Hội thảo do PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế và TS. Trần Du Lịch, thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình KX01, phó đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh điều hành.
Cuộc hội thảo đã quy tụ nhiều nhà nghiên cứu kinh tế lão thành và hàng đầu của Việt Nam hiện nay như PGS.TSKH. Võ Đại Lược, TS. Đinh Văn Ân, TS. Vũ Quốc Huy, PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh và nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên có kinh nghiệm đại diện cho Trường ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới.
Mục tiêu và cũng là tham vọng của hội thảo là tranh luận, đóng góp để tiến tới đề xuất những ý kiến, những kịch bản cần thiết đối phó với các vấn đề kinh tế của đất nước năm 2009
Tại hội thảo đã có 4 tham luận được trình bày và nhiều ý kiến tranh luận xung quanh 4 nhóm vấn đề chủ yếu. Thứ nhất, nhận định tình hình thế giới. Sau sự sụp đổ của Lemon Brothers tháng 9/2008, thế giới đã công nhận rằng một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã nổ ra. Liệu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đó có dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hay không hay chỉ là những sự suy thoái riêng lẻ trên một số nước; tình hình kinh tế thế giới 2009 sẽ thế nào? Thứ hai, những gì diễn ra trên thế giới như vậy đang và sẽ có những tác động thế nào đối với Việt Nam. Thứ ba, bàn về gói kích cầu của Việt Nam, kích cầu vào đâu và như thế nào. Thứ tư là nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Đối với vấn đề thứ nhất, hầu như tất cả các ý kiến đều cho rằng tình hình kinh tế thế giới 2009 sẽ còn tệ hơn 2008. Mặc dầu IMF đã đưa ra dự đoán năm 2009, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2% song nhiều ý kiến nghiêng về việc diễn ra một cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô toàn cầu, viện dẫn các dự báo của Viện Kinh tế và Tài chính, có trụ sở tại Washington rằng kinh tế toàn cầu 2009 có thể có mức tăng trưởng âm, - 0,5%. Trong đó các nền kinh tế như Mỹ, Anh đều có mức tăng trưởng âm khoảng 1,5%. Chỉ có rất ít các nền kinh tế tăng trưởng ở mức trên 5% như Trung Quốc và Ấn Độ.
Đối với vấn đề thứ hai, khủng hoảng tác động tới Việt Nam, hầu hết các ý kiến cho rằng tác động là không nhỏ. Việt Nam với quy mô xuất nhập khẩu chiếm 140% GDP, thì chắc chắn một dư chấn kinh tế nhỏ ở bên ngoài cũng có thể gây ảnh hưởng đáng kể lên Việt Nam. Tuy vậy cũng có những ý kiến có phần lạc quan hơn khi đi sâu phân tích chi tiết cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam và cơ cấu nhập khẩu của một số nền kinh tế lớn như Mỹ. Trong những tháng cuối năm 2008, trong khi nhập khẩu của Mỹ giảm, thì một số phân đoạn hàng hoá lại tăng, đặc biệt là phân đoạn hàng hoá giá thấp, ví dụ các phân đoạn các sản phẩm có giá trị nhỏ hơn 250 USD đã tăng 11% trong năm 2008. Điều này gợi ra rằng, nếu bắt đúng mạch, nhắm vào các sản phẩm giá thấp - giá trị gia tăng thấp vốn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam từ trước đến nay có thể đây là một cơ hội lớn cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm rằng đối với Việt Nam, vấn đề không chỉ là tác động từ bên ngoài, từ suy thoái toàn cầu mà còn là các vấn đề nội tại của Việt Nam. Rất nhiều ý kiến cho rằng vấn đề nằm ở cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt mô hình tăng trưởng. Trong thời gian vừa qua, mô hình tăng trưởng mà Việt Nam theo đuổi dường như dựa quá mạnh vào vốn, tỷ lệ đầu tư lên đến 40% GDP trong khi đó hiệu quả đầu tư không lớn, chỉ số ICOR cao. Trong khi đó, sự tiến triển của khu vực xuất khẩu chủ yếu đi theo chiều ngang và Việt Nam trở thành trưởng hợp độc nhất vô nhị, là sau 20 năm theo đuổi chiến lược định hướng xuất khẩu, nền kinh tế nhập siêu liên tục và với quy mô ngày càng tăng, gây bất cân đối nghiêm trọng cán cân thương mại. Hiện nay, sự điều hành của Chính phủ vẫn chưa tạo được sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, đặc biệt chính sách tài khoá có nhiều vấn đề cần bàn.
Đối với vấn đề thứ ba, gói kích cầu của Chính phủ Việt Nam, các ý kiến dường như không tập trung quá nhiều đến quy mô của gói, 1 tỷ hay 6 tỷ USD mà nhấn mạnh đến việc kích cầu như thế nào? hướng vào đâu? Trong vấn đề này, ý kiến trong hội thảo được phân thành hai nhóm rõ rệt, một nhóm, gồm chủ yếu các nhà kinh tế lớn tuổi hơn, cho rằng nên kích cầu nhấn mạnh vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng như đường, điện, y tế, giáo dục và hướng vào khu vực bất động sản, chứng khoán để làm tan băng trên các thị trường này. Trong khi đó, nhóm các nhà kinh tế trẻ hơn lại cho rằng kích cầu theo hướng tăng chi tiêu chính phủ có thể dẫn đến những tác động tiêu cực không lường trước hết được tới nền kinh tế. Bên cạnh nguy cơ tham nhũng vẫn còn, điều đáng nói là gói tiền kích cầu sẽ được lấy từ đâu? Phát hành trái phiếu chính phủ hiện nay, nếu lãi suất thấp, sẽ không phát hành thành công, nếu lãi suất cao sẽ gây mâu thuẫn với chính sách tiền tệ mở rộng. Nếu nguồn dựa trên in tiền của Ngân hàng Nhà nước thì nguy cơ tái lạm phát rất cao, vấn đề lại nằm ở chỗ, với độ trễ chính sách nhất định, việc in tiền và bơm tiền bây giờ sẽ có thể cho thấy hệ quả lạm phát vào quý 3 năm 2009, thời gian được coi là nền kinh tế thế giới sẽ đi vào phục hồi. Như vậy khi thế giới phục hồi, Việt Nam lại có thể rơi vào bẫy lạm phát cao, bất ổn định kinh tế vĩ mô và điều đó tương nghĩa với việc mất hết cơ hội phục hồi cùng nền kinh tế thế giới. Nhóm này cho rằng, cần phải nhấn kích cầu vào việc giảm thuế, đặc biệt giảm thuế trong một thời gian khá dài, không chỉ 1 hay 2 năm, để tăng kỳ vọng của các chủ thể trong nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi.
Đối với vấn đề thứ tư, nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, hầu hết các ý kiến cho rằng cần phải tái cơ cấu nền kinh tế, bên cạnh việc định hướng đúng và hiệu quả gói kích cầu.
Chi tiết hơn về ý kiến hội thảo, đặc biệt ý kiến cụ thể của từng nhà kinh tế, mời các bạn đọc xem trong Chuyên san Kinh tế và Kinh doanh - Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, số 1 năm 2009 (sắp được ấn hành).
|