Đoàn đại biểu của ĐHQG TP.HCM do Phó Giám đốc Nguyễn Hội Nghĩa làm trưởng đoàn. Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn và Trưởng ban Đào tạo Nguyễn Đình Đức cùng chủ trì hội nghị. Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ, ĐHQGHN tổ chức Hội nghị đào tạo theo chuẩn đầu ra tiếp cận theo hướng CDIO với mong muốn cùng nhau đánh giá, trao đổi, chia sẻ trong công tác xây dựng và triển khai chương trình đào tạo (CTĐT) theo mô hình CDIO. Phó Giám đốc ĐHQGHN bày tỏ mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến, tập trung làm rõ những khó khăn, tồn tại của các đơn vị đào tạo trong quá trình xây dựng và thực hiện CTĐT theo mô hình CDIO; Những kinh nghiệm xây dựng CTĐT theo chuẩn đầu ra; Tổ chức thực hiện chương trình đào tạo theo đúng mô hình (đảm bảo không gian thực hành, giảng dạy và đánh giá học tập theo đúng nguyên tắc CDIO); Tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên; cải tiến liên tục chất lượng CTĐT và đánh giá CTĐT theo tiêu chuẩn CDIO; Các điều kiện hỗ trợ để áp dụng CDIO... Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, khởi nguyên, CDIO là một hệ thống phương pháp phát triển chương trình đào tạo kĩ sư, nhưng về bản chất, đây là quy trình đào tạo căn cứ đầu ra (outcome-based) để thiết kế chương trình đào tạo. Quy trình này được xây dựng đảm bảo tính khoa học và tính thực tiễn chặt chẽ. Vì vậy, về tổng thể, CDIO có thể áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau ngoài ngành đào tạo kĩ sư. Có xem CDIO là một giải pháp đổi mới phương thức tổ chức và quản lý đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội, trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo một cách hiệu quả. ĐHQGHN triển khai xây dựng chuẩn đầu ra theo CDIO lần đầu tiên năm 2009 với khởi đầu là thí điểm cho chương trình cử nhân kinh tế đối ngoại hệ chất lượng cao của Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN. Từ đó đến nay, ĐHQGHN luôn xem việc xây dựng chuẩn đầu ra theo CDIO là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung nguồn lực, tăng cường sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các cấp lãnh đạo từ ĐHQGHN đến các đơn vị. Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN nhấn mạnh, việc xây dựng và triển khai chương trình đào tạo theo chuẩn CDIO bước đầu làm thay đổi nhận thức, tư duy về cách thức xây dựng CTĐT của cán bộ quản lí các cấp, cán bộ giảng dạy. Đến hết 2013, toàn ĐHQGHN đã chuyển đổi được 99 CTĐT đại học, 129 CTĐT thạc sĩ và 102 CTĐT tiến sĩ theo chuẩn đầu ra. Một số CTĐT mới ban hành, do đã được xây dựng theo chuẩn đầu ta nên không phải tiến hành chuyển đổi. Trong khuôn khổ của Hội nghị, các đại biểu đến từ ĐHQG TP.HCM đã chia sẻ 5 tham luận về những kết quả và kinh nghiệm áp dụng CDIO, bao gồm: quá trình thực hiện và các kết quả đạt được trong triển khai đào tạo theo CDIO tại ĐHQG TP.HCM; Áp dụng CDIO đổi mới chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo theo hướng kiểm định ABET; Tăng cường năng lực giảng viên trong mô hình đào tọa CDIO; Những trải nghiệm giảng dạy và đánh giá sinh viên theo CDIO; Kết quả và kinh nghiệm áp dụng các chuẩn nghề nghiệp, chuẩn kiểm định, mô hình đào tạo tiên tiến trong việc đổi mới chuẩn đầu ta và chương trình giảng dạy tại Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM. Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Hội nghị đã đạt được những mục đích đề ra, song vẫn còn nhiều nội dung cần 2 ĐHQG tiếp tục có những nghiên cứu, bàn thảo chuyên sâu hơn nữa. Về tổng thể, CDIO có thể áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau ngoài ngành đào tạo kĩ sư, công nghệ. CDIO rất gần gũi với nghiên cứu. bởi trong môi trường đại học, nghiên cứu là một trong những hoạt động gắn bó mật thiết với chuẩn đầu ra. Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn lưu ý, kinh nghiệm của ĐHQG TP.HCM cho thấy, CDIO có thể áp dụng với khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, song đòi hỏi trong thực tiễn cần có bước đi mềm dẻo, linh hoạt. ĐHQG TP. HCM là một trong những cơ sở giáo dục đi đầu trong việc thực hiện mô hình CDIO ở Việt Nam. ĐHQG TP. HCM đã chính thức tham gia vào mạng lưới CDIO và thực hiện thành công mô hình CDIO đối với một số ngành đào tạo. ĐHQG TP. HCM áp dụng mô hình CDIO tổng thể, bài bản và thực chất song triển khai cách thận trọng với lộ trình phù hợp với thực tiễn cụ thể. Phó Giám đốc ĐHQGHN đề nghị các đơn vị đào tạo cần quan tâm hơn nữa đến thực hiện một cách toàn diện mô hình CDIO nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời hoàn thiện các khâu liên quan để đạt chuẩn đầu ra.
|