Là một nhà khoa học từng giảng dạy, nghiên cứu và tham gia công tác quản lý ở nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu trên thế giới, - nguyên Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp; Ngành Vật lý lý thuyết tại Đại học Pierre và Marie Curie, Paris - đã chia sẻ ý kiến với bạn đọc Bản tin ĐHQGHN.
Qua trao đổi tìm hiểu về những bức xúc và nguyện vọng của một số anh chị em trung niên và trẻ đi du học rồi về nước hay ở lại, thêm vào kinh nghiệm cá nhân khi cộng tác và giao tiếp với các bạn đồng nghiệp Trung Quốc, Ấn Ðộ, Ðài Loan, Hàn Quốc, xin có vài suy nghĩ về những nguyên tắc và đề xuất cụ thể để phát huy tiềm năng chất xám khoa học nước ta:
|
GS. Phạm Xuân Yêm |
Trong sự nghiệp xây dựng chất lượng của nền đại học và nghiên cứu khoa học - công nghệ, vai trò ưu tiên của các nhà khoa học trẻ phải được coi là trọng tâm đầu tư. Ðiều đó hàm nghĩa mọi cơ chế, chính sách, quản lý cần được điều hòa tối ưu xung quanh trọng tâm đó để phát triển. Tin cậy họ, đừng làm họ thất vọng và nản lòng, tạo điều kiện và chuyển giao dần cho họ trọng trách cực kỳ khó khăn nhưng xiết bao hứng khởi và vinh dự để tạo nên một cơ sở khoa học - công nghệ hiện đại cho đất nước, vươn tới trình độ quốc tế.
Trong thời kỳ non yếu của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946 - 1954, chính người trẻ đã được Hồ Chủ Tịch tin cậy. Nao nức từ mấy chiếc gậy tầm vông và khẩu súng trường, ai cũng nỗ lực đấu tranh chống kẻ thù. Ngày nay khi chuyển sang chống lạc hậu bằng tri thức và phát minh khoa học, sự đóng góp của thế hệ trẻ lại càng đóng vai trò quyết định.
Tài năng sáng tạo chỉ có thể phát huy toàn diện trong một không gian học thuật, giảng dạy, nghiên cứu thoáng mở và độc lập. Mặc dù sự phân biệt hồng chuyên dẫu bề ngoài được coi như đã thuộc về dĩ vãng nhưng thực tế hãy còn đầy vướng mắc. Ít nhất trong ngành khoa học tự nhiên và nghiên cứu cơ bản cũng như ứng dụng, thế hệ trẻ cần tỉnh táo vượt qua thực tế này.
Quy chế thâm niên, thiếu cạnh tranh lành mạnh trong một cơ chế khép kín, thiếu thông tin bàn cãi và tự chủ trong đề tài nghiên cứu là những rào cản cần được tháo gỡ nhanh chóng. Tiêu chuẩn cho sự thăng tiến trong chức vụ, trách nhiệm, lương bổng phải chủ yếu tùy thuộc vào tài năng chuyên môn và sáng tạo khoa học, chứ không vào những điều kiện khác. Tiêu chuẩn phổ quát ngày nay trên thế giới tiên tiến để đánh giá chất lượng của nền đại học và nghiên cứu là các công trình khoa học phải được nhận đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín, có hệ thống bình duyệt nghiêm chỉnh, có hệ số tác động (impact factor) cao và nhất là được đồng nghiệp quốc tế trích dẫn nhiều lần, kiểm chứng bởi hệ số trích dẫn (citation index). Mỗi ngành nghề và từng bộ môn của ngành đều có những tạp chí uy tín (hay bằng cấp sáng chế) quốc tế loại top 10, top 50, ở trong nghề ai cũng rõ. "Tướng, tá" khoa học ở đây nên được phong theo số lượng các công trình chất lượng đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế. Vì khoa học - công nghệ không có biên giới trong thời buổi hội nhập này, nhất quyết từ bỏ tư duy "ta về ta tắm ao ta" chỉ biết dùng tạp chí nội hóa.
Về cơ sở vật chất, xin có mấy đề nghị cụ thể sau đây: Cung cấp kinh phí để trang bị thư viện cho đầy đủ tạp chí khoa học và sách giáo khoa chuyên đề. Nhà khoa học trẻ thường rất nhạy bén với internet qua tạp chí online vừa rẻ tiền vừa cập nhật nhanh chóng các đề tài và viễn tưởng phát triển của các ngành khoa học đương đại; Họ phải được đào tạo nghiêm túc bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế ở các nước tiên tiến. Ðã có một số không nhỏ các nhà khoa học thành đạt ở ngoài khi về nước chưa được sử dụng công bằng để có điều kiện phát huy tài năng. Ở đại học, họ phải giảng dạy quá nhiều giờ so với đồng nghiệp ngoại quốc (ở Pháp khoảng 180 giờ/năm cho phó giáo sư, 130 giờ/năm cho giáo sư), không còn đủ thời gian làm nghiên cứu sáng tạo để trưởng thành và phát huy chất lượng; Cởi mở thủ tục hành chính và kinh phí, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ giao tiếp rộng rãi, cộng tác thường xuyên với các cơ quan giảng dạy nghiên cứu ở các nước khoa học tiên tiến.
(còn nữa)
|