Ngoài các chuyên gia kiểm định đến từ các trường đại học hàng đầu thuộc AUN như GS.TS. Yahaya Md. Sam (Đại học Teknologi Malaysia – Trưởng nhóm); GS.TS. Tan Kay Chuan (Đại học Quốc gia Singapore – Kiểm định viên), GS. Wan Ahmad KamilMahmood (Đại học Sains Malaysia – Kiểm định viên),...sự kiện còn có sự tham dự của các ban chức năng ĐHQGHN, Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục, Ban Giám hiệu Trường ĐH KHTN và ĐH KHXH&NV cùng các cán bộ, giảng viên của hai chương trình được đánh giá.
Tại buổi bế mạc, các chuyên gia kiểm định đã trình bày 11 tiêu chí đánh giá cùng 4 phương pháp đánh giá đã được áp dụng. Dựa trên các tiêu chí này, những điểm mạnh, điểm cần khắc phục và khuyến nghị của chuyên gia về 4 chương trình lần lượt được chỉ ra. Theo đó, cả 4 chương trình đã đề ra được chuẩn đầu ra dựa trên định hướng chung của Bộ GD và ĐT, của ĐHQGHN cũng như nhu cầu của người học và thị trường lao động. Chuẩn đầu ra này đã định hình được cấu trúc, nội dung, chiến lược học tập và phương pháp đánh giá của các chương trình. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, những tiêu chuẩn này cũng cần được cụ thể hóa hơn nữa. Các chuyên gia từ AUN cũng ghi nhận sự hài lòng của nhà tuyển dụng đối với chất lượng của sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình này. Tuy nhiên, để đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của vấn đề hội nhập và quốc tế hóa, các chuyên gia cho rằng cần tích hợp thêm nhiều kỹ năng mềm và kỹ năng Tiếng Anh ở các chương trình đào tạo này. Ở mức độ cao hơn, các chuyên gia của AUN khuyến nghị lãnh đạo các trường, khoa, ngành của ĐHQGHN nên có sự trao đổi cùng các cơ sở đào tạo khác trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới để có thêm thực tiễn phục vụ cho việc thay đổi và phát triển các ngành học.
Lãnh đạo các trường đại học bày tỏ sự cảm ơn đối với những kết quả mà các chuyên gia đã đưa ra sau hai ngày làm việc. Đại diện các trường Đại học cho biết sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy theo hướng đã được khuyến nghị và mong muốn trong tương lai sẽ có thêm nhiều chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN – QA.
Phát biểu tại lễ bế mạc, GS. Nantana Gajaseni cảm ơn sự tin tưởng mà ĐHQGHN đã dành cho mạng lưới AUN nói chung và cho bộ tiêu chuẩn AUN-QA nói riêng. Bà bày tỏ mong muốn các thành viên AUN trong đó có ĐHQGHN sẽ tiếp tục sát cánh đồng hành để thúc đẩy chất lượng giáo dục đại học và sau đại học ở các nước Đông Nam Á.
Kết thúc buổi lễ, PGĐ ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn thể hiện sự cảm ơn sâu sắc đối với 2 ngày làm việc nghiêm túc và căng thẳng của các chuyên gia AUN. Ông tin rằng những nhận xét và khuyến nghị từ các chuyên gia sẽ định hướng để các chương trình đào tạo này có thể nâng cao chất lượng, làm hình mẫu cho các chương trình khác trong ĐHQGHN tiến bộ theo.
Kết quả đánh giá 4 chương trình đào tạo lần này sẽ được AUN công bố trong vòng 2 tháng tới đây.
Trước đó, ngày 6/11/2018, PGĐ ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức và quyền Chủ tịch Hội đồng AUN – QA Nantana Gajaseni đã đồng chủ trì lễ khai mạc phiên đánh giá ở cấp độ chương trình đào tạo theo chuẩn AUN – QA lần thứ 125.
Tính đến nay, ĐHQGHN đã có 22 chương trình đào tạo được AUN-QA đánh giá và cấp giấy chứng nhận chất lượng ( ở cấp chương trình đào tạo). Năm 2017, Trường ĐH KHTN thuộc ĐHQGHN là đơn vị đầu tiên được kiểm định theo chuẩn này (ở cấp đơn vị).
Cuối tháng 10/2018, Bảng xếp hạng đại học châu Á của tổ chức QS đã công bố kết quả xếp hạng năm 2019. Theo đó, ĐHQGHN vươn lên vị trí thứ 124 (tăng 15 bậc so với vị trí 139 năm 2018), xếp thứ nhất trong số các trường Việt Nam.
|