“Ở Việt Nam hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp đang là nguồn sinh kế chính của gần 70% dân số cả nước. Ngành sản xuất nông nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến 2/3 hộ dân làm ruộng trong đó có 44% số hộ thuộc diện nghèo và có nguy cơ tiềm ẩn tái nghèo. Tôi cho rằng nông nghiệp là chìa khóa của sự ổn định và phát triển đối với người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập WTO...” - TS. Juergen Wieman - Phó giám đốc Viện phát triển Đức (DIE), Bonn đã khẳng định điều đó tại hội thảo khoa học “Tác động của việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới đối với lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam” vừa được Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN phối hợp với Viện Konrad-Adenauer (CHLB Đức) tổ chức ngày 18/4/2008 tại Hà Nội...
Nhìn lại bức tranh xuất khẩu nông sản
|
Ảnh: Thanh Hà | Nhìn từ khía cạnh xuất khẩu nông sản, sau hơn 1 năm gia nhập WTO, những mặt hàng chủ lực của nền nông nghiệp nước ta vẫn đang chứng tỏ thế và lực của một quốc gia với không ít nông sản được ghi danh trên thương trường thế giới. Theo thống kê của Vụ kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thì năm 2007 và đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước đã đạt 10,5 tỷ USD tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước đó. Riêng xuất khẩu gạo đã hoàn thành chỉ tiêu với sản lượng xuất khẩu 4,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu tăng 18% (1,42 tỷ USD). Hiện nay, có tới 5 mặt hàng là thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, gạo và cao su đạt giá trị xuất khẩu từ 1 - 3 tỷ USD. Cùng với những ưu thế sẵn có của nông sản Việt Nam, việc gia nhập WTO tiếp tục tạo đà thuận lợi cho xuất khẩu nông sản. Bên cạnh những bạn hàng truyền thống, hầu hết các ngành hàng xuất khẩu đều đã tìm thêm được những đối tác và bạn hàng mới. Nếu như nhiều năm trước đây, xuất khẩu cao su của Việt Nam chỉ chủ yếu tập trung vào thị trường Trung Quốc thì đến đầu năm 2008 sản lượng xuất sang thị trường này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 59% trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang hàng loạt thị trường mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, Malayxia... tăng đáng kể. Riêng với ngành chè, theo tham luận của đại diện Hiệp hội chè Việt Nam thì sau những nỗ lực của ngành chè trong việc đầu tư, phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến theo quy hoạch, đồng thời tổ chức lại ngành này theo hướng từng bước hiện đại hóa, tăng nhanh tỷ lệ các sản phẩm chè tinh chế, có chất lượng cao và đa dạng hóa về mẫu mã sản phẩm, tổng kết năm 2007, giá chè xuất khẩu của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể với mức tăng 25% tương ứng mức tăng khoảng 270 - 280 USD/tấn.
Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản thì việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho nông nghiệp lại chưa chứng tỏ được lợi thế. Lý giải về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Phước Hiệp - Vụ trưởng Vụ pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp cho rằng: “Điều này phản ánh khả năng vận động, xúc tiến đầu tư của Việt Nam trong lĩnh vực thu hút vốn nước ngoài dành cho nông nghiệp còn hạn chế. Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam luôn tiềm ẩn rủi ro đối với các nhà đầu tư nước ngoài do điều kiện tự nhiên khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, sản phẩm nông nghiệp thường có tỉ suất lợi nhuận thấp...”. Cùng chia sẻ về vấn đề này, Ths. Tống Văn Chung - Khoa Xã hội học, Trường ĐHKHXH&NV đã khẳng định rằng chúng ta cần tiếp tục xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao gắn với hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó để đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn, hệ thống chính sách về nông nghiệp của chúng ta cũng cần hướng người nông dân theo tiêu chí sản xuất những sản phẩm thị trường cần với giá thành hạ, năng xuất và chất lượng tăng đặc biệt để bán được với giá thành cao. “Để tam nông - nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam thực sự vững vàng với WTO thì cùng với việc quy hoạch, định hướng sản xuất cũng như tăng cường ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, việc tăng cường nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật và nắm bắt xu thế thị trường của các doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân vẫn là nhiệm vụ quan trọng... ” - TS. Willibold Frehner, Trưởng đại diện Viện nghiên cứu về kinh tế Konrad-Adenauer (CHLB Đức) nhấn mạnh.
|
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Thanh Hà |
Truyền thông khuyến nông - mắt xích không thể thiếu
Truyền thông khuyến nông ở nước ta nếu chú ý thích đáng và triển khai tốt sẽ vượt qua giới hạn ban đầu là truyền thông khuyến khích phát triển nông nghiệp để đảm nhận cả việc nâng cao nhận thức về vai trò của nông thôn, nông nghiệp, nông dân; tạo sự đồng thuận cả xã hội ủng hộ tam nông; làm diễn đàn cung cấp sáng kiến, giám sát hiệu quả thực hiện tam nông; mở rộng giao lưu lĩnh vực tam nông Việt Nam với quốc tế. Hoàn cảnh nước ta hiện nay càng phải đề cao vấn đề truyền thông hơn bao giờ hết bởi đã là thành viên của WTO, chúng ta không thể hội nhập mà không hiểu rõ các quy định, cam kết, luật lệ, tiêu chuẩn liên quan đến nông nghiệp khi tham gia “sân chơi quốc tế” và cũng từ đó mới có cơ sở để quảng bá cho thương hiệu các nông phẩm Việt Nam. TS. Juergen Wieman cho biết: “Chúng tôi đã thử làm phép thăm dò ở các vùng nông thôn khác nhau của Việt Nam và thấy rằng: Người nông dân hầu như không tiếp cận được các thông tin thị trường. Họ hầu như không biết ý nghĩa của việc gia nhập WTO hay ASEAN, họ sản xuất thiếu định hướng chiến lược. Theo tôi, Chính phủ và các hội đoàn nên chú trọng hơn tới công tác truyền thông khuyến nông để cung cấp cho người dân thêm thông tin về phát triển và các điều kiện tiếp cận thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thông tin về tiêu chuẩn sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu...”.
|
Ảnh: Thanh Hà |
Một đặc điểm dễ nhận thấy đó là dân cư nông thôn ở nước ta phân bố không đều nên việc thông tin, quảng bá, phát hành các tài liệu khuyến nông gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, công tác truyền thông khuyến nông vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong khi kỹ năng truyền thông của cán bộ khuyến nông ở các vùng còn hạn chế, nhiều người chưa từng được đào tạo bài bản và chế độ đãi ngộ, thù lao cho cán bộ còn chưa tương xứng. Ngay vấn đề, nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn chưa được hoặc rất ít được tiếp cận với các chương trình khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng là những bài toán hóc búa không dễ tìm lời giải. Chia sẻ về nội dung này, PGS.TS Lê Thanh Bình - Tổng biên tập Bản tin ĐHQGHN khẳng định: “Chúng ta phải nhận thức được truyền thông khuyến nông hiện tiến hành trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển mạnh nên cần có sự kết hợp chặt chẽ với truyền thông đại chúng, công nghệ thông tin hiện đại. Trong các chương trình truyền thông khuyến nông cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà: nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà báo... Thông điệp cần viết đơn giản, từ ngữ dễ hiểu, bố cục rõ ràng, có kèm tranh ảnh minh họa hoặc trình chiếu trên các phương tiện nghe nhìn... Phải đồng bộ giữa việc tăng ngân sách với bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ phụ trách truyền thông đồng thời phát hành ấn phẩm khuyến nông, xây dựng tủ sách khuyến nông tới từng địa bàn làng xã, lồng ghép truyền thông khuyến nông vào các sinh hoạt văn hóa địa phương...”. Làm tốt công tác truyền thông khuyến nông, người nông dân sẽ chủ động, gắn bó với khoa học kỹ thuật hơn đồng thời có vốn hiểu biết rộng, toàn diện hơn về quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến, thị trường tiêu thụ... Mặt khác, nếu chỉ tập trung sản xuất thì hiện nay đầu ra cho sản phẩm vẫn khó khăn mà nông dân rất khó bứt lên trở thành giàu có nhờ nông nghiệp thuần túy chính bởi vậy xu thế hiện nay ở nước ta là cần quảng bá rộng rãi phương thức “Công ty hóa” các hoạt động sản xuất, dịch vụ ở nông thôn. Để người nông dân dần làm quen với hình thức làm ăn doanh nghiệp thì truyền thông khuyến nông là một mắt xích không thể thiếu.
|