Với chủ trương tập trung xây dựng ĐHQGHN thành một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học - công nghệ chất lượng cao, trình độ cao ngang tầm với các đại học tiến tiến trong khu vực và trên thế giới, Chính phủ đã quyết định đầu tư, xây dựng khu đô thị ĐHQGHN tại Hoà Lạc hiện đại, tiên tiến, tiêu biểu cho văn hoá và trí tuệ Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn, phức tạp, song dưới sự lãnh đạo chặt chẽ, quyết liệt, thường xuyên, kịp thời của Đảng uỷ, công tác xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc đã đạt được một số kết quả cơ bản, quan trọng như: thực hiện thành công việc giải thể Nông trường 1A; về cơ bản hoàn thành thu hồi, giải phóng mặt bằng, xác định ranh giới giao đất cho Dự án; hoàn thành quy hoạch tổng thể, bước đầu triển khai các Dự án thành phần… Đây là những cơ sở hết sức quan trọng cho việc triển khai Dự án các giai đoạn tiếp theo.
Tuy vậy, do đây là một Dự án rất lớn được xây dựng trên diện tích 1000 ha, với những yêu cầu cao về chất lượng, kiến trúc, công năng, thẩm mỹ; trong điều kiện có độ phức tạp rất cao, bên cạnh đó, năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn của các cán bộ được giao nhiệm vụ thực hiện có những hạn chế nhất định; phương thức tổ chức thực hiện chưa phù hợp với đặc thù và quy mô Dự án, công tác xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc chưa được thực hiện tốt, đặc biệt chưa đáp ứng được tiến độ theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt
Để Dự án đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng, tiến độ hoàn thành vào năm 2015, ngày 30/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển chủ đầu tư dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc từ ĐHQGHN sang cho Bộ Xây dựng.
Tham dự buổi lễ bàn giao, về phía ĐHQGHN có GS.TS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQGHN, PGS.TS Phạm Trọng Quát, Bí thu Đảng uỷ, Phó Giám đốc ĐHQGHN và các đồng chí trong Ban Giám đốc, đại diện một số ban chức năng.
Phát biểu tại buổi lễ bàn giao, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết: Tinh thần sẽ là chuyển giao nguyên trạng từ hồ sơ, cơ sở vật chất đến con người để đảm bảo tiến độ của dự án không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với một dự án có quy mô lớn như vậy, với 13 dự án thành phần và theo kế hoạch là tới 2015 phải hoàn thành, việc triển khai dự án sẽ không hề đơn giản trong cả việc đảm bảo tiến độ cũng như cân đối tài chính.
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định: Bộ Xây dựng nên xem xét lại quy hoạch, nhất là đối với một quy hoạch đã có từ 10 năm trước, cần thiết có thể điều chỉnh. Bên cạnh đó, Bộ phải có kế hoạch về vốn, mặc dù là dự án ngân sách Nhà nước nhưng cũng cần phải làm rõ cơ chế vốn.
|