Công nghệ cơ điện tử là một ngành đào tạo tích hợp các kiến thức liên ngành về kỹ thuật cơ khí chính xác, điện, điện tử, công nghệ thông tin và điều khiển học để tạo ra các hệ thống/sản phẩm “thông minh”. Chương trình đào tạo ngành công nghệ cơ điện tử được bắt đầu triển khai từ năm 2007, là kết quả của sự phối hợp tổ chức đào tạo giữa Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN và IMI - Bộ Công thương, nhằm bổ sung kịp thời nguồn nhân lực cho các công ty thành viên của IMI. Công nghệ cơ điện tử là ngành học đầu tiên của ĐHQGHN tổ chức đào tạo theo địa chỉ.
Theo văn bản thỏa thuận được ký kết giữa IMI và Trường ĐH Công nghệ, sinh viên theo học ngành cơ điện tử được IMI hỗ trợ học bổng khuyến khích học tập với mức 75.000đ/tháng. Tiếp đó, căn cứ kết quả học tập và rèn luyện thực tế của học kỳ 1 đối với sinh viên năm thứ nhất và học kỳ 2, 3 đối với sinh viên năm thứ 2, IMI sẽ trao học bổng theo các mức: 260.000đ/tháng/sinh viên xuất sắc, 220.000đ/tháng/sinh viên giỏi và 150.000đ/tháng/sinh viên khá.
|
TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch IMI |
Các sinh viên ngành công nghệ cơ điện tử được học tập theo phương thức tín chỉ, tập trung vào các môn toán cao cấp, tin học cơ sở và tiếng Anh. Riêng môn tiếng Anh, sinh viên ngành học này được tăng cường thời lượng học tập trên lớp gần gấp đôi so với thời lượng trong khung chương trình. Theo đánh giá của Trường ĐH Công nghệ, sinh viên ngành công nghệ cơ điện tử là những cá nhân say mê học tập, rèn luyện, được giảng viên đánh giá có ý thức học tập tốt hơn so với sinh viên các ngành khác.
Tính đến nay, có tổng số 149 sinh viên đang theo học ngành công nghệ cơ điện tử. Qua 2 lần trao học bổng của IMI cho sinh viên ngành này có tổng số 94 lượt sinh viên khóa QH-2007-I/CQ được cấp học bổng trong 3 học kỳ và 16 sinh viên khóa QH-2008-I/CQ được cấp học bổng trong học kỳ I.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐHQGHN, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ và TS. Nguyễn Đức Minh – Phó Chủ tịch IMI đã nhấn mạnh đến ý nghĩa đặc biệt của sự phối hợp đào tạo và nghiên cứu giữa hai cơ quan. Hai ông cùng cho rằng mối quan hệ giữa Trường ĐH Công nghệ và IMI là hình mẫu của mô hình liên kết trường đại học – viện nghiên cứu và cơ sở sản xuất đồng thời là điểm sáng trong việc triển khai đào tạo theo địa chỉ. Các sinh viên tốt nghiệp loại khá trở lên sẽ được IMI và các công ty thành viên nhận vào làm việc. Đây là một trong những thuận lợi cơ bản của sinh viên theo học ngành công nghệ cơ điện tử so với các ngành học khác.
Lãnh đạo của hai cơ quan đã biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của Khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa – đơn vị của Trường ĐH Công nghệ phối thuộc với Viện IMI trong việc triển khai chương trình đào tạo này. GS. Nguyễn Hữu Đức và TS. Nguyễn Đức Minh hy vọng thời gian tới, với sự chủ động cao của Trường ĐH Công nghệ và tiềm lực mạnh về tài chính của IMI, sinh viên ngành công nghệ cơ điện tử sẽ được thụ hưởng nhiều hỗ trợ hơn nữa.
Trong khuôn khổ của buổi lễ, sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của hai cơ quan đã có những trao đổi trực tiếp liên quan đến việc thực tập hè có trả lương cho sinh viên năm thứ 2, tham quan các đơn vị sản xuất thuộc IMI, quyền lợi và cơ hội học tập sau đại học cho sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ cơ điện tử,..
|