Tham dự hội thảo có gần 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên trong lĩnh vực thư viện tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, Giám đốc VNU –LIC Nguyễn Hoàng Sơn cho biết: “Đây là năm thứ 4 liên tiếp VNU -LIC phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức hội thảo thường niên về các lĩnh vực mới, công nghệ mới, dữ liệu mới trong lĩnh vực thư viện. Năm nay, ý tưởng tổ chức hội thảo xuất phát dưới bối cảnh dữ liệu công nghệ lớn và đặt ra nhiều dấu hỏi. Trong bối cảnh này các thư viện nên chăng phải thay đổi? Cảm biến đang được tương tác với nhau, thư viện đóng vai trò gì ngoài việc quản lý học liệu? Biến đổi thư viện thành trung tâm tri thức số không phải là thu nhập thật nhiều dữ liệu mà biến dữ liệu đó thành tri thức phục vụ cho học tập và nghiên cứu”. Con người cần tri thức, trí thông minh để ra quyết định trong cuộc sống hằng ngày. Trong bối cảnh dữ liệu lớn bùng nổ, điều quan trọng nhất không phải là cá nhân/ tổ chức có thể thu thập, lưu trữ bao nhiêu dữ liệu và thông tin mà chính là việc lựa chọn, xử lý, phân tích, tổng hợp, “chế biến” các dữ liệu và thông tin đó thành tri thức để hỗ trợ cá nhân/ tổ chức ra các quyết định thông minh nhất, nhanh nhất và đạt hiệu quả nhất. Trung tâm Tri thức số; Chuyển đổi thư viện số thành Trung tâm Tri thức số; Mô hình Trung tâm Tri thức – Thư viện là những chủ đề rất mới, cộng đồng các nhà nghiên cứu trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đến nay vẫn chưa nhận diện đầy đủ, chưa nghiên cứu và chưa có những khám phá sâu rộng về các chủ đề này. Chính những hiểu biết mơ hồ đã gây lúng túng cho cộng đồng các nhà quản lý /chuyên gia trong hệ thống thư viện Việt Nam, dẫn đến hạn chế / làm chậm quá trình chuyển đổi số trong các thư viện do hiểu biết chưa đầy đủ hoặc chuyển đổi số thư viện lệch hướng, sai mục đích.
Trưởng Ban Khoa học Công nghệ, ĐHQGHN Vũ Văn Tích đánh giá: “Việc chuyển đổi mô hình thư viện sang trung tâm tri thức số là một xu thế tất yếu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Việc chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng đối với nghiên cứu, đào tạo nhằm hướng tới phát triển một đại học số, dần tiến tới một đại học thông minh. Từ thực tiễn, hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển trung tâm tri thức số, tháo gỡ những vướng mắc mà các trung tâm thư viện tại các trường đại học đang gặp phải hiện nay”.
Chủ tịch NALA Nguyễn Huy Chương cho rằng: Hội thảo lần này đã quy tụ hàng trăm chuyên gia, nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực thông tin – thư viện, quản trị thông tin – tri thức, công nghệ thông tin để nghiên cứu với 68 bài viết chuyên sâu từ các trường đại học, trung tâm thông tin thư viện trong toàn quốc.
Đặc biệt hội thảo đã được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thư viện trình bày 10 tham luận với nội dung phong phú, thiết thực như: Trung tâm - Tri thức Thư viện chuyển đổi thư viện số thành Trunh tâm tri thức số để ứng phó bùng nổ Dữ liệu lớn; Tìm hiểu và đề xuất mô hình Trung tâm Tri thức – Thư viện cho các thư viện đại học Việt Nam; Phát triển Trung tâm tri thức – Thư viện trong trường đại học; Đo lường công bố khoa học bối cảnh thế giới và liên hệ với Việt Nam; Thư viện quản trị tri thức trong kỷ nguyên số; Mô hình trung tâm tri thức số tại Việt Nam và những vấn đề đặt ra về nhân lực; Ứng dụng công nghệ cao, trang thiết bị hiện đại cho trung tâm tri thức số; Dữ liệu 3D thực tế ảo trong phát triển mô hình trung tâm tri thức số cho các thư viện Việt Nam; Xây dựng cơ sở tri thức cho thư viện các trường đại học –một yêu cầu cấp thiết; Xây dựng và phát triển các bộ sưu tập số tại thư viện quốc gia Việt Nam.
Có thể nói rằng, hội thảo được tổ chức như một gợi mở những ý tưởng ban đầu về chuyển đổi phát tiển từ thư viện số sang trung tâm tri thức số và trong thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động cũng như các nỗ lực từ các chuyên gia làm công tác thư viện cũng như các cấp, các ngành sẽ đẩy nhanh chuyển đổi sang trung tâm tri thức số để đáp ứng ngày càng cao của của đại học nghiên cứu, đại học số.
Hội thảo cũng đã được các chuyên gia chia sẻ những thời cơ, thách thức từ Trung tâm thư viện số sang Trung tâm tri thức số.
|