MC Thảo Vân: Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình “Tư vấn và ôn thi đại học 2010” do Ban Khoa giáo - Đài truyền hình Việt Nam, Trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena multilmedia và Hệ thống đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Thưa quý vị và các bạn, để phục vụ công tác tuyển sinh đại học năm 2010 được tốt hơn, giúp quý vị khán giả, các vị phụ huynh và các em học sinh có được những thông tin cập nhật, cụ thể về chỉ tiêu tuyển sinh, ngành nghề đào tạo của các trường trong mùa tuyển sinh 2010, từ đó có những lựa chọn phù hợp với năng lực và sở thích của mình, lựa chọn đúng những ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu, trong chương trình hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu Đại học Quốc gia Hà Nội, một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của đất nước, giới thiệu tổng thể kế hoạch, chỉ tiêu tuyển sinh, các ngành nghề đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội, đồng thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của các bạn học sinh khi có nguyện vọng thi vào các đơn vị đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời tham dự chương trình ngày hôm nay:
- GS. TSKH Vũ Minh Giang - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHQGHN
- GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc, Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh đại học ĐHQGHN năm 2010.
- Đặc biệt là sự có mặt của PGS.TS. Ngô Kim Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và đào tạo.
|
Quang cảnh trường quay S10 |
- Đại diện lãnh đạo các Ban chức năng, các Trường Đại học, Khoa trực thuộc ĐHQGHN: Trường ĐHKHTN, Trường ĐHKHXHNV, Trường ĐH Ngọai ngữ, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Giáo dục, Khoa Quốc tế, Khoa Luật.
|
GS. TSKH Vũ Minh Giang - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHQGHN (giữa) và PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN |
GS.TSKH Vũ Minh Giang:
Trong kỉ nguyên kinh tế tri thức, các quốc gia đang xây dựng chiến lược phát triển dựa vào đại học. Đại học hàng đầu là biểu hiện tiềm lực tập trung của một quốc gia. Xây dựng các đại học đẳng cấp quốc tế sẽ tăng cường được khả năng cạnh tranh cho các quốc gia.
Để xây dựng đạt chuẩn các đại học hàng đầu thế giới, ĐHQGHN đang thực hiện nhiệm vụ chiến lược gọi tắt là Đề án 16+23, xây dựng 16 ngành đào tạo đại học và 23 chuyên ngành đào tạo sau đại học đạt trình độ quốc tế vào năm 2012. Theo học các chương trình này, sinh viên được hỗ trợ để học tiếng Anh nâng cao, từ năm thứ 2 các bài giảng do các giáo viên nước ngoài và trong nước dạy bằng tiếng Anh, được thực hành, tham gia nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm hiện đại,...
Trong năm 2010, ĐHQGHN triển khai đào tạo 7 ngành bậc đại học theo nhiệm vụ chiến lược đó là: khoa học máy tính, công nghệ điện tử viễn thông, ngôn ngữ học, địa chất, vật lý, sinh học, quản trị kinh doanh.
Ngoài ra, ĐHQGHN gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và coi đó là nhiệm vụ bắt buộc để nâng cao chất lượng đào tạo.
Với uy tín của mình, ĐHQGHN được ICCP (Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu) giao tổ chức hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu tại Hà Nội vào 22/3/2010.
• Hỏi: ĐHQGHN vừa quan tâm đến đào tạo đỉnh cao vừa đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu của người học, quan điểm này được tổ chức triển khai như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã:
Công tác đào tạo đã thực sự là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng ở ĐHQGHN, được quản triệt và triển khai nghiêm túc theo Nghị quyết của Đảng bộ ĐHQGHN, theo Kế hoạch và nhiệm vụ năm học, từng bước nâng cao chất lượng và phát huy được vị thế đầu tầu của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Đảng ủy và Ban Giám đốc đã chỉ đạo kiên quyết, chặt chẽ việc giữ ổn định quy mô đào tạo đại học chính quy, chỉ bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh cho những ngành mới mở và một số ngành khoa học mũi nhọn đặc biệt, giảm dần quy mô đào tạo không chính quy. Trong suốt 5 năm vừa qua, quy mô tuyển sinh Đh chính quy vấn duy trì ở mức 5 500. Cụ thể là: Năm 2005 quy mô tuyển sinh ĐH chính quy là 5035; 2006 là 5270; năm 2007 là 5180, năm 2008 là 5580; năm 2009 là 5710 đến 2010 giảm xuống 5500 chỉ tiêu cho 77 ngành đào tạo mặc dù ở ĐHQGHN có 6 trường ĐH, 4 khoa trực thuộc, hơn 2000 giáo sư, tiến sĩ, giảng viên. Với tỉ lệ mà ĐHQGHN đang phấn đấu là 15 sinh viên/giảng viên thì việc đảm bảo chất lượng đào tạo hiện nay và trong tương lai là đảm bảo chất lượng, nhanh chóng hòa nhập quốc tế.
Chúng tôi cũng muốn thông báo cho các thí sinh năm nay là, ĐHQGHN đang phấn đấu, tập chung đào tạo đáp ứng theo nhu cầu xã hội với nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể làm việc tại bất kỳ đâu trên thế giới. Với 77 ngành đào tạo, trong đó có 105 chuyên ngành đào tạo đại học khác nhau, có 5 chương trình đào tạo tài năng, 3 chương trình đào tạo tiên tiến, 20 chương trình chất lượng và nhiều chương trình dào tạo đặc biệt khác, vì vậy khi tốt nghiệp tại ĐHQGHN các bạn được xã hội thừa nhận và tin cậy.
Sinh viên thi vào ĐHQGHN được xét tuyển theo khối, thí dụ, ngành A thí sinh không đạt thì được xét tuyển cho ngành tương đương ở khối thi đó, và khối thí còn chỉ tiêu cũng như thí sinh có nguyện vọng. Như vậy là cơ hội trúng tuyển vào ĐHQGHN là rất lớn.
Năm 2010 này, ĐHQGHN tiếp tục thí điểm đào tạo băng kép. Nếu trong thời gian học kỳ đầu, hoặc năm đầu sinh viên có kết quả học tập khá giỏi thì được đăng ký học ngành thứ 2 để lấy được 2 bằng đại học đọc lập.
ĐHQGHN có nhiều chương trình đào tạo liên kết quốc tế, năm nay có mở 4 ngành mới để đáp ứng nhu cầu xã hội, đó là: ngành Kế toán - Kiểm toán của Trường ĐH Kinh tế, ngành Hóa dược của trường ĐHKHTN, Việt Nam học của trường ĐHKHXH&NV và ngành không nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh của nhà nước là ngành Kinh doanh Quốc tế của Khoa Quốc tế.
Như vậy, các thí sinh có nhiều cơ hội để học tập và chúng tôi hoan nghênh các bạn nào có tinh thần học tập, luôn mong muốn tiến bộ đến với ĐHQGHN.
ĐHQGHN đã có những giải pháp đột phá và thực hiện nghiêm túc Lộ trình đào tạo theo tín chỉ và những thành tích rất đáng trân trọng: Đã triển khai đào tạo liên thông, liên kết thành công. ĐHQGHN đã triển khai 34 chương trình đào tạo bằng kép (sv học và lấy 2 bằng độc lập); Đã thống nhất 1 đầu mối triển khai đào tạo các môn chung: Lý luận chính trị, Ngoại ngữ, GDTC, GDQP-AN. Sinh viên có thể đăng ký học tập theo các lớp môn học; Đã tổ chức những kỳ thi Học kỳ thống nhất trong toàn ĐHQGHN với Đề thi sát hạch trình độ chung. Ngày 10/1 2010 ĐHQGHN giao trường ĐHNN làm đầu mối phối hợp với các đơn vị tổ chức thi HK I ngoại ngữ cho hơn 10 000 sv toàn ĐHQGHN thành công; Đã xây dựng và cài đặt, sử dụng chung toàn ĐHQGHN phần mềm quản lý đào tạo, Version 1.0. Trường ĐH KH XH&NV là đơn vị tiên phong áp dụng đầy đủ các yếu tố đào tạo theo tín chỉ thành công. ĐHQGHN đang nâng cấp phần mềm Version 2.0 trong năm học 2010-2011.
Sau khi chuyển đổi chương trình đào tạo từ niên chế sang tín chỉ, các đơn vị đang rà soát, hoàn chỉnh các chương trình theo cách tiếp cận CDIO và xác định chuẩn đầu ra. Một nội dung quan trọng để đào tạo thành công theo tín chỉ.
Chuẩn đầu ra về Ngoại ngữ theo chuẩn chất lượng châu Âu, ví dụ chuẩn tiếng Anh B1, B2, C1 đã được ban hành. Lần đầu tiên ĐHQGHN đầu tư kinh phí, nguồn lực để đảm baoe sinh viên tài năng, CLC khi tốt nghiệp đạt chuẩn ngoại ngữ B2 ( tương đương 5.0 IELTS) và C1 (tương đương 6.0 IELTS) và có trong hành trang 5 chứng chỉ Kỹ năng mềm.
Các môn học thuộc khối kiến thức chung đã được thống nhất thành các mô đun chung, đảm bảo liên thông, liên kết trong đào tạo. Các môn Toán, Vật Lý, Hóa học, Tin học cơ sở được thống nhất chung toàn ĐHQGHN với các mô đun chuẩn đầu ra khác nhau.
Chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, trên 70% sinh viên đạt khá giỏi; Hơn 85 % sinh viên sau khi tốt nghiệp trong vòng 1 năm đã có việc làm. Nhiều cựu sinh viên thành đạt, giữ cương vị trọng trách cao. Nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế.
• Câu hỏi: Em ở đang học ở khu vực ưu tiên I chuyển sang vùng ưu tiên 2 thì em sẽ được hưởng ưu tiên điểm vùng nào?
PGS.TS Ngô Kim Khôi: Học sinh học PTTH ở đâu được hưởng điểm ưu tiên ở khu vực đó. Và tốt nghiệp THPT ở đâu thì hưởng ưu tiên ở khu vực đó.
• Câu hỏi: Có được thi 2 khối ở cùng một ngành ở cùng một trường không?
PGS.TS Ngô Kim Khôi: Các đợt thi năm nay vẫn ổn định như mùa thi năm 2009.Có thể làm hồ sơ đăng ký 2 khối vào cùng một ngành ở cùng một trường. Trừ trường hợp ngày thi 2 khối đó diễm ra trong cùng một đợt.
|
Ảnh từ trái sang: PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, PGS.TS Nguyễn Hữu Dư - Phó hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, PGS.TS Nguyễn Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ |
Trường ĐHKHTN nổi tiếng với các chương trình đào tạo đặc biệt: Đào tạo cử nhân khoa học tài năng và chất lượng cao; Chương trình Đào tạo Tiên tiến; Chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế; Chương trình liên kết quốc tế... Năm nay nhà trường có Vấn đề gì mới đối với các chương trình này không?
GS.TS Nguyễn Hữu Dư – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên:
Đối với các nước phát triển, Khoa học cơ bản là xương sống để giữ vững vị trí siêu cường của họ, còn đối với các nước đang phát triển, việc phát triển nhanh hay chậm, bền vững hay không của đất nước và có đuổi kịp các nước phát triển hay không phụ thuộc vào việc xây dựng một nền Khoa học cơ bản vững mạnh và đúng hướng. Đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu khoa học (cả khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng) là sự đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất, quan trọng nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Chúng ta không nên nghĩ rằng sản xuất một chiếc máy bay (mà lợi nhuận mang lại bằng GDP của 1 tỉnh) là chỉ do xưởng sản xuất nào đó làm. Nền móng của nó là một ngành khoa học cơ bản ở đỉnh cao...
|
GS.TS Nguyễn Hữu Dư |
Nhận thức rõ điều này, trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách để khuyến khích và phát triển khoa học cơ bản. Trường ĐHKHTN-ĐHQGHN là đơn vị được đất nước giao cho trọng trách đào tạo, nghiên cứu khoa học cơ bản có chất lượng cao hàng đầu của Việt Nam.
Không phụ lòng với sự tin tưởng đó của Nhà nước, Trường đã đào tạo được các sinh viên, mà sau đó trở thành chuyên gia hàng đầu, đã và đang là những nhà khoa học, quản lý, lãnh đạo, chủ doanh nghiệp xuất sắc. Nhiều học sinh, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đã tiếp tục phấn đấu trở thành các giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực nghiên cứu, thành tựu khoa học của họ được thế giới công nhận và tôn vinh: GS.TSKH. Đào Trọng Thi, PGS.TS. Trương Gia Bình,… Cùng với sự kiện GS Ngô Bảo Châu giải quyết được Bổ đề Cơ bản Chương trình Langland đang làm chấn động dư luận khoa học của Việt Nam và thế giới
Trường ĐHKHTN luôn dẫn đầu về thành tích nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng kỹ thuật cao; với số đề tài khoa học cơ bản chiếm hơn ½ số đề tài khoa học của các trường đại học trong cả nước, trong đó nhiều đề tài có ứng dụng thực tiễn trong đời sống; Số lượng công trình khoa học tầm cỡ quốc tế của trường bằng nhiều trường đại học lớn trong nước cộng lại.
Hệ Đào tạo Cử nhân khoa học Tài năng và Chất lượng cao với mục tiêu chọn các học sinh xuất sắc, có năng khiếu, có hoài bão khoa học để bồi dưỡng họ thành những nhà khoa học hàng đầu cho đất nước và tầm cỡ quốc tế. Hệ đào tạo này đã làm cho Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thực sự đã trở thành vườm ươm nhân tài cho đất nước và là điểm xuất phát lý tưởng cho những sinh viên muốn học các bậc đại học và sau đại học ở các nước tiên tiến.
Song song với Đào tạo Cử nhân khoa học Tài năng và Chất lượng cao, Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân khoa học theo các chương trình tiên tiến. Chương trình này dựa trên thế mạnh đào tạo của Trường để liên kết với các trường đại học danh tiếng ở Mỹ như Trường Đại học Illinois - ngành Hóa học tiên tiến; Trường ĐH Washington, Seatle - ngành Toán học; Trường Đại học Indiana - ngành Khoa học Môi trường của Hoa Kỳ.
Trường được ĐHQGHN giao nhiệm vụ đào tạo theo các Chương trình Đào tạo đạt trình độ quốc tế. Ngành Vật lý liên kết với Đại học Brown, Sinh học – Turb, Địa chất - Illinois của Hoa kỳ
Sinh viên theo học chương trình này được hỗ trợ kinh phí học tiếng Anh để trong quá trình học đại học đã có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh. Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia đầu tư kinh phí lớn để Trường mời các giáo sư nước ngoài và giảng viên giỏi trong nước giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu khoa học.
Mục tiêu đào tạo của các chương trình này là sinh viên ra trường có trình độ chuyên môn ngang tầm quốc tế và tiếng Anh thông thạo cũng như phong cách làm việc chuẩn để có thể giảng dạy bậc đại học trong, ngoài nước hoặc làm việc trong các cơ quan, các trung tâm, công ty trong nước và quốc tế.
Điểm chú ý là dù được đầu tư đào tạo ở mức cao nhưng sinh viên theo học các ngành này chỉ phải đóng học phí theo quy định hệ chính quy của Nhà nước.
Bắt đầu từ năm 2010, Trường đã được hỗ trợ kính phí đào tạo đặc biệt là 15 triệu/1 sinh viên/1 năm cho hệ CNKHTN.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho sinh học tập Nhà trường đã cấp học bổng khuyến khích phát triển tài năng cho sinh viên: Hệ Cử nhân Khoa học Tài năng: 01 triệu đồng/1 tháng; Hệ chất lượng cao: 500.000 đ/1 tháng. Sinh viên theo học các hệ Đào tạo Chương trình Tiên tiến, Chương trình Đạt chuẩn Quốc tế có thể được nhận bổng đặc biệt 500.000 đ/ 1 tháng. Theo chúng tôi đây là chính sách tích cực và tồn tại duy nhất ở ĐHQG Hà Nội.
Mở rộng liên kết hợp tác quốc tế để đào tạo tiếp theo: Với mối quan hệ hợp tác quốc tế rộng, đây chính là điều kiện tốt để sinh viên của trường có nhiều cơ hội học tiếp các bậc học ở nước ngoài tại Mỹ, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,...
Tận dụng lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN cùng với xu hướng phát triển của công nghệ liên ngành; Với lợi thế đào tạo khoa học cơ bản một cách bài bản, từ năm học 2010 Trường đã triển khai đào tạo bằng kép (tức trong thời gian học có thể nhận được 2 bằng) cho các ngành Khí tượng thủy văn & Công nghệ thông tin; Vật lý & Điện tử viễn thông; Địa lý & Địa chính; Quản lý Tài nguyên thiên nhiên&Kinh tế phát triển…
Năm 2010, chúng tôi đẩy mạnh dạy tiếng Anh trong đào tạo để nâng cao khả năng tiếp cận các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế.
• Xin thầy cho biết những điểm mới trong công tác tuyển sinh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong năm 2010?
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH và nhân văn trả lời:
|
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn |
Tuyển sinh đại học năm 2010 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có một số điểm mới:
- Thứ nhất, năm nay là năm đầu tiên, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tuyển sinh cả ba khối A, C, D cho 10/18 ngành cử nhân của trường. Trước tới nay khi nói tới trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, ít ai nghĩ là trường có thể tuyển sinh cả khối A, tuy nhiên xuất phát từ nhu cầu thực tế của nhiều ngành, chẳng hạn, các ngành Khoa học quản lý; Thông tin thư viện, Triết học, Du lịch học; Lưu trữ học và quản trị văn phòng…Trường đã quyết định tuyển sinh cả khối A.
- Thứ hai năm nay, trường có 01 ngành cử nhân mới bắt đầu tuyển sinh bậc cử nhân, đó là ngành Việt Nam học với chỉ tiêu là: 60
- Thứ ba, Trường Đai học Khoa học xã hội và nhân văn là đơn vị có hoạt động hợp tác đào tạo quốc tế rất mạnh, thường xuyên có trên 300 sinh viên nước ngoài học tập và nhiều lớp liên kêt đào tạo quốc tế thuộc các ngành Ngôn ngữ học, Tâm lý học và Xã hội học. Hiện nay trường có các lớp liên kết đào tạo với Trung Quốc theo hình thức 2+2 ngành Du lịch học và Quản lý hành chính công. Năm nay trường sẽ tiếp tục tuyển sinh các ngành theo hình thức 2+2, hai năm học tại trường và 2 năm sau học tại Trung Quốc và nhận bằng của các trường đại học của Trung Quốc ngành: Báo in; Quảng cáo và Phát thanh truyền hình.
• Trường ĐHNN - ĐHQGHN luôn đi đầu trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Giáo sư có thể cho biết đâu là điểm sáng tạo trong hoạt động đào tạo của nhà trường?
|
GS.TS Nguyễn Hòa |
GS.TS Nguyễn Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ trả lời:
ĐHNN được tận hưởng tính ưu việt như tự chủ và tính đa ngành, đa lĩnh vực. Trong năm vừa qua chúng tôi đã sáng tạo, kết hợp với các trường thành viên của ĐHQGHN như trường ĐH Kinh tế mở những mã ngành đào tạo bằng kép, ngành kép.
• Gần đây, Trường ĐH Công nghệ đã thực hiện kiểm định chất lượng theo chuẩn khu vực ASEAN, Thầy có thể cho biết nhà trường đã làm gì để có được thành tựu đó?
TS. Nguyễn Việt Hà - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ:
Khi thành lập, Nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo chất lượng cao và nhân tài cho xã hội, vì vậy chất lượng đào tạo luôn được đặt lên hàng đầu.
Hiện nay 2/3 giảng viên của Trường có trình độ tiến sĩ, và hầu hết đều tốt nghiệp ở các trường đại học tiên tiến ở nước ngoài. Đồng thời, trường duy trì được tỷ lệ 12 sinh viên / 1 giảng viên.
Các chương trình đào tạo cũng như giáo trình đều được cập nhật thường xuyên, đảm bảo tính hiện đại, quốc tế.
Trường được đầu tư có chiều sâu và hiện có một hệ thống phòng thí nghiệm và phòng máy tính hiện đại.
|
TS. Nguyễn Việt Hà |
Vừa qua, chương trình đào tạo CNTT của Trường là chương trình đầu tiên trong nước được Hiệp hội các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) kiểm định và được đánh giá tương đương với các chương trình tiên tiến trong khu vực. Nhà trường có kế hoạch trong các năm tới sẽ kiểm định quốc tế tất cả các chương trình đào tạo còn lại.
Nhờ có chất lượng đào tạo như vậy nên: Trên 80% sinh viên của Trường có việc làm ngay khi tốt nghiệp; Rất nhiều sinh viên được nhận học bổng của doanh nghiệp và được tuyển dụng ngay khi còn đang học tập năm cuối
Sinh viên ra trường có thể làm việc ở bất cứ đâu và đã có rất nhiều bạn được nhận vào làm ở các tập đoàn lớn của nước ngoài cũng như đi học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.
• Nếu chúng em tốt nghiệp Trường ĐH CN thì sẽ có những cơ hội học tập và nghề nghiệp như thế nào?
TS. Nguyễn Việt Hà - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ:
Như tôi đã nói ở trên, trước tiên ở Trường ĐHCN các bạn sẽ được học tập trong một môi trường đào tạo chất lượng cao, với các thày cô giáo có trình độ và rất tâm huyết.
Về ngành nghề, chúng tôi tập trung đào tạo các ngành công nghệ cao và có nhu cầu xã hội cao như CNTT, ĐT-VT vì vậy các bạn sẽ có cơ hội nghề nghiệp rất tốt, hầu hết đều có việc làm ngay khi tốt nghiệp. Chương trình đào tạo Cơ điện tử của Trường được Viện máy và công cụ đặt hàng, sinh viên ngành này được cấp học bổng và được nhận vào Viện làm việc ngay khi tốt nghiệp.
Các bạn có cơ hội học tập theo các chương trình chất lượng cao và các chương trình tiến tiến, được hướng dẫn nghiên cứu khoa học và được học bổ sung tiếng Anh;
Các bạn cũng có thể lựa chọn học song song hai bằng đại học, ví dụ như học ngành VLKT và học thêm bằng ĐT-VT.
Nhà trường cũng có rất nhiều nguồn học bổng, trong đó có rất nhiều học bổng từ các công ty.
• Mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Vậy Thầy có thể cho biết mối liên kết này được thực hiện ở Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN như thế nào?
PGS.TS Phùng Xuân Nhạ – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế:
|
PGS.TS Phùng Xuân Nhạ |
Nhu cầu liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là một thực tế. Hiện nay đã có 31 doanh nghiệp ký MOU với ĐHKT, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như VNPT, VINASHIN, GAMI, Techcombank...
Mối liên kết giữa ĐHKT và doanh nghiệp: Doanh nghiệp tham gia XD chương trình ĐT, tham gia quản lý Khoa chuyên môn, giảng dạy, Guest Speaker. SV được tiếp cận với DN thông qua các đợt thực tập, thực tế. Hội nghị giao lưu doanh nghiệp với SV: Alphanam, Gami, ….
+ Hoạt động mang tính động viên, hỗ trợ: trao học bổng cho SV, tuyển dụng SV
+ ĐHKT tổ chức các lợp đào tạo ngắn hạn cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cán bộ DN, các bộ ngành liên quan.
• Năm 2010 ĐHKT có ngành học nào mới và có điểm gì mới trong tuyển sinh 2010?
PGS.TS Phùng Xuân Nhạ – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế:
- Năm 2009, Trường ĐHKT tuyển sinh 5 ngành ĐT: Kinh tế đối ngoại, Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, KTCT và KTPT.
Điểm trúng tuyển theo ngành kết hợp với điểm trúng tuyển vào trường theo khối thi. Nếu thí sinh đủ điểm vào trường theo khối thi nhưng không đủ điểm vào ngành đã đăng ký sẽ được chuyển sang ngành học khác có điểm trúng tuyển thấp hơn nếu còn chỉ tiêu. SV học tại ĐH Kinh tế có cơ hội được học thêm ngành Tiếng Anh, hệ chính qui tại ĐHNN.
Các Ngành học mới năm 2010: Ngoài các ngành đã tuyển như năm 2009, Năm 2010 Trường ĐHKT có tuyển thêm ngành học Kế toán, nhằm đào tạo cử nhân chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán đáp ứng nhu cầu hoạt động kế toán, kiểm toán của các doanh nghiệp, các hiệp hội kế toán, kiểm toán trong và ngoài nước.
- Điểm mới trong tuyển sinh 2010:
+ Phần thưởng lớn cho thí sinh đạt điểm thi xuất sắc: 30đ/30đ: 30 triệu đồng, 29,5/30đ: 10 triệu đồng và 29/30đ: 5 triệu đồng.
+ Sinh viên học tại ĐH Kinh tế ngoài cơ hội được học thêm ngành Tiếng Anh tại ĐHNN thì sinh viên học ngành KTCT và KTPT còn có cơ hội được học thêm ngành TC-NH hoặc Kế toán tại ĐHKT (bằng kép).
• Xin Thầy cho chúng em biết ưu thế của mô hình đào tạo giáo viên của Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN ?
|
PGS.TS Đặng Xuân Hải |
PGS.TS Đặng Xuân Hải - Giám đốc Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục của Trường ĐH Giáo dục:
Mô hình đào tạo 3+1: Đào tạo giáo viên trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Chính vì vậy, sinh viên được dạy bởi những giảng viên, giáo sư hàng đầu ở tất cả các lĩnh vực trong toàn ĐHQGHN.
Ngoài ra, các sinh viên được học nghiệp vụ sư phạm trong môi trường ĐH Giáo dục luôn đổi mới.
Trong những năm tới, trường ĐH Giáo dục sẽ triển khai đào tạo bằng kép các ngành sư phạm.
Những người thầy tốt nghiệp từ trường ĐH Giáo dục đã được xã hội đánh giá cao, đáp ứng cao các yêu cầu giảng dạy hiện đại.
Bằng việc liên kết với nhiều trường đại học, trung tâm khoa học uy tín trên thế giới, trường ĐH Giáo dục đang liên kết triển khai đào tạo người thầy đạt trình độ quốc tế.
• Em được biết Khoa Luật ĐHQGHN là cơ sở đào tạo có truyền thống lâu đời nhất trong cả nước. Xin cô nói rõ thêm về các chương trình đào tạo ở đây có gì khác biệt so với các cơ sở đào tạo Lụât khác?
TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Phó Chủ nhiệm Khoa Luật, ĐHQGHN:
Khoa Luật ĐHQGHN là cơ sở đào tạo Luật có truyền thống phát triển hơn 30 năm với tiền thân là Khoa Luật của ĐH Tổng hợp được thành lập từ năm 1976. Với vị trí là đơn vị độc lập trực thuộc ĐHQGHN, Khoa Luật luôn chú trọng tới việc xây dựng và phát triển những chương trình đào tạo mới nhằm đáp ứng kịp thời những nhu cầu của xã hội đối với nguồn nhân lực trong lĩnh vực Lụât học. Một trong những chương trình đào tạo được xây dựng và triển khai đầu tiên trong của nước đó là chương trình đào tạo cử nhân ngành Lụât kinh doanh do Khoa Luật ĐHQG được triển khai rất thành công từ năm 2002. Chương trình Cử nhân Lụât kinh doanh được xây dựng dựa trên cơ sở sự kết cấu logic giữa các khối kiến thức về kinh tế; pháp lụât về kinh doanh và thương mại quốc tế; kỹ năng tư vấn, đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện các thỏa thuận kinh doanh,…
Chương trình này đặc biệt chú trọng tới các vấn đề chuyên sâu, đòi hỏi những kỹ năng hành nghề riêng bịêt trong lĩnh vực pháp luật như: sản nghiệp thương mại, sở hữu trí tuệ, quản trị công ty, thương phiếu, thị trường chứng khoán, phá sản doanh nghiệp, thương nhân, nhượng quyền thương mại. Sau khi ra trường sinh viên có thể làm việc tại các doanh nghiệp, công ty, ngân hàng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội.
• Em đã tốt nghiệp một trường đại học và biết tiếng Nhật và có nguyện vọng học thêm một bằng Luật. Xin cô cho biết tại Khoa Luật ĐHQGHN có chương trình đào tạo nào phù hợp với em không?
TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Phó Chủ nhiệm Khoa Luật, ĐHQGHN:
|
TS. Nguyễn Thị Quế Anh |
Chúng tôi có chương trình đào tạo đặc biệt rất phù hợp với nguyện vọng của bạn. Khoa Lụât ĐHQGHN hiện nay là đơn vị duy nhất trong cả nước triển khai đào tạo chương trình cử nhân văn bằng 2 Luật Việt – Nhật.
Chương trình được thực hiện với sự hợp tác của Đại diện JICA Nhật Bản, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật bản (JETRO), Liên đoàn thương mại Nhật Bản (JBF).
Chương trình dành cho các sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học thuộc khối ngành kinh tế, KHXHNV, ngoại ngữ với trình độ tiếng Nhật đủ để tiếp thu khối kiến thức pháp lý được giảng dạy bằng Tiếng Nhật.
Chương trình đào tạo của mỗi khoá được thực hiện trong 2 năm với khối lượng kiến thức tương đương với 88 tín chỉ, trong đó có một phần dành cho việc giảng dạy các môn học về tiếng Nhật pháp lý và giới thiệu các ngành lụât cơ bản của Nhật Bản.
Phần tiếng Nhật pháp lý và giới thiệu các chuyên ngành Luật Nhật Bản sẽ được giới thiệu tới các sinh viên thông quan những chuyên gia Việt Nam đã từng học tập và nghiên cứu pháp luật nhiều năm tại Nhật Bản và đặc biệt là bởi rất nhiều các giáo sư Lụât giảng dạy tại các trường ĐH uy tín hàng đầu tại Nhật Bản.
• Em được biết Khoa Quốc tế - ĐHQGHN là đơn vị tổ chức các chương trình liên kết với các đại học nước ngoài, do ĐH nước ngoài cấp bằng. Thầy có thể nói rõ hơn về chương trình này?
GS.TSKH Nguyễn Trọng Do – Chủ nhiệm Khoa Quốc tế, ĐHQGHN:
Chúng tôi triển khai du học tại chỗ và du học bán phần. Trong những năm đầu, sinh viên có thể học các chương trình đại cương ở Khoa Quốc tế, sau đó theo học chương trình chuyên ngành tại trường đại học nước ngoài.
• Những điều kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn giáo dục quốc tế đối các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài tại Việt Nam:
|
GS.TSKH Nguyễn Trọng Do |
- Sinh viên theo học các chương trình liên kết với nước ngoài phải có trình độ ngoại ngữ đủ để nghe giảng, đọc sách và viết luận bằng ngoại ngữ. Ví dụ: Trình độ tiếng Anh tối thiểu là IELTS 5.5, tiếng Pháp: TCF 350, tiếng Nga: TRKI 1, tiếng Trung Quốc: HSK cấp 4.
- Đội ngũ giảng viên Việt Nam tham gia giảng dạy chương trình phải được tuyển lựa nghiêm ngặt theo các tiêu chí: Trình độ chuyên môn từ thạc sỹ trở lên; Có khả năng và đủ kinh nghiệm giảng dạy chuyên môn bằng tiếng nước ngoài. Ngoài ra, giảng viên của trường đối tác đảm nhiệm ít nhất 25-70% thời lượng chương trình;
- Đội ngũ quản lý, phục vụ đào tạo phải chuyên nghiệp, có trình độ ngoại ngữ tốt, tâm huyết và có trách nhiệm với công việc, thân thiện với sinh viên và giảng viên;
- Nội dung chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học, quy trình kiểm tra đánh giá được áp dụng theo chuẩn của các trường đại học nước ngoài;
- Nguồn học liệu phải đầy đủ, được cập nhật thường xuyên. Đảm bảo sinh viên và giảng viên được cung cấp đầy đủ giáo trình, sách giáo khoa, sách tham khảo, tài liệu tra cứu để phục vụ cho học tập và nghiên cứu;
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập phải đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài các chương trình đào tạo đại học, sau đại học liên kết với các trường đại học nước ngoài, do trường đại học nước ngoài cấp bằng, Khoa Quốc tế còn tổ chức hai chương trình đào tạo đại học do ĐHQGHN cấp bằng, đó là: Chương trình Kế toán, phân tích và kiểm toán đào tạo bằng tiếng Nga, được triển khai từ năm 2002 và chương trình Kinh doanh quốc tế đào tạo bằng tiếng Anh bắt đầu tuyển sinh từ năm nay (2010).
• Em rất muốn biết rõ những điểm mới về tuyển sinh năm 2010 của Khoa Quốc tế - ĐHQGHN?
GS.TSKH Nguyễn Trọng Do – Chủ nhiệm Khoa Quốc tế, ĐHQGHN:
Chúng tôi kết hợp việc xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở PT và điểm thi đại học theo 3 khối vào các chương trình đào tạo liên kết quốc tế .
Ngoài các ngành học đã tuyển sinh trong năm 2009, năm 2010, Khoa Quốc tế đưa vào tuyển sinh hai ngành học mới, đó là: Kinh doanh quốc tế đào tạo bằng tiếng Anh do ĐHQGHN cấp bằng và Khoa học Quản lý (chuyên ngành: Kế toán, Kinh doanh quốc tế) liên kết với Đại học Keuka (Hoa Kỳ) do Đại học Keuka cấp bằng. Những sinh viên có nguyện vọng có thể chuyển theo học tại Đại học Keuka hoặc các trường đại học khác trên thế giới.
• Là một người gắn bó với ĐHQGHN ngay từ những ngày đầu thành lập và có nhiều năm kinh nghiệm đứng trên bục giảng, GS có lời khuyên gì đối với các bạn học sinh để các bạn ôn thi tốt môn văn?
PGS. Hà Văn Đức – Chủ nhiệm Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV: Tôi có vài lời khuyên với các em học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp PTTH và kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm 2010 đối với môn văn là các em cần nắm chắc khối kiến thức về tác giả, tác phẩm trong chương trình ôn thi. Bên cạnh đó là chú ý học đều tất cả các phần học trong chương trình. Và cuối cùng là nắm chắc cấu trúc đề thì do Bộ GD&ĐT ban hành.
• Từ một sinh viên được chuyển tiếp sinh và hiện là giảng viên của Khoa Sinh học, Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN, anh có thể nhận xét về môi trường học tập và cơ hội phát triển tại ĐHQGHN?
|
Cựu sinh viên Trương Ngọc Kiểm | Anh Trương Ngọc Kiểm – Giảng viên Khoa Sinh học, Bí thư Đoàn Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN:
ĐHQGHN có môi trường học tập tốt, chúng tôi được học tập dưới sự giảng dạy của các chuyên gia hàng đầu đất nước, cùng với đó là các phương tiện và cơ sở vật chất phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu hiện đại. Đặc biệt, theo học tại ĐHQGHN, các bạn sinh viên còn có cơ hội được giao lưu với bạn bè quốc tế. Tôi rất tự hào là sinh viên của ĐHQGHN. Nếu cho tôi lựa chọn lại thì tôi vẫn sẽ chọn học tập tại ĐHQGHN.
Bạn đọc quan tâm đến tuyển sinh vào ĐHQGHN có thể gửi câu hỏi và nhận câu trả lời trên website của chúng tôi.
Địa chỉ email gửi câu hỏi: news@vnu.edu.vn
|