Tới dự Hội nghị về phía tỉnh Hà Giang có đồng chí Triệu Tài Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc tỉnh; về phía ĐHQGHN có PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc cùng các Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải, Lê Quân và Nguyễn Hồng Sơn, đại diện lãnh đạo Văn phòng và các ban chức năng. Chủ tịch UBND Tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn và Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì Hội nghị. Hai ông đồng thời đại diện cho địa phương và đại học kí kết văn bản hợp tác giai đoạn 2017 - 2022. Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị Đây là lần thứ 2 lãnh đạo cấp cao nhất của 2 bên cùng kí kết văn bản thỏa thuận hợp tác. Trước đó, văn bản thỏa thuận hợp tác đầu tiên được Giám đốc ĐHQGHN và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang kí kết hồi tháng 4/2011, trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư “Vì Hà Giang phát triển”. Theo đó, hai bên xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm triển khai hợp tác gồm: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao tri thức; Hỗ trợ chuyên môn nhằm bảo tồn và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; Tư vấn chính sách phát triển kinh tế xã hội. 1. Dấu ấn của quan hệ hợp tác Qua 6 năm triển khai kể từ lần đầu tiên kí kết văn bản thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên, ĐHQGHN đã tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho Hà Giang. Trong đó có 03 lớp đào tạo bậc đại học theo hình thức vừa học vừa làm; 02 lớp đào tạo bậc thạc sĩ; 07 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch; 01 lớp bồi dưỡng tiếng Anh và tổ chức 53 chuyên đề bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên thuộc các bộ môn khác nhau. Tại các cuộc họp sơ kết, lãnh đạo của ĐHQGHN và UBNC tỉnh Hà Giang cùng đánh giá, việc tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, tiết kiệm chi phí, thời gian cho học viên và tận dụng được cơ sở vật chất, nhân lực sẵn có của các cơ sở đào tạo tại địa phương. Với thế mạnh là một cơ sở giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước, ĐHQGHN làm đầu mối qui tụ các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, triển khai nhiều đề tài có ý nghĩa thực tiễn đối với Hà Giang. Trong đó phải kể đến cụm đề tài được thực hiện, làm cơ sở để xây dựng luận chứng kinh tế kỹ thuật phục vụ xây dựng quy hoạch công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Các nhà khoa học thuộc ĐHQGHN đã phối hợp cùng với Viện Địa lý thuộc Viện Hàn Lâm KHCN Việt Nam triển khai dự án “Nghiên cứu giảm thiểu tai biến trượt lở đất và lũ quét tại tỉnh Hà Giang trong mối liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu”. Đặc biệt, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã ghi dấu ấn đặc biệt trong những đề tài gắn với quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 310/QĐ-TTg ngày 07/02/2013 và đang được triển khai trong thực tiễn. ĐHQGHN hỗ trợ tỉnh Hà Giang xây dựng và triển khai đề án “Đồng văn 360o quảng bá du lịch Hà Giang qua mạng internet” (Đề án đã được phê duyệt theo quyết định số 2675/QĐ-UBND ngày 21/11/2013 và đã triển khai trong thực tế). Việc xây dựng Hệ thống tích hợp, cung cấp hình ảnh, video toàn cảnh 360 độ trên nền bản đồ số trực tuyến chính thức được đưa vào sử dụng từ ngày 1/8/2014 (tích hợp trên giao diện Website của Ban quản lý) đã mang lại hiệu quả trong công tác quảng bá hình ảnh và du lịch, giới thiệu trực quan các hình ảnh Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tới cộng đồng quốc tế. ĐHQGHN xây dựng và triển khai chương trình NCKH cấp nhà nước “Chương trình NCKH phục vụ phát triển bền vững các tỉnh khu vực Tây Bắc” từ 2012 đến nay trong đó 13 đề tài/nhiệm vụ trong tổng số 59 đề tài của Chương trình, đã được tổ chức triển khai, ứng dụng kết quả tại tỉnh Hà Giang . Kết quả triển khai các nhiệm vụ KHCN tại Hà Giang là thiết thực, có những tác động tích cực đổi với địa phương. Đặc biệt, ĐHQGHN đã nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ phát triển KT-XH bền vững đến cấp xã của tất cả các huyện/thành phố của tỉnh Hà Giang. 2. Nối dài những hợp tác Không dừng lại ở những hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn của địa phương, trên cơ sở phát huy thế mạnh và tiềm năng của ĐHQGHN, nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư và hội thảo có ý nghĩa tư vấn, phản biện, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ kiểm định các kết quả phân tích cho hoạt động khoa học công nghệ của địa phương. ĐHQGHN cùng ViettinBank hỗ trợ UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo khoa học và Diễn đàn đầu tư “Vì Hà Giang phát triển”, ngày 21/04/2011. Đây là cơ hội để Hà Giang quảng bá, giới thiệu những tiềm năng, lợi thế so sánh, các cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư cùng các dự án quan trọng cần thu hút vốn đến với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tiềm năng trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ hội tốt để tỉnh từng bước nâng tầm hợp tác và phối, kết hợp trong lĩnh vực đầu tư cũng như trong điều hành, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. ĐHQGHN, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Tỉnh uỷ Hà Giang tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc”, ngày 20/3/2015. Hội thảo thu hút sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các ban, ngành trung ương. Đây là hội thảo có quy mô lớn nhất về phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Hà Giang từ trước tới nay. Tại đây, Giám đốc ĐHQGHN đã trình bày báo cáo quan trọng về “Liên kết vùng - giải pháp đột phá phát triển kinh tế Hà Giang”. Với thế mạnh về hợp tác quốc tế rộng mở, ĐHQGHN đưa một số chương trình lên triển khai thực hiện tại Hà Giang. Bên cạnh đó, ĐHQGHN đưa sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thực tập thực tế, thực hiện đề tài tại Hà Giang. Trong giai đoạn 2012-2017, tổng cộng 147 luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ về các ngành khác nhau (luật học, quản lý kinh tế, quản lý giáo dục, môi trường, phát triển bền vững, du lịch, dân tộc học, bảo tồn đa dạng sinh học...) được các học viên cao học, nghiên cứu sinh của ĐHQGHN tiến hành tại tỉnh Hà Giang. Với những phối hợp triển khai cùng ĐHQGHN, nhiều chương trình đào tạo và đề tài nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng trong thực tiễn, góp phần giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. 3. Nhìn nhận quá khứ - Cam kết tương lai Tại nhiều buổi làm việc, lãnh đạo ĐHQGHN và đại diện UBND tỉnh Hà Giang cùng thẳng thắn nhìn nhận những kết quả trong giai đoạn 2011-2016 còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu, mong muốn của mỗi bên. Song các kết quả triển khai trong thực tiễn cũng cho thấy những nhiệm vụ đã triển khai trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tư vấn chính sách phát triển kinh tế - xã hội... là hiệu quả, có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang, nâng cao vị thế của ĐHQGHN và là hình mẫu cho sự hợp tác giữa trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học với địa phương. Các đơn vị đầu mối của ĐHQGHN cũng như tỉnh Hà Giang đã tích cực, chủ động gặp gỡ, bàn bạc, trao đổi, thống nhất chương trình hợp tác, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo các nội dung hợp tác được tiến hành đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao. Không dừng lại ở kế hoạch hợp tác 5 năm lần thứ nhất, trên cơ sở những kết quả đã đạt được và sự đồng thuận, tin tưởng ở tương lai, tháng 8/2017, lãnh đạo của ĐHQGHN và UBND tỉnh Hà Giang tiếp tục cam kết cùng triển khai hoạt động trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, gia đoạn 2017 - 2022. Đồng chí Triệu Tài Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đề xuất một số hướng triển khai giữa Tỉnh và ĐHQGHN Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Triệu Tài Vinh đánh giá cao hiệu quả hợp tác giữa Hà Giang và ĐHQGHN thời gian qua. Hiện nay, Hà Giang có quan hệ hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước: ĐHQGHN, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ĐH Thái Nguyên, ĐH Fullbright, Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc),... Điều này tạo nên những bối cảnh và đưa ra những yêu cầu mới về sự hợp tác của Hà Giang với các đối tác, dựa trên 3 yếu tố: nguyên tắc, cơ sở khoa học và quyết liệt của các bên liên quan. Bí thư Triệu Tài Vinh cũng đề xuất một số hướng triển khai cụ thể trong hợp tác với ĐHQGHN: xây dựng Bộ tiêu chí cho chỉ dẫn địa lí sản phẩm tại chỗ, bộ khung năng lực phù hợp với thực tiễn địa phương, mô hình đào tạo STEM, học bổng dành cho sinh viên trong mối quan hệ hợp tác với ĐHQGHN và đối tác quốc tế, nghiên cứu chủ thể tín ngưỡng là văn hóa dân tộc thiểu số, đào tạo và đào tạo lại cán bộ của tỉnh, lựa chọn công nghệ... Dựa trên những nhiệm vụ khoa học và yêu cầu của thực tiễn, Bí thư Hà Giang bày tỏ mong muốn ĐHQGHN làm đầu mối phối hợp cùng nhiều đối tác khác có những đề xuất chung cho sự phát triển của Hà Giang trong thời gian tới. Tại Hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của lãnh đạo Hà Giang về sự cần thiết của việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ĐHQGHN và Hà Giang lên một tầm cao mới. Ông đồng thời chia sẻ, thời gian tới, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ủy quyền cho ĐHQGHN chủ động đào tạo nhân lực cho 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ thì việc triển khai đạo tạo tại các địa phương (trong đó có Hà Giang) sẽ có những thuận lợi hơn. Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, ĐHQGHN sẽ hướng đến đào tạo nhân lực gắn với khung năng lực và bồi dưỡng cũng như hỗ trợ cho khởi nghiệp tại địa phương. Giám đốc ĐHQGHN đề xuất, ĐHQGHN sẽ cùng các cơ quan khoa học khác và Hà Giang cùng có những kiến nghị chung về việc xây dựng bảo tàng địa chất trên cao nguyên đá Đồng Văn; xây dựng Bảo tàng văn hóa H’mông dưới hình thức xây dựng làng văn hóa gắn với việc bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch. Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn ký kết văn bản hợp tác giữa hai bên giai đoạn 2017 - 2020 ĐHQGHN đang triển khai Dự án Quốc chí trong đó có đề cập đến địa chí địa phương theo phương thức mới và nhiều nội dung khác. ĐHQGHN mong muốn Hà Giang cùng phối hợp và tiên phong triển khai cho mục địa chí địa phương, làm hình mẫu đầu tiên cho Bộ dữ liệu quan trọng này. Với vai trò là Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, Giám đốc ĐHQGHN cho rằng cần tiếp tục hình thành những nhiệm vụ khoa học mới, giải quyết những vấn đề cấp bách của địa phương. Lãnh đạo ĐHQGHN và Hà Giang cùng cam kết có những chỉ đạo quyết liệt để việc hợp tác ĐH và địa phương sẽ tiếp tục có thêm nhiều kết quả hơn nữa. 1 Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực - Tổ chức đào tạo đại học (hệ vừa học vừa làm) và sau đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) hoặc các khoá bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho các cán bộ, công chức, viên chức theo đặt hàng địa phương. - Tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, kỹ năng tác nghiệp theo chuẩn chức danh cho đội ngũ cán bộ quản lý (cấp Sở/cấp Huyện/ cán bộ nguồn chiến lược...) theo đặt hàng của địa phương. 2. Nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao tri thức - UBND tỉnh Hà Giang đặt hàng ĐHQGHN các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ứng dụng theo hướng phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương: cây dược liệu, chăn nuôi, du lịch, bảo vệ môi trường, cảnh báo tai biến giảm nhẹ thiên tai, phát triển kinh tế biên mậu... - Thông qua các chương trình nghiên cứu khoa học, ĐHQGHN hỗ trợ địa phương các đề tài/nhiệm vụ phù hợp nhằm phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là phát triển du lịch và giảm nhẹ thiên tai, phát triển các cây dược liệu, nông sản theo hướng hàng hoá. 3. Hỗ trợ chuyên môn nhằm bảo tồn và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn - ĐHQGHN bảo trợ về chuyên môn để BQL Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn xây dựng và tổ chức triển khai các đề án/dự án/nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ sự phát triển bền vững của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đồng thời phát huy các giá trị khoa học, kinh tế, văn hoá bản địa trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ... 4. Tư vấn chính sách phát triển kinh tế xã hội ĐHQGHN cử các chuyên gia, các nhà khoa học giầu kinh nghiệm tham gia tư vấn, hỗ trợ xây dựng hoặc phản biện các Nghị quyết, Đề án, Chương trình lớn, có ý nghĩa chiến lược của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang |
|