Với Gala lần này, quy tụ các đội nhất tháng và nhất quý trong năm 2006 gồm: MFO ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, MFO ĐH Kinh tế Huế, MFO ĐH Bách Khoa Hà Nội, MFO ĐH Công nghiệp HCM và MFO ĐH Ngoại Thương Hà Nội. Đây là một cuộc so tài không những về trí tuệ mà còn là sự khéo léo, sức khoẻ và tinh thần đồng đội cao được thể hiện trong các phần thi: Những mảnh ghép thành công; Đi tìm kế sách và ném phao vào mục tiêu; Sự cám dỗ của nàng tiên cá; Bản lĩnh doanh nhân;
Ở phần thi đầu tiên – Những mảnh ghép thành công, các doanh nhân tương lai ở các đội chơi cử 2 thành viên bơi thuyền đi tìm các mảnh ghép được thả trôi nổi trên hồ Bảy Mẫu. Trong thời gian 7 phút, các đội phải tìm 10 yếu tố thành công tương ứng với 10 màu sắc khác nhau. Ở phần thi này, đội MFO ĐH Kinh tế ĐHQGHN lấy được 9/10 mảnh ghép, giành 90 điểm, sau MFO Bách khoa và MFO Công nghiệp HCM.
Chuyển sang phần chơi "Đi tìm kế sách và ném phao vào cọc", mỗi đội chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm diễn tả bằng điệu bộ (không được dùng lời nói) để nhóm còn lại đoán tên kế sách. Mỗi kế sách đúng được 1 phao cứu sinh, dùng phao đó ném vào cọc tiêu đựợc thả trên hồ. Kết thúc, MFO ĐH Kinh tế Huế hết sức xuất sắc với 7 phao vào cọc (do đã rút kinh nghiệm được từ các đội khác), MFO Kinh tế QHQGHN thi đầu tiên được 6 phao trong khi MFO Ngoại thương chỉ giành được 1 phao
. Vì cùng được 2 phao nên MFO Ngoại thương và MFO Bách Khoa phải ném lượt 2 để chọn 1 đội vào vòng trong cùng MFO Kinh tế ĐHQGHN và MFO Kinh tế Huế.
Giành quyền thi tiếp ở "Sự cám dỗ của nàng tiên cá" (nghe tên thật hấp dẫn!) đó là các đội MFO Kinh tế ĐHQGHN, MFO Kinh tế Huế và MFO Công nghiệp. Các đội lần lượt lên mũi tàu và trả lời 3 câu hỏi trắc nghiệm của … mỹ nhân ngư – lúc này 3 nàng đang nằm trên 3 tảng đá nổi trên mặt hồ, trước mũi tàu. Mỹ nhân ngư được chọn từ các trường ĐH. Khán giả lại một lần nữa trầm trồ thán phục bởi khả năng hùng biện cũng như kiến thức hiểu biết của MFO Kinh tế ĐHQGHN, đặc biệt là đội trưởng Nguyễn Thanh Tuấn khi đã giành điểm tuyệt đối 30 điểm trong khi đội MFO Công nghiệp và MFO Kinh tế Huế cùng đạt 20 điểm.
Ở phần thi cuối cùng "Bản lĩnh kinh doanh", các đội thi phải chèo thuyền ra đảo chọn 1 trong 3 bộ gầu múc (lớn, nhỡ hoặc nhỏ), sau đó chèo thuyền về để múc nước đổ vào cột nhằm lấy 10 quả bóng. Ở phần này, mộtt lần nữa, MFO Kinh tế ĐHQGHN lại thể hiện sự nhanh nhẹn và khéo léo của mình khi cột nước của đội luôn cao nhất, và giành trọn vẹn 100 điểm khi 10 quả bóng trong cột nước đã rơi ra. Tới phần bốc thăm chọn trứng vàng (trong kinh doanh, may rủi là điều luôn thường trực, vì thế đây cũng là cơ hội để đo sự mạo hiểm cũng như may mắn của các đội), mỗi đội có 3 hộp giống nhau đựng 2 trứng vàng và 1 trứng trắng. Nếu chọn đúng trứng vàng sẽ được nhân đôi số điểm và chọn sai số điểm sẽ bị chia đôi.Và cuối cùng, cổ động viên MFO Kinh tế ĐHQGHN lại một lần nữa nhảy lên sung sướng khi đội trưởng Thanh Tuấn giơ cao quả trứng vàng.
Kết thúc đêm gala, MFO ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã giành chiến thắng, đồng giải nhỉ là MFO ĐH Kinh tế Huế và ĐH Công Nghiệp TPHCM, đồng giả ba là MFO ĐH Bách Khoa và Ngoại Thương Hà Nội. Lại một lần nữa MFO ĐH Kinh tế ĐHQGHN thể hiện được tinh thần nhà nhà vô địch không chỉ trong học tập mà còn trong thể thao, không chỉ thông minh mà còn nhanh nhẹn và khóe léo.
Đêm hội đầu tiên của "Làm giàu không khó" sẽ được trình chiếu vào lúc 19h50 trên VTV1 Đài truyền hình Việt Nam ngày 25/4/2007.
|