Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
GS. Vũ Dương Ninh: Việc đầu tư cho đội ngũ giáo viên nên được coi là công việc trọng điểm, ưu tiên và có ý nghĩa chiến lược lâu dài…
Chiều ngày 8/11/2006, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có buổi tiếp đoàn Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.

Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 sắp đến, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ khoa học và tất cả những người làm công tác giáo dục trong cả nước.

GS. Vũ Dương Ninh - CBGD Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN), Uỷ viên Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã thay mặt các giáo sư có bài phát biểu tại buổi gặp mặt. Sau đây là toàn văn bài phát biểu:

GS. Vũ Dương Ninh (ngòai cùng bên phải) tại lễ công nhận chức danh Giáo sư năm 2006. Ảnh: Bùi Tuấn

Kính thưa Chủ tịch Nguyễn Minh Triết,

Chúng tôi vô cùng vinh dự và phấn khởi được Chủ tịch dành thời gian tiếp hôm nay.

Trong khoảng thời gian rất hạn hẹp, cho phép tôi được đề đạt 2 điều có liên quan đến việc giảng dạy và nghiên cứu các ngành khoa học xã hội - nhân văn là lĩnh vực mà tôi đã tham gia trong gần 50 năm qua tại ĐHQGHN.

Điều thứ nhất, trong những thành tựu lớn lao của công cuộc đổi mới, các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ và khoa học xã hội - nhân văn đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả. Song trước yêu câu ngày càng cao của công cuộc xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phải chăng các ngành khoa học xã hội - nhân văn, nhất là các ngành nghiên cứu lý luận và giáo dục tư tưởng chưa có được những chuyển biến kịp với đà đổi mới của đất nước, chưa đáp ứng những yêu cầu mới do tình hình mới đặt ra. Điều này để lại một hậu quả khá rõ là hiện tượng tiêu cực trong xã hội giờ đây không còn là cá biệt, không chỉ giới hạn trong một tầng lớp nào, một địa phương nào, một cấp bậc nào. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, song chúng tôi nghĩ rằng từ khi bước vào thời kỳ hoà bình xây dựng đất nước, phải chăng chúng ta chưa xác định thực đúng hướng nội dung mới và chưa tìm ra phương pháp mới để giáo dục và phổ biến trong trường học cũng như ngoài xã hội về trách nhiệm và ý thức công dân. Hầu như nội dung và phương pháp truyền đạt, giáo dục tư tưởng ngày nay không khác nhiều lắm so với thời kỳ kháng chiến cứu nước, do vậy không còn thích hợp với đòi hỏi của xã hội và nhu cầu tâm lý của thế hệ trẻ ngày nay. Nhất là một số môn học lý luận không có nhiều nội dung mới, lại mang tính áp đặt nên không hấp dẫn đối với sinh viên và không đạt kết quả như mong muốn. Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng cần có một sự đổi mới cơ bản trong việc nghiên cứu lý luận và giáo dục tư tưởng cả về nội dung, cả về phương pháp nhằm tạo nên một sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức và trách nhiệm công dân, xây dựng một xã hội lành mạnh, minh bạch mà mỗi công dân đều nhận thức đầy đủ trách nhiệm và quyền lợi của mình trên nguyên tắc công bằng và dân chủ. Công việc này không chỉ giới hạn trong phạm vi nhà trường mà phải là vấn đề chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội.

Điều thứ hai, nhiều người trong thế hệ chúng tôi đã từng học trong nhà trường thời thuộc địa, thời kháng chiến chống Pháp và đã từng giảng dạy trong suốt thời kháng chiến chống Mỹ và thời hoà bình ngày nay. Khi đi học, thế hệ chúng tôi không có được những trường lớp khang trang, sách vở đầy đủ, và nhất là không có được các phương tiện kỹ thuật hiện đại như ngày nay. Tuy vậy, điều may mắn và cũng là hạnh phúc của chúng tôi là được học những thầy giáo tài cao, đức trọng, được soi mình trong những tấm gương của các thầy về lòng yêu nước kiên trung và tầm trí tuệ cao siêu, sâu rộng. Nhắc lại điều này, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng trong khi phát huy tối đa tính ưu việt của các phương tiện thông tin và kỹ thuật hiện đại trong công tác giảng dạy thì yếu tố quyết định vẫn phải là phẩm chất và năng lực của người thầy. Người thầy giỏi sẽ đào tạo nên những học trò giỏi, còn người thầy kém đương nhiên sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng và theo tác động dây chuyền thì những sản phẩm kém chất lượng ấy sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển của xã hội. Do vậy, muốn đẩy mạnh đổi mới, muốn chấn hưng giáo dục thì việc đầu tư cho đội ngũ giáo viên nên được coi là công việc trọng điểm, ưu tiên và có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Đã từng có nhiều văn bản đề cao vai trò của người thầy song trên thực tế thì không hoàn toàn là như vậy. Cho nên chúng tôi thiết tha đề nghị Đảng và Nhà nước đề ra và thực thi những biện pháp đầu tư thực sự cho đội ngũ thầy giáo, tạo cho họ điều kiện học tập, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt và chế độ lương bổng hợp lý. Bởi vì đầu tư cho đội ngũ thầy giáo chính là đầu tư có hiệu quả lâu dài và vững chắc. Đội ngũ giáo viên rất ý thức về những khó khăn của đất nước, không đặt ra những đòi hỏi quá cao mà nguyện vọng chung chỉ là có được những điều kiện làm việc bớt khó khăn và một chế độ lương hợp lý để không phải lo kiếm sống bằng những việc ngoài chuyên môn, để có thể toàn tâm toàn ý phục vụ công tác đào tạo thế hệ trẻ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của giáo dục nước nhà.

Trên đây là 2 ý kiến nhỏ chúng tôi xin đề đạt lên Chủ tịch, lên Đảng và Nhà nước.

Xin chân thành cảm ơn Chủ tịch, cảm ơn quý vị.

 GS. Vũ Dương Ninh
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :