Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức
điều hành phiên thảo luận
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội thảo với sự tham gia của 24 cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục trên cả nước. Diễn giả chính của Hội thảo là bà Mandy Mok, Giám đốc điều hành tổ chức xếp hạng đại học quốc tế QS khu vực châu Á (Quacquarelli Sydmonds) và GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐHQGHN.
Hiện có khoảng 16 bảng xếp hạng quốc tế được thừa nhận rộng rãi, trong số đó, QS (2004), THE (2010) và ARWU (2003) là các bảng xếp hạng có uy tín và nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng. Mục đích của hội thảo là tìm kiếm giải pháp cho vấn đề nâng cao chất lượng, khẳng định uy tín cũng như thương hiệu của các trường đại học Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, chất lượng giáo dục đại học, trách nhiệm cộng đồng và uy tín quốc tế là những yếu tố quan trọng hàng đầu tác động đến sự tồn tại và phát triển của các trường đại học. Nếu chất lượng giáo dục là sự đảm bảo các yếu tố, quy trình và nguồn lực cần thiết để thực hiện các mục tiêu giáo dục cũng như cam kết của nhà trường đối với xã hội thì uy tín quốc tế là sự lan toả hình ảnh và sự thừa nhận quốc tế đối với trường đại học, thể hiện qua hệ thống các đối tác chiến lược và vị trí xếp hạng quốc tế.
Bộ trưởng khẳng định, chất lượng giáo dục tạo ra nền tảng phát triển bền vững còn uy tín quốc tế giúp các trường đại học khẳng định vị thế và thu hút nguồn lực quốc tế, giúp trường đại học vươn xa hơn. Hai yếu tố này được kết tụ và thể hiện qua thương hiệu của trường đại học.
Giám đốc điều hành tổ chức xếp hạng đại học quốc tế QS châu Á Mandy Mok đánh giá cao những chuyển biến tích cực của ĐHQGHN những năm gần đây
Bà Mandy Mok – Giám đốc điều hành tổ chức xếp hạng đại học quốc tế QS khu vực châu Á cho rằng, để chất lượng và thương hiệu của các trường đại học Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế thì các trường cần chú trọng đến các chính sách mở cửa cũng như đẩy mạnh hoạt động hội nhập của mình. “Đây là thời điểm cần thiết và thích hợp để các đại học Việt Nam hội nhập với thế giới thông qua việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo, lấy thước đo là một trong các bảng xếp hạng đại học thế giới phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tạo điều kiện và có những hỗ trợ nhất định” - Bà Mandy Mok nhấn mạnh.
Đánh giá cao những chuyển biến tích cực của ĐHQGHN trong nghiên cứu khoa học và tăng chỉ số trích dẫn những năm gần đây, Giám đốc điều hành QS châu Á cho rằng, ĐHQGHN cũng cần thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu; tăng cường trao đổi sinh viên cả trong và ngoài nước.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức cho biết, hiện Việt Nam có 6 trường đại học lọt top 400 châu Á
Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐHQGHN đã trình bày báo cáo “Kết quả nghiên cứu đối sánh các chỉ số xếp hạng và đề xuất giải pháp cho các đại học Việt Nam”. Phó Giám đốc cho biết, hiện nay Việt Nam có 6 trường lọt top 400 đại học châu Á. Đó là: ĐHQGHN, ĐHQG-HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Theo Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức, trong cơ sở dữ liệu của tổ chức QS, ngoài 6 trường đã nêu ở trên, còn một số trường đại học năng động và có tiềm năng như: Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo thống kê thì Việt Nam vẫn còn nhiều trường có năng lực nghiên cứu tốt hơn nữa như Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Vinh, Học viện Bưu chính Viễn thông… Gần đây, mỗi trường đều công bố được xấp xỉ 100 bài báo trong CSDL Scopus.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các chuyên gia trong nước và quốc tế
Điểm đáng chú ý nhất tại Hội thảo, các ý kiến đóng góp từ nhiều trường đại học công lập và tư thục trong cả nước đều cho rằng, giáo dục Việt Nam có đặc thù riêng, do vậy cần có bộ tiêu chí xếp hạng riêng, được xây dựng trên cơ sở tiếp cận kiểm định chất lượng giáo dục và hệ thống tiêu chí của các bảng xếp hạng quốc tế. Thảo luận tại Hội thảo cũng cho thấy quan điểm nhất quán về việc coi việc phát triển chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển cộng đồng là vấn đề trung tâm và cốt lõi của trường đại học; việc xếp hạng là một công cụ và phương thức để trường đại học cũng như cơ quan quản lý nhà nước nhận diện, đối sánh và đánh giá được chất lượng của cơ sở giáo dục cũng như hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Các đại biểu đều nhất trí cho rằng, cần có bộ tiêu chí xếp hạng riêng dành cho giáo dục đại học Việt Nam
Hội thảo là dịp để lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo các trường đại học thảo luận, đưa ra hệ thống giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Thông qua Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định quyết tâm và nỗ lực của ngành trong việc hỗ trợ các cơ sở giáo dục từng bước nâng cao chất lượng giáo dục thông qua các chính sách và cơ chế quản lý phù hợp. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng thảo luận các nội dung cụ thể về việc lựa chọn hướng tiếp cận cho việc xây dựng tiêu chí xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam; thành lập nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng bộ tiêu chí; lộ trình và phương thức triển khai việc xếp hạng đại học Việt Nam.
Năm 2017, bảng xếp hạng đại học châu Á mở rộng từ 350 đến 400 trường, trong đó 250 trường thuộc tốp đầu được xếp theo thứ hạng và 150 trường còn lại được xếp vào các nhóm 251-260, 291-300, 301-350 và 351-400. Dù có sự mở rộng này, nhưng so với năm ngoái Việt Nam vẫn chỉ có 5 trường góp mặt, với sự đảo lộn thứ hạng của các trường tốp cuối rất nhiều.
Thứ hạng của ĐHQGHN vẫn duy trì ở vị trí 139, và tiếp tục là Đại học dẫn đầu tại Việt Nam. Nhóm hạng của các trường còn lại là: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tăng từ nhóm 301-350 lên nhóm 291-300, ĐH Cần Thơ từ 251-300 xuống nhóm 301-350 và ĐH Huế từ nhóm 301-350 xuống 351- 400.
Theo thống kê của QS, so với tổng số 11.900 cơ sở giáo dục đại học từ 17 quốc gia trong toàn Châu Á, vị trí xếp hạng của ĐHQGHN đã thuộc tốp 1.2%.
|
>>> Các tin tức liên quan trên báo chí
- VOV: Các trường đại học Việt Nam vắng bóng trong bảng xếp hạng quốc tế
- Thanh niên: Cần bảng xếp hạng đại học riêng cho VN
- Tiền phong: Xếp hạng các trường ĐH của Việt Nam: Nên theo tổ chức quốc tế nào?
- Dân trí: Đại học Việt Nam “loay hoay” chọn bảng xếp hạng quốc tế?
- Giáo dục Việt Nam: Các trường đại học Việt Nam nên lựa chọn tham gia bảng xếp hạng nào?
- Sài Gòn giải phóng: Công bố 28 đầu sách của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu
- Sài Gòn giải phóng: Xếp hạng đại học - Sẽ không còn mạnh ai nấy làm
- Sài Gòn giải phóng: Sẽ có chương trình quốc gia về xếp hạng đại học
>>> Các tin tức liên quan
- Đổi mới quản trị để nâng cao chất lượng, uy tín quốc tế của các trường đại học Việt Nam
- Lần đầu tiên Việt Nam xây dựng hệ thống chỉ số trích dẫn khoa học
- Xếp hạng đại học châu Á 2017: Đại học Quốc gia Hà Nội duy trì vị trí 139
- ĐHQGHN lọt vào top 150 đại học hàng đầu Châu Á
- Xếp hạng đại học: Khẳng định ngôi vị số 1
|