Khóa bồi dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức cấp bộ môn và phát triển đội ngũ quản lý cấp bộ môn đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế. Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức và Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải đã dự khai giảng và trực tiếp tham gia giảng dạy các chuyên đề của khóa bồi dưỡng. Phát biểu khai giảng khóa bồi dưỡng, PGS.TS Nguyễn Hiệu – Trưởng ban Tổ chức Cán bộ ĐHQGHN khẳng định, tổ bộ môn là bộ phận nòng cốt tổ chức học thuật, là hạt nhân của một khoa, là nhân tố cơ bản quyết định chất lượng đào tạo của một trường đại học. Chính vì thế, công tác xây dựng tổ bộ môn vững mạnh về chuyên môn, có chiều sâu học thuật, có nguồn nhân lực tốt là nhiệm vụ cấp thiết của tất cả các trường đại học trong giai đoạn hiện nay. Đội ngũ quản lý cấp bộ môn được xem là hạt nhân tiên phong trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, giữ trọng trách quản lý “tầng lõi” trong hệ thống quản trị của một trường đại học, chịu trách nhiệm về chuyên môn, học thuật, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, là người truyền thông, hoạch định và triển khai chiến lược của nhà trường đến cán bộ giảng viên và người học một cách hiệu quả nhất. Sau lễ khai giảng, các học viên đã học tập và thảo luận 02 chuyên đề do Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức và Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải giảng dạy. Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức trình bày chuyên đề “Xây dựng đại học định hướng đổi mới sáng tạo thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 Với chuyên đề “Xây dựng đại học định hướng đổi mới sáng tạo thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0”, GS.TS Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh, ĐHQGHN có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực; góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; làm nòng cột và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Trên đà xây dựng đại học định hướng đổi mới sáng tạo thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ĐHQGHN thực hiện quản trị đại học theo mô hình 4P, bao gồm: Quản trị theo mục tiêu (Purpose); Phát triển ưu tiên (Priorities); Gia tăng các sản phẩm khoa học và công nghệ chất lượng cao (Products, Publication, Patent, Policy Consultation) và Hợp tác phát triển tiềm lực (Partnerships). Các chỉ số xếp hạng của ĐHQGHN luôn được đối sánh. Vị trí xếp hạng của ĐHQGHN luôn được cải thiện qua các năm. Từ năm 2014 đến nay, thứ hạng của ĐHQGHN tăng 37 bậc. Năm 2018, ĐHQGHN xếp thứ 124 đại học hàng đầu châu Á và top 1000 đại học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng QS. Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải trình bày chuyên đề "Đinh hướng phát triển ĐHQGHN trong bối cảnh mới - Cơ hội và thách thức" Chia sẻ về những cơ hội và thách thức trong định hướng phát triển ĐHQGHN bối cảnh mới, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29 như: đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; phương pháp giáo dục, kiểm tra đánh giá còn lạc hậu, thiếu thực chất… Theo Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải, giáo dục đại học cần được cải tổ từ nguyên lý chứ không phải thay đổi một vài chi tiết, cần triển khai một cách lâu dài và liên tục. Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cũng chia sẻ một số bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới: Malaysia, Trung Quốc, Hoa Kỳ… Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải cho biết, khái niệm đại học nghiên cứu xuất hiện trên 200 năm trước, ở Việt Nam mới được nhắc đến trong khoảng 10 năm trở lại đây, các tiêu chí cơ bản của đại học nghiên cứu ở Việt Nam vẫn còn khá xa vời. Nguyên nhân của sự tụt hậu đến từ hai gốc rễ đó là thể chế và văn hóa. Phó Giám đốc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc đổi mới giáo dục không chỉ giới hạn trong giáo dục đại học mà cần đổi mới về nhận thức của toàn ngành giáo dục nói chung cũng như thể chế, văn hóa. Phương pháp thay đổi phải dựa trên động cơ, đối tượng chủ chốt, có lộ trình và tiến độ rõ ràng. Khóa bồi dưỡng có sự tham dự của hơn 300 học viên là lãnh đạo bộ môn và đơn vị tương đương trực thuộc khoa, bộ môn trực thuộc trường đại học thành viên, lãnh đạo bộ môn của Khoa, Trung tâm đào tạo trực thuộc ĐHQGHN. Khóa bồi dưỡng gồm 04 chuyên đề chia làm 2 đợt học. Đợt 1, học tập trung sáng ngày 13/11 với 02 chuyên đề: “Những thách thức và cơ hội, định hướng phát triển của ĐHQGHN trong bối cảnh mới” do PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc ĐHQGHN giảng dạy; “Xây dựng đại học định hướng đổi mới sáng tạo thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0” do GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐHQGHN giảng dạy. Đợt 2 của khóa học được chia thành các lớp nhỏ, học vào các ngày 15, 16/11 và 04/12 với các chuyên đề: “Quản trị hệ thống” do PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN giảng dạy; “Hệ thống tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng trong công tác quản lý đào tạo của AUN-QA; Xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA” do TS. Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN giảng dạy. Kết thúc khóa bồi dưỡng, ĐHQGHN sẽ cấp quyết định công nhận dành cho các học viên tham dự đầy đủ các buổi học.
|