Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Đại học Quốc gia Hà Nội: Khẳng định đẳng cấp trong hội nhập quốc tế
Phát huy những thành quả đã đạt được, Ðại học Quốc gia đã và đang từng bước thể hiện vai trò làm nòng cốt và là đầu tàu đổi mới của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, làm nền tảng vững chắc cho việc xây dựng một nền giáo dục đại học độc lập, tự chủ để có thể vững vàng mở cửa hội nhập

Nhớ lại năm 1993, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn quyết định: thành lập, ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế hoạt động cho Ðại học Quốc gia Hà Nội (ÐHQG Hà Nội). Sau 15 năm xây dựng và phát triển, ÐHQG Hà Nội đã trở thành đơn vị dẫn đầu về các lĩnh vực khoa học cơ bản, đào tạo chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; có những cống hiến quan trọng trong việc xây dựng nền móng cho nền khoa học nước nhà, xứng đáng vai trò nòng cốt của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Những thành tích và kết quả mà ÐHQG Hà Nội đạt được, bước đầu khẳng định tính ưu việt mô hình đại học tiên tiến, một hướng đi vừa đúng với xu thế phát triển của thế giới, vừa phù hợp với điều kiện và yêu cầu của Việt Nam.

 

Mô hình đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực

Truyền thụ kiến thức và sáng tạo tri thức luôn là hai chức năng cơ bản của trường đại học, trong đó nghiên cứu khoa học, sáng tạo tri thức là yếu tố cốt lõi, tạo ra sự khác biệt về chất lượng và trình độ đào tạo, là yếu tố then chốt góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của mỗi quốc gia, góp phần phát triển nền kinh tế tri thức. Thực hiện mục tiêu đó, hiện nay, về cơ bản ÐHQG Hà Nội  đã trở thành một đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực với 12 cơ sở đào tạo (năm trường đại học và bảy khoa, trung tâm đào tạo trực thuộc), ba viện, bốn trung tâm nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn, kinh tế, công nghệ, ngoại ngữ, giáo dục, luật và mười đơn vị phục vụ, sản xuất và dịch vụ.

 

Sau một quá trình dài phát triển và đạt được mức độ chuyên môn hóa cao, phân chia thành các ngành, chuyên ngành sâu và hẹp, quy luật phát triển theo chu kỳ xoắn ốc đang đưa khoa học trở về sự thống nhất với mức độ và trình độ cao, trong đó các khoa học liên ngành, đa ngành, các ngành khoa học giáp ranh đã ra đời và đang hứa hẹn mang một chất lượng mới đến cho cuộc sống loài người. Khoa học đang đối mặt với các vấn đề yêu cầu năng lực tổng hợp của các nhà khoa học, yêu cầu sự tham gia đồng thời của toàn bộ các ngành khoa học chứ không phải riêng một ngành nào. Trong hoàn cảnh đó, ÐHQG Hà Nội không chỉ là một mô hình đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực điển hình vào loại bậc nhất Việt Nam mà còn rất phù hợp với mô hình đại học tiên tiến của thế giới, có khả năng tích hợp được giao thoa của các trí tuệ liên ngành, sử dụng hiệu quả các nguồn lực chung và phát huy được thế mạnh của các đơn vị thành viên.

 

ÐHQG Hà Nội đã xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học đông và mạnh. Số lượng cán bộ có trình độ tiến sĩ trở lên của ÐHQG Hà Nội chiếm 40% tổng số giảng viên (bao gồm 67 GS, 305 PGS, 34 TSKH, 635 TS), trong đó có nhiều nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn có uy tín lớn ở trong và ngoài nước. ÐHQG Hà Nội đã thu hút nhiều nhà khoa học nước ngoài và Việt kiều có uy tín tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trong đó có cả một số nhà khoa học đoạt giải Nô-ben. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị của ÐHQG Hà Nội được đầu tư hiện đại và đồng bộ với 25 phòng thí nghiệm trọng điểm hiện đại, trong đó có phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về enzym-protein, phòng thí nghiệm vật liệu và linh kiện mi-crô-nanô, phòng thí nghiệm các hệ tích hợp thông minh, công nghệ hóa học vật liệu,... đạt trình độ quốc tế, đáp ứng điều kiện cho các nhà khoa học sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, hóa học, vật lý, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ môi trường. Chỉ tính trong giai đoạn 2001-2006, ÐHQG Hà Nội được giao chủ trì hai chương trình khoa học trọng điểm cấp Nhà nước, đấu thầu được 31 đề tài KHCN cấp Nhà nước về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ, khoa học xã hội và 808 nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, đồng thời tổ chức thực hiện 53 đề tài trọng điểm, 184 đề tài đặc biệt cấp ÐHQG và 691 đề tài cấp bộ.

 

Theo định hướng đại học nghiên cứu, ÐHQG Hà Nội thực hiện chủ trương giữ ổn định quy mô đào tạo đại học chính quy, giảm quy mô đào tạo không chính quy và phát triển mạnh quy mô đào tạo sau đại học, trên cơ sở bảo đảm chất lượng. Những năm gần đây, mỗi năm ÐHQG Hà Nội đào tạo khoảng 200 NCS và 2.000 học viên cao học, đưa tỷ lệ đào tạo sau đại học đạt gần 25% tổng quy mô đào tạo chung, từng bước tiếp cận chuẩn của các trường đại học tiên tiến của khu vực và quốc tế. 

 

Trung tâm đào tạo chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài

ÐHQG Hà Nội đã và đang tổ chức đào tạo 99 chương trình cử nhân, 130 chương trình thạc sĩ và 104 chương trình tiến sĩ. Phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, từ năm 1997 lần đầu ở Việt Nam, ÐHQG Hà Nội đưa ra sáng kiến và tổ chức thí điểm thành công năm chương trình đào tạo tài năng và 21 chương trình chất lượng cao, nhằm tiếp cận ngay trình độ khu vực, quốc tế.

 

Hiện nay, các chương trình này đã trở thành một hệ đào tạo chính thức đối với một số ngành khoa học cơ bản, công nghệ cao, một số ngành kinh tế - xã hội mũi nhọn khác ở ÐHQG Hà Nội và đang được nhân rộng và phát triển ra ở nhiều trường đại học lớn thành mô hình đào tạo các chương trình tiên tiến. Chất lượng của hệ đào tạo này được nhiều trường đại học uy tín trên thế giới công nhận: sinh viên tốt nghiệp đại học được các trường đại học Ô-hai-ô, Phlo-ri-đa,... nhận chuyển tiếp nghiên cứu sinh, sinh viên các năm được học chuyển tiếp ở Ðại học Bách khoa Pa-ri,... ÐHQG Hà Nội là đơn vị tiên phong xây dựng và triển khai thí điểm đào tạo bằng kép (Kinh tế - Ngoại ngữ; CNTT - Ngoại ngữ,...) và chuyên ngành kép, nhằm phát huy lợi thế đa ngành, liên ngành để đáp ứng yêu cầu xã hội, của người học.

 

ÐHQG Hà Nội cũng là đơn vị đi đầu trong cả nước về triển khai kiểm định chất lượng học theo chuẩn và quy trình quốc tế được điều chỉnh phù hợp với điều kiện Việt Nam, ban hành và thực hiện quy định về kiểm định chất lượng (có hai cấp quốc gia, một cấp khu vực và một cấp quốc tế), tổ chức kiểm định và cấp chứng chỉ kiểm định cho năm trường đại học thành viên và một khoa trực thuộc. ÐHQG Hà Nội tích cực triển khai cuộc vận động hai không "Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng yêu cầu xã hội" bằng nhiều giải pháp sáng tạo như áp dụng triệt để các yếu tố tích cực của phương thức đào tạo theo tín chỉ và CNTT, truyền thông; điều chỉnh các chương trình hiện có và xây dựng các chương trình đào tạo mới bằng phương pháp CDIO (khảo sát yêu cầu xã hội, thiết kế, triển khai và vận hành chương trình).

 

Về liên kết với các trường đại học nước ngoài có uy tín ÐHQG Hà Nội đã và đang triển khai hơn 50 chương trình liên kết đào tạo quốc tế các bậc đại học và sau đại học với nhiều trường đại học có uy tín như  Ðại học Ha-oai (Hoa Kỳ), Viện khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản, Ðại học Not-tinh-ham ở Anh, Ðại học kỹ thuật Ðre-đen ở Ðức, Ðại học Tu-lu-dơ, Ðại học Pa-ri Su ở Pháp... về các ngành quản trị kinh doanh, khoa học công nghệ na-nô, luật quốc tế, tâm lý học lâm sàng,... Ðặc biệt từ năm 2006, ÐHQG Hà Nội hợp tác với một số trường đại học hàng đầu của Pháp thành lập Trung tâm đại học Pháp thuộc ÐHQG Hà Nội theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Pháp, nhằm thực hiện các chương trình đào tạo đại học, sau đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu và từng bước chuyển giao công nghệ đào tạo cho phía ÐHQG Hà Nội.

 

Hệ trung học phổ thông chuyên về khoa học tự nhiên và ngoại ngữ đã góp phần quan trọng phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, tạo nguồn  sinh viên giỏi cho các trường đại học và luôn đạt thành tích rất cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và các cuộc thi Ô-lim-pích quốc tế hằng năm. Từ năm 1974 đến nay, ÐHQG Hà Nội đã đào tạo được 10.400 học sinh hệ THPT chuyên, trong đó 185 lượt em đã đoạt huy chương các loại trong các kỳ thi Ô-lim-pích quốc tế về các môn Toán, Tin, Vật lý, Hóa, Sinh (39 Huy chương vàng, 70 Huy chương bạc và 72 Huy chương đồng), hàng nghìn em được giải thưởng quốc gia. Vượt qua các sân chơi trong nước truyền thống, trong những năm gần đây, sinh viên ÐHQG Hà Nội đã bắt đầu tham gia các cuộc thi tài với sinh viên quốc tế. Ba năm liền (2007-2009), sinh viên CNTT của Trường đại học Công nghệ luôn luôn vượt qua các cuộc thi khu vực để góp mặt với 100 đội tuyển sinh viên CNTT của các trường đại học danh tiếng tham gia vòng chung kết cuộc thi lập trình sinh viên toàn cầu; sinh viên ngành Toán học của Trường đại học Khoa học Tự nhiên cũng nằm trong tốp mười, trong cuộc thi Ô-lim-pích Toán học sinh viên quốc tế tổ chức tại Hung-ga-ri năm 2008.

 

 

Nghiên cứu khoa học - công nghệ chất lượng cao

Kiên trì phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu,  ÐHQG Hà Nội đã thực hiện tốt phương châm lấy nghiên cứu làm trọng tâm, đào tạo thông qua nghiên cứu và nghiên cứu để đào tạo chất lượng cao, tiếp cận tri thức và chuẩn quốc tế. Hoạt động KHCN ở ÐHQG Hà Nội trước hết nhằm góp phần giải quyết những nhiệm vụ KHCN quan trọng của đất nước. Nhiều công trình khoa học công nghệ được tặng những giải thưởng lớn, trong đó có 13 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 21 Giải thưởng Nhà nước.

 

Ðến nay, gần 100 sản phẩm khoa học công nghệ của ÐHQG Hà Nội đã có mặt trên thị trường, tham gia các hội chợ thiết bị KHCN toàn quốc, trong đó có nhiều sản phẩm được tặng Huy chương vàng hoặc giải thưởng các loại. Một trong những hướng phát triển mạnh của ÐHQG Hà Nội trong những năm gần đây là đẩy mạnh liên kết, phối hợp các địa phương trong cả nước, góp phần giải quyết những nhiệm vụ của địa phương, bộ, ngành, cung cấp luận cứ khoa học cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa, giáo dục của các địa phương.

 

Tiêu biểu là  các đề tài "Nghiên cứu chế tạo hệ thống dẫn đường quán tính phục vụ các phương tiện bay có điều khiển" phối hợp với Trung tâm Khoa học Công nghệ Quân sự - Bộ Quốc phòng; đề tài độc lập cấp Nhà nước "Nghiên cứu tách chiết ent-kauran dictecpenoit có tác dụng chống ung thư và viêm từ cây khổ sâm Bắc Bộ" đã thu được quy trình tách chiết tiên tiến và ổn định hoạt chất ent-kauran dictecpenoit, có tác dụng giảm đau, chống viêm cấp và mãn tính. Phòng thí nghiệm công nghệ tế bào của ÐHQG Hà Nội đã cho ra đời "gà khảm", đánh dấu sự tiếp cận của cán bộ sinh học Việt Nam với công nghệ cấy ghép mô phôi hiện đại của thế giới.

 

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ÐHQG Hà Nội đã được sử dụng làm luận chứng khoa học cho UNESCO công nhận Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên của thế giới. Một số cán bộ khoa học của ÐHQG Hà Nội đã phối hợp thực hiện nghiên cứu, biên soạn cuốn sách "Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam" và thực hiện đề tài cấp Nhà nước "Xây dựng cơ sở khoa học và pháp lý cho việc xác định đường ranh giới trên biển" đáp ứng yêu cầu bức thiết của công cuộc bảo vệ chủ quyền, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát triển vùng đất phía nam của Tổ quốc và các vùng biển Việt Nam. Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các nhà khoa học của ÐHQG Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan khoa học ở Trung ương và Hà Nội thực hiện nhiều nghiên cứu về kinh tế, xã hội, văn hóa, ngoại giao, lịch sử của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là góp phần nghiên cứu và bảo tồn, phát huy khu di tích Hoàng Thành nổi tiếng. Ðề án hợp tác giữa ÐHQG Hà Nội và Ðại học Tô-ki-ô (2003-2007) về "Tái thiết bền vững Thủ đô Hà Nội" đã đưa ra 36 đề xuất chiến lược cho việc mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía Hòa Lạc - Ba Vì (Thủ đô hành chính, thành phố đại học và khoa học) và bảo tồn, cải thiện môi trường Thủ đô hiện tại (thủ đô lịch sử). Ðề án hợp tác giữa ÐHQG Hà Nội với Ðại học UTRECH và Viện nghiên cứu biển Hà Lan về "Phát triển Delta sông Hồng trong mối liên quan với biến đổi khí hậu toàn cầu" (2000 - 2004) đã xác định được các luận cứ khoa học và giải pháp phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu,...

 

 

Vị thế quốc tế của ÐHQG Hà Nội được nâng cao

Ðến nay,  ÐHQG Hà Nội đã thiết lập quan hệ hợp tác với 135 trường đại học và tổ chức khoa học quốc tế, trong đó có những trường đại học hàng đầu thế giới như ÐH Công nghệ Ma-xa-chu-xét, ÐH Ha-oai, ÐH Ô-rê-gân (Hoa Kỳ); ÐH  Ðông Luân Ðôn, ÐH Ðông Ang-li-a  (Anh); ÐH Bách khoa Pa-ri, ÐH Pa-ri Su (Pháp); ÐH Tô-ki-ô, ÐH Ky-ô-tô ÐH Ô-xa-ka (Nhật Bản), ÐHQG Xơ-un (Hàn Quốc), ÐH Bắc Kinh, ÐH Thanh Hoa (Trung Quốc), ÐHQG Xin-ga-po,... Trình độ học thuật của ÐHQG Hà Nội đã được cộng đồng giáo dục đại học khu vực và quốc tế đánh giá cao. Nhiều trường đại học lớn trong khu vực và trên thế giới công nhận chất lượng đào tạo và hợp tác bình đẳng với ÐHQG Hà Nội trong một số ngành, chuyên ngành. Trong giai đoạn 1996 - 2008, ÐHQG Hà Nội cũng đã liên kết hợp tác với các tổ chức khoa học nước ngoài, thực hiện 80 chương trình, dự án, đề tài KHCN, với tổng kinh phí gần 25 triệu USD (tương đương gần 400 tỷ đồng).

 

Nhiều hội nghị, hội thảo khoa học do ÐHQG Hà Nội đăng cai tổ chức hoặc đồng tổ chức đã có tiếng vang lớn, thu hút hàng trăm nhà khoa học danh tiếng trong và ngoài nước tham gia như Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ I, II, và III, Diễn đàn quốc tế về Khoa học cơ bản mũi nhọn, Diễn đàn giáo dục đại học thế kỷ 21, Hội thảo "Ðiện Biên Phủ - 50 năm nhìn lại", Diễn đàn quốc tế về công nghệ thông tin,...và hàng trăm hội thảo quốc tế mỗi năm, do các đơn vị thành viên của ÐHQG Hà Nội đăng cai tổ chức.

 

Với vị thế của một đại học hàng đầu ở Việt Nam, ÐHQG Hà Nội được mời làm thành viên nòng cốt và tham gia cơ cấu lãnh đạo của nhiều tổ chức, hiệp hội, mạng lưới giáo dục đại học khu vực (AUN, ASAIHL - Giám đốc ÐHQG Hà Nội được bầu làm Chủ tịch của Hiệp hội các cơ sở giáo dục đại học châu Á (nhiệm kỳ 2008-2010) và quốc tế (UMAP). Ðặc biệt, ÐHQG Hà Nội được tham gia mạng lưới bốn đại học chủ chốt Ðông Á cùng với các đại học nổi tiếng của châu lục: ÐH Quốc gia Tô-ki-ô, ÐH Bắc Kinh, ÐH Quốc gia Xơ-un. Kết quả  này góp phần khẳng định vị thế và vai trò của ÐHQG Hà Nội trong cộng đồng giáo dục đại học khu vực và quốc tế.

 

 

Tiếp tục phát triển ÐHQG Hà Nội hướng tới chuẩn mực quốc tế

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, mở cửa ngày càng rộng thì củng cố và phát triển Ðại học Quốc gia chính là giải pháp có tính chiến lược để giữ vững độc lập chủ quyền và tăng cường nội lực để có thể chủ động và vững vàng hội nhập. Hướng tới việc xây dựng các đại học theo chuẩn mực quốc tế, ÐHQG Hà Nội đã chủ trương tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư tập trung có trọng điểm, mở rộng và quốc tế hóa hệ đào tạo tài năng, chất lượng cao cho một số ngành, chuyên ngành khoa học cơ bản, công nghệ cao và kinh tế - xã hội mũi nhọn để "đột phá" xây dựng mô hình đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ chất lượng cao, sớm tiếp cận trình độ quốc tế ở một số đơn vị đào tạo có nhiều tiềm năng thuộc ÐHQG Hà Nội.

 

Trước mắt, ÐHQG Hà Nội chọn 16 ngành đào tạo đại học và 23 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ cao, kinh tế - xã hội mũi nhọn đã cận kề trình độ quốc tế và có đủ những điều kiện để tập trung đầu tư xây dựng và phát triển lên trình độ quốc tế vào năm 2012, đào tạo khoảng 800 cử nhân, 345 thạc sĩ, 55 tiến sĩ đạt trình độ quốc tế có phẩm chất, đạo đức, văn hóa con người Việt Nam và có khả năng làm việc ở các quốc gia khác nhau; xây dựng mới, hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, trang thiết bị giảng dạy từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế để phục vụ đào tạo và nghiên cứu; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

 

Khâu đột phá đồng thời cũng là khâu then chốt cho việc thực hiện thành công nhiệm vụ này là xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ giáo dục (CBGD), nghiên cứu, quản lý từng bước tiếp cận trình độ quốc tế để đáp ứng yêu cầu của các chương trình quốc tế. Theo đó, đến năm 2010 ÐHQG Hà Nội có 85% số  cán bộ giảng viên có trình độ trên đại học, trong đó 60% có học vị tiến sĩ trở lên và khoảng 15% CBGD có thể giảng dạy được chuyên môn bằng ngoại ngữ. Nhiệm vụ này được thực hiện đồng thời với việc triển khai các chương trình tiên tiến và đề án TRIG của Bộ GD-ÐT, cũng như các chương trình liên quan khác.

 

Ðịnh hướng mục tiêu các hoạt động KHCN của ÐHQG Hà Nội là phấn đấu để từ nay đến năm 2010 tiếp tục giữ vững và phát huy thế mạnh hàng đầu cả nước về khoa học cơ bản, đồng thời tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho NCKH đỉnh cao, những công nghệ lưỡng dụng để có những kết quả khoa học tầm cỡ quốc tế, có những phát minh, sáng chế quan trọng và những sản phẩm công nghệ đột phá, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng; góp phần xứng đáng giải quyết những vấn đề KHCN lớn của đất nước, phục vụ trực tiếp đào tạo của ngành và chuyên ngành được lựa chọn. Phấn đấu để đến năm 2020, ÐHQG Hà Nội cơ bản đạt các tiêu chí của đại học tiên tiến trong khu vực, một số tiêu chí đạt chuẩn đại học đẳng cấp quốc tế; trở thành trung tâm hàng đầu đất nước về KHCN và đào tạo nhân tài, tiêu biểu cho tinh hoa trí tuệ Việt Nam.

 

Những thành quả trên đây tuy mới chỉ là bước đầu nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ðại học Quốc gia đang từng bước thể hiện vai trò làm nòng cốt và là đầu tàu đổi mới của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, làm nền tảng vững chắc cho việc xây dựng một nền giáo dục đại học độc lập, tự chủ để có thể vững vàng mở cửa hội nhập. Thực tế này đã khẳng định sự sáng suốt của Ðảng, Chính phủ trong chủ trương thành lập ÐHQG. Về một phương diện khác, những thành quả trên đây có được phần lớn cũng nhờ tính đúng đắn, phù hợp với xu thế thế giới và hoàn cảnh Việt Nam của mô hình. Ðể tiếp tục thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình, ÐHQG rất cần tiếp tục được nhận sự ủng hộ của Ðảng, Nhà nước và xã hội.

 

 Theo Báo Nhân dân số ra ngày 6-1-2009 - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   |