Hai sáng chế độc quyền vừa được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp bằng có tên: “Hỗn hợp chứa cao chiết của các cây trứng quốc và dứa dại, thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa hỗn hợp này có tác dụng bảo vệ gan và lợi mật” và “Phương pháp chiết tách hợp chất Capparilosit A từ cây trứng quốc”. Tác giả của hai bằng độc quyền sáng chế là GS.TS Phạm Hùng Việt và nhóm nghiên cứu –gồm các cán bộ của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Y Dược – ĐHQGHN, Trường Đại học Dược Hà Nội, Viện Hóa học Viện hàn lâm KH & CN VN. PGS.TS Dương Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển Bền vững (Trường ĐHKHTN), thư ký đề tài cho biết: “Là một quốc gia có mức độ đa dạng sinh học và văn hóa cao, Việt Nam có khoảng 5.000 loài cây thuốc với hàng trăm ngàn bài thuốc đang được sử dụng trong dân gian để chữa bệnh. Ở vùng Tây Bắc Việt Nam thuộc Chương trình Tây Bắc, ngoài người Kinh (Việt), còn có 30 dân tộc thiểu số cùng sinh sống với dân số khoảng 9 triệu người. Theo các tài liệu hiện nay, mới có 9 dân tộc bao gồm Dao, Giáy, Hoa, Mông, Mường, Sán chay, Sán dìu, Tày, Thái được nghiên cứu về sử dụng cây cỏ làm thuốc, đây là các dân tộc có dân số lớn hơn 10.000 người. Với điều kiện tự nhiên và sự đa dạng về dân tộc có thể nói Tây Bắc là khu vực giàu tiềm năng về kho tàng thuốc dân gian để sàng lọc, nghiên cứu, từ đó phát triển thành các loại thuốc chữa bệnh nói chung và chữa bệnh về gan mật nói riêng”. Các bài thuốc dân gian đã được sử dụng qua thời gian dài, với hiệu quả điều trị cho nhiều bệnh nhân, đây chính là ưu điểm khởi đầu. Tuy nhiên các bài thuốc dân gian chưa được đảm bảo định lượng chính xác và về mặt khoa học chưa được thử nghiệm để chứng minh tác dụng. Việc nghiên cứu các bài thuốc dân gian điều trị bệnh gan mật của khu vực Tây Bắc, trước hết có mục tiêu bảo tồn tri thức văn hóa bản địa, sau đó là dùng khoa học soi sáng, minh chứng cho tri thức đó. Xa hơn nữa, việc nghiên cứu nhằm tối ưu hóa, nâng cao hiệu quả các bài thuốc dân gian, phát triển các vùng dược liệu, chế biến thành những sản phẩm có giá trị cao để phát triển sinh kế cho cộng đồng, từ đó góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội cho vùng Tây Bắc. Đề tài đã được thực hiện với sự nỗ lực của nhiều cán bộ khoa học có kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan, bao gồm 04 nhóm: Nhóm nghiên cứu về thực vật học, điều tra các bài thuốc dân gian từ Trường Đại học Dược Hà Nội do PGS.TS Trần Văn Ơn làm trưởng nhóm; Nhóm nghiên cứu về hóa học của Trường ĐHKHTN với sự tham gia của GS.TS Phạm Hùng Việt, PGS.TS Phan Minh Giang, PGS.TS Nguyễn Văn Đậu, TS Đỗ Thị Việt Hương, PGS.TS Dương Hồng Anh; Nhóm nghiên cứu về hóa học của Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN VN với sự tham gia của GS.TS Nguyễn Văn Tuyến, PGS.TS Ngô Quốc Anh; Nhóm nghiên cứu về dược lý và bào chế với sự tham gia của GS.TS Nguyễn Thanh Hải, PGS.TS Bùi Thanh Tùng (Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN). “Việc nghiên cứu một bài thuốc phức tạp hơn nhiều so với nghiên cứu một loài cây nhất định. Hơn nữa, việc tập hợp nhiều nhà nghiên cứu ở các chuyên ngành khác nhau làm cùng một đề tài lớn là điều không hề dễ dàng. Thế nhưng, với sự “dám chấp nhận thử thách, thiết tha làm cái gì đó mới mẻ, nhóm nghiên cứu đã thực hiện được và thực hiện thành công” - GS.TS Phạm Hùng Việt, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và An toàn thực phẩm, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN về Khoa học Phân tích và ứng dụng, chủ nhiệm đề tài cho biết. Việc có thêm 02 bằng độc quyền sáng chế vừa được cấp đã nâng tổng số bằng sở hữu trí tuệ từ đề tài lên 03 bằng độc quyền sáng chế và 01 bằng giải pháp hữu ích. Như vậy, cho đến nay, từ các kết quả nghiên cứu, đề tài "Nghiên cứu đánh giá và phát triển một số bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị bệnh gan, mật của các dân tộc vùng Tây Bắc" đã được cấp 03 bằng độc quyền sáng chế, 01 bằng giải pháp hữu ích, 09 bài báo khoa học trong nước và 04 bài báo khoa học quốc tế.
|