Đối tượng tham gia lớp học là cán bộ quản lý cấp bộ môn của Khoa, Trung tâm đào tạo trực thuộc ĐHQGHN. Phát biểu khai mạc khóa bồi dưỡng, Trưởng Ban tổ chức Cán bộ ĐHQGHN Nguyễn Hiệu nhấn mạnh, cấp Bộ môn có vai trò quan trọng trong cơ sở giáo dục đại học, có vai trò về mặt chuyên môn, tác nghiệp trực tiếp, kiến tạo trực tiếp cho giảng viên, học viên, triển khai các hoạt động nghiên cứu. Đây được xem như là những hạt nhân để tạo ra chất lượng và thành công của cơ sở Giáo dục đào tạo. Trưởng Ban tổ chức Cán bộ ĐHQGHN Nguyễn Hiệu Trưởng Ban tổ chức Cán bộ Nguyễn Hiệu yêu cầu các học viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tiếp thu kiến thức các chuyên đề gắn với việc vận dụng những kiến thức đã được trang bị vào hoạt động thực tiễn để nâng cao năng lực, trình độ kỹ năng, hoạt động của các Bộ môn. Lớp bồi dưỡng được giảng dạy bởi các chuyên gia hàng đầu của ĐHQGHN: GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐHQHN; GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học ĐHQGHN; GS.TS Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng ĐHQGHN cùng chuyên gia của Đại học Công nghệ Dublin, Phó trưởng Khoa Kinh doanh Anthony Paul Buckley. Với chuyên đề “Những thách thức và cơ hội, định hướng phát triển của ĐHQGHN trong bối cảnh mới”, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐHQHN đã chỉ ra những cơ hội và thách thức hiện tại của ĐHQGHN đó là lợi thế tự chủ và chính sách ưu tiên, lợi thế của truyền thống, lợi thế của đại học công lập và đại học quốc gia, lợi thế nghiên cứu và nghiên cứu cơ bản, lợi thế về tính đại diện, cơ sở vật chất và tinh thần kiến tạo, nhà khoa học và Khoa học giáo dục, công cụ và năng lực đánh giá kết quả đầu ra, thị trường giáo dục mới, lựa chọn sự cách tân. GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Nguyên Phó Giám đốc ĐHQHN Các học viên cùng thảo luận về cơ hội và thách thức của ĐHQGHN trong bối cảnh mới Chia sẻ về quan điểm phát triển của ĐHQGHN, GS.TS Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh, là trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQGHN đang phát huy những lợi thế để sớm xây dựng thành công theo mô hình đại học thông minh, đổi mới sáng tạo, đang nỗ lực nâng cao năng lực thích ứng với xu thế chuyển đổi của giáo dục đại học thế giới trong thời đại mới. Giáo dục đại học 4.0 Xu hướng đại học 4.0, cùng với hoạt động đào tạo và nghiên cứu, chức năng chuyển giao công nghệ được các trường đại học nghiên cứu tiên tiến phát triển mạnh mẽ. Theo đó, đào tạo phải hướng đến các kỹ năng mới, ngành nghề mới, chuẩn đầu ra mới và tiếp cận mới. Đào tạo hỗ trợ phát triển tài năng cá nhân, nhưng đổi lại phải thúc đẩy được năng lực sáng nghiệp tập thể. Do đó, tinh thần sáng nghiệp của đại học 4.0 phải được thể hiện trong cơ cấu ngành nghề đào tạo; cấu trúc của từng chương trình đào tạo; từng giáo trình; từng bài giảng và phương thức tổ chức đào tạo. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với giai đoạn chuyển đổi số, ĐHQGHN đã tích cực chuyển đổi cơ cấu ngành nghề từ khoa học cơ bản thuần túy sang gắn với kỹ thuật, công nghệ để ứng dụng vào thực tiễn. Nhờ vậy, ngành nghề đào tạo của ĐHQGHN nhanh chóng tiếp cận hội nhập với thế giới, gắn kết chặt chẽ doanh nghiệp, cũng như tỷ lệ sinh viên ra trường đúng ngành nghề đào tạo. Với chuyên đề “Tinh thần ĐHQGHN và trách nhiệm của các Bộ môn”, GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học ĐHQGHN nhấn mạnh, cần coi việc nghiên cứu như là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo, một xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động KHCN cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nghiên cứu khoa học và đào tạo có mối quan hệ khăng khít với nhau. Nghiên cứu khoa học là một trong những nhân tố quyết định đến chất lượng đào tạo và ngược lại, chương trình đào tạo sẽ đặt ra những vấn đề mà nghiên cứu khoa học phải đáp ứng. GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học ĐHQGHN Bên cạnh đó, với ĐHQGHN, mức độ quốc tế hóa không chỉ được đánh giá bằng hoạt động trao đổi quốc tế thông qua trao đổi giảng viên và sinh viên mà còn thể hiện ở mức độ quốc tế hóa đội ngũ cán bộ khoa học và sinh viên. Để thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo và toàn cầu hóa, ĐHQGHN cần chú trọng thúc đẩy các hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đào tạo hướng đến các sản phẩm chung, hình thành các giá trị sở hữu trí tuệ chung. Trong thời gian 02 ngày, các học viên sẽ được tiếp cận và học tập các nội dung: Những thách thức và cơ hội, định hướng phát triển của ĐHQGHN trong bối cảnh mới; Tinh thần ĐHQGHN và trách nhiệm của các Bộ môn; Đổi mới Quản trị trong Giáo dục Đại học; Đảm bảo chất lượng tại ĐHQGHN trước yêu cầu đổi mới hoạt động giảng dạy và trách nhiệm của Bộ môn … Thông qua lớp Bồi dưỡng, các học viên cũng sẽ được cung cấp các kiến thức mới về lý luận, giải đáp một số vấn đề mới đặt ra, góp phần nâng cao năng lực, trình độ kỹ năng, hoạt động của các bộ môn.
|