GS.TS Mai Trọng Nhuận - Chuyên gia về biến đổi khí hậu trình bày tham luận tại hội thảo Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 17/02/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Đoàn các nhà khoa học của ĐHQGHN tham dự hội thảo có: Phó Giám đốc PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục GS.TS Mai Trọng Nhuận, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ PGS.TS Vũ Văn Tích. Hội thảo tập trung vào thảo luận các vấn đề về lợi thế, cơ hội, thách thức, điểm mạnh, điểm yếu từ đó đưa ra giải pháp để phát triển Thành phố Cần Thơ trở thành một trung tâm của vùng đồng bằng Nam Bộ và trở thành nhóm các thành phố có mức độ phát triển vào loại khá của khu vực ASEAN. Các nhà khoa học của ĐHQGHN đã trình bày tham luận xoay quanh mô hình tăng trưởng bao trùm hướng tới sự bền vững trong dài hạn. Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Mai Trọng Nhuận cho rằng, để đạt được mục tiêu là một trung tâm của vùng với công nghiệp, nông nghiệp hiện đại gắn với tập trung xuất khẩu lương thực trong bối cảnh Cần Thơ là trọng điểm của khu vực Châu Á và Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu toàn cầu, với các “tai biến” cực đoan của thời tiết đang diễn ra ngày càng rõ rệt, Cần Thơ cần áp dụng các mô hình và cơ chế phát triển của các nước tiên tiến đã và đang thực hiện như phát triển kinh tế gắn với cuộc các mạng chuyển đổi số, áp dụng các phương thức điều hành thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng phó với đại dịch Covid-19. GS. Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh về mô hình phát triển bao trùm theo phương thức thuận với tự nhiên hướng tới sự bền vững trong dài hạn, trong đó đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội nhằm mục tiêu cuối cùng là phát triển con người. Mô hình tăng trưởng bao trùm nhấn mạnh đến sự tham gia, chứ không chỉ là kết quả. Mọi người được bình đẳng tham gia đóng góp và chia sẻ lợi ích có được từ tăng trưởng kinh tế. Thay vì chỉ nhằm vào các nhóm dân cư có mức thu nhập thấp hơn như mô hình tăng trưởng vì người nghèo, mô hình tăng trưởng bao trùm hướng tới việc bao quát tất cả các thành viên trong xã hội, bao gồm cả người nghèo, cận nghèo, trung lưu và người giàu; cả nam và nữ; cả dân tộc đại đa số với dân tộc thiểu số; cả các cộng đồng tôn giáo khác nhau; cả những người làm việc trong khu vực nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ. Tại hội thảo, ĐHQGHN đề xuất Cần Thơ phải là một trung tâm hình mẫu về điều hành và phát triển kinh tế ứng phó với biến đổi khí hậu với các giải pháp về phòng tránh xâm ngập mặn, sụt lún, thiếu hụt nước ngọt, ngập lụt và xói lở… để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu phát triển chuỗi cung ứng của ngành nông nghiệp, đồng thời phải bảo vệ môi trường tự nhiên và phòng tránh thiên tại… Qua hội thảo, các nhà khoa học đồng thời cung cấp thêm luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổng kết Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX). Từ đó, TP Cần Thơ sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Chính trị xem xét ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, nhằm tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Cần Thơ đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Trưởng Ban KHCN, Vũ Văn Tích cho biết, lãnh đạo Bộ KHCN, ĐHQGHN, và thành phố Cần Thơ đã thảo luận và thống nhất, ĐHQGHN sẽ phối hợp để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu về phát triển các sản phẩm nông nghiệp hướng tới xuất khẩu; nghiên cứu phát triển hệ thống dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp gắn với mở rộng chuỗi dịch vụ logistics liên vùng; nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để Cần Thơ hướng tới và trở thành trung tâm đào tạo kỹ thuật công nghệ cao cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và cho nông dân, hay thực hiện được trung tâm chế biến nông sản, cung cấp các vật tư, máy móc thiết bị cho nông nghiệp. Cung cấp luận cứ khoa học cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và văn hoá, giáo dục, bảo vệ môi trường của các địa phương là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hoạt động khoa học công nghệ ĐHQGHN. Thực hiện một trong những giá trị cốt lõi - tiên phong trong nghiên cứu khoa học và đào tạo trình độ cao, và chủ trương kết hợp giữa viện nghiên cứu và trường đại học, gắn nghiên cứu - triển khai với sản xuất - kinh doanh, ĐHQGHN đã xác định hợp tác trường – viện – doanh nghiệp – đối tác trong nước, quốc tế vừa là phương thức vừa là mục tiêu cho sự phát triển của từng đối tác đồng thời cũng là sự phát triển chung của sự nghiệp khoa học - công nghệ và giáo dục đại học Việt Nam.
|