Tham dự buổi làm việc còn có GS.TS Nguyễn Hữu Dư – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, PGS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế và PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – Trưởng Ban Đào tạo,...
Tại cuộc họp, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến hoạt động khoa học trong nước và quốc tế. GS.VS bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến các nghiên cứu khoa học liên quan tới lĩnh vực hạt nhân, trong đó có vật lý hạt nhân, năng lượng hạt nhân,...
Bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, Giám đốc và Phó Giám đốc ĐHQGHN cho rằng việc xây dựng chương trình hành động của ĐHQGHN triển khai Nghị định của Chính phủ về đào tạo nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân là cần thiết. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ Nghị định này, ĐHQGHN sẽ xây dựng các đề án để triển khai các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học cụ thể. Giám đốc ĐHQGHN cho rằng việc xây dựng đề án cần hướng tới sản phẩm đầu ra để xác định mức đầu tư. Cùng với đó, việc thành lập một nhóm nghiên cứu gồm các đại diện của ĐHQGHN tham gia vào các dự án quốc tế về lĩnh vực hạt nhân là một trong những vấn đề cấp thiết.
Dựa trên thế mạnh về khoa học cơ bản của Trường ĐHKHTN, khả năng hợp tác quốc tế rộng mở và tiềm lực của đội ngũ cán bộ khoa học của ĐHQGHN, theo GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, trong 5 năm tới, cán bộ ĐHQGHN sẽ có tên trong các nghiên cứu công bố trên tạp chí uy tín hàng đầu thế giới về lĩnh vực hạt nhân.
Dưới nhãn quan của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, Trường ĐHKHTN là đơn vị đứng đầu về uy tín khoa học; làm ra tiền ra của là Trường ĐH Công nghệ và tư vấn về các chính sách kinh tế, chính sách quản lý cho Nhà nước là Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN.
Các nhà khoa học, nhà quản lý tham dự cuôc họp đã cùng thảo luận về công tác hợp tác quốc tế, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chính sách quản lý liên quan đến lĩnh vực hạt nhân.
GS. Nguyễn Hữu Đức đã chỉ đạo: Đào tạo kỹ thuật hạt nhân ở ĐHQGHN phải kết hợp được các thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực. Định hướng phát triển đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân cần tập trung vào mục tiêu chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực làm nòng cột cho đội ngũ khoa học cơ bản về hạt nhân cho quốc gia trong thập kỷ tới. Mô hình đào tạo cần dựa vào thế mạnh của liên thông, liên kết giữa các đơn vị trong ĐHQGHN, theo đó phương thức đào tạo tín chỉ sẽ phát huy hiệu quả. Trường ĐHKHTN có thể là đầu mối của chương trình đào tạo này, nhưng sinh viên có thể chọn một số chuyên ngành đào tạo ở các trường đại học thành viên khác. Việc phát triển các chương trình đào tạo thạc sĩ theo mô hình 1+1 trong khuôn khổ đề an 322 cũng đã được thảo luận.
Cuộc họp diễn ra đúng ngày sinh nhật tuổi 72 của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu. Thay mặt tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên ĐHQGHN, Giám đốc Mai Trọng Nhuận đã tặng bó hoa chúc mừng sinh nhật và bày tỏ sự tri ân đối với GS.VS Nguyễn Văn Hiệu – người dành cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học, người có công lao to lớn trong việc gây dựng và phát triển Trường ĐH Công nghệ nói riêng và phát triển ĐHQGHN nói chung. GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đồng thời là một giảng viên đại học mẫu mực, một nhà quản lý ở cấp vĩ mô có tầm nhìn chiến lược, một người luôn đau đáu, trăn trở tìm giải pháp cho sự tiến bộ của nền giáo dục nước nhà.
Được biết, trong thời gian nghiên cứu và học tập tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Đúpna - Liên Xô trước đây, trong hai năm 1961 đến 1963, nhà vật lý Nguyễn Văn Hiệu đã hoàn thành nhiều công trình về lý thuyết tương tác yếu giữa các hạt cơ bản, các tính chất của các biên độ tán xạ các hạt nhân năng lượng cao. Những nghiên cứu của nhà khoa học Nguyễn Văn Hiệu đã gây một tiếng vang rộng lớn khi chứng minh được các hệ tiệm cận của các biên độ tán xạ.
Công trình “Lý thuyết đối xứng các hạt cơ bản” của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã được xuất bản thành sách tại Liên Xô và được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Cùng với GS.TS Lôgunốp và một số nhà vật lý khác, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã phát minh ra quy luật mới trong lĩnh vực vật lý hạt nhân năng lượng cao - quy luật “bất biến kích thước của tiết diện các quá trình sinh hạt”. Với công trình này, Nguyễn Văn Hiệu là một trong số rất ít những nhà khoa học của Việt Nam được Uỷ ban Nhà nước Liên Xô về phát minh và sáng chế cấp Bằng phát minh.
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đồng thời nguyên là Giám đốc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia; nguyên Viện trưởng Viện Vật lý, Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam.
|