PV: Chào Tuấn Anh! Chúc mừng thành công của bạn trong năm học này! Cảm xúc của bạn khi mình là sinh viên đầu tiên của Trường Đại học Công nghệ được đứng vào hàng ngũ của Đảng?
Tuấn Anh: Được đứng trong hàng ngũ của Đảng đã là một niềm tự hào rất lớn của các đoàn viên trong đó có em, và càng vinh dự hơn khi em là sinh viên đầu tiên của trường được kết nạp vào Đảng. Điều này khiến em cảm thấy mình có trách nhiệm thật nặng nề, vừa là trách nhiệm phải học tập, công tác sao cho xứng với sự tin tưởng của thầy cô giáo, bạn bè, các đảng viên trong Chi bộ, Đoàn Thanh niên, Đảng ủy Nhà trường – những người đã bồi dưỡng và dìu dắt em vào Đảng; sao cho xứng đáng là sinh viên đầu tiên của Trường Đại học Công nghệ được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Và có lẽ có một chút gì đó như “nhiệm vụ của người đầu tiên” là phải tìm cách giúp đỡ các bạn, các em khóa dưới sao cho mình là người đầu tiên nhưng không là duy nhất nữa.
Lý lịch trích ngang:
- Họ và tên: Phạm Trần Tuấn Anh
- Ngày tháng năm sinh: 30/09/1984
- Các thành tích đạt được:
+ Đạt loại giỏi trong 4 năm học
+ Giải Nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2005 - 2006
+ Giải Nhất sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2006 – 2007
+ Điểm trung bình chung học tập: 8.67
Thủ khoa tốt nghiệp ngành học Vật lý Kỹ thuật & Công nghệ Nanô
+ Nhận được nhiều khen thưởng trong học tập và công tác Đoàn – Hội
- Được kết nạp vào Đảng ngày 09/05/2007. |
PV: Được biết bạn là thủ khoa tốt nghiệp của khoa VLKT và CNNN bạn có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm học tập của mình?Đặc biệt là “bí kíp” học ngoại ngữ?
Tuấn Anh: Việc học tập tốt trong trường đại học không hẳn là việc quá khó. Có lẽ theo em việc khó khăn nhất là có được cách học của đại học. Đó là phương pháp học tập chủ động, tự tìm tòi thêm kiến thức dựa vào những gợi ý của giảng viên. Đây là những nét rất khác với học phổ thông, và có lẽ những bạn đạt được kết quả học tập chưa tốt là do chưa làm quen được với môi trường học hoàn toàn mới này. Do quen với phương pháp học thụ động thầy đọc trò chép, nên với số lượng giờ lên lớp ít ỏi trong khi lượng kiến thức cần phải nắm bắt lại quá lớn đã khiến cho một số bạn cảm thấy khó khăn trong học tập.
Một điều nữa mà em nhận ra: khi học điều quan trọng là mình xác định rõ được mục tiêu học tập của mình. Tuy rằng biết mục đích chính trị lớn nhất của sinh viên là học tập, nhưng vấn đề là mình phải hiểu được rằng học tập để làm gì. Học cho bố mẹ, dòng họ ư?! Hay học vì một tấm bằng để có thể xin được việc làm tốt?! Nếu xác định việc học là như vậy thì học hành sẽ trở thành một sự ép buộc, khiến người sinh viên cảm thấy học tập như một nghĩa vụ đối với mình vậy. Nếu xác định rõ được mục đích học tập đúng đắn, em tin rằng việc học sẽ trở nên nhẹ nhàng và khiến con người hăng hái lên rất nhiều.
Về vấn đề học ngoại ngữ của mình, em cũng có nhiều may mắn khi được tiếp xúc với tiếng Anh từ khi còn khá nhỏ. Em được học tiếng Anh từ khi em không biết viết, do vậy sự tiếp nhận tiếng Anh của em khá tự nhiên và ngay cả đến bây giờ em vẫn cảm thấy việc học tiếng Anh là rất tự nhiên vậy. Cũng là do sở thích của em mà em đọc rất nhiều sách, trong đó rất nhiều là sách tiếng Anh. Do vậy mà việc tiếp xúc với tiếng trở nên thường xuyên như là một việc hàng ngày vậy. Mình học tiếng Anh giống như học một ngôn ngữ thường ngày, mình tiếp nhận nó rất thường xuyên, đó có lẽ là phương pháp hay nhất để học một ngoại ngữ. Đối với nhiều bạn khác, các bạn rất thiệt thòi là tiếp xúc với ngoại ngữ khá muộn, do vậy việc học trở nên khá gượng ép nên trong tiềm thức của con người hình thành một nỗi sợ học tiếng, và chính nỗi sợ đó càng cản trở thêm việc học của các bạn.
|
|
Một vấn đề khác mà ai cũng mắc phải đó là khi mình kém về một cái gì đó thì mình lại càng không muốn học nó. Em cũng đang học một ngoại ngữ khác, và cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc học tiếng Anh có thể không suôn sẻ khi mình học muộn, nhưng nếu mình không cố gắng thì lại càng phí hoài hơn, và đây cũng gần như một ngoại ngữ bắt buộc để mình có thể giao lưu với bên ngoài và đi tìm việc, nên hãy dũng cảm chiến đấu với nó, coi nó như là một bữa ăn mà mình ngày nào cũng ăn. Cơm mình cũng ăn được suốt, vậy tiếng Anh mình cũng học được suốt phải không.
PV: Bên cạnh nhiệm vụ chính là học tập bạn đã tham gia những hoạt động nào trong phong trào thanh niên? Cảm nhận của bạn về phong trào đó?
Tuấn Anh: Nói về vấn đề này kể ra em cũng hơi ngượng (cười). Hồi trước em có xin đi tình nguyện, nhưng các anh thấy bé quá nên không cho đi do hồi đó đi tiếp sức mùa thi mà J. Rồi cũng do vấn đề sức khỏe mà phong trào hiến máu nhân đạo mình chỉ đi làm được công tác tuyên truyền thôi, không trực tiếp tham gia được. Năm thứ hai em cũng tham gia các phong trào của Đoàn - Hội, chủ yếu là cho việc tổ chức các hoạt động chào mừng, cắm trại…
Hồi đó lớp em cũng tham gia rất nhiệt tình. Mọi người đều thấy vui vẻ và nhiệt huyết, hoạt động của Đoàn trường thời gian đó còn rất khó khăn, rất ít có những khuyến khích cho người tham gia vào công tác đoàn. Khoảng thời gian đó đã để lại rất nhiều kỉ niệm đẹp cho em, và không hề quá đáng khi nói rằng đó là một trong những khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời sinh viên của em, một thời gian nghịch ngợm, chơi đùa hồn nhiên và hết mình cho một tập thể.
PV: Bạn là người có nhiều triển vọng để đi du học, vì sao bạn lại chọn Trường Đại học Công nghệ để tiếp tục con đường học tập và nghiên cứu của mình?
Tuấn Anh: Câu này em khó trả lời quá! Tại sao mình lại chọn vào trường Công nghệ, chứ không phải vào một trường khác, hay không phải là đi du học? Lúc điền vào tờ nguyện vọng thi đại học, em cũng chẳng biết gì về trường cả. Tất nhiên tại thời gian đó trường đã có rất nhiều tiếng tăm và điểm vào trường cũng rất cao rồi, nhưng đấy lại không phải là lý do để em điền vào mã số QHI. Có lẽ tại cái tên Công nghệ nghe nó oai oai, và cũng có lẽ do em được bảo là thi vào lớp đó là của Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đó. Lúc đó thầy Hiệu là một thần tượng rất lớn của em, và được vào lớp do thầy chủ nhiệm cũng là một vinh dự rất lớn vậy. Đến bây giờ em vẫn không thể nào quên được những ưu ái mà thầy đã dành cho lớp và cho cả cá nhân em, những hoài bão mà thầy ấp ủ muốn bọn em thực hiện được. Một điều đáng tiếc là em đã không thể thực hiện được hết những mong mỏi của thầy, nhưng em luôn tự hứa với bản thân sẽ cố gắng hết sức mình để có thể đạt được những điều mà thầy đã kì vọng vào chúng em. Chắc hơi lạc đề rồi (cười).
Tóm lại là có lẽ em vào trường cũng là một cái duyên, như Phật đã dạy. Nhưng cái duyên ấy đã cho em một lựa chọn sáng suốt. Em có được những bạn bè tốt, những thầy cô hết sức tận tình, có những ưu ái về cơ sở vật chất rất lớn. Chính vì vậy mà em luôn nghĩ đây đúng là một duyên may trong cuộc đời mình và em đã phấn đấu vì cái “duyên” ấy!
PV: Với tư cách là một đảng viên và cũng là thủ khoa tốt nghiệp ngành học bạn nói gì với sinh viên khóa sau đặc biệt là tân sinh viên K52?
Tuấn Anh: Em chỉ muốn có một số lời tâm sự với các tân sinh viên của khoa Vật lý Kỹ thuật & Công nghệ Nanô thôi bởi vì các khoa khác đã có những tấm gương rất sáng soi đường rồi. Em muốn nhắn nhủ với các bạn mới vào rằng hãy tự hào vì mình là sinh viên trường Công nghệ, là sinh viên của khoa Vật lý Kỹ thuật. Tuy rằng khoa mình còn mới và còn rất nhiều khó khăn, nhưng những người mở đường luôn có những vinh quang của họ. Các bạn sẽ trở thành đầu đàn của một ngành khoa học đầy tiềm năng đang được phát triển rất mạnh trên thế giới, các bạn sẽ được giảng dạy bởi đội ngũ giáo sư tiến sĩ đầu ngành của ngành Vật lý, các bạn sẽ được tận hưởng những cơ sở vật chất có thể nói là hiện đại nhất trên cả nước. Do vậy mà các bạn không có gì phải e ngại, hãy giữ vững nhiệt huyết và mơ ước của người mới bước qua kỳ thi tuyển sinh đầy cam go, và hãy nhanh chóng làm quen với một môi trường đại học rất năng động và tự do để có thể phát huy tất cả những khả năng của mình. Một thời kỳ đầy thử thách và nhiều trải nghiệm đang chờ các bạn, và mình chắc chắn là các bạn sẽ đạt được hơn mình rất nhiều kể cả trong học tập và sinh hoạt đoàn thể.
Cảm ơn bạn! Chúc bạn luôn thành công!
|