐHQGHN không ạ?
“Bộ tiêu chuẩn đánh giá trình độ tiếng Việt của học viên quốc tế” mà ĐHQGHN, Trường ĐHKHXH&NV giao cho chúng tôi xây dựng và đã thực hiện xong năm 2014 và “Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài” do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, không phải là một. Nhưng cả hai đều được xây dựng trên những quan điểm và nguyên tắc chung.
Về những điểm chung, có thể nói có sự chung về quan điểm và chung về nguyên tắc.
Một, chung quan điểm. Cụ thể là:
Quan điểm toàn diện: Mức độ thành thạo tiếng Việt gồm nhiều mặt. Bộ tiêu chuẩn phải bảo đảm đánh giá mức độ thành thạo đó một cách toàn diện qua đánh giá các năng lực của họ: năng lực giao tiếp tiếng Việt; hiểu và vận dụng những hiểu biết về văn hoá Việt Nam vào cuộc sống giao tiếp; có khả năng kết nối, dùng tiếng Việt trong những ngành chuyên môn, lĩnh vực khác nhau; hiểu biết, phát triển năng lực tiếng Việt và văn hoá Việt Nam qua so sánh, đối chiếu với bản ngữ và văn hóa riêng của họ; khả năng sử dụng được tiếng Việt trong và ngoài trường đại học, chuyên nghiệp; sử dụng tiếng Việt cho sở thích cá nhân và nghề nghiệp.
Quan điểm hệ thống:Năng lực tiếng Việt được hiểu là gồm một chuỗi các thành tố: năng lực ngôn ngữ (tiếng Việt); năng lực văn bản tạo ra văn bản (cũng gọi là tạo sinh văn bản) và tiếp nhận, hiểu được văn bản; năng lực thực hiện hành vi ngôn ngữ; năng lực ngôn ngữ xã hội; năng lực thực hiện “chiến lược giao tiếp”.
Hai, chung nguyên tắc. Có năm nguyên tắc được thực hiện chung trong Bộ tiêu chuẩn và Khung năng lực.
Thứ nhất lànguyên tắcphù hợp: Các tiêu chí đánh giá năng lực tiếng Việt phải phù hợp với xu thế đánh giá năng lực ngôn ngữ của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thứ hai là nguyên tắckhả thi:Theo nguyên tắc này, việc đánh giá cần theo hướng gọn, nhẹ, thuận lợi khi triển khai.
Các tiêu chí cần phù hợp với hệ thống đánh giá năng lực tiếng Việt tại các cơ sở đào tạo. (Tuy nhiên, các tiêu chí cũng không nên chỉ trói chặt vào tính hệ thống mà cần hướng tới sự hoàn thiện của chương trình đào tạo theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để dễ bề thực hiện liên thông với quốc tế).
Thứ ba là nguyên tắcnhất quán: Các tiêu chí đánh giá phải nhất quán trong nội bộ của bộ tiêu chuẩn, tránh mâu thuẫn.
Thứ tư là nguyên tắccó trọng tâm: Các tiêu chí đánh giá phải phản ảnh những vấn đề có tính quan trọng quyết định đối với năng lực tiếng Việt của học viên, nhất là những vấn đề đặc thù của tiếng Việt. Vì vậy, trọng tâm kiểm tra đánh giá trong Bộ tiêu chuẩn và Khung năng lực là việc thực hiện các hành vi giao tiếp.
Thứ năm là nguyên tắccó khả năng phân loại:Theo nguyên tắc này,Bộ tiêu chuẩn phân biệt 6 cấp độ: A1 - A2 - B1 - B2 - C1 - C2; mỗi cấp độ có những tiêu chí riêng về năng lực. Khung năng lực cũng chia thành 6 cấp, 3 trình độ tương ứng như thế.
- Thưa Giáo sư, thế thì có điều gì khác biệt giữa Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài do Bộ ban hành với Bộ tiêu chuẩn của ĐHQGHN không ạ?
Tất nhiên là có chứ. Bộ tiêu chuẩn được tập trung xây dựng và hoàn thành vào giữa năm 2014. Nó có khác về tổ chức cấu trúc so vớiKhung năng lực mà Bộ vừa ban hành.
Trong Bộ tiêu chuẩn của ĐHQGHN, các năng lực ngôn ngữ được thể hiện và diễn giải bằng một hệ thống 10 tiêu chuẩn, gồm trong đó 51 tiêu chí. Cụ thể là:
Tiêu chuẩn 1: Năng lực ngôn ngữ (kiến thức về tiếng Việt - 5 tiêu chí)
Tiêu chuẩn 2: Năng lực tổ chức và xử lý văn bản (2 tiêu chí)
Tiêu chuẩn 3: Năng lực nghe hiểu (6 tiêu chí)
Tiêu chuẩn 4: Năng lực đọc hiểu (5 tiêu chí)
Tiêu chuẩn 5: Năng lực tương tác lời nói miệng (9 tiêu chí)
Tiêu chuẩn 6: Năng lực tương tác viết (3 tiêu chí)
Tiêu chuẩn 7: Năng lực tạo sinh lời nói miệng (5 tiêu chí)
Tiêu chuẩn 8: Năng lực tạo sinh văn bản viết (3 tiêu chí)
Tiêu chuẩn 9: Năng lực chiến lược giao tiếp (7 tiêu chí)
Tiêu chuẩn 10: Năng lực giao tiếp và ngôn ngữ xã hội (6 tiêu chí)
Khung năng lực tập trung vào 4 kỹ năng. Các năng lực tiếng Việt được tích hợp trong miêu tả và diễn giải theo 4 kỹ năng đó.
- Vì sao có sự khác biệt như thế và có gì trái ngược nhau giữa Bộ tiêu chuẩn và Khung năng lực không ạ ?
Có khác biệt và lý do của khác biệt, nhưng không trái nhau, mà thống nhất. Nếu nói về chuyên môn thì dài lắm.
Tôi xin trả lời vắn tắt thế này:
Như trên tôi đã nói, Khung năng lực do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bảo đảm yêu cầu tương thích về cấu trúc hình thức và cấu trúc nội dung với khung năng lực các ngoại ngữ mà Bộ đã ban hành. Tiếng Việt mà ta giảng dạy và/hoặc đánh giá (đang nói tới ở đây) là tiếng Việt-ngoại ngữ, nên việc bảo đảm tính thống nhất như thế là cần thiết. Vì thế, mô hình năng lực giao tiếp ngôn ngữ được sử dụng trong thiết kế khung đánh giá theo Khung năng lực tương thích với khung đánh giá việc giảng dạy và kiểm tra đánh giácác ngôn ngữ châu Âu.
Ở Bộ tiêu chuẩn thì vừa căn cứ chủ yếu vào khung lý luận trong mô hình của CEF, vừa đồng thời tham khảo mô hình Canale và Swain, mô hình của Bachman và Palmer, chúng tôi xây các tiêu chuẩn và tiêu chí cụ thể dựa trên cơ sở lý thuyết về năng lực tiếng Việt.
Theo đó, có những điểm được mở rộng ra, có điểm được tích hợp lại. Khi xây dựng Khung năng lực do Bộ ban hành chúng tôi đã tích hợp hầu hết các nội dung tiêu chuẩn, tiêu chí vào bốn kỹ năng: nói, nghe, đọc, viết để đảm báo tính thống nhất của nó, như tôi đã nói bên trên.
- Nhóm chuyên gia của Giáo sư và nhóm chuyên gia công nghệ thông tin của ĐHQGHN đã cùng nhau xây dựng phần mềm Vietest và đã tổ chức kiểm tra đánh giá thử thành công. Vậy khi nào thì những người nước ngoài có thể được kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Việt bằng phương thức kiểm tra đánh giá này?
Đúng là chúng ta đã có phần mềm Vietest do các chuyên gia công nghệ thông tin của ĐHQGHN xây dựng; và chúng tôi đã tổ chức kiểm tra đánh giá thử thành công tốt đẹp. Nhưng trước khi đưa vào vận hành chính thức, thì cũng như từ sản xuất labô đến triển khai chính thức trong thực tế, có rất nhiều việc phải làm.
Bộ tiêu chuẩn hay Khung năng lực là cái chuẩn đầu ra để theo đó mà đánh giá. Còn muốn thực hiện đánh giá thì phải có cơ sở dữ liệu, có các bộ đề bài kiểm tra (phải có càng nhiều càng tốt) theo những yêu cầu khá phức tạp cả về số lượng, chất lượng, định dạng nội dung, định dạng hình thức, tính hệ thống, tính đồng đều …
Chúng ta đã có rồi, “vốn liếng” cũng khá dày dặn, nhưng anh em chúng tôi vẫn muốn tiếp tục hoàn thiện thêm cho tốt hơn trước khi đưa vào vận hành chính thức. Chắc không còn phải đợi lâu nữa.
- Xin Giáo sư cho hỏi thêm điều này: nguồn lực để thực hiện các công việc này như thế nào ạ?
Nguồn lực mà các công việc này đòi hỏi thì lớn lắm. Nhân lực và tài lực. Nếu so với ở nước ngoài người ta làm thì tôi không thể nói được đâu; mà chúng ta cũng không có điều kiện, không thể yêu cầu những điều kiện như người ta được.
Tuy nhiên khi thực hiện đề tài nghiên cứu Xây dựngBộ tiêu chuẩn đánh giá trình độ tiếng Việt của học viên quốc tế, chúng tôi đã được Đại học Quốc gia Hà Nội đầu tư kinh phí theo một đề tài nghiên cứu khoa học nhóm A rồi, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì quan tâm, khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều, nên anh em trong nhóm hết lòng làm việc vì trách nhiệm nghề nghiệp của mình và trách nhiệm đối với Đại học Quốc gia, với Trường, không kể gì cả. Và cuối cùng thì cái chúng ta cần, đã có.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư.
>>> (Video - VTV1) Chương trình Gõ cửa ngày mới - Gặp gỡ GS TS Vũ Đức Nghiệu nói về thi tiếng việt cho người nước ngoài