Chủ trì hội thảo là GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc và các Phó giám đốc: GS.TSKH Vũ Minh Giang, TS. Phạm Quang Hưng. Hội thảo có sự tham gia của hơn 150 đại biểu thuộc Văn phòng, các Ban chức năng, các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN.
|
Ảnh từ trái sang: GS.TSKH Vũ Minh Giang, GS.TS Mai Trọng Nhuận và TS.Phạm Quang Hưng |
Các đại biểu đã nghe các báo cáo đề dẫn liên quan: Công tác kế hoạch tài chính do PGS.TS Vũ Đức Minh – Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính (KHTC) trình bày; Công tác quyết toán tài chính năm 2008 và công khai tài chính 2009 do TS. Nguyễn Anh Thái – Kế toán trưởng, Phó trưởng ban KHTC trình bày.
Tại báo cáo của Trưởng ban KHTC, có các vấn đề trọng tâm được đưa ra bàn thảo như: Nhiệm vụ trọng tâm công tác KHTC; Đảm bảo công tác lập kế hoạch gắn với sản phẩm đầu ra cụ thể, có nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình kèm theo; Lập dự toán ngân sách, đổi mới phương thức phân bổ ngân sách theo nhiệm vụ; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác tự chủ kế hoạch - tài chính: đảm bảo các nguồn đầu tư hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thanh toán đúng hạn các khoản chi thường xuyên, các dự án đầu tư chiều sâu, tăng cường năng lực, đề tài khoa học công nghệ và các dự án khác;
|
TS. Nguyễn Anh Thái - Kế toán trưởng ĐHQGHN, Phó trưởng ban KHTC trình bày Công tác quyết toán tài chính năm 2008 và công khai tài chính 2009 |
Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của ĐHQGHN, các đơn vị và cá nhân; Xây dựng chính sách thu hút đầu tư, phát triển ĐHQGHN, đa dạng hóa và kết hợp sử dụng thống nhất các nguồn lực; Triển khai mạnh mẽ các giải pháp để tăng tỷ trọng các nguồn thu bổ sung đạt tỷ trọng 50% so với tổng kinh phí hoạt động thường xuyên; Tập trung và quản lý tốt các nguồn lực phục vụ nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các nhiệm vụ ưu tiên: phương thức đào tạo theo tín chỉ, chương trình đào tạo tiên tiến, tài năng, chất lượng cao, chương trình đạt trình độ quốc tế, liên kết đào tạo quốc tế…; Áp dụng các giải pháp đồng bộ, khả thi, để nâng cao chất lượng cuộc sống của cán bộ; Ban hành các văn bản qui định, hướng dẫn rõ ràng, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của ĐHQGHN nhằm đảm bảo tính liên thông, liên kết và tăng cường tính cộng đồng trong toàn ĐHQGHN; Tổng kết, đánh giá việc thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển ĐHQGHN đến 2010 và xây dựng kế hoạch 5 năm 2011 – 2015, kế hoạch chiến lược đến 2030, tầm nhìn 2050.
|
TS.Vũ Đình Giáp - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục trình bày tham luận: Tăng nguồn thu từ công tác liên kết đào tạo |
Hội thảo đã nghe các tham luận của trường Đại học Kinh tế: Công tác kế hoạch hóa của ĐHQGHN; Trường ĐH Giáo dục: Tăng nguồn thu từ công tác liên kết đào tạo; Trường ĐHKH Tự nhiên: Xây dựng, triển khai thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.
Kết luận phần hội thảo về công tác kế hoạch tài chính, GS. Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh các điểm sau:
1. Đổi mới công tác xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm tra, đánh giá kế hoạch (bao gồm tất cả các lĩnh vực như: Dự án đầu tư chiều sâu, tăng cường năng lực; đào tạo bồi dưỡng cán bộ; kế hoạch đoàn ra, đoàn vào; phát triển cơ sở vật chất, nâng cao đời sống cán bộ...) theo hướng:
a. Phân bổ NSNN cho các đơn vị dựa vào sản phẩm đầu ra đối với từng hoạt động theo khung logic kế hoạch và phương thức thực hiện có sự hỗ trợ của phần mềm kế hoạch theo phương pháp SWOT;
b. Đến 30/6 hàng năm các đơn vị nộp các kế hoạch theo cách tiếp cận nói trên kèm theo đề cương đề tài KHCN, dự thảo đề án đầu tư chiều sâu, tăng cường năng lực; các nhiệm vụ ưu tiên đạt yêu cầu để phê duyệt (ĐHQGHN trình Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư trong tháng 7);
|
PGS.TS Vũ Đức Nghiệu - Phó hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV |
c. Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nắm vững kiến thức và kỹ năng lập kế hoạch một cách khoa học;
d. ĐHQGHN ban hành hướng dẫn lập công tác kế hoạch trước 15/2 hàng năm, phù hợp với các quy định của nhà nước và ĐHQGHN.
2. Cải tiến phân bổ tài chính từ ngân sách nhà nước, nguồn thu bổ sung theo sản phẩm đầu ra với trọng số thích hợp giữa các ngành, số lượng và trình độ cán bộ, giảng dạy các môn học chung.
3. Ngoài xây dựng kế hoạch và phân bổ tài chính hợp lý, áp dụng các giải pháp sau đây để nâng cao hiệu quả giải ngân đúng hạn các nguồn tài chính nói chung, cho hoạt động khoa học công nghệ, các loại dự án (đầu tư chiều sâu, tăng cường năng lực, nâng cấp cơ sở vật chất, TRIG, PUF, nhiệm vụ đào tạo đạt trình độ quốc tế):
a. Thực hiện đúng quy định của Nhà nước về quản lý đề tài, dự án. Bắt buộc phải có kế toán của đề tài dự án ngoài chủ nhiệm và thư ký; giám sát, hướng dẫn, báo cáo và kiểm tra kết quả chuyên môn và giải ngân 3 tháng/lần, kiểm toán 1 năm/1 lần; đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng không sai qui định của nhà nước, tin học hóa tối đa công tác đăng ký, quản lý đề tài, dự án; huy động học viên cao học, nghiên cứu sinh thực hiện đề tài với các nguồn kinh phí tương ứng; cần có Ban quản lý các dự án với chức năng, nhiệm vụ để thống nhất quản lý và triển khai, đảm bảo khả năng phát huy sáng kiến, trách nhiệm và quyền lợi cả 3 nhà: nhà đầu tư, nhà quản lý, nhà sử dụng; các Ban chức năng có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ theo đúng chức năng nhiệm vụ của mình đối với tất cả các đề tài, dự án (ví dụ: Ban KHCN chỉ đạo việc xây dựng đề cương, phê duyệt, đánh giá nghiệm thu các đề tài, dự án từ tất cả các nguồn khác nhau….);
b. Đẩy mạnh liên kết, liên thông, hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận trong đơn vị, giữa các đơn vị, giữa các Ban chức năng và Văn phòng, giữa các đơn vị với Văn phòng và các Ban chức năng, trong đó phân công trách nhiệm rõ ràng gắn với nghĩa vụ và quyền lợi cụ thể.
4. Áp dụng các giải pháp mạnh mẽ, hợp pháp để tăng nguồn thu bổ sung, để tái đầu tư nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và nâng cao thu nhập cán bộ.
a. Phải coi việc phát triển nguồn thu bổ sung là nhiệm vụ chính trị, nhu cầu tất yếu phải làm trong bối cảnh hiện nay và xu thế phát triển đại học ở Việt Nam và trên thế giới (càng tăng tự chủ để sáng tạo, càng giảm đầu tư của Nhà nước, ít nhất với các ngành không phải cơ bản, sư phạm);
b. Trích nguồn thu từ các đề tài, dự án, dịch vụ theo tỷ lệ hợp lý để tạo quỹ khen thưởng cho những tập thể và cá nhân, một phần để tái đầu tư phát triển. Vấn đề này cần phải đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ của các đơn vị;
c. Tăng quy mô đào tạo sau đại học và hỗ trợ kinh phí từ đề tài KHCN, dự án đầu tư, hợp tác quốc tế; tăng cường đào tạo bằng kép, ngành kép mà vẫn đảm bảo chất lượng; tăng cường liên kết đào tạo quốc tế với các đối tác có uy tín trên cơ sở đảm bảo quyền lợi, vị thế của phía Việt Nam. Trên cơ sở tăng nguồn thu phản ánh chất lượng, số lượng cán bộ giảng dạy và phát triển cơ sở vật chất để đáp ứng tăng quy mô đào tạo chất lượng cao gắn với thu nhập cao;
d. Đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao sản phẩm chuyên môn, dịch vụ sử dụng chuyên môn theo sản phẩm đầu ra ngay từ khi xây dựng đề cương đề tài, dự án khoa học công nghệ;
e. Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp như: công ty kiểm toán tài chính, các công ty và trung tâm tư vấn dịch vụ khác;
f. Khai thác hiệu quả công tác đấu thầu công khai, dân chủ và đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi cho người thắng thầu khai thác các công trình dịch vụ.
g. Tiết kiệm chi mà vẫn đảm bảo chất lượng, số lượng các hoạt động như tổng đài điện thoại chung; sử dụng tối ưu các giảng đường, hội trường, phòng họp, phòng thí nghiệm theo thứ tự ưu tiên cho các đơn vị trong ĐHQGHN, sau đó đến các đơn vị bên ngoài ĐHQGHN.
|
PGS.TSKH Trần Mạnh Liểu – Trưởng ban Xây dựng |
Về công tác xây dựng cơ sở vật chất, báo cáo do PGS.TSKH Trần Mạnh Liểu – Trưởng ban Xây dựng trình bày về hiện trạng và các kiến nghị một số nguyên tắc qui hoạch, sửa chữa nâng cấp công trình của ĐHQGHN tại nội thành Hà Nội và phương án phối hợp với Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ thi công tại Hòa Lạc.
Báo cáo của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Phát triển đô thị đại học về hiện trạng và định hướng quy hoạch và sử dụng đất tại Ba Vì do PGS.TS Đặng Văn Bào - Giám đốc Trung tâm trình bày; Phát triển cơ sở vật chất của ĐHQGHN tại các quận nội thành Hà Nội do PGS.TS Vũ Đức Nghiệu - Phó hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV trình bày; Phát triển và khai thác hiệu quả cơ sở vật chất dùng chung do Ông Đào Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên trình bày.
Hiện nay, khu vực nội thành Hà Nội, các công trình của ĐHQGHN có tổng diện tích đất là gần 16 ha, khu vực Hòa Lạc là 1000 ha, khu vực huyện Ba Vì là 16,6 ha. Do vậy trong kết luận của của Giám đốc về công tác Cơ sở vật chất có nhấn mạnh đến các vấn đề sau:
|
PGS.TS Đặng Văn Bào - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Phát triển đô thị đại học |
1. Lãnh đạo ĐHQGHN cùng với các đại diện lãnh đạo các đơn vị làm việc với lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ban Quản lý dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc để kiến nghị về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng tăng về diện tích làm việc cũng như sinh hoạt học tập của sinh viên.
2. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị xin thêm quỹ đất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
3. Triển khai quy hoạch, kế hoạch xây dựng sửa chữa, nâng cáp, cải tạo, khai thác các cơ sở nội thành Hà Nội dựa trên các căn cứ và yêu cầu sau đây:
a. Đánh giá đúng hiện trạng sử dụng, giá trị, khả năng khai thác dựa vào mật độ xây dựng của khu đất và chiều cao các công trình.
b. Phù hợp với quy hoạch của Quận, thành phố Hà Nội, tôn trọng kiến trúc, cảnh quan, phù hợp với giá trị văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ, môi trường, chất lượng công trình hiện có.
c. Đáp ứng yêu cầu cân đối giữa thực thể thống nhất của ĐHQGHN với sự đa dạng của từng đơn vị nhưng đảm bảo liên kết, liên thông, hợp tác toàn diện với nhau về CSVC.
d. Đáp ứng yêu cầu hiện tại và phù hợp với yêu cầu, lộ trình xây dựng và chuyển lên Hòa Lạc nhưng vẫn giữ được một phần diện tích tại nội thành Hà Nội sau khi di chuyển lên Hòa Lạc. Đối với các diện tích xen kẽ trong các khu dân cư thì huy động các nhà đầu tư phối hợp xây dựng và khai thác các công trình có độ cao lớn nhất cho phép; đối với các diện tích còn lại thì nâng cấp các công trình hiện có.
e. Chuyển đổi, sắp xếp lại CSVC giữa các đơn vị để sử dụng hiệu quả tối ưu các công trình dùng chung như: đường giao thông, hệ thống phần mềm công nghệ thông tin truyền thông, sân vận động, các hội trường, ký túc xá, thư viện (kể cả nguồn lực thông tin), trạm xá, một số công trình, dịch vụ khác; CSVC dùng chung có điều kiện chuyên môn và quy mô như: giảng đường, phòng thí nghiệm, thiết bị dạy học, phương tiện kỹ thuật khác.
4. Nghiên cứu thành lập Ban Quản lý các dự án để:
a. Thống nhất quản lý đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất một cách hiệu quả theo kế hoạch quy hoạch trên cơ sở dữ liệu dùng chung CSVC;
b. Nghiên cứu, xây dựng chính sách thu hút đầu tư, phát triển ĐHQGHN;
c. Hoàn tất nhanh gọn, hiệu quả, kịp thời thủ tục đầu tư đảm bảo giải ngân đúng hạn, hài hòa lợi ích 3 bên (nhà đầu tư, quản lý, sử dụng);
5. Nghiên cứu đề xuất mô hình cách thức quản lý, khai thác để nâng cao hiệu quả sử dụng CSVC được thể hiện qua các chỉ số:
a. Số lượng và chất lượng sinh viên (học sinh THPT, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh) được đào tạo;
b. Số lượng, chất lượng hoạt động KHCN;
c. Số lượng, chất lượng cán bộ được đào tạo;
d. Số lượng và chất lượng và các hoạt động khác (văn hóa, thể thao…);
e. Số kinh phí thu được sẽ được phân chia theo tỷ lệ hợp lý cho nhà đầu tư (nếu có), đơn vị quản lý, đơn vị sử dụng để duy tu, bảo dưỡng và phát triển cơ sở vật chất đồng thời dành vào tích lũy;
f. Mật độ, tần suất sử dụng;
g. Thúc đẩy liên thông, liên kết phát triển thương hiệu ĐHQGHN, phát huy được tinh thần cộng đồng, chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các đơn vị.
6. Ưu tiên việc sử dụng cơ sở vật chất có sử dụng chuyên môn và cho đơn vị có tỷ lệ thấp về đất và diện tích công trình trên đầu cán bộ và sinh viên. Kết hợp quản lý (kể cả bảo vệ, vệ sinh) tập trung thông qua một đơn vị (Trung tâm, công ty) chuyên nghiệp với hợp tác song phương và đa phương giữa các đơn vị. Ban XD, Ban KHTC phối hợp với Ban thanh tra tăng cường kiểm tra, giám sát, triển khai thực hiện các công việc nói trên, thông báo cho các đơn vị liên quan và báo cáo kết quả về Ban giám đốc ĐHQGHN.
7. Ban hành hướng dẫn xây dựng thực hiện quy hoạch, kế hoạch xây dựng nâng cấp và quản lý, sử dụng cơ sở vật chất của ĐHQGHN theo các kết luận nói trên.
|