Hội nghị có sự tham dự của một số Ban chức năng ĐHQGHN cùng lãnh đạo, cán bộ, viên chức của Viện Công nghệ Thông tin. Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin Trần Xuân Tú cho biết: năm 2022 là năm Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN để lại nhiều dấu ấn với nhiều thành tích đáng ghi nhận như: khai trương Phòng Thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật (AIoT Lab) phối thuộc giữa Viện và Trường Quốc tế. Việc hình thành phòng thí nghiệm AIoT đã tạo ra một không gian nghiên cứu mở, năng động và sáng tạo cho cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên ĐHQGHN. Phòng thí nghiệm AIoT cũng giúp cho Viện gia tăng nguồn lực triển khai các hoạt động khoa học công nghệ. Năm 2022, cũng là năm Viện tiếp tục xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, đồng thời thúc đẩy hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ. Viện đã triển khai đào tạo theo đặt hàng 03 khóa đào tạo về công nghệ blockchain và ứng dụng cho các đối tác trong và ngoài nước. Hiện nay, Viện có các chương trình đào tạo gồm: An ninh, an toàn thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số; Khai phá dữ liệu và ứng dụng cơ bản; Trí tuệ nhân tạo chuyên ngành; Công nghệ Blockchain và ứng dụng; Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Thiết kế vi mạch cơ bản; Thiết kế vi mạch nâng cao; Phát triển ứng dụng AI trên công nghệ FPGA; Blockchain và các xu hướng ứng dụng trong ngành tài chính, ngân hàng. Đặc biệt, Viện đã đề xuất mở chương trình đào tạo tiến sỹ mới về Khoa học và Kỹ thuật máy tính, chương trình đào tạo kết hợp thế mạnh của Viện và nhu cầu nhân lực trình độ cao trong bối cảnh chuyển đổi số, kết hợp phần cứng và phần mềm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông theo xu thế chung trên thế giới. Năm 2022, Viện đã tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế như: hội nghị quốc tế IEEE về Thiết kế vi mạch và Công nghệ chế tạo; hội thảo quốc tế về Y tế thông minh trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo (SMART HEALTHCARE WORKSHOP 2022); hội thảo RISC-V Việt Nam; Cuộc thi Hackathon khu vực Đông Nam Á về Mạch và hệ thống điện tử với nhiều đội sinh viên, nghiên cứu sinh đến từ 6 nước trong khu vực Đông Nam Á tham gia. Tại hội nghị dại diện Lãnh đạo Viện Công nghệ Thông tin đã trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm vừa qua Dấu ấn đặc biệt của Viện trong những năm qua là tiếp tục duy trì công bố khoa học quốc tế trên danh mục ISI/Scopus ở mức cao, thuộc nhóm dẫn đầu của ĐHQGHN. Cán bộ khoa học của Viện Công nghệ Thông tin đã thực hiện 60 công bố khoa học trong năm 2022 (trong đó, có 44 công bố khoa học trên cơ sở dữ liệu ISI/Scopus, đạt tỷ lệ 2,9 bài/cán bộ khoa học; 50% công bố thuộc danh mục Q1 & Q2 Scimago). Năm thứ 4 liên tiếp có nhà khoa học (PGS. TS. Lê Hoàng Sơn, Trưởng phòng Công nghệ Đa phương tiên và Thực tại ảo) vào TOP 10.000 nhà khoa học có chỉ số ảnh hưởng trên thế giới (theo PLOS). Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ sẵn sàng chuyển giao như: sản phẩm Y tế thông minh (VNU Diagnostics), sản phẩm nền tảng IoT an toàn (VNU Secu-IoT); nền tảng giáo dục thông minh EduNet. Bên cạnh đó, hoạt động đăng ký Sở hữu trí tuệ cũng có nhiều khởi sắc. Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin Trần Xuân Tú cho biết, trong năm 2023, Viện sẽ chú trọng vào: (1) công tác tuyển sinh và đào tạo sau đại học, đồng thời đẩy mạnh hoạt động đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn; (2) tăng cường hoạt động sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hoạt động hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong và ngoài nước trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ; (3) phát triển đội ngũ, xây dựng và hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, có trường phái riêng, góp phần xây dựng thương hiệu, uy tín của Viện Công nghệ Thông tin nói riêng và ĐHQGHN nói chung. Có thể nói, lĩnh vực công nghệ thông tin với tiêu điểm là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số… cũng như ra đời các chiến lược khoa học và công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chính phủ điện tử, chính phủ số tạo nhiều cơ hội cho Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN phát triển. Việc xây dựng dự thảo quy hoạch chi tiết trụ sở làm việc của Viện Công nghệ Thông tin và xây dựng Phòng thí nghiệm liên ngành AI & ICT của Viện Công nghệ Thông tin tại khu nghiên cứu liên ngành 22,9 ha tại Hòa Lạc của ĐHQGHN cũng tạo nền móng để Viện Công nghệ Thông tin phát triển trong tương lai. – Viện trưởng Trần Xuân Tú nhấn mạnh.
|