Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Viện sĩ Đào Trọng Thi: "Ý kiến về nước Nga của những người như tôi không thay đổi"
Ngày 12 tháng 11 tại Thủ đô Việt Nam đã diễn ra Đại hội Hội Hữu nghị Việt - Nga, ở đó đã bầu Ban lãnh đạo mới. Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã trở thành Chủ tịch Hội. Cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông đã được tiến hành liền sau đại hội và ngay trước khi Tổng thống Vlađimir Putin đến Hà Nội, đương nhiên là bằng tiếng Nga.

Đmitry Kosyrev (Đ.K): Thưa ngài Đào Trọng Thi, với những người thuộc thế hệ của Ngài - không già nhưng hoàn toàn chín chắn - có lẽ không cần nói nhiều về cụm từ “tình Hữu nghị Việt - Nga” nghĩa là gì? Ở đây có thể nhớ lại những năm chiến tranh ở Đông Dương, khi tình hữu nghị này đã chứng tỏ mình một cách nghiêm túc nhất và nhãn tiền. Nhưng chiến tranh đã kết thúc từ lâu. Và những thế hệ mới không tự mình trải nghiệm tình hữu nghị đó. Vậy vấn đề sẽ tiến triển thế nào bây giờ. Hội Hữu nghị của Ngài sẽ thiên về quá khứ hay vẫn hướng tới tương lai?

Đào Trọng Thi (ĐTT): Tất nhiên là hướng tới tương lai. Nhìn lại quá khứ, chúng tôi lôi cuốn vào hoạt động của mình những người vẫn còn giữ tình yêu đối với nước Nga, những người đã từng làm việc, học tập và sống ở Liên Xô và nước Nga. Họ vẫn lưu giữ những kỷ niệm tốt đẹp, lòng yêu mến và tình cảm đối với đất nước ông. Nhưng trên Đại hội,vừa qua chúng tôi đã xác định phương hướng chủ yếu trong hoạt động của mình lại khác: Hướng tới tương lai, xây dựng nó trên sự hợp tác cụ thể, có hiệu quả giữa nhân dân chúng ta, giữa các doanh nghiệp, tổ chức hai nước, trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục, … Trước kia trong thành phần của Hội chúng tôi đã có nhiều người còn lưu giữ những kỷ niệm trong quá khứ về nước Nga, và bây giờ cũng sẽ như vậy. Nhưng bây giờ chúng tôi sẽ thu hút vào hoạt động của mình cả những người trẻ tuổi, những người hiện đang học tập tại các trường đại học hoặc làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức gắn bó với nước Nga bởi sự hợp tác. Thí dụ như Liên doanh Dầu khí Việt - Xô hoặc những nơi mà thường xuyên có nhiều người Nga đến làm việc.

Đ.K: Có được bao nhiêu người thuộc thế hệ mới mà Ngài muốn thu hút vào Hội?

Đ.T.T: Hội chúng tôi là Hội lớn nhất tính theo sô lượng hội viên trong số các hội hữu nghị với nước ngoài ở Việt Nam. Đội ngũ hội viên có thể tính nhiều ngàn, còn đội ngũ nòng cốt có đến hàng trăm. Nhưng thế hệ cũ - ở Việt Nam chúng tôi gọi là “thế hệ vàng” của Hội chúng tôi - dù sao cũng đã lớn tuổi. Còn hiện nay chúng tôi dự định thu hút vào hàng ngũ của mình những sinh viên đang học tiếng Nga, văn hóa Nga, kinh tế Nga,… Họ rất nhiều. Và cả những người vừa đây đã sống hoặc đang sống và làm việc ở nước Nga. Cộng đồng người Việt đang sinh sống ở đó rất lớn. Chúng tôi coi họ như là cầu nối giữa Hội chúng tôi và Hội Hữu nghị Nga - Việt.

Đ.K: Nhưng thực sự là bao nhiêu? Ví dụ, có bao nhiêu sinh viên ở Việt Nam đang học tiếng Nga?

Đ.T.T: Ở Đại học của tôi, có hai khoa tiếng Nga, một ở trường Đại học Ngoại ngữ, một ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Hằng năm, mỗi khoa tiếp nhận gần một trăm sinh viên mới. Ở Hà Nội còn có Trường ĐH Hà Nội (Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội trước đây) cũng tuyển sinh viên tiếng Nga, ngoài ra còn có Học viện Ngoại thương, Học viện Quan hệ Quốc tế. Và còn ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế. Tôi nghĩ tất cả có khoảng bốn ngàn sinh viên đang theo học các ngành này: tiếng Nga, Văn hóa Nga, kinh tế Nga,…

Đ.K: Và tất cả họ tìm được việc làm sau đó?

Đ.T.T: Sau khi tốt nghiệp họ đi làm hoặc có thể ở lại các trường đại học. Trong tương lai, khi chúng ta mở rộng hợp tác kinh tế, họ sẽ có nhiều việc làm hơn. Trước kia, tiếng Nga là ngoại ngữ thứ nhất ở Việt Nam; còn bây giờ, chúng tôi vẫn chính thức tính tiếng Nga là thứ nhất, nhưng trên thực tế sinh viên lại ưu tiên chọn tiếng Anh. Tiếng Nga trở thành số hai, tiếng Pháp cũng ở mức thứ hai, tương tự như tiếng Nga. Sau đó đến tiếng Trung Quốc và tiếp đó là tiếng Nhật, tiếng Hàn và các thứ tiếng khác.

Đ.K: Ngài có quen biết Họa sĩ Ilya Glazunov, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt không?

Đ.T.T: Vâng, có chứ. Trước kia, hàng năm ông ấy đều đến Việt Nam. Nhưng năm nay ông ấy có vấn đề về sức khỏe. Thay ông ấy sang dự Đại hội của chúng tôi là ông Phó Chủ tịch Hội, Giáo sư Buianov, Hiệu trưởng Học viện tư thục Kinh tế và Luật Moscova. Ông ấy muốn phát triển quan hệ, trước hết là với các trường đại học Việt Nam. Lần này ông ấy gặp gỡ với ông Hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Phương Đông của Việt Nam. Họ đã ký kết thỏa thuận về trao đổi giảng viên và sinh viên.

Đ.K: Như tôi hiểu, sự trao đổi như thế đã có đối với Đại học của Ngài?

Đ.T.T: Vâng, chúng tôi đã có quan hệ mật thiết với Đại học tổng hợp Moscova. Giữa chúng tôi đã thực thi thỏa thuận hợp tác từ nhiều năm nay. Và hàng năm chúng tôi trao đổi giảng viên và sinh viên. Viện sĩ Sađovnichi là người đầu tiên nhận Bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Quốc gia Hà Nội. Và nhiều giáo sư của chúng tôi được đào tạo ở Đại học Tổng hợp Moscova.

Đ.K: Và Ngài cũng vậy, xét theo tiếng Nga của Ngài?

Đ.T.T: Cả tôi cũng tốt nghiệp đại học ở Đại học Tổng hợp Moscova, và nhận cả các học vị tiến sĩ, tiến sĩ khoa học toán - lý. Tôi học ở Khoa Toán - Cơ.

Đ.K: Cá nhân Ngài thích gì hơn cả ở nước Nga, đất nước này có ý nghĩa gì đối với Ngài? Có thể, thậm chí theo mức độ quan trọng: thứ nhất, thứ hai,…

Đ.T.T: Tôi nghĩ, ấn tượng mạnh mẽ nhất là người Nga rât nhân hậu. Tôi vẫn nhớ các thầy cô giáo, các bạn sinh viên cùng lớp, các bạn bè của tôi đã đối xử với tôi tốt thế nào. Thứ hai, trình độ phát triển rất cao về khoa học cơ bản. Tôi nghĩ Đại học Tổng hợp Moscova mang tên Lômônôxốp có vị trí hàng đầu trên thế giới về khoa học cơ bản. Và còn những hồi ức rất tốt đẹp về con người nói chung và về việc tôi đã ở nước Nga thế nào.

Đ.K: Ngài thường sử dụng từ “hồi ức”. Nhưng như chúng tôi cùng Ngài đã nói, các thế hệ đang thay đổi, người Nga đã thay đổi và cả người Việt Nam cũng đã thay đổi. Theo quan sát của Ngài, thực sự các Ngài đã thay đổi như thế nào? Và chúng tôi thay đổi ra sao?

Đ.T.T: Tất nhiên ở Việt Nam, như tôi đã nói, có “thế hệ vàng” đối với Hội chúng tôi. Những con người đó yêu mến Liên Xô và nhân dân Xô Viết. Nhưng hiện nay quan hệ với nước Nga tất nhiên đã thay đổi đôi chút. Con người hôm nay nhìn vấn đề này qua lăng kính không phải của tình cảm yêu mến, mà của sự hợp tác kinh tế. Tất nhiên, chính quyền ở Việt Nam và đặc biệt là ở nước Nga không còn như trước kia. Bởi vậy, chúng ta cần phải phát triển trên một cơ sở mới, không chỉ dựa trên những tình cảm yêu mến, mà là tính hiệu quả của sự hợp tác về kinh tế cũng như các lĩnh vực khác. Tôi nghĩ, hiện nay Việt Nam gắn bó chặt chẽ hơn với các nước phương Tây, Nhật Bản, Hoa kỳ và các nước khác. Bởi vì sự hiện diện của nước Nga ở Việt Nam còn chưa rõ nét lắm theo so sánh với các nước kia. Nhưng trong tương lai điều đó cần phải thay đổi. Bây giờ nước Nga đã chú ý tới Việt Nam nhiều hơn so với mười năm trước.

Đ.K: Quay trở lại những lời Ngài đã nói - nhân dân chúng tôi ngày nay có còn nhân hậu như trước kia không?

Đ.T.T: Vâng, đối với những người đã từng sống ở nước Nga như tôi, chúng tôi hiểu rằng những sự cố hôm nay sẽ không làm thay đổi tình hữu nghị của chúng ta cũng như những gì chúng tôi đã nghĩ về nước Nga. Nhưng còn các thế hệ mới, không có kinh nghiệm như chúng tôi, có lẽ họ nghĩ theo cách khác.

Đ.K: “Sự cố hôm nay” - chúng ta hãy nói thẳng là đang đề cập đến chuyện gì: các vụ đánh đập sinh viên Việt Nam ở Nga, đó là chưa kể đến những trường hợp đau lòng hơn, đến cả mức giết người.

Đ.T.T: Vâng, và nhiệm vụ của chúng ta là truyền lại cho sinh viên Việt Nam, và nói chung cho người dân Việt Nam lòng tin của chúng tôi vào nhân dân Nga cũng như tình cảm của chúng tôi đối với họ.

Đ.K: Ngài luôn nói rằng kinh tế có vị trí số một. Nhưng để làm công việc đó đã có những tổ chức kiểu cơ quan thương mại. Còn phần về văn hóa và tất cả những gì thường được coi là chủ đề chủ yếu trong công tác của Hội hữu nghị thì sao? Nhân tiện, các Ngài có đủ tư liệu cho công việc đó chưa? Ngài có biết, văn hóa hiện đại của chúng tôi đang tiến triển ra sao hay vẫn còn dừng lại ở mức mà có thể gọi nôm na là văn hóa cổ điển?

Đ.T.T: Trước kia, Hội Hữu nghị Việt - Nga và cả Hội Hữu nghị Nga - Việt đã nhận được sự tài trợ của Nhà nước cho các hoạt động như vậy. Nhưng bây giờ sự giúp đỡ đó đã giảm. Và chúng tôi cần huy động những nguồn lực khác, cần nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp làm ăn với phía Nga và các tổ chức khác. Về phương diện này, tôi nghĩ Hội chúng tôi ở đây nhận được nhiều hơn Hội bạn ở Nga. Bởi vì hiện nay, Đảng chúng tôi, Nhà nước chúng tôi rất ủng hộ phát triển hợp tác với nước Nga, cũng như các hoạt động của Hội chúng tôi. Chúng tôi thu hút vào hoạt động của mình các doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp tư nhân. Và nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện đang kinh doanh ở nước Nga ủng hộ các hoạt động của chúng tôi.

Đ.K: Những doanh nghiệp nào vậy? Họ kinh doanh gì?

Đ.T.T: Các doanh nghiệp Việt Nam ở Nga không lớn, nhưng họ rất nhiều, chủ yếu là thương mại. Có cả nhà máy Thủy điện ở Hòa Bình do Liên Xô giúp đỡ xây dựng. Ở đó, đã có rất nhiều chuyên gia Liên Xô làm việc. Và các hãng du lịch. Một trong các thành viên của Ban lãnh đạo Hội chúng tôi là đại diện lãnh đạo của Tổng cục Du lịch Việt Nam.

Đ.K: Theo tôi, du lịch là thú vị nhất, bởi vì tình yêu đối với một đất nước nào đó được truyền từ một thế hệ cho các thế hệ sau, giống như không thể cứ mỗi một thế hệ mới lại phải phát hiện từ đầu đất nước đó cho mình. Nhưng bây giờ rất nhiều khách du lịch Nga đến Việt Nam.

Đ.T.T: Vâng, bây giờ mức sống cả ở Việt Nam cũng được nâng cao. Và xuất hiện các điều kiện để người Việt Nam đi du lịch đến các nước khác, trong đó có nước Nga. Rất nhiều hội viên của chúng tôi muốn tổ chức các tuyến du lịch đến nước Nga, để người ta có thể ghé thăm trường đại học cũ của mình, gặp lại các thầy cô giáo và các bạn cũ. Hiện nay, nhiều ý tưởng như vậy đang được thảo luận. Chúng tôi đổi mới nhiều chương tình cũ của Hội. Gần đây chúng tôi đã trao đổi vấn đề này với một người bạn Trung Quốc làm việc ở đây. Ông ấy cũng đã từng học tập ở Liên Xô. Và chúng tôi muốn tổ chức tour du lịch từ Việt Nam đến Bắc Kinh, rồi sau đó đến nước Nga bằng tàu hỏa. Sẽ có thể chiêm ngưỡng các thành phố Trung Quốc, sau đó là các thành phố Nga. Việc đó chỉ mất chục ngày một chiều.

Đ.K: Sao, từ Hà Nội đến Moscova bằng tàu hỏa chỉ mất có chục ngày?

Đ.T.T: Và như vậy sẽ rẻ hơn đi máy bay.

 (Đmitry Kosyrev - Nhà bình luận chính trị của Hãng Thông tấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   |