Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Việt Nam học trên đường hội nhập và phát triển
Đó là chủ đề của báo cáo đã được GS.TSKH Vũ Minh Giang trình bày tại phiên toàn thể Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ III do ĐHQGHN và Viện KHXHVN phối hợp tổ chức từ ngày 5 đến 7/12/2008

Tính từ ngày Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội vào năm 1998 đến nay đã tròn 10 năm, một khoảng thời gian không dài nhưng Việt Nam học đã có một bước tiến dài trên đường hội nhập và phát triển. Nếu ngược dòng lịch sử xa hơn một chút, vào thời điểm một nhóm chuyên gia đề xuất việc thành lập Trung tâm phối hợp nghiên cứu Việt Nam ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1988 thì Việt Nam học còn là một cụm từ xa lạ với hầu hết người Việt Nam, thậm chí ngay cả với các học giả.

Thực ra, nghiên cứu các vấn đề của Việt Nam, liên quan tới Việt Nam đã được quan tâm từ rất lâu và đã có những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, nghiên cứu Việt Nam trước đây được tiến hành trong khuôn khổ các khoa học chuyên ngành. Hầu hết các khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội & nhân văn đều có các chuyên gia nghiên cứu Việt Nam, chẳng hạn như Lịch sử Việt Nam của ngành Lịch sử, Văn học Việt Nam của ngành Văn học, Tiếng Việt của ngành Ngôn ngữ học… Nghiên cứu theo hướng chuyên ngành là phù hợp với quy luật phát triển của khoa học. Mỗi chuyên ngành còn được chia nhỏ, chuyên sâu theo các giai đoạn, các nội dung hoặc các bộ phận của hệ thống. Chính nhờ việc nghiên cứu chuyên sâu như vậy mà các nhà nghiên cứu Việt Nam đã hoàn thành được nhiều công trình tầm cỡ, nhiều chuyên khảo có giá trị. Nhưng cũng lại một thực tế là nhu cầu nhận thức Việt Nam không chỉ dừng lại ở từng khía cạnh, từng mặt mà phải tiến tới những nhận thức tổng hợp. Nhu cầu nhận thức tổng hợp như vậy không phải có ở tầm vĩ mô, trên quy mô toàn quốc mà còn đối với cả những không gian nhỏ hơn như một vùng, một địa phương, thậm chí một làng cụ thể. Nghiên cứu Việt Nam theo hướng chuyên ngành đã bộc lộ hạn những chế trong việc đáp ứng nhu cầu này.

Trong khi các học giả trong nước vẫn chủ yếu tiến hành nghiên cứu theo hướng chuyên ngành, hoặc ở một chừng mực nào đó các chuyên gia một số chuyên ngành phối hợp với nhau để giải quyết một đề tài theo phương thức tiếp cận đa ngành (Multidisciplinary) thì ở nước ngoài, học giả của nhiều cơ sở khoa học và đào tạo đã tiến hành nghiên cứu Việt Nam theo hướng Khu vực học (Area Study), với phương thức tiếp cận của một khoa học liên ngành (Interdisciplinary Science). Xu hướng này bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ sau khi Việt Nam thực thi chính sách Đổi mới (sau 1986), người nước ngoài có cơ hội trực tiếp nghiên cứu thực địa tại Việt Nam. Những cuộc khảo sát của các học giả nước ngoài trên các địa bàn khác nhau của Việt Nam đã tác động đến các học giả Việt Nam, trước hết là những nhà khoa học đã từng có cơ hội giao lưu tiếp xúc với các nhà Việt Nam học quốc tế thông qua các cuộc hội thảo quốc tế, những lần được mời đi giảng dạy ở nước ngoài. Việc thành lập một cơ quan ở Việt Nam để phối hợp với các học giả nước ngoài tiến hành nghiên cứu Việt Nam trở thành một nhu cầu khách quan đối với cả Việt Nam và học giả quốc tế. Trung tâm phối hợp nghiên cứu Việt Nam ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã ra đời trong bối cảnh như vậy. Có thể coi sự thành lập Trung tâm này là một dấu mốc quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam học.

Từ sau sự kiện này, Việt Nam học đã có những bước phát triển mạnh mẽ và quan hệ giữa các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế ngày càng được tăng cường. Năm 1990, một Hội thảo Quốc tế về đô thị cổ Hội An với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học Việt Nam và đặc biệt là các nhà khoa học quốc tế đến từ Nhật Bản, Hà Lan, được tổ chức ở ngay tại Đà Nẵng đã mở đầu xu hướng kết hợp nghiên cứu quốc tế về các khu vực cụ thể của Việt Nam. Cuộc Hội thảo này đã góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận đô thị cổ Hội An là di sản văn hoá thế giới. Cùng năm đó, tại Nhật Bản Hội Nghiên cứu Việt Nam với hơn 100 thành viên được thành lập dưới sự lãnh đạo của GS Yamamoto Tatsuro. Hoạt động của Hội đã thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam học không chỉ ở Nhật Bản mà còn có tác động tích cực đến mối quan hệ hợp tác giữa các nhà Việt học Nhật Bản với các học giả Việt Nam. Nhiều nhà khoa học trẻ đã được Hội giới thiệu sang Việt Nam học tập và nghiên cứu. Hai năm sau, một hội thảo quốc tế về Phố Hiến được tổ chức ngay tại Hưng Yên với sự tham gia của hơn 50 nhà khoa học. Đây là hội thảo thu hút được sự quan tâm của các học giả nước ngoài đến từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Hà Lan, Đức, Australia.

Năm 1993 ở châu Âu các nhà Việt Nam học cũng đã được tập hợp lại trong tổ chức EUROVIET theo sáng kiến của TS.Stein Tonesson, hoạt động theo phương thức định kỳ 2 năm tổ chức một hội thảo về Việt Nam. Hội thảo EUROVIET lần thứ nhất được tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch). Nét mới của hội thảo là thành phần tham dự không chỉ bó hẹp trong giới học giả châu Âu mà mở rộng với các nhà Việt học đến từ các châu lục khác, đặc biệt là sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam.

Năm 1994 là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam học. Trước hết đó là việc triển khai chương trình nghiên cứu đồng bằng sông Hồng do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện KHXH VN) phối hợp với Trường Viễn đông bác cổ Pháp (EFEO) tổ chức. Chương trình đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Pháp và Việt Nam. Kết quả thu được từ chương trình phối hợp đa ngành này đã giúp cho nhận thức về đồng bằng sông Hồng, nhất là vùng thượng châu thổ được nâng thêm một bước. Cũng trong năm đó một chương trình khác nghiên cứu đồng bằng sông Hồng cũng được triển khai, nhưng tập trung nghiên cứu một làng ở vùng hạ chấu thổ. Đó là chương trình Bách Cốc do Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hoá, Đại học Quốc gia Hà Nội (1) với Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam, gắn liền với tên tuổi GS Sakurai Yumio. Đây là một chương trình tập trung nghiên cứu một làng, nhưng tiến hành liên tục trong 10 năm với sự tham gia của hàng trăm lượt nhà nghiên cứu thuộc hàng chục chuyên ngành khác nhau (2).

Sau hai hội thảo EUROVIET được tổ chức tại Aix-en-Provence, CH Pháp (1995) và Amsterdam, Hà Lan (1997), giới Việt Nam học thế giới có điều kiện giao lưu tiếp xúc và đều bày tỏ sự nhất trí cao với việc tổ chức một hội thảo quốc tế có quy mô lớn để quy tụ các nhà Việt Nam học toàn thế giới. Đây cũng là nội dung nằm trong kế hoạch của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hoá và trên thực tế, từ đầu năm 1997 Đại học Quốc gia Hà Nội cùng với Trung tâm KHXH và NV quốc gia đã tích cực triển khai kế hoạch đồng tổ chức một thảo quy mô lớn về Việt Nam học tại Việt Nam.

Năm 1998 với sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhà Việt Nam học trong và ngoài nước, Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ nhất đã diễn ra thành công ngoài mong đợi. Hơn 700 học giả, trong đó có hơn 300 nhà khoa học nước ngoài đến từ 27 nước đã về dự. Hàng trăm tham luận có giá trị thuộc nhiều lĩnh vực đã được trình bày và thảo luận sôi nổi tại hội thảo. Những báo cáo có chất lượng cao đã được tuyển chọn in thành một bộ kỷ yếu 5 tập hiện đang được sử dụng rộng rãi tại nhiều cơ quan quan nghiên cứu và đào tạo của nhiều nước trên thế giới. Kết quả của Hội thảo lần thức nhất không chỉ dừng ở phạm vi học thuật mà còn có hiệu ứng thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam học. Sau Hội thảo này, nhiều trường đại học của Việt Nam, trên cơ sở những cơ sở giảng dạy ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài, đã chính thức mở ngành Việt Nam học hoặc thành lập các đơn vị chuyên đào tạo và nghiên cứu về Việt Nam. Hiện nay ở Việt Nam có đến gần 100 trường đại học đưa ngành Việt Nam học vào chương trình đào tạo, trong đó có 7 khoa chuyên đào tạo về Việt Nam học. Đặc biệt, vào tháng 3 năm 2004 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển được chính thức thành lập trên cơ sở Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hoá, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sự ra đời của một Viện nghiên cứu cấp quốc gia về Việt Nam học không đơn thuần chỉ là sự nâng cấp về mặt tổ chức mà còn có ý nghĩa đánh dấu một thang bậc mới trong quá trình phát triển của Việt Nam học. Với chức năng tổ chức các hoạt động nghiên cứu liên ngành theo hướng khu vực học gắn với khoa học phát triển, Viện đã nhanh chóng phát huy được vai trò tập hợp, quy tụ các nhà nghiên cứu Việt Nam trong và ngoài nước thực hiện nhiều chương trình khoa học cấp quốc gia và quốc tế nghiên cứu về các không gian văn hoá khác nhau về Việt Nam. Ngoài hoạt động nghiên cứu khoa học, Viện còn được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ Việt Nam học. Hiện nay Viện có quan hệ thường xuyên với hơn 30 viện nghiên cứu và trường đại học thuộc 14 nước trên thế giới, hàng năm đón tiếp trên 250-350 nhà khoa học, nghiên cứu sinh và sinh viên nước ngoài đến nghiên cứu và học tập. Viện là cơ sở đào tạo sau đại học duy nhất về Việt Nam học ở Việt Nam.

Nhờ quá trình hội nhập của Việt Nam với thế giới trong nghiên cứu ngày càng được mở rộng học nên từ hội thảo EUROVIET IV, V tổ chức tại Passau, CHLB Đức (1999), St. Petersburg, LB Nga (2001) sự phối hợp giữa các học giả Việt Nam và quốc tế càng trở nên chặt chẽ. Thập niên 90 là khoảng thời gian hình thành tổ chức nghiên cứu ở nhiều quốc gia, trong đó đáng kể là Hội NCVN của Australia (VSAA) với sự tham gia tích cực của các nhà Việt học có tuổi như David Marr , Carl Thayer …

Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ 2 được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2004 tuy có quy mô nhỏ hơn lần thứ nhất với 212 báo cáo của các học giả Việt Nam và 104 báo cáo quốc tế, nhưng tính chất liên ngành được thể hiện rất rõ nét trong các báo cáo. Hội thảo đã thiết kế hẳn một tiểu ban Khu vực học dành cho các tham luận đi sâu nghiên cứu các không gian văn hoá cụ thể và những vấn đề về lý luận và phương pháp tiếp cận khu vực học. Các báo cáo chọn lọc của Hội thảo đã được công bố trong 4 tập kỷ yếu.

Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ 3 được tổ chức vào năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với Việt Nam học. 2008 là năm kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Trung tâm phối hợp nghiên cứu Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu của quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam học. Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển vừa long trọng tổ chức chào mừng sự kiện đó. Tính từ thời điểm tổ chức Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ nhất đến nay cũng vừa tròn 10 năm. Cách đây không lâu, vào tháng 6 năm nay, hội thảo EUROVIET VI cũng vừa được tổ chức thành công tại Hamburg (CHLB Đức). Để có thể thu hút được đông đảo các học giả nghiên cứu về Việt Nam, Ban Tổ chức đã quyết định phân chia các nội dung khoa học thành 18 tiểu ban. Cho đến khi hết thời hạn nộp báo cáo, Ban Tổ chức đã nhận được tổng cộng 868 báo cáo, nhưng vì khuôn khổ có hạn của một hội thảo, chỉ có 531 được tuyển chọn. Trong đó có 160 báo cáo của các học giả nước ngoài đến từ 23 nước và vùng lãnh thổ. Xét thuần tuý về mặt số lượng, số báo cáo tham dự Hội thảo lần thứ 3 đã vượt xa hai lần Hội thảo trước (3). Nét mới của Hội thảo lần này là ngoài những tiểu ban được sắp xếp theo các chủ điểm truyền thống như Lịch sử, Văn hoá, Xã hội, Nông thôn - Nông nghiệp...còn có thêm những tiểu ban mới dành cho các nghiên cứu theo khu vực, đặc biệt là những khu vực có kết quả nghiên cứu mới như Thăng Long - Hà Nội, Nam Bộ..., tiểu ban Những vấn đề về lý thuyết và phương pháp đào tạo Việt Nam học và đặc biệt là tiểu ban Tài nguyên thiên nhiên, môi trường và phát triển bền vững. Đây là bước tiến trong nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề đạo tạo và mối quan hệ giữa văn hoá và môi trường tự nhiên.

Với sự tham gia đông đảo và nhiệt tình của các nhà khoa học cùng với sự phong phú về đề tài của các báo cáo thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, chắc chắn Hội thảo sẽ là diễn đàn lý tưởng cho các nhà Việt học trên toàn thế giới trình bày những kết quả nghiên cứu mới mẻ và có giá trị của mình. Đây cũng là cơ hội để đại gia đình Việt học khắp năm châu có dịp gặp gỡ giao lưu, không chỉ bàn thảo những nội dung học thuật mà còn cả về phương hướng phát triển và hội nhập của Việt Nam học trong các giai đoạn tiếp theo.

Hy vọng Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ 3 sẽ là một thang bậc mới trong quá trình phát triển và hội nhập của Việt Nam học.



(1): Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hoá, Đại học Quốc gia Hà Nội có tiền thân là Trung tâm Phối hợp tác nghiên cứu Việt Nam, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

(2): Năm 2002 Trung tâm IIAS của đại học Leiden (Hà Lan) tổ chức một Workshop với chủ đề “Làng Việt: Mối quan hệ tương tác giữa tự nhiên và văn hoá” để các chuyên gia giới thiệu kết quả của chương trình nghiên cứu Bách Cốc. Các chuyên gia đến từ nhiều nước đều thống nhất đánh giá đây là chương trình nghiên cứu làng xã đạt trình độ cao vào bậc nhất thế giới tính đến thời điểm đó.

(3): Số báo cáo tham gia Hội thảo QT về VNH lần thứ nhất là 395 bái, lần thứ hai là 316 bài.


 

 GS.TSKH Vũ Minh Giang
Giám đốc ĐHQGHN, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo
Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   |