Các đại biểu đã nghe, thảo luận và ra quyết nghị về 2 bản dự thảo Qui chế đào tạo đại học và Qui chế đào tạo Sau đại học ở ĐHQGHN; dự thảo Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2020 và việc thành lập Khoa Y – Dược, Trung tâm Nghiên cứu đô thị trực thuộc ĐHQGHN.
Trên cơ sở các văn bản pháp qui hiện hành và thực tế quản lý, tổ chức đào tạo theo tín chỉ trong 3 năm học vừa qua của các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN, dự thảo Qui chế đào tạo đại học ban hành năm 2010 được xây dựng trên nguyên tắc giữ nguyên cấu trúc của Quy chế số 3413/ĐT ban hành ngày 10/9/2009. Qui chế mới gồm 8 chương với 49 điều khoản, cập nhật các nội dung đã được điều chỉnh trong các hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo qui chế, tập trung đầu tư vào vấn đề quản lý và tổ chức đào tạo; đặc biệt vấn đề khóa học, lớp môn học, đăng ký môn học, quản lí điểm và điểm thành phần, sử dụng phần mềm quản lý,... và vấn đề đào tạo liên thông, bằng kép.
|
|
Dự thảo qui chế đào tạo sau đại học gồm 9 chương với 48 điều trong đó bổ sung nhiều nội dung mới, chưa có trong các qui chế và qui định hiện hành. Dự thảo qui chế mới nêu rõ điều kiện đăng kí mở chương trình đào tạo thạc sĩ; qui trình, hồ sơ và qui trình xử lí hồ sơ xin mở chương trình đào tạo. Cùng với đó, qui chế mới bổ sung rõ một số nội dung liên quan đến hình thức đào tạo, thời gian đào tạo; Qui định về việc đánh giá hồ sơ chuyên môn trong xét tuyển đào tạo tiến sĩ, qui định về xét tuyển người nước ngoài vào học tại ĐHQGHN. So với qui chế đào tạo sau đại học trước đây, qui chế mới được bổ sung thêm các điều liên quan tới thanh tra, kiểm tra, giải quyết và xử lí vi phạm.
Đại diện 2 ban soạn thảo các qui chế cũng trình bày một số điểm chưa thống nhất tại các hội nghị lấy ý kiến đóng góp và xin ý kiến Hội đồng.
Đa số ủy viên Hội đồng nhất trí với ý kiến cho rằng điều kiện mở ngành đào tạo mới cần linh hoạt hơn, cần phân biệt hội đồng tuyển sinh SĐH và hội đồng thi SĐH; hội đồng đánh giá cấp cơ sở và hội đồng chấm luận án tiến sĩ; điều kiện thâm niên công tác để dự thi sau đại học sẽ linh hoạt tùy thuộc vào từng chương trình đào tạo. Các tín chỉ của học viên chỉ có giá trị trong vòng 60 tháng kể từ ngày được cấp.
Các ủy viên Hội đồng cũng đồng tình với những nội dung bổ sung được nêu trong bản dự thảo qui chế đào tạo sau đại học mới đó là: nghiên cứu sinh có nghĩa vụ phải tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học tại đơn vị chuyên môn theo sự phân công của Thủ trưởng đơn vị đào tạo, được thanh toán thù lao tương xứng khi tham gia các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học theo qui định của đơn vị đào tạo. Điều này có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển ĐHQGHN thành đại học nghiên cứu.
Trong khuôn khổ của phiên họp Hội đồng, các ủy viên đã nghe, đóng góp ý kiến cho dự thảo chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2020.
Về cơ bản, các ủy viên cho rằng nên đề ra mục tiêu cụ thể cho sự phát triển của ĐHQGHN trong thời gian tới đây là phấn đấu đến năm 2020 lọt vào top 200 trường ĐH hàng đầu châu Á và top 500 ĐH hàng đầu thế giới. Các đại biểu cũng đề nghị cần lấy việc đào tạo đội ngũ, bồi dưỡng nhân tài là giải pháp cơ bản, là điều kiện để ĐHQGHN đạt được mục tiêu đề ra.
Cũng trong phiên họp, các ủy viên hội đồng nhất trí với việc thành lập Khoa Y – Dược, bệnh viện ĐHQGHN và Trung tâm Nghiên cứu Đô thị trực thuộc ĐHQGHN.
|