Tiếp và làm việc với đoàn có GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc cùng đại diện lãnh đạo một số ban chức năng và các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN.
Thay mặt cho lãnh đạo ĐHQGHN, Phó Giám đốc Vũ Minh Giang đã báo cáo khái quát với Đoàn về các hoạt động triển khai đào tạo liên kết quốc tế tại ĐHQGHN.
GS. Vũ Minh Giang chia sẻ mọi hoạt động đào tạo liên kết quốc tế của ĐHQGHN đều có một triết lý riêng bắt nguồn từ sứ mệnh cao cả của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục Việt Nam. ĐHQGHN coi hợp tác quốc tế là một hướng ưu tiên trong quá trình phát triển và hội nhập.
Hiện ĐHQGHN có 31 đơn vị thành viên, đang triển khai khoảng 70 chương trình liên kết đào tạo quốc tế các bậc đại học và sau đại học.
Nét đặc sắc của việc liên kết quốc tế trong đào tạo ở ĐHQGHN là có nhiều chương trình tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến học. ĐHQGHN là đơn vị có số lượng sinh viên nước ngoài nhiều nhất đến học tập và nghiên cứu tại Việt Nam. Các chương trình đang triển khai tuân thủ đúng các quy định hiện hành về liên kết đào tạo quốc tế. Các đối tác và chương trình đào tạo liên kết quốc tế của ĐHQGHN đều được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của nước sở tại, tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
GS.TSKH Vũ Minh Giang đặc biệt nhấn mạnh đến 5 mục tiêu mà ĐHQGHN hướng đến trong khi triển khai các hoạt động đào tạo liên kết quốc tế. Đó là: mở rộng quan hệ giao lưu quốc tế, trao đổi sinh viên; tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ đào tạo từ các nước có nền giáo dục phát triển gắn chặt với việc bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ; đáp ứng nhu cầu cao của xã hội cùng với đó là việc tiếp thu có chọn lọc để xây dựng các ngành học mới, đặc thù, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam; xây dựng hình ảnh và vị thế của ĐHQGHN góp phần đắc lực trong việc thu hút, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước và góp phần tăng nguồn thu.
|
Nguyễn Hữu Trí - Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Đào tạo và Dạy nghề (thứ 2 từ trái sang) và đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương |
Bên cạnh đó, GS. Vũ Minh Giang còn chia sẻ, hoạt động đào tạo liên kết quốc tế của ĐHQGHN hiện nay gắn chặt với công tác nghiên cứu khoa học. Thông qua hoạt động liên kết đào tạo quốc tế, các nhà khoa học của ĐHQGHN và của đối tác nước ngoài đã xây dựng và triển khai nhiều dự án, đề tài quốc tế, có tầm ảnh hưởng cao.
GS. Vũ Minh Giang cũng chỉ ra hiện trạng tâm lý “sính bằng”, “vọng ngoại” của đại bộ phận người dân trong xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đào tạo liên kết quốc tế của các đơn vị đào tạo.
Từ thực tế Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước đang phát triển, GS. Giang cho rằng bên cạnh những chương trình học trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, nên có những chương trình dạy thông qua trợ lý ngôn ngữ (vừa biết chuyên môn, vừa thành thạo ngoại ngữ) để đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ của một bộ phận không nhỏ những người đang cần kiến thức mà không có thời gian học ngoại ngữ tới mức có thể trực tiếp nghe giảng bài (như đội ngũ doanh nhân chẳng hạn). Những người này học không phải vì bằng cấp mà xuất phát từ nhu cầu công việc.
|
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó giám đốc ĐHQGHN (ngồi giữa), PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - Trưởng Ban Đào tạo (bên phải) và TS. Lê Tuấn Anh - Phó trưởng ban Quan hệ Quốc tế ĐHQGHN |
Để làm tốt công tác liên kết đào tạo quốc tế cần chú trọng đặc biệt đến đối tác. Vị thế và cơ chế đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ dành cho ĐHQGHN cùng với đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn của cả nước chính là “kênh dẫn” quan trọng để ĐHQGHN thu hút được nhiều đối tác tốt, có uy tín trên thế giới xây dựng và triển khai các chương trình liên kết quốc tế hiệu quả.
Từ thực tế triển khai các chương trình đào tạo liên kết quốc tế tại ĐHQGHN, GS. Giang kiến nghị công tác quản lý vĩ mô trong lĩnh vực này nên gắn chặt với quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra, trao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm của các đơn vị đào tạo. Ông cũng đề cao giải pháp “khuyến” gắn với “răn”; tăng cường công tác hậu kiểm và thanh tra; tránh áp dụng các biện pháp mang tính hành chính.
Tại buổi làm việc, GS. Vũ Minh Giang đồng thời bày tỏ mong muốn vị thế trụ cột của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cần được lãnh đạo các cấp quan tâm đúng mức để thời gian tới ĐHQGHN có những hợp tác quốc tế tầm cao hơn nữa, góp phần xây dựng và phát triển nền giáo dục quốc gia.
|
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (người đứng) phát biểu tại buổi làm việc |
|
PGS.TS Nguyễn Lân Trung - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (giữa) và PGS.TS Trần Quang Vinh - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ. |
|