Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo tôi xin được trình bày mấy nét tổng hợp tình hình hội thảo mong có thể góp thêm thông tin cho các vị đại biểu không có điều kiện tham dự tất cả các tiểu ban có cái nhìn tổng quan về hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba.
Cuộc hội thảo quốc Việt Nam học lần thứ ba không chỉ có quy mô lớn nhất, mà còn là cuộc hội thảo có chất lượng chuyên môn cao, khẳng định một bước tiến dài của Việt Nam học trong những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, mở ra một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam học thời hội nhập quốc tế.
|
GS. TS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQGHN phát biểu chúc mừng thành công của hội thảo. |
|
Toàn cảnh phiên bế mạc hội thảo |
Nói đến Việt Nam học thì ai cũng có thể cắt nghĩa một cách dễ dàng rằng đấy là ngành học tổng hợp về đất nước, con người, xã hội, văn hóa Việt Nam, hay nói một cách khác đó là ngành Quốc học Việt Nam (cũng giống như Trung Quốc học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Hoa Kỳ học…), nhưng đi vào giải thích nội dung học thuật của ngành học này thì ngay trong giới nghiên cứu cũng vẫn còn có những quan niệm khác nhau, trong đó cái khó nhất là xử lý như thế nào về mối quan hệ giữa Việt Nam học với các chuyên ngành khoa học nghiên cứu Việt Nam. Trên phương diện này mà xét thì có thể coi quá trình chuyển dần từ các chuyên ngành nghiên cứu Việt Nam sang Việt Nam học liên ngành là một bước tiến căn bản của Việt Nam học hiện đại.
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất với chủ đề “Nghiên cứu Việt Nam và phát triển hợp tác quốc tế” được coi là Đại hội đầu tiên của các nhà Việt Nam học toàn thế giới, khẳng định cùng với nghiên cứu chuyên ngành là sự cần thiết phải đẩy mạnh nghiên cứu Việt Nam theo hướng tiếp cận liên ngành.
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ hai với chủ đề “Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập, truyền thống và hiện đai” tuy về nội dung và quy mô có được thu lại, nhưng các nghiên cứu liên ngành đã được chú trọng hơn không chỉ ở cơ cấu tổ chức tiểu ban mà ngay trong các đề tài khoa học cụ thể.
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba được tổ chức sau khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, yêu cầu hội nhập hoàn toàn và đầy đủ với các nền kinh tế khu vực và thế giới hơn lúc nào hết đòi hỏi Việt Nam phải nhận diện mình một cách đầy đủ hơn, chính xác hơn. Chủ đề “Việt Nam Hội nhập và phát triển” là chủ đề rộng lớn vừa là chiến lược lâu dài, vừa mang tính thời sự cấp bách, đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Chúng tôi dự kiến hội thảo sẽ tập hợp được khoảng từ 400 đến 450 báo cáo, nghĩa là tương đương với quy mô của hội thảo lần thứ nhất, nhưng trong thực tế đã có đến 868 báo cáo của 174 tác giả quốc tế đến từ 23 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đông nhất là các học giả Nhật Bản được tổ chức thành một đoàn riêng, tiếp đến là các học giả Hoa Kỳ, các học giả Nga và các học giả Đức… và trên 700 tác giả Việt Nam đến từ hầu hết các vùng trong nước, trong đó đông nhất là các đại biểu đến từ Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Phiên Khai mạc cuộc hội thảo được tổ chức trọng thể vào sáng ngày 5 tháng 12 có trên 1000 khách tham dự. Hội thảo được đón bà Nguyễn Thị Doan Phó Chủ tịch nước đến dự và đọc lời chào mừng. Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, những người đã dành nhiều tâm sức chăm lo cho sự phát triển của Việt Nam học Việt Nam thập kỷ qua, cùng nhiều các vị lãnh đạo cao cấp của các cơ quan trung ương và thành phố Hà Nội, đại sứ và đại diện các cơ quan ngoại giao đã đến dự. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã dành thời gian gặp gỡ và trao đổi ý kiến với đoàn đại biểu đại diện cho các học giả tham gia hội thảo, trong đó có 22 nhà khoa học quốc tế.
Sau Diễn văn Khai mạc hội thảo của GS Đỗ Hoài Nam Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đọc Lời chào mừng đánh giá cao và trân trọng ghi nhận những đóng góp to lớn của các nhà Việt Nam học ở trong và ngoài nước. Hội thảo diễn ra tại Thủ đô Hà Nội trong không khí chuẩn bị nước rút cho đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thay mặt cho lãnh đạo và nhân dân thành phố đến chào mừng hội thảo và gửi đến một bản thông điệp “Phát triển Thủ đô Hà Nội theo định hướng hiện đại trên nền tảng văn hóa nghìn năm Thăng Long - Hà Nội”.
Phiên toàn thể hội thảo trình bày các báo cáo:
- Việt Nam học trên đường hội nhập và phát triển của GS Vũ Minh Giang.
- Việt Nam học thời hội nhập quốc tế của GS Phan Huy Lê.
- Việt Nam trong khung cảnh Đông Nam Á: Những giao điểm và sự so sánh của GS Vincent Houben (Cộng hòa Liên bang Đức).
- Việt Nam hội nhập và phát triển của Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.
- Việt Nam học như là khu vực học được triển khai trên dự án Bách Cốc của GS Sakurai Yumio (Nhật Bản)
Trên cơ sở chủ đề “Việt Nam hội nhập và phát triển”, hội thảo được chia ra thành 18 tiểu ban và mời các chuyên gia và nhóm chuyên gia có uy tín chuyên môn cao phụ trách mỗi tiểu ban. Trưởng tiểu ban dựa theo chủ đề và các yêu cầu của Hội thảo đã chủ động trong các hoạt động chuyên môn, từ việc tiếp nhận và đánh giá các báo cáo khoa học gửi đến hội thảo cho đến việc xác định những nội dung chuyên môn không thể thiếu, những chuyên gia cần phải có mặt để tổ chức tiểu ban, vừa tập hợp được các kết quả nghiên cứu trên diện rộng của tất cả các nhà khoa học quan tâm đến hội thảo, vừa khai thác được các nghiên cứu chuyên sâu của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Có thể hình dung trong lần hội thảo này, mỗi tiểu ban được tổ chức giống như một hội thảo khoa học về các lĩnh vực chuyên môn của Việt Nam học, khai thác hiệu quả các thành tựu của khoa học chuyên ngành và đặt trong mối quan hệ giữa các chuyên ngành nghiên cứu Việt Nam với Việt Nam học, hướng vào mục tiêu nhận diện đất nước, con người, xã hội và văn hóa Việt Nam trong một hệ thống tổng thể.
Có một số tiểu ban vẫn được giữ nguyên tên gọi như hai lần hội thảo trước, nhưng yêu cầu tổ chức tiểu ban và nội dung chuyên môn của từng báo cáo khoa học đã có những đổi mới bám sát yêu cầu hội nhập của Việt Nam và ưu tiên cho các nghiên cứu liên ngành. Những tiểu ban này vẫn thu hút được đông đảo hơn cả các học giả quốc tế và trong nước quan tâm như Lịch sử Việt Nam truyền thống, Lịch sử Việt Nam hiện đại, Văn hóa Việt Nam, Giao lưu văn hóa, Ngôn ngữ và tiếng Việt, Văn học và nghệ thuật Việt Nam… Những tiểu ban hoàn toàn mới so với hai lần hội thảo trước như Luật pháp Việt Nam, Nông thôn nông nghiệp Việt Nam, Đô thị Việt Nam, Quan hệ quốc tế, Tài nguyên thiên nhiên, môi trường và phát triển bền vững, Những vấn đề về lý thuyết và phương pháp đào tạo Việt Nam học… do đáp ứng được trực tiếp yêu cầu hội nhập nên báo cáo khoa học ở các tiểu ban này lại đặt ra lại nhiều vấn đề hơn và được nhiều người quan tâm hơn. Nghiên cứu tổng hợp theo khu vực trong lần hội thảo lần thứ hai mới chỉ là những thể nghiệm thì lần này đã được xác định rõ hai khu vực chính là Thăng Long - Hà Nội và Nam Bộ, trong đó yêu cầu nhận diện khu vực Hà Nội cổ truyền phục vụ cho đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội là trọng điểm của các báo cáo.
Tổng số báo cáo được tuyển in trong Kỷ yếu tóm tắt của Hội thảo (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) là 578 báo cáo. Số báo cáo toàn thể được giới thiệu trình bày ở các tiểu ban là 531 báo cáo, chúng tôi đã tổ chức dịch hay yêu cầu tác giả chịu trách nhiệm dịch sang tiếng Anh (đối với các báo cáo viết bằng tiếng Việt), và dịch sang tiếng Việt (đối với các báo cáo viết bằng tiếng Anh). Tổng số báo cáo toàn văn đã được làm photocopy và in thành 18 tập với tổng số trên 12000 trang in khổ A4. Chúng tôi cũng đã in trên 1000 đĩa CD tất cả những nội dung này phục vụ cho nhu cầu tham khảo của các vị đại biểu.
Thời gian dành cho sinh hoạt chuyên môn ở tiểu ban là 4 buổi, 8 phiên, mỗi phiên trình bày và thảo luận từ 3 đến 4 báo cáo. Theo sắp xếp của các tiểu ban thì tổng số báo cáo dự kiến trình bày là 468 báo cáo, trong đó số báo cáo đã được trình bày là 391 báo cáo.
Các cuộc trao đổi thảo luận diễn ra hết sức sôi nổi, nhiệt tình đầy tâm huyết và trên tinh thần học thuật cao, thẳng thắn, cởi mở và chân tình, tôn trọng lẫn nhau. Tổng số ý kiến phát biểu trao đổi trong cả 8 phiên hội thảo tiểu ban là 1285 ý kiến, trong đó có 992 ý kiến của các học giả trong nước và 293 ý kiến của các học giả quốc tế. Chúng tôi rất mừng là trong khi trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã lưu ý “các nhà Việt Nam học đóng góp ý kiến chân thành, thẳng thắn với Việt Nam để giúp Việt Nam thấy hết được các mặt mạnh, mặt yếu. Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện để các nhà Việt Nam học phát huy nghiên cứu, giúp Việt Nam tự hiểu mình hơn, phát huy tối đa sức mạnh nội lực”. Đấy cũng chính là tâm nguyện của tất cả các chuyên gia và là mẫu số chung của tất cả các ý kiến trao đi đổi lại, có khi trở thành rất “nóng” ở hầu hết các tiểu ban. Các ý kiến tranh luận nhiều hơn cả và tập trung cao nhất vào vai trò, vị trí, những nội dung cụ thể của các chuyên ngành trong cơ cấu tổng thể của Việt Nam học, các phương pháp nghiên cứu và tiếp cận của Việt Nam học, nhất là phương pháp tiếp cận liên ngành và khu vực học; những vấn đề của hội nhập và phát triển ở Việt Nam hiện nay, mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại trong quá trình hội nhập và phát triển…. Chúng tôi sẽ tập hợp đầy đủ tất cả các ý kiến trao đổi, thảo luận cũng như các đề xuất của các nhà khoa học, các tiểu ban để kiến nghị các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước có phương hướng giải quyết.
Theo dõi phiên họp toàn thể, buổi họp của chuyên gia và thảo luận ở các tiểu ban, chúng tôi nhận thấy đã có sự nhất trí cao trong một số đề xuất sau đây:
- Cần xúc tiến việc thành lập Hội đồng khoa học quốc tế về Việt Nam học để duy trì và phát triển mối liên kết và hợp tác giữa các tổ chức và các nhà Việt Nam học trên phạm vi toàn thế giới, hướng tới một nền Việt Nam học hiện đại không biên giới, trong đó khẳng định vai trò trung tâm và chủ động của Việt Nam. Để tiến tới một Hội đồng Khoa học quốc tế về Việt Nam học chính thức, trước mắt cần giao cho Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội đứng ra làm đầu mối thông tin liên lạc, chuẩn bị những điều kiện và thủ tục càn thiết ngay trong năm tới.
- Xây dựng một Webside về Tư liệu Việt Nam học và tiến tới xây dựng Webside về Việt Nam học để làm cơ sở đóng góp chung, khai thác chung và sử dụng chung của các nhà Việt Nam học, những người quan tâm đến nghiên cứu Việt Nam trên toàn thế giới. Công việc này cũng xin được giao cho Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện.
- Việt Nam hay một trung tâm Việt Nam học ở nước ngoài cần đứng ra tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy và học tiếng Việt, tiến tới xây dựng một bộ giáo trình tiếng Việt chuẩn nhằm cung cấp công cụ cơ bản ban đầu với chất lượng cao cho các chuyên gia đi sâu vào Việt Nam học.
- Cần phải có những hội nghị chuyên đề trao đổi thống nhất về quan niệm nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học, trong đó phải coi Việt Nam học theo định hướng liên ngành là yêu cầu phát triển của Việt Nam học Việt Nam hiện đai, xác định những nội dung cốt lõi và những phương pháp chủ đạo của Việt Nam học, tiến tới hoàn thiên khung chương trình chuẩn đào tạo cử nhân Việt Nam học cho cả sinh viên Việt Nam và quốc tế làm cơ sở khắc phục tình trạng đào tạo Việt Nam học tràn lan và có phần tùy tiện của khá nhiều cơ sở đào tạo hiện nay.
Trong cuộc gặp mặt của đại gia đình Việt Nam học thế giới hôm nay, chúng ta không khỏi bùi ngùi vì sự thiếu vắng một số gương mặt lớn của hai lần hội thảo trước đã vĩnh viễn đi xa. Một số vị vì tuổi cao sức yếu và do hoàn cảnh riêng tuy rất quan tâm đến hội thảo mà cũng không đến được hội thảo. Điều rất đáng mừng là hội thảo lần này vẫn được vinh dự đón tiếp nhiều học giả quốc tế tiêu biểu từ hội thảo lần thứ nhất đến nay vẫn còn sung sức trong chuyên môn và đem đến phiên toàn thể hay các tiểu ban những báo cáo quan trọng. Điều đáng mừng hơn là bên cạnh những gương mặt lớn của Việt Nam học hơn một thập kỷ trước, bây giờ đã có một đội ngũ các nhà khoa học đang ở độ tuổi 40, 50 nhưng đã trở thành các chuyên gia đầu ngành và là đại diện chủ chốt của các nền Việt Nam học lớn trên thế giới. Họ đã giỏi chuyên môn, lại có nhiều năm tu nghiệp tại Việt Nam, có nhiều kinh nghiệm làm việc và giỏi tiếng Việt hơn các thế hệ cha anh. Rất nhiều các báo cáo của các học giả quốc tế lần này được viết bằng tiếng Việt chuẩn và ở nhiều tiểu ban, các học giả quốc tế trình bày báo cáo, trao đổi chuyên môn bằng tiếng Việt thực sự thoải mái. Hầu hết các tiểu ban trong các sinh hoạt chuyên môn rất ít khi cần đến sự hỗ trợ của các phiên dịch. Đội ngũ các nhà Việt Nam học quốc tế cùng với các nhà Việt Nam học Việt Nam phần nhiều có mặt tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần này sẽ là những nhân cốt bảo đảm cho sự thành công của chiến lược phát triển của Việt Nam học thời kỳ hội nhập.
Trong một cuộc hội thảo có đến gần 900 báo cáo khoa học thuộc rất nhiều các lĩnh vực chuyên môn như thế này, một tổng kết tốt nhất, có giá trị nhất, chắc chắn chỉ có thể là tổng kết của mỗi nhà khoa học tham dự hội thảo và tổng kết của các tiểu ban, nhóm ngành chuyên môn như các vị vừa được nghe. Bản báo cáo của chúng tôi trên đây mới chỉ là tổng hợp mấy nét lớn về tình hình tổ chức và hoạt động của hội thảo. Nhân dịp này chúng tôi xin được thay mặt những người trực tiếp chuẩn bị cho hội thảo trân trọng cám ơn tất cả quý vị có mặt trong hội thảo và có mặt tại hội trường hôm nay, vì sự có mặt của quý vị chính là thành công của hội thảo. Chúng tôi cũng mong quý vị thông cảm và lượng thứ cho rất nhiều thiếu sót và bất cập trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức hội thảo, mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức mình.
Đối chiếu với mục đích, yêu cầu và nội dung chương trình của cuộc hội thảo, tuy trong quá trình tổ chức có quá nhiều những tác động bất thường từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, từ sự cố ở sân bay Bangkok, kể cả việc chọn thời điểm tổ chức hội thảo vào đầu tháng 12 cũng không thật hợp lý…, khiến cho diễn biến của hội thảo đôi lúc phải điều chỉnh, gây ít nhiều xáo trộn, nhưng trên căn bản các phiên toàn thể và hội thảo ở các tiểu ban đã thực hiện được đúng như dự kiến ban đầu. Chúng tôi thực tin là đến thời điểm này hội thảo quốc tế việt Nam học lần thứ ba đã thành công tốt đẹp. Thành công này là một dấu mốc mở ra một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam học phát triển theo định hướng liên ngành, liên kết và hội nhập quốc tế.
|