Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Việt Nam với chiến lược nhân tài
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống trọng dụng và tôn vinh nhân tài.

Trong Văn bia ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên ở nước ta đã khắc: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước hùng mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi thấp xuống. Vì vậy các đấng thánh đế, minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại là thế, cho nên quý trọng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng”.

Nhân tài có thể hiểu là người có những phẩm chất, năng lực vượt trội, có thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp cho sự tiến bộ và phát triển của cộng đồng, đất nước cũng như của cả nhân loại. Nhân tài cũng đồng nghĩa với hiền tài, là người vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc.

Ngày nay, trong kỷ nguyên văn minh trí tuệ với kinh tế tri thức và xu thế toàn cầu hóa, việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, đặc biệt là trong các lĩnh vực lãnh đạo – quản lý, khoa học – công nghệ và kinh doanh, có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia của nhiều nước.

Sự kiện vừa qua Việt Nam gia nhập tổ chức WTO đã đặt ra những thách thức có tính chất sống còn buộc chúng ta phải cạnh tranh để tồn tại và phát triển, đồng thời nếu vượt qua được thử thách thì cũng mở ra cơ hội lớn để nước ta vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu đó nếu đất nước có một đội ngũ nhân tài hùng hậu, đủ sức đẩy mạnh hội nhập quốc tế và tạo dựng năng lực cạnh tranh cao cho nền kinh tế quốc dân.

Đội ngũ nhân tài là bộ phận tinh hoa của nguồn nhân lực. Bởi vậy công tác nhân tài cần được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, liên hoàn và đồng bộ. Quy trình này bao gồm đầy đủ các khâu: phát hiện (tạo nguồn, tiêu chuẩn và cơ chế tuyển chọn), đào tạo, bồi dưỡng (nội dung, chương trình, phương pháp và phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chí và cơ chế sàng lọc), sử dụng (cọ sát thực tiễn, thử thách; tiêu chuẩn và cơ chế đánh giá, đề bạt; chế độ và chính sách đãi ngộ). Trong đó, sử dụng vừa là mục đích vừa là động lực của toàn quy trình. Công tác phát hiện, tuyển chọn phải kịp thời, đúng đối tượng và tiêu chuẩn. Đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với yêu cầu sử dụng, học đi đối với hành. Khi cân nhắc bố trí, đề bạt cần coi trọng cả năng lực trí tuệ và kết quả hoạt động thực tiễn; lấy thực tiễn làm môi trường cọ xát, thử thách và làm thước đo để đánh giá nhân tài.

Nhân tài có khả năng khác thường, hay đề xuất những ý tưởng độc đáo, táo bạo, cải cách nên cần có cơ chế phát hiện, tuyển chọn, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng và chế độ chính sách sử dụng, đãi ngộ đặc thù áp dụng riêng đối với đối tượng đặc biệt này. Khi đề cao vai trò của nhân tài trong những ngày đầu xây dựng nhà nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhấn mạnh tính đặc thù trong công tác phát hiện và sử dụng nhân tài: “Kiến quốc cần có nhân tài, nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo dùng thì nhân tài ngày càng thêm nhiều”. Các văn kiện của Đảng cũng khẳng định: “Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu” (Báo cáo chính trị tại Đại hội VI của Đảng) và chỉ dẫn cụ thể: “… cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật giỏi, những nhân tài của đất nước. Cần có biện pháp để sớm phát hiện các mầm mống tài năng từ những trường phổ thông cơ sở, tiếp tục đào tạo tại các trường phổ thông năng khiếu, có kế hoạch đào tạo những học sinh xuất sắc nhanh chóng trở thành những cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi và trẻ tuổi. Trong các trường đại học cần xây dựng một số trường đại học và một số ngành trọng điểm có đủ năng lực đào tạo được các nhà khoa học và kỹ thuật giỏi cho đất nước” (Nghị quyết 37 - NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IV).

Phát hiện, tuyển chọn nhân tài được ví như việc “đãi cát tìm vàng”. Người ta thường định kỳ tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi, thi olympic, các hội thi với quy mô rộng rãi, gồm nhiều cấp, nhiều vòng để lựa chọn những người nổi trội nhất về một số phẩm chất, năng lực chuyên biệt nào đó. Ở các nước phát triển, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài được thực hiện rất hiệu quả bởi các trường, lớp, chương trình đặc biệt với chất lượng cao. Thí dụ, ở Hoa Kỳ phổ biến hệ thống các chương trình đào tạo tiên tiến (honors programs) tại các trường đại học lớn. Ở Pháp có Trường Hành chính quốc gia nổi tiếng chuyên đào tạo các quan chức lãnh đạo, quản lý cao cấp, gắn đào tạo với sử dụng bằng cơ chế “hậu bổ”. Xinh ga po có Trường Chính sách công thuộc Đại học Quốc gia Xinh ga po được thành lập theo mô hình Trường Quản lý Nhà nước Ken nơ đi ở Đại học Ha vớt. Nhật Bản áp dụng “Quy trình đào tạo Thứ trưởng” rất đắc hiệu: từ một thí sinh xuất sắc được tuyển chọn (tỉ lệ 1:1000) trong số trúng tuyển kỳ thi tuyển công chức quốc gia, để trở thành thứ trưởng phải trải qua quy trình thử thách, sàng lọc chặt chẽ kéo dài khoảng 30 năm (tỉ lệ thành đạt 1:25) với 16 vị trí công tác khác nhau từ cấp huyện tới cấp bộ, trong đó có 3 vị trí công tác ở nước ngoài và trước khi được cất nhắc vào vị trí thứ trưởng còn phải đảm nhiệm tốt 3 ghế vụ trưởng khác nhau.

Ngay từ những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, nước ta đã tổ chức hệ thống các kỳ thi học sinh giỏi các cấp hàng năm và sớm tham gia các kỳ thi olympic quốc tế, khu vực về các môn học phổ thông, góp phần to lớn dấy lên phong trào say mê học tập và phát hiện, biểu dương những tài năng trẻ.

Bắt đầu từ lớp toán đặc biệt được thành lập vào năm 1965 tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay mạng lưới các trường phổ thông chuyên đã phát triển mạnh mẽ, khẳng định uy tín chất lượng và hiệu quả, góp phần đáng kể vào việc phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Ở cấp đại học, tiếp theo sáng kiến của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thí điểm đào tạo cử nhân khoa học tài năng, các cơ sở đào tạo khác trong Đại học Quốc gia Hà Nội và một số trường đại học trọng điểm như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh … đã mở các chương trình đào tạo cử nhân, kỹ sư tài năng, chất lượng cao. Đây là một mô hình đào tạo tiên tiến phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế.

Các nước phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã và đang thực hiện những chính sách rất hữu hiệu nhằm thu hút chất xám của thế giới bằng cách tạo điều kiện làm việc tốt và trả lương cao. Phù hợp với quan điểm của Lê nin cho rằng cách tốt nhất để phục vụ lợi ích giai cấp vô sản là đưa những người có tri thức tương xứng vào các vị trí quản lý quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng mạnh dạn trọng dụng nhiều trí thức, nhân sỹ có tài trong bộ máy nhà nước. Chúng ta cần tạo môi trường công tác thuận lợi (về vật chất cũng như tinh thần), có chính sách trọng dụng, tôn vinh, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, có cơ chế bảo vệ thích hợp về chính trị, pháp lý cũng như tổ chức để nhân tài yên tâm, tự do sáng tạo, phát triển và cống hiến.

Công tác nhân tài phải trở thành một cuộc vận động của toàn dân tộc. Ngoài sự kết hợp hành động của các cấp, các ngành, các cơ sở đào tạo, khoa học - công nghệ và sản xuất, kinh doanh, của các tổ chức chính trị – xã hội và nghề nghiệp, phải tạo cơ chế để động viên sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, kể cả kiều bào ở nước ngoài, đặc biệt là trong các khâu phát hiện, tuyển chọn, đánh giá nhân tài cũng như giám sát quá trình triển khai công tác nhân tài. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước.

Ở nhiều nước phát triển như Hoa Kỳ, các nước Châu Âu, Nhật Bản, Nga … chiến lược mang tầm cỡ quốc gia về nhân tài đã được thực thi thành công và trở thành hoạt động thường xuyên từ hàng chục năm nay. Ngay Trung Quốc, nước láng giềng gần gũi có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, chính trị và trình độ phát triển kinh tế – xã hội với nước ta cũng đã triển khai công tác phát triển nhân tài từ rất sớm và bài bản, toàn diện trên phạm vi cả nước. Tháng 5 năm 2002, Trung ương Đảng và Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Đề cương quy hoạch xây dựng đội ngũ nhân tài toàn quốc 2002-2005” và đã đặt mục tiêu chiến lược rất tham vọng là đến dịp kỷ niệm 100 năm thành lập (năm 2049) nước này sẽ có một đội ngũ nhân tài hùng hậu với ít nhất 1000 nhà khoa học tầm cỡ thế giới, trong đó có 10 giải thưởng Nô ben.

Thời gian vừa qua nước ta cũng ban hành một số chủ trương quan trọng về công tác nhân tài: Nghị quyết của Hội nghị trung ương (Khóa IX) đã “giao cho Bộ Chính trị ra nghị quyết về công tác quy hoạch cán bộ, trong đó cần nhấn mạnh việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài”; còn chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 của Nhà nước cũng khẳng định cần xây dựng và triển khai Dự án “Bồi dưỡng nhân tài trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có nghị quyết chuyên đề của Đảng và chiến lược của Nhà nước về công tác nhân tài. Đã đến lúc Đảng và Nhà nước cần khẩn trương hoạch định và thực thi một chiến lược tầm cỡ quốc gia về nhân tài.

Trong công tác nhân tài, vai trò của cấp ủy có tính chất quyết định, nhất là trong khâu sử dụng. Cấp ủy trực tiếp thực hiện chức năng quy hoạch, đánh giá, bố trí công tác và bổ nhiệm chức vụ đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt.

Trong quá trình triển khai công tác nhân tài cần kết hợp khai thác triệt để tiềm năng to lớn của đất nước với sức mạnh của thời đại, chắt lọc tinh hoa của dân tộc đồng thời học tập kinh nghiệm và tiếp thu, làm chủ được tư duy sáng tạo, công nghệ tiên tiến của thế giới về phát triển nhân tài; kết hợp đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước với gửi đi học tập, tu nghiệp ở các nước tiên tiến và đặc biệt chú trọng liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín của nước ngoài, trong đó vai trò và sự tham gia của phía Việt Nam (tức là tỉ lệ “nội địa hóa”) ngày càng cao.

Hiện nay, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại để đánh giá năng lực trí tuệ đang ngày càng phổ biến rộng rãi trên thế giới. Trí lực con người được định lượng bởi những chỉ số trắc nghiệm khách quan cơ bản như: trí thông minh IQ, trí sáng tạo CQ, trí tuệ xã hội SI, cảm xúc EQ, tính đạo đức MQ, tính đam mê PQ. Tùy thuộc vào đặc điểm riêng, mỗi loại tài năng ở các độ tuổi khác nhau đòi hỏi các chỉ số nói trên ở mức độ khác nhau với các trọng số khác nhau. Nhìn chung, công nghệ đánh giá năng lực trí tuệ hiện đại tỏ ra có ưu thế và hiệu quả trong phát hiện tài năng ở dạng tiềm năng hoặc ở thời kỳ chưa có điều kiện bộc lộ đầy đủ thông qua hoạt động thực tiễn, tăng cường tính khách quan và độ tin cậy của công tác đánh giá, tuyển chọn và đề bạt cán bộ; bởi vậy cần mạnh dạn từng bước đưa vào sử dụng kết hợp với những phương pháp đánh giá truyền thống. Tuy nhiên, vì công nghệ đánh giá hiện đại này còn rất mới đối với nước ta nên mức độ sử dụng các chỉ số năng lực trí tuệ cần được cân nhắc thận trọng, tăng dần từng bước trong tương quan với các tiêu chí truyền thống khác và đồng thời với việc chuẩn bị kỹ về mặt tâm lý đối với đội ngũ cán bộ và dư luận xã hội.

Công tác nhân tài phải được triển khai rộng khắp và từng bước vững chắc, đồng thời chọn điểm đột phá thông qua ưu tiên đầu tư tập trung thực hiện một số dự án tầm cỡ với những mục tiêu đỉnh cao. Thí dụ, Hàn Quốc có Dự án “Chất xám Hàn Quốc” đầu tư 600 triệu USD nhằm phát triển 15 trường đại học thành những đại học danh tiếng nhất thế giới với mục tiêu đào tạo những nhà khoa học đầu ngành, trong đó có những người đạt giải Nô bel, còn Dự án “Ngôi sao đại học” đầu tư 20 triệu USD/năm để tuyển dụng khoảng 50 giáo sư hạng “sao” giảng dạy cho một số lớp sinh viên tài năng. Trung Quốc đang thực hiện “ Công trình hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn nhân tài” với mục tiêu đến năm 2010 đào tạo, bồi dưỡng ra hàng trăm nhà khoa học, kỹ thuật kiệt xuất tầm cỡ thế giới, hàng nghìn cán bộ đầu ngành trong cả nước và hàng vạn nhân tài trẻ tuổi.

Đầu xuân 2003 Đại học Quốc gia Hà Nội được lãnh đạo Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Dự án thí điểm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực tài năng phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước ( gọi tắt là Dự án phát triển nhân tài). Dự án đặt mục tiêu phát triển một bộ phận tinh hoa của nguồn nhân lực tài năng, trong đó ưu tiên những nhân tài có triển vọng vươn cao để trở thành những cán bộ lãnh đạo cao cấp của các bộ, cơ quan trung ương, của các tỉnh, thành phố, của các tập đoàn, tổng công ty lớn hoặc những nhà khoa học, công nghệ đầu ngành của đất nước. Bởi vậy, Dự án là một giải pháp mang tính đột phá trong tổng thể chiến lược nhân tài quốc gia.

Mục tiêu cụ thể (có thể coi là các sản phẩm) của Dự án bao gồm:

. Xây dựng và tổ chức thí điểm nhằm hoàn thiện quy trình phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài trong các lĩnh vực: lãnh đạo, quản lý, khoa học, công nghệ và kinh doanh; tổ chức chuyển giao để áp dụng rộng rãi như một con đường phát triển nhân tài nhanh hơn, chắc chắn hơn, vươn cao hơn; góp phần đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác nhân tài.

. Cung cấp cho đất nước: một số cán bộ lãnh đạo, quản lý tài năng, trong đó có những cán bộ cấp thứ trưởng hoặc tương đương ở độ tuổi tương đối trẻ; một số cán bộ khoa học, công nghệ tài năng, trong đó có những nhà khoa học, công nghệ đầu ngành tầm cỡ khu vực ở độ tuổi tương đối trẻ; một số doanh nhân tài năng, trong đó có những doanh nhân tầm cỡ khu vực ở độ tuổi tương đối trẻ.

. Góp phần xác lập cơ sở khoa học, thực tiễn cho Chiến lược nhân tài quốc gia.

. Đề xuất về cơ chế, chính sách phát triển nhân tài và hệ thống tổ chức, quản lý công tác nhân tài.

Mô hình đào tạo với chất lượng quốc tế và cơ chế đánh giá, đề bạt cán bộ đặc biệt trong quy trình phát triển nhân tài nói trên về cơ bản tuân thủ các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước, nhưng có một số yếu tố đặc biệt đòi hỏi sự vận dụng thích hợp với sự cho phép của Chính phủ và Bộ Chính trị. Phương thức đánh giá, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ tiên tiến được thí điểm khi được từng bước chuyển giao để áp dụng rộng rãi có thể cung cấp những giải pháp hữu hiệu, góp phần đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đại học cũng như công tác quản lý, sử dụng cán bộ.

Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Đình Hoan, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và đồng chí Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng Chính phủ, đầu xuân 2004 Dự thảo Dự án đã được biên soạn và qua nhiều lần điều chỉnh, bổ sung sau thảo luận tại một loạt hội thảo, hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương và đông đảo các nhà khoa học đầu ngành, các nhà kinh doanh thành đạt, Dự án đã hoàn thiện để trình Chính phủ và Bộ Chính trị vào cuối năm 2005.

Đón xuân mới Đinh Hợi trong niềm hân hoan, phấn khởi của toàn dân tộc về những thành tựu kinh tế – xã hội to lớn đã đạt được, chúng ta tràn trề hy vọng rằng công tác nhân tài sẽ có những bước bứt phá ngoạn mục để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hậu WTO.

 GS.VS Đào Trọng Thi - UVTW Đảng, Giám đốc ĐHQGHN
(Bài đăng trên tạp chí Xây dựng Đảng) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :